Thơ Cao Xuân Sơn và những chiêm nghiệm sâu sắc

613

Nguyễn Vũ Tiềm

Hội Nhà văn TPHCM đã công bố danh sách tác giả được nhận “Giải thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM năm 2020”, trong đó có tác giả Cao Xuân Sơn với tập thơ  “Bấm chân qua tuổi dại khờ”.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn bận rộn với công tác quản lý ở Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TPHCM nhưng bút lực của anh lúc nào cũng dồi dào, đến nay anh đã xuất bản 6 tập thơ và 10 tác phẩm cho lứa tuổi thiếu niên. Tập thơ “Bấm chân qua tuổi dại khờ” là tác phẩm thơ mới nhất.

Tác giả Cao Xuân Sơn và tập thơ “Bấm chân qua tuổi dại khờ”

Trong tập thơ này, đề tài rất phong phú nhưng xin cho miễn nói đến đề tài mà xin nói đến phần cảm nhận trực giác đâu tiên nổi bật nhất, ấy là tính chiêm nghiệm sâu sắc. 

Ở bài “Bấm chân qua tuổi dại khờ” mà anh dùng làm tên chung cho tập thơ, có câu rất ấn tượng: Bấm chân qua tuổi dại khờ/vẫn mê hồn trận cuộc cờ thế gian.

Hình ảnh “bấm chân” cho thấy, con đường trơn trượt khó khăn của chủ thể khi phải vượt qua tuổi ấu thơ khờ dại để cập tuổi lớn khôn. Nhưng ở vị trí mới này anh vẫn lạc vào “mê hồn trận” trong “cuộc cờ thế gian”.

Ở đây thấy sự trải nghiệm khó khăn cực nhọc và đối diện với những rối ren khó lường của bàn cờ thế sự. Tính khái quát trong một câu thơ ngắn gọn đáng để người đọc chú ý, có thể dừng lại nghĩ suy. Viết được câu thơ này thường là người đã qua tuổi “tri thiên mệnh”.

Và như thế, anh đã phải nhiều đêm thao thức: Đêm đêm anh như cây nến/giật mình/tự thắp. (Tự thắp).

Câu này còn ngắn gọn cô đọng hơn. Những câu thơ hay của Cao Xuân Sơn thường là thông qua ẩn dụ với những hình ảnh quen thuộc (cây nến) nhưng được đặt trong tương quan mới (giật mình/tự thắp). Cái mới ở đây là cây nến được nhân cách hóa, nó biết giật mình, biết tự thắp sáng.

Sự tự thức tỉnh, tự giác ngộ tức là tự thân vận động mới thực sự mang lại những giá trị đích thực chứ không phải từ bên ngoài dội vào. Sáng tạo của nhà thơ chính là ở đó.

Bìa tập thơ “Bấm chân qua tuổi dại khờ”

Về nội dung chiêm nghiệm, Cao Xuân Sơn có một số câu thơ tài hoa khác: Nhắm mắt biết vòm trời đang tốc mái/ngăn làm sao siêu bão mỗi lòng người. (Trưa thinh lặng).

Đọc câu thơ này, tôi phải dừng lại, sao không là “ngôi nhà tốc mái” mà lại là “vòm trời đang tốc mái”? Ngôi nhà tốc mái là chuyện bình thường, chả có gì đáng nói, nhưng “vòm trời tốc mái” mới là điều đáng nói. Nhiều khi mở mắt không nhìn thấy mà nhắm mắt lại mới nhìn thấy và còn thấy rõ hơn.

Ấy là thơ hướng nội, cảm nhận bằng lòng mình sẽ thấy rõ hơn cái hiện thực đời sống vốn xô bồ ngổn ngang và thật giả trắng đen lẫn lộn. Đọc thơ phải biết vượt ra khỏi nghĩa đen để đến với nghĩa bóng mới cảm nhận được cái hay cái đẹp của câu thơ, bài thơ.

Nhờ có “giật mình/tự thắp” mà nhà thơ nhận ra được chân giá trị ở những trường hợp đặc biệt: Mình tự vỗ vai mình/tự ban thêm sức mạnh/hoa sứ rụng vào đêm/vẫn thơm mùi đức hạnh. (Đêm hoa sứ).

Từ “tự  thắp” đến “tự vỗ vai mình” là một mô-típ mang Made in  Cao Xuân Sơn khá rõ nét. Rồi “tự thắp” và “tự ban thêm sức mạnh” nữa, quả thật làm thơ mà có được “nhãn mác” thế này là khó lắm, cực kỳ khó và số người đạt được không nhiều.

Và tiếp theo, anh có hai câu thơ hay: “Hoa sứ rụng vào đêm/ Vẫn thơm mùi đức hạnh”. Câu  sau có tương quan mới mẻ khác lạ, một sáng tạo đẹp. Từ câu thơ này, ta có thêm khái niệm về đức hạnh, đó là đức hạnh có hương thơm. Mới biết sức sáng tạo của nhà thơ phong phú vô vàn.

Cũng từ “giật mình/tự thắp” mà nhà thơ nhận rõ được cái thật, cái giả: Thấy vậy mà không phải vậy/chao ôi tay bắt mặt mừng’/lá mặt đâu ngờ lá trái/thình lình dao đâm sau lưng. (Thấy vậy mà không phải vậy).

Đến thực tế phũ phàng này của thế sự, nhà thơ không ẩn dụ xa xôi mà nói thẳng vào vấn đề. Cuộc sống có những điều xót xa đau đớn cần được phơi bày cho rõ trắng đen, Cao Xuân Sơn không né tránh nhưng tất nhiên anh vẫn nói bằng thơ, đó là thơ chính luận. Loại thơ này chiếm tỉ lệ không cao và như thế là hợp lý.

Cao Xuân Sơn chiêm nghiệm từ cụ thể đến trừu tượng: Một ngàn ngày nữa cho anh, anh sẽ làm gì?/Một trăm ngày nữa cho anh, anh sẽ làm gì?

Câu hỏi này tưởng bình thường mà làm ta giật mình, tất nhiên với những người lớn tuổi. Ôi, cuộc sống mới đáng quý làm sao và thời gian lại càng quý giá hơn nhiều. Các bạn lớn tuổi, đã khi nào các bạn đặt cho mình câu hỏi trên đây chưa? Riêng tôi thấy giật mình và ngẫm nghĩ nhiều lắm, làm sao để những giờ phút cuối cùng của đời người không làm ta hụt hẫng.

Điều này thật không dễ chút nào. Và câu hỏi của Cao Xuân Sơn cứ canh cánh bên mình, nhắc nhớ mình nhiều lắm. Anh viết tiếp: Một giây là dài, ngàn năm cũng ngắn  (Anh hót đây này)

Đây lại là một nghịch lý, nhưng ngẫm lại xem, nhà thơ nói có lý đấy, ta thử chiêm nghiệm cùng anh xem sao: Chiều rồi, phố bỗng đầy mây/ Lá mình thì bạc, tóc cây thì vàng/Mặc tình nỗi nhớ đi hoang/Nẻo dọc thì đứt, đường ngang thì rầu. (Chiều rồi).

Buổi chiều của một ngày hay một đời người? Có lẽ cả hai, lại thấp thoáng tình yêu nữa thì phải! Sao lại có hình ảnh lạ này “Lá mình thì bạc, tóc cây thì vàng”? À chắc là nhà thơ không tiện nói về mái tóc của mình? Đây lại là một cách nói ẩn dụ mới mẻ của Cao Xuân Sơn.

Kiếp người lóa nắng, trắng sương/tử sinh hun hút đoạn trường giá băng. (Một mình một dáng Pisa).

Anh lại nói đến “kiếp người” với những hình ảnh khiến ta không thể không day dứt: “lóa nắng, trắng sương” rồi “tử sinh hun hút đoạn trường giá băng”. Một kiếp người lắm nỗi ưu tư như thế làm sao ta có thể thờ ơ được?

Trong bài “Vịn”, anh có câu thơ gan ruột: Đường gần hun hút nẻo xa/vịn vào nước mắt mà qua phận mình.

Sao “đường gần” mà lại “hun hút nẻo xa”? Một nghịch lý làm ta lại phải suy ngẫm. Trong cuộc sống thiếu gì một cái đích rất gần mà ta đi mãi không tới! Thì ra không phải phi lý mà rất có lý. Đây lại là một tìm tòi phát hiện của nhà thơ mang tính triết lý cuộc đời. Đoạn đường nhọc nhằn thế sao không chọn cái gì vững vàng để vịn mà lại “vịn vào nước mắt”? Lại một nghịch lý nữa! Nhưng đấy mới là con đường của nhà thơ, anh phải đến với những mảnh đời bất hạnh, những mất mát đớn đau đặng mà cảm thông chia sẻ. Thơ làm vơi đi một giọt nước mắt là một đóng góp quý giá cho cuộc đời.

Và từ vị trí này, anh soi chiếu vào hiện thực: Đêm nghiêng vỡ giấc thị thành/nỗi quê cục tác vào anh tiếng gà. (Đêm nghiêng vỡ giấc thị thành).

Câu thơ thật tự nhiên nhưng được thiết kế khá công phu qua những tương quan ngôn từ đặc biệt: “vỡ giấc thị thành” và “cục tác vào anh tiếng gà” khiến câu lục bát truyền thống trở nên mới mẻ, hiện đại. Thì ra sống ở thị thành nhưng anh vẫn có nhiều những “đêm nghiêng” nặng lòng với quê hương đồng ruộng. Rồi ký ức tuổi thơ trở về: Kỷ niệm cũ như bầy dơi thiếp ngủ/chợt cựa mình trong hang động thời gian. (Nho Quan).

Câu thơ cho ta thấy hình ảnh một người rất nặng lòng với quá khứ với những chiều sâu suy tư trải nghiệm. Từ đó, anh nhìn cuộc sống mới với lăng kính trân quý, bao dung: Em gái nào thoáng gặp/ cũng như là cô dâu…

Viết về các thiếu nữ, nhiều nhà thơ, nhà văn đã có những so sánh rất hay và đẹp, nhưng với so sánh này của Cao Xuân Sơn vẫn làm ta thấy bất ngờ và thú vị. Một hình ảnh tiếp theo: Nắng tưng bừng váy áo/xuân đầu cành râm ran. (Mộc Châu hò hẹn).

Đây là những câu thơ hay về miền núi đáng lưu vào bộ sưu tập.

Trong tập sách còn một mảng thơ tình rất đáng chú ý. Đứng trước tháp nghiêng Pisa, anh viết: Yêu là tự mất thăng bằng/là dan díu cái vĩnh hằng chung chiêng. (Một mình một dáng Pisa).

Tháp Pisa nghiêng đã qua hàng thế kỷ, độ nghiêng này đã được bàn thảo quá nhiều phần lớn là trên bình diện khoa học. Đây là cảm hứng của nhà thơ, một phát kiến “mất thăng bằng” khá lý thú. Có người nói, yêu là tìm đến một nửa còn khuyết tức là tạo dựng sự thăng bằng, còn câu thơ trên Cao Xuân Sơn viết “yêu là tự mất thăng bằng”, cả hai cách nói tuy trái ngược nhau nhưng đều có lý cả, nhưng cách nói thứ hai nên thơ hơn. Đây chính là điều bí mật mà chỉ có thơ mới làm được mà thôi.

Ta với người sỏi đá chợt bên nhau/hư ảo trong sương, vầng dương hấp háy/những buổi chiều run rẩy nỗi không đâu. (Mê khúc)

Vẫn là cảm hứng “mất thăng bằng” nhưng ở tình thế khác đó là “hư ảo trong sương”, hiện thực và huyền ảo lồng vào nhau khó phân biệt để rồi dẫn đến một buổi chiều “run rẩy nỗi không đâu”. Tình yêu là vậy chăng? Có phải vì thế mà Cao Xuân Sơn đau đớn viết: Em có thể quét anh khỏi trí nhớ em mỗi ngày như người ta quét rác. (Trái tim đầy gió).

Sự quyết liệt này có lẽ cũng thể hiện tình yêu nồng cháy? Trong lĩnh vực trái tim thì không ai dám khẳng định một điều gì mà chỉ có thể đoán chừng một cách mơ hồ ảo diệu mà thôi. Về thơ tình, có người viết chẻ hoe, phơi bày, nhục thể; có người kín đáo ý nhị.

Loại thứ hai này thường đa nghĩa, tính khái quát cao, sang trọng và lịch sự. Tất nhiên khó hơn là cái chắc. Cao Xuân Sơn thuộc diện thứ hai. Cũng giống như đoạn thơ sau đây thuộc về một tâm trạng nào đó khó đoán định mà chỉ thấy bảng lảng một nét đẹp làm vơi đi nỗi phiền muộn nơi trần thế nhiều oan khiên, ngang trái: Lá chín thầm trên cây heo may/lót đót vàng thu từng phiến bay/phố không là phố chiều qua nữa/hồn chợt ngu ngơ nắng chợt gầy. (Lá chín thầm trên cây heo may).

Câu thứ ba: “phố không là phố chiều qua nữa” gợi cho tôi nhớ câu nói nổi tiếng của triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” để nói về sự vận động không ngừng của vạn vật trong vũ trụ. Và câu “Lá chín thầm trên cây heo may” như bức tranh tĩnh vật mà rất sống động. Viết như thế mới thật là khó và thật là thơ.

Qua thơ, Cao Xuân Sơn mang đến cho chúng ta nhiều nỗi niềm nhân thế. Anh chiêm nghiệm từ cảm xúc, tư duy của chính bản thể. Những dòng thơ chiêm nghiệm mang tính tư tưởng và có tầm khái quát khá hiện đại khiến thơ anh tạo nên được ấn tượng tốt và chiếm được cảm tình trong lòng bạn đọc.

Nhưng suy tư nhân sinh và thế sự ở đầu thế kỷ XXI này của Cao Xuân Sơn quả có nhiều đắc dụng và chia sẻ sâu xa. Ở tập thơ này xét về phương diện bút pháp, Cao Xuân Sơn vẫn phát huy được sở trưởng của mình ấy là thơ truyền thống và đổi mới nhưng có nhiều tìm tòi công phu về nghệ thuật. Đây rõ ràng là một bước tiến mới trong hành trình tiếp cận cái đẹp vĩnh hằng thi ca của anh.

Sáng 19/2, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức lễ trao giải thưởng văn học hằng năm cho các tác giả đoạt giải năm 2020 và kết nạp hội viên mới tại số 81 đường Trần Quốc Thảo, Q.3, TPHCM.

Giải thưởng của Hội Nhà văn TPHCM năm 2020 được trao cho các tác giả: Nhà văn Xuân Phượng – tác phẩm: Gánh gánh Gồng gồng; tác giả Bùi Quang Lâm – tác phẩm: Đất K; tác giả Cao xuân Sơn – tác phẩm: Bấm chân qua tuổi dại khờ.

Tặng thưởng Hội Nhà văn TP.HCM năm 2020 dành cho các tác giả: Huỳnh Dũng Nhân – tác phẩm: Chúng tôi – một thời mũ rơm mũ cối;  Vũ Văn Song Toàn – tác phẩm: Đoản khúc chiều phù dung; Trần Hoài Anh – tác phẩm: Đi tìm mỹ cảm văn chương.

N.V.T/ Theo GDTĐ