Thơ Đặng Bá Tiến và nỗi đau mất mát của đại ngàn Tây Nguyên

953

(Vanchuongphuongnam.vn) – Những năm gần đây Đặng Bá Tiến nổi bật lên như là một trong những nhà thơ có bản sắc nhất của vùng văn học Tây Nguyên. Ông sinh năm 1952, quê xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, hiện là Phó Chủ tịch Hội VHNT Đắk Lắk, thường trú tại Buôn Ma Thuột. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (A.VAPA), Hội viên Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế (A.FIAP).


Nhà thơ Đặng Bá Tiến.

Là một người đa tài, một nhà báo có danh của báo Lao động, một nghệ sĩ Nhiếp ảnh đạt nhiều Huy chương Vàng, Bạc, Đồng quốc tế và trong nước… nhưng Đặng Bá Tiến đã đậu lại bến thơ như một hoạt động sáng tạo có ý nghĩa nhất của đời mình với nhiều giải thưởng và sự yêu mến của độc giả.

Đặng Bá Tiến sáng tác thơ khá sớm và bắt đầu nổi danh từ tập trường ca “Rừng cổ tích” (Nxb. Hội Nhà văn, 2012) – Giải Nhất Cuộc vận động sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2010 – 2014. Nhà thơ – Nhà phê bình Vũ Quần Phương đã có những lời nói về tác phẩm này thật tri âm, tri kỷ: “… Bảo vệ rừng là chủ đề không còn mới và cũng khó tìm ra chất liệu thơ khác lạ. Ấy thế mà thơ Đặng Bá Tiến đã gây được ngạc nhiên thích thú… Phong vị Tây Nguyên thấm vào hồn câu, hồn chữ của thơ anh thanh thoát, hồn nhiên lắm lắm, nếu so với ‘Lửa sáng rừng’ của Thái Giang hay ‘Bài ca chim chơ rao’ của Thu Bồn từ già nửa, non nửa thế kỷ trước. Việc xã hội nhưng đã thành nỗi đau riêng, đau vào thân xác, vào tình cảm. Đặng Bá Tiến đã nhập toàn hồn toàn trí vào cuộc đấu tranh này. Sức lôi cuốn của thơ anh trong vạt đề tài này là vậy, do vậy”.

“Linh hồn tiếng hú” (Nxb Hội Nhà văn, 2020) là tập thơ thứ 6 của Đặng Bá Tiến. Tác phẩm tiếp tục đào sâu, mở rộng thêm những chủ đề, đề tài của trường ca “Rừng cổ tích” và tập thơ “Hồn cẩm hương” (Nxb Hội Nhà văn, 2017).


Bìa tập thơ “Linh hồn tiếng hú” của Đặng Bá Tiến.

Hồn thơ Đặng Bá Tiến đủ độ chín, độ từng trải, lịch lãm để mở rộng đề tài, chủ đề và sâu sắc thêm về cảm nghĩ. Hình ảnh đất nước và con người Việt Nam từ Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, miền Trung, đồng bằng Bắc Bộ, Tây Bắc, Việt Bắc đến Trường Sa, Côn Đảo… vừa giàu chất thơ, vừa gắn với những triết lý nhân sinh, thể hiện hài hoà cái nhìn thấy với cái cảm nghĩ. Góc nhìn cuộc sống của Đặng Bá Tiến khá đa dạng. Ông có những bài thơ thể hiện tâm hồn thi sĩ của mình trước thiên nhiên mùa Xuân, mùa Thu đại ngàn tuyệt đẹp. Ông chia sẻ hạnh phúc với bà con Buôn Tring đang xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại hoá. Nhưng tư duy sắc sảo, chuyên phát hiện vấn đề đã không cho phép Đặng Bá Tiến dừng lại ở cách nhìn cuộc sống một cách lãng mạn, xuôi chiều với cảm hứng ngợi ca. Ám ảnh, nhức nhối nhất trong thơ ông vẫn là những vấn đề liên quan đến tình trạng mất rừng và rộng ra là sự mai một, tan rã của văn hoá rừng ở Tây Nguyên.

Trong tâm lý học sáng tạo văn học, nghệ thuật có khái niệm vùng thẩm mỹ. Một nhà thơ viết rất hay về đề tài này có thể vụng về ở đề tài khác. Trong thực tế sáng tác có tình trạng nhà nghệ sĩ không tự biết đâu là sở trường, đâu là sở đoản. Họ chạy theo hết đề tài này đến đề tài khác với tâm thế hời hợt, “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Tôi cho rằng chất liệu của thơ không phải là cái nhìn thấy, nghe kể mà là những hình ảnh, sự kiện cuộc sống và con người đã in sâu vào tâm hồn, thậm chí là vào cõi tiềm thức, vô thức của nhà thơ. Đó là chất liệu thiêng liêng, sống động, chín đằm trong lò nung sáng tạo của người nghệ sĩ. Không có chất liệu thiêng liêng này không thể có văn học nghệ thuật đích thực. Phương thức sáng tạo của thơ là “thâm canh” chứ không phải “quảng canh”. Có thể nói văn hoá rừng Tây Nguyên là vùng thẩm mỹ quen thuộc, sở trường của Đặng Bá Tiến. Nhà thơ đã dành tất cả tâm hồn cho rừng, vui, đau với rừng. Rừng không chỉ là rừng cho con người các dân tộc môi trường tồn tại: Cái ăn, cái ở mà còn là văn hoá rừng, là bản thân cuộc sống. Khai thác, tàn phá rừng đến mức độ hủy diệt là tội ác không thể biện minh, là bắt đầu của thảm hoạ. Đặng Bá Tiến là nhà thơ đã thể hiện một cách ấn tượng nhất, buốt nhói nhất những điều đó với nỗi đau có thể cảm nhận bằng thân thể:

Mùi nắng tháng ba thơm ngát lan rừng

màu gió tháng năm xanh tươi mầm biếc 

những đêm tháng mười nằm nghe da diết

tiếng lá khộp rơi biết sắp chuyển mùa… 

Ta bạn với rừng mà bỗng bơ vơ

không thú, không cây, không cả làn gió mát

buồn, ôm ché uống hoài không trôi hết

nỗi nhớ rừng nghẹn đắng giữa lòng ta! 

Để tạo ấn tượng sâu sắc cho nỗi đau mất rừng, Đặng Bá Tiến đã tập trung tái hiện rừng xưa đã mất với những hình ảnh nên thơ, giàu phong vị cảnh sắc Tây Nguyên. Nhà thơ thường sử dụng phương thức trữ tình nhập vai, khi là người thợ săn và thuần dưỡng voi Ma Kông huyền thoại, khi là các già làng, khi là người mẹ dân tộc ít người để nói về rừng. Đây là giấc mơ của Già làng Ay Nô về sự tái sinh của rừng xưa, bản cũ:

Cà te, cẩm lai, giáng hương, sến, gõ

cây thấp, cây cao, cây to, cây nhỏ

ong bao đõ đầy cành

lan rực rỡ đầy thân 

voi từng đàn rung chuyển Bản Đôn 

hổ, báo, nai, công trăm bầy nhảy múa

Sê-rê-pốc không trơ lòng nữa

nước vỗ đôi bờ, tôm cá tung tăng…

Bản Đôn lại như xưa

rừng chẳng ở đâu bằng!

(Chuyện không hot)

Nhưng không thể quay ngược thời gian để lại được sống thủa con người chan hoà cùng chim muông, cây cỏ. Thực trạng là rừng đã bị khai thác đến cạn kiệt, để lại một quang cảnh hoang tàn:

Bụng nhớ lá bép rừng

gối bò mười con dốc

mồ hôi rơi nhão đất 

chỉ thấy lau xạc xào.

(Chuyện của Mí)

Nói đến Tây Nguyên là nghĩ đến đại ngàn đầy cổ thụ, muông thú mà ấn tượng nhất là voi. Số phận loài voi ngày nay thật thê thảm:

Những con voi già cuối cùng liêu xiêu đứng, đi theo lệnh

vài khúc mía tong teo nhai trong nước mắt hai hàng…

(Nước mắt ở Bản Đôn)

Người dân Tây Nguyên đang sống một cuộc sống ngày càng được cải thiện, hiện đại hoá đồng thời với sự  dang dở, ngổn ngang, đứt gãy về văn hoá. Cái cũ đã bị tàn phá, mai một. Cái mới thì chưa thật sự định hình. Thực trạng Bản Đôn – làng du lịch nổi tiếng là một ví dụ:

Nhà xây lấn nhà sàn

quán hàng chen chúc mọc

nhạc xập xình lộng óc

chiêng úp mặt buồn thiu.


Em M’nông nửa chiều

ngồi tô môi đỏ chót

taxi đang chờ “hốt”

em “đi phiêu” đêm này...

Sự đứt gãy, đối lập về văn hoá giữa các thế hệ đã được Nhà thơ thể hiện một cách chua xót. Nghe già làng kể về giấc mơ rừng tái sinh, lũ trẻ không chỉ dửng dưng mà còn hành động như là nhạo báng:

đứa nghêu ngao nhạc rốc

đứa dậm chân nhảy nhót rung sàn

chúng bảo chuyện của già không hot

rồi rời sàn bỏ lại Ây Nô

ngồi cúi đầu như gốc cây khô

một gốc cây khô biết rơi nước mắt! 

(Chuyện không hot)

Giá trị của một tác phẩm thơ cô đọng ở cái phần đặc sắc nhất của nó. Chủ đề, đề tài của tập “Linh hồn tiếng hú” khá phong phú, đa dạng. Tôi chỉ mới đề cập đến một phần là những thi phẩm giàu chất thơ mang phong vị Tây Nguyên. Sáu mươi chín bài thơ của tập là sáu mươi chín văn bản đầy tính mời gọi: Hãy đến với thơ Đặng Bá Tiến.

                                                                                 Đà Lạt, 30 tháng Tư, 2020

Phạm Quốc Ca

* Chùm thơ của Đặng Bá Tiến

LINH HỒN TIẾNG HÚ 

Tôi như trôi trong tiếng hú mơ hồ
tiếng hú từ những nhà mồ?
từ rừng xưa?
âm…âm…u…u
chập chờn quẩn quanh bờ bụi
quẩn quanh góc sàn, chái bếp
gọi người? gọi giàng?
hờn, oán chi ai?  

Đêm Bản Đôn*
đâu chỉ mình tôi đánh rơi giấc ngủ
già Ây Nô ngồi tựa cột thâu đêm mắt nhòe ngọn lửa
già Khăm Xay mỏi mòn bên bậu cửa
sương trắng giăng
trăng không cổ thụ gác mình
trăng rơi trong vũng nước trâu đầm
con voi già trầm ngâm
không còn bạn để quấn vòi cho đỡ tủi…

Tất cả đều nghe
không phải bằng tai mà bằng ruột gan khắc khoải
tiếng hú từ thăm thẳm thời gian
vọng về từ những mùa săn voi xa lắc
từ những tháng ba hú gọi nhau đi tìm mật
rừng cổ thụ bảy tầng ong bao đõ đung đưa
tiếng hú từ những cơn mưa xưa
cá say nước đầu mùa nổi đầy Sê rê pốc
cá vớt lên tràn khoang độc mộc
đêm
tiếng hú thơm rượu cần,thơm cá nướng
khắp làng buôn…

Tiếng hú xưa
giờ như cứa vào tim
còn đâu
tìm đâu tiếng hú?

Già Ây Nô ơi
già Khăm Xay ơi
đừng thức nữa
chỉ linh hồn tiếng hú
vọng
trêu ngươi…  

BMT,1.8.2018

Chú thích: (*) Bản Đôn, tỉnh Đắk Lắk xưa kia là vùng đất nổi tiếng, bởi ở đây có nghề săn bắt, thuần dưỡng voi, có đại ngàn mênh mông và nhiều tập tục văn hóa đặc sắc.

ÂY NÔ NHỚ RỪNG 

(Tặng Ây Nô – già làng ở Bản Đôn)

Ba ché, nào đã thấm gì ta
sao rừng chẳng về cùng uống rượu?
cần đã cắm mà không bàn tay níu
ta say một mình, nước mắt đẫm trăng khuya!

Cẩm, hương đâu? đâu công, phượng ngày xưa?
sao tán không xòe? sao không múa nhảy?
ta ở giữa rừng xưa mà hoang tàn trống trải
không chim hót trên đầu, chỉ gió hú trêu ngươi…

Ta say ư? ta già lắm rồi ư?
ừ, ta bạn cùng bạt ngàn cổ thụ
ta bạn với rừng thuở còn ôm bầu vú
nằm trong địu đung đưa, gió lá ru hời…

Ta hiểu, ta yêu như máu thịt trong người
tiếng hoẵng kêu mưa bồi hồi gan ruột
tiếng vượn hót báo quả rừng đã ngọt
tiếng ong bay… đã tụ mật trong hồn

Mùi nắng tháng ba thơm ngát lan rừng
màu gió tháng năm xanh tươi mầm biếc
những đêm tháng mười nằm nghe da diết
tiếng lá khộp rơi biết sắp chuyển mùa…

Ta bạn với rừng mà giờ bỗng bơ vơ
không thú, không cây, không cả làn gió mát
buồn, ôm ché uống hoài không trôi hết
nỗi nhớ rừng nghẹn đắng giữa lòng ta!

Bản Đôn 9.2.2020

BẤT CHỢT DÃ QUỲ

Như nụ cười
ló bên hẻm phố
níu hồn ta dừng lại bên đường
ban mai mắt sương
đắm say nụ cỏ
đóa cười rạng nắng tinh khôi

Ôi bông dã quỳ nhỏ nhoi
dẫn lối mùa khô về vùng đất đỏ
cho heo may xe duyên cùng gió
cho trái cà phê ửng má vào mùa
cho nhà hỏi nhà
rượu ngấu men chưa?
chiêng núm chiêng bằng thôi nằm trên vách…

Và khi dã quỳ nhuộm vàng mặt đất
làm trăng cho ngày
làm nắng cho đêm
là vào mùa thức của cồng chiêng
rượu thấm mềm môi
xoang1 quên thời khắc
buôn dưới gọi ăn trâu tiếng cồng chưa dứt
đã buôn trên cúng bến nước thúc chiêng mời
mùa “ăn năm uống tháng” bao đời
trẻ nhớ mắt môi
già thương tiên tổ…

Ta ra phố bao năm
nhạt lời chiêng vỗ
khuất tiếng tù và rúc gọi hoàng hôn
rơi điệu ay-ray2 mí3 rút tự đáy hồn
trầm bổng mòn đêm cho ta nguôi cơn sốt…

Đóa dã quỳ nhỏ nhoi
sáng nay bất chợt
đánh thức hồn mê
ta lạc phố đã bao ngày!

Chú thích: (1): Một điệu nhảy dân gian của đồng bào Tây Nguyên

(2):Một điệu dân ca của người Ê Đê.

(3): Mí:Mẹ – Tiếng Ê Đê.

VIẾT Ở BIỆT ĐIỆN BẢO ĐẠI*

Chiều chầm chậm đặt chân trên sàn gỗ
lắng mình nghe cót két thời gian
đâu linh khí vua? đâu hồn sơn nữ?
thiết mộc ẩm rêu theo năm tháng suy tàn

Những phòng vắng bơ vơ vài ảnh mốc
giường vua nằm trắng lạnh màu ga
thoảng một chút từ bi mùi đại tím
ánh xanh xao cây trước cửa la đà

Những ma nữ hồn thiêng đâu tá?
ta muốn nghe dạ khúc thuở nào
ngót thế kỷ hồn chừng như mòn mỏi
ta đợi hoài chỉ xác lá lao xao…

Ta biết vua cũng vất vưởng từ lâu
hồn vua cũng tủi sầu vong quốc
đệ nhất trần gian nhưng khi về đất
biết đâu vua lại hóa kiếp nô tỳ…

Lắk, 14.6.2017

Chú thích*:Biệt điện Bảo Đại bên Hồ Lắk, thuộc tỉnh Đắk Lắk, nơi vua Bảo Đại mỗi lần kinh lý vùng Tây Nguyên thường đến nghỉ ngơi, săn bắn, xem các sơn nữ múa hát.  

MƯA DẦM ĐÀ LẠT

Mây từ đất rủ rê mây trời xuống
giao duyên sinh hạ lũ mưa dầm
Đà Lạt ướt như vớt lên từ nước
tiếng chuông chùa cũng nhễu giọt Trúc Lâm

Xuân Hương hồ con mắt quầng thâm
đêm thao thức nhớ ngàn thông nắng
đã buồn Huế mưa dầm nhàu áo trắng
thêm sầu mưa Đà Lạt tái môi chiều

Đành lỡ duyên với Thung Lũng Tình Yêu
đành thất hẹn Tuyền Lâm, Than Thở
Cà phê Tùng
Khánh Ly khàn một thuở
nhắm mắt
lơ mơ
thấy Trịnh vai gầy…

Đà Lạt 17.7.2017

 NGHIÊNG

Nghiêng soi vào dòng suối 
bông hoa rừng đẹp thêm
nghiêng cành trong nắng sớm
nụ hồng càng hiển duyên

Em nghiêng vào trang sách
anh ngắm hoài, yêu thêm
nhưng nghiêng vào ai đó
có người buồn thâu đêm

Đời có lắm nỗi niềm
chỉ vì ta nghiêng đấy
làm ngọn nến mà nghiêng
có thể thành đám cháy

Làm dòng sông nếu chảy
nghiêng một bên lở bờ
nhưng nếu sống lập lờ
thành người vô tích sự…

Ai chọn đường ứng xử
nghiêng về phía nhân dân
thì nhân dân muôn thuở
lập đền thờ tri ân!

Buôn Ma Thuột 27.2.2018