Thơ Haiku Nhật Bản

2028

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đất nước Nhật Bản hình thành với một quần đảo, trông từ trên cao giống như một mỹ nhân nằm duỗi mình lên sóng nước mênh mông cận miền Bắc Cực từ vùng biển Thái Bình Dương. Vị trí đặc biệt cùng với thiên nhiên, địa chất  đặc thù của xứ sở Phù Tang ngẫu nhiên đã tạo nên cho họ một nền văn chương nghệ thuật độc đáo, trong đó tiêu biểu nhất là thơ Haiku trong lĩnh vực Thi ca.  

Là bộ phận đứng đầu trong bảy bộ môn nghệ thuật (thi ca, hội họa, âm nhạc, điêu khắc, sân khấu, màn ảnh), thơ Haiku của Nhật Bản có tính cách chân dung rất đặc trưng so với thi ca của các dân tộc khác trên thế giới. Sau ngày đất nước thống nhất không lâu, trong không gian văn nghệ khoáng đạt sau thời kỳ hội nhập, bộ giáo dục và đào tạo đã tinh tế và bén nhạy sớm đưa thơ Haiku vào giảng dạy ở chương trình Ngữ văn Lớp 10 phổ thông tất cả có 8 bài với đề mục: “Thơ Hai-cư của Ba- sô” (trang 155- Ngữ văn 10 – Tập Một – NXB Giáo dục, quý I/ 2020)

1. Thơ Hai-cư của Nhật Bản.  

So với các thể loại thơ thường gặp khác trên thế giới như thể alexandrin của phương Tây, thơ Đường của Trung Quốc,  thơ mới, thơ tự do ở Việt Nam, thơ Hai-ku của xứ sở hoa anh đào khá độc đáo với đặc điểm rất khác biệt từ hình thức đến nội dung.

1.1. Nguồn gốc.

Xét nguồn gốc sâu xa thơ Hai-ku của Ba-sô của dân tộc Nhật Bản được cho là phát sinh từ thời Tanka, vốn là thể loại thơ tiêu biểu nhất viết bằng tiếng Nhật, khác với Hán thi viết bằng tiếng Hán ban đầu còn vay mượn của người Trung Quốc. Bài thơ làm theo thể Tanka có 31 âm tạp thành 5 dòng theo nhịp phách 5 – 7- 5 – 7 – 7.

Từ thế kỷ XIV – XV, thơ Tanka có dấu hiệu đi xuống, trên thi đàn Nhật Bản xuất hiện thể Renga. Trong bài Renga, khổ đầu được gọi là hokku. Sang thế kỷ XVI, thơ Renga trở nên phổ biến và bình dân hơn với nội dung trào phúng, chế giễu lại được gọi là haika. Khổ đầu hku của bài Renga là tiền thân của thơ Haiku. Như vậy thơ Haiku có nguồn gốc từ thơ Tank và Renga. Lúc đầu có tên là Haikai, sang thế kỷ XIX mới có tên là Kaiku. Nội dung thơ Haiku dần dần mất đi sắc thái hóm hỉnh trào lộng nguyên thủy và thay vào đó là âm hưởng bàng bạc, sâu thẳm của Thiền tông. Haiku có nghĩa là bài cú phiên âm chữ Kanji (chữ Hán) là chữ mượn của người Trung Quốc.

1.2. Mô hình Thơ Haiku.

Trước tiên, dù đôi khi cũng có bài biến thể, Haiku được nhiều người coi là thể thơ ngắn nhất thế giới với mỗi bài thường chỉ có 17 âm tiết trong 3 câu ngắt thành 5 + 7 + 5. Tuy gọi là ba câu theo truyền thống, người Nhật viết cả bài thơ Haiku theo hàng chỉ một cột duy nhất chứ không chia thành ba. 17 âm tiết tiếng Nhật có khi chỉ vài ba từ ít ỏi. Bài thơ Haiku cổ điển có niêm luật chặt chẽ. Mỗi bài thơ Haiku trong hình thức về thời gian bằng quý ngữ (kigo). Quý ngữ là những từ mô tả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông hoặc là các hình ảnh hoạt động mang đặc trưng của mùa. Trong bài thơ Haiku, những quý ngữ đóng vai trò rất quan trọng dùng thể hiện sự gắn bó sâu sắc của người Nhật với thiên nhiên. Dân tộc Phù Tang rất nhạy cảm với bốn  mùa, họ có cảm quan tinh tế vềthời tiết và những thay đổi của thiên nhiên.

a. Hình thức.

Thơ Haiku cổ điển, trên cơ sở cấu trúc âm tiết: 5 +7 + 5 trong ba câu mỗi bài, bắt buộc phải có kigo được gọi là quý ngữ để miêu tả một mùa nào đó trong năm được coi là niêm luật cơ bản để trưc tiếp chỉ mùa (mùa xân, mùa thu…) hoặc gián tiếp thông qua các hình ảnh loài hoa, loài cây cỏ, động vật, hoạt động lễ hội… mang đặc trưng của một mùa trong năm.

Nhà thơ Basho (1644)


Nhà thơ Matsuo Basho của Nhật Bản.

Tác giả làm thơ Haiku thường chỉ “gợi” chứ không “tả” như các thi sĩ trường phái khác hoặc nhà văn viết truyện ngắn, tiểu thuyết. Tác giả những bài thơ Haiku kết thúc tác phẩm mình không có gì rõ ràng. Do vậy, hình ảnh và cảm nhận sau khi đọc thơ hoàn toàn phụ thuộc vào người đọc. Dù quy định mỗi bài thơ Haiku có 17 âm tiết nằm rải trong ba câu, tuy nhiên ngay cả tổ sư thơ Haiku là Matsuo Basho đôi khi cũng sử dụng ít hoặc nhiều hơn số âm tiết đã nói trên.

Trong một bài thơ Haiku, thường có một hình ảnh lớn như vũ trụ đối cực với một hình ảnh nhỏ trong đời thường nhưng cả hai hình ảnh đều được diễn tả bằng từ ngữ chắt lọc rất tinh tế. Thơ Haiku không miêu tả cảm xúc. Người làm thơ Haiku không miêu tả cảm xúc mà chủ yếu ghi lại thật chọn lọc những gì xảy ra trước mắt. Không như nhiều nhà thơ khác, thi sĩ ít dùng tính từ, trạng từ, làm hạn chế sự tưởng tượng của người đọc. Do vậy mà thơ Haiku rất giàu sức gợi vì rất ít chi tiết giống như một bức tranh thủy mặc năng màu Thiên của họa sĩ phương Đông, thiên về thần thái hơn là đường nét chi li như một bức tranh tả thực của họa sĩ phương Tây.

b. Nội dung:

Thiên nhiên, các mùa và tư tưởng Thiền tông được coi là ba sợi chỉ đỏ gắn kết chặt chẽ với nhau để tạo nên nền tảng nội dung thi ca Haiku rực rỡ, đặc trưng và độc đáo của dân tộc Nhật Bản. Do hoàn cảnh địa lý  đặc biệt, khí hậu nghiệt ngã và quá trình đấu tranh xây dựng cam go của một đất nước tọa lạc giữa bốn bề sóng cả đại dương, nền văn hóa trong đó có thi ca đã tạo nên một sắc thái riêng biệt mà không kém phần rực rỡ của dân tộc Phù Tang.

Trong phạm vi đề tài nêu lên đặc điểm thơ Haiku Nhật Bản qua các bài thơ trong chương trình Ngữ văn phổ thông hiện hành, chúng ta xét 8 bài thơ Haiku của Matsuo Basho trong sách giáo khoa Lớp 10.

Tác giả những bài thơ Haiku được giảng dạy cho học sinh phổ thông là Matsuo Basho (1644-1694). Là thi sĩ hàng đầu của Nhật Bản, Basho sinh ra ở U-ê-no, xứ I-ga (nay thuộc tỉnh Mi-ê trong một gia đình võ sĩ. Năm lên 28 tuổi, Basho chuyển đến Ê-đô (nay là To-ky-ô) sinh sống và bắt đầu làm thơ với bút danh là Basho (còn gọi là Ba – Tiêu). Trong mười năm cuối cuộc đời, nhà thơ đã có những cuộc ngao du khắp đất nước. Basho vừa đi du hành vừa viết du ký và sáng tác những bài thơ Haiku.

Nhà thơ Matsuo Basho qua đời tại tỉnh O-sa-ka.

Sự nghiệp văn chương của Basho gồm có: + Du ký: Phơi thân đồng nội (1685), Đoản văn trong đây (1688), Cánh đồng hoang (1689), Áo tơi cho khỉ (1691), nhưng nổi tiếng nhất là Lối lên miền Ô -ku (1689), cùng với đó là nhiều bài thơ Haiku nổi tiếng. Dù rằng thời gian sau đó, ở đất nước Phù Tang vẫn có nhiều người làm thơ theo phong cách thơ Haiku như Y-bu-sôn (1716-1783), K.It-sa (1763-1827), M.Si-ki (1867-1902)… nhưng Basho vẫn là nhà thơ vượt trội có tác phẩm được tuyển chọn đưa vào nhà trường.

1.3. Đặc điểm của các bài thơ Haiku trong nhà trường phổ thông.

Đọc kỹ, chúng ta thấy các bài thơ Haiku này vẫn đảm bảo được sự thống nhất với tính cách chung của thơ Hai-ku Nhật bản ở mỗi bài.

1.3.1. Về hình thức nghệ thuật: Nhà thơ Bash khi sáng tác:

– Mỗi bài đủ 17 âm tiết ở cả nhữn bài khi được chuyển ngữ sang tiếng Việt, dịch giả đảm bào được khít khao niêm luật thơ Haiku.

Các bài thơ có thể chỉ còn lại số từ mỗi bài trong khoảng từ 10 đến 12 chữ viết trên 3 dòng. Ví dụ trong 18 bài thơ Haiku ở sách giáo, bài thơ ít chữ nhất là bài 2 và bài 7 chỉ có 11 chữ; bài 3 có 12 chữ. Các bài nhiều chữ là bài 8 có 16 chữ. Như vậy, nhà thơ Basho đã cô đọng số từ đến mức dưới cả số âm tiết quy định là 17 chữ. Các bài dù từ ngữ ít, vẫn diễn tả được tư tưởng chủ đế ở mỗi bài thơ. Cả 8 bài thơ của Basho đều không thấy tác giả củ tâm dùng tính từ và trạng từ trừ khi thật cần thiết như các chữ: não nề, tái  (bài 4: Tiếng vượn hú não nề; Gió mùa thu tái tê), lả tả (bài 6: cánh hoa đào lả tả); Vắng lặng, u trầm (bài 7: Vắng lặng u trầm); và Hoang vu (bài 8: Những cánh đồng hoang vu). Các bài thơ chỉ có những danh từ, động từ là những quý ngữ được coi là nhãn tự cần thiết để gợi lên cho người thưởng thức bài thơ. Tuyệt nhiên, Basho không đả động gì đến cảm xúc, cảm giác một cách chi li như đa phần nhiề nhà thơ khác đã làm.

Những tu từ như các phép so sánh, ám tỷ, điệp tự, cường điệu cũng như các từ ngử chỉ màu sắc, hình tượng, biền ngẫu mà các nhà thơ trên thế giới rất tâm đắc sử dụng cũng không thấy xuất hiện trong cá bài thơ của Basho trong sách. Tác giả rất kiệm từ với mục đích gợi ý mà không tả cảm xúc để cho người đọc tự tự tìm hiểu thêm theo óc tưởng tượng của mỗi người.

Về vần, qua các bài thơ dịch, ta nhận ra những câu thơ ngắn gọn các loại vần: vần ôm: sương/hương (bài1) nề/tê (bài 4), trời/tơi (bài 5), xa/oa (bài 6), trầm ngâm (bài 7), du/vu (bài 8). Vần liền: đô/đô (bài 2).

Những bài thơ làm theo phong cách Hai ku có những nét tương đồng không khác gì những bức tranh thủy mặc kiệm màu sắc và rất ít chi tiết của các họa sĩ phương Đông. Và tuyệt nhiên không theo khuynh hướng tả thực chi li với chi tiết và màu sắc giao thoa ở những họa phẩm hiên thực (realist painting) của họa sĩ phương Tây.

1.3.2. Về chủ đề nội dung: 

Hầu hết các nhà thơ Hai tiêu biểu nhất là Matsuo Basho khi sáng tác đểu không đi chệch khỏi quy ước quỹ đạo ba trục tọa độ: thiên nhiên – thời tiêt – Thiền tông. Do vậy, dù nhà thơ không miêu tả trực tiếp, qua các bài thơ Haiku, người đọc thơ vẫn hông khó nhận ra sự thể hiện ở thi sĩ tấm lòng yêu thiên nhiên cỏ hoa sông nước đằm thắm, sự quý trọng giờ khắc thời gian qua các mùa và tinh thần tư tưởng Thiền tông rất ín đáo qua những bài thơ giàu ý mà kiệm từ.

Lòng yêu cố hương Ê-đô tha thiết qua thời gian mười năm được thể hiện kín đáo ở nhà thơ lãng tử giang hồ:

                                                  Đất khách mười mùa sương

                                                  Về thăm quê, ngoảnh lại

                                                  Ê-đô là cố hương. 

                                                     (bài 1)

Tình yêu quê hương nồng nàn thăng hoa đến độ nhà thơ đôi lúc ở ngay giữa lòng kinh đô nhau rún mà trong lòng vẫn cảm thấy dạt dào nhớ quê. Cả đến 20 năm sau trở lại Ki-o-to, mỗi khi bất chợt nghe tiếng chim hót quyên vốn là âm thanh biểu tượng của tình yêu đất nước:

                                             Tiếng chim đỗ quyên hót,

                                             ở kinh đô

                                             mà nhớ Kinh đô  

                                              (bài 2)

Về lại quê hương không thể ngăn giọt lệ trào vì mẹ đã mất. Người anh đưa cho ông mái tóc bạc trắng phau như làn sương thu để làm di vật và cũng là biểu tượng tượng điển hình gần nhất của quê hương:

                                             Lệ trào nóng hổi

                                             tan trên tóc mẹ,

                                             làn sương mù.

                                             (bài 3)

Tiếng khóc ra rả của những đứa trẻ thơ bất hạnh bị bỏ rơi trong làn gió lạnh mùa thu hoặc hình ảnh co ro ướt át vì cơn rét lạnh mưa đông của chú khỉ con, càng khiến lòng nhà thơ thêm xót xa vì lòng nhân ái và tình thương yêu loài vật:

                                             Tiếng vượn hú não nề

                                             hay tiếng trẻ bị ỏ rôi than khóc

                                             Gió mùa thu tái tê!

                                                                    (bài 4)

   Và :                                    Mưa đông giăng đầy trời

                                             chú khỉ con thẩm ướt

                                             có một chiếc áo tơi

                                                                    (bài 5)

Với lòng yêu thiên nhiên vạn vật da diết, trên bước lãng du, nhà thơ cảm thấy tâm hồn bâng khuâng trước hình ảnh những cánh hoa đào rơi lả tả trên mặt hồ Bi-oa nhấp nhô sóng gợn:

                                          Từ bốn phương trờ xa,

                                           cánh hoa đào lả tả

                                           gợn sóng hồ Bi-oa

                                              (bài 6)

Và tình cảm đau đáu khôn nguôi khi thính quan tiếp nhận tiếng ve sầu mùa hạ giữ không gian vắng lặng u trầm:

                                          Vắng lặng u trầm

                                           thấm sâu và đá

                                           tiếng ve ngâm

                                                            (bài 7)

Dù nằm bệnh trên bước giang hồ, nhà thơ vẫn nghe mộng hồn hiêu bạt giữa những cánh đồng hoang vắng vẻ hoang sơ :

                                           Nằm bênh giữa cuộc lãng du,

                                           mộng hồn còn phiêu bạt

                                           những cánh đồng hoang vu.

                                                                               (bài 8)

Dù rằng, ca dao Việt Nam (hai câu lục bát) chỉ có 14 từ : Tháp Mười đồng hiểm bao la/ Tây vô Đồng Tháp làm ma không đầu. Và kinh Thi Trung Quốc, bài Quan thư 1 cũng chỉ có 16 từ: Quan quan thư cưu/ Tại hà chi châu/ Yểu điệu thục nữ/ Quân tử hảo cầu (Chim thư cưu hót/ Vang trên bãi sông/ Cô gái dịu hiền/ Đẹp đôi quân tử), người ta vẫn coi thơ Haiku Nhật Bản là thể loại thơ ngắn nhất thế giới.

Tóm lại, những đặc điểm nổi bật từ nghệ thuật đến nội dung các bài thơ Haiku do nhà thơ Matsuo Basho sáng tác vẫn nhất quán với truyền thống niêm luật thơ Haiku Nhật Bản. Cả tám bài thơ cô đọng ngoài việc miêu tả thiên nhiên, thời tiết còn hàm súc ý nghĩa nhân văn, đã nói lên tình cảm yêu quê hương đất nước thiêng liêng cao đẹp của con người trong xã hội. Từ trước đến nay, thơ Hai-ku Nhật Bản vẫn được coi là thể thơ ngắn nhất thế giới. Đôi lúc đọc một bài thơ Hai-ku tuyệt bút với 17 với âm tiết cô đọng, nội dung lắng sâu thâm thúy, ta có cảm giác được thích thú lắng nghe những giai điệu tinh khôi từ không gian thiên nhiên sắc thanh huyền diệu. Mỗi lời thơ là một hạt ngọc chói lọi, mỗi dòng thơ là một sợi tơ vàng long lanh hiếm gặp trong vườn hương nghệ thuật thi ca xú hoa anh đào.

N.T