Nguyễn Minh Đạt
(Vanchuongphuongnam.vn) – Đọc thơ lục bát của Đặng Vương Hưng mỗi ngày trên Facebook, với tôi ban đầu là sự tình cờ, dần dà trở thành thói quen, sau đích thực là nhã thú, hôm nào không được đọc sẽ cảm thấy “thèm thèm”. Kì lạ, “mấy câu chơi” ông viết mỗi ngày có sức cuốn hút như một thứ “bùa mê” chạm đến trái tim, từ đó ngân vang những giá trị nhân văn sâu thẳm.
Nhà thơ Đặng Vương Hưng
“Đừng ai tẻ nhạt trên đời” – Tuyên ngôn về lẽ sống
“Nhà thơ, ngay cả các nhà thơ vĩ đại nhất cũng phải đồng thời là những nhà tư tưởng” (Bielinxki). Ở đó, mỗi trang thơ thi sĩ viết nên hàm ẩn những bài học quý giá về lẽ sống làm người. “Đừng ai tẻ nhạt trên đời!” là một tuyên ngôn dõng dạc khẳng định thái độ sống tích cực, hữu ích giữa cõi nhân gian rộng lớn bao la. Có điều, lẽ sống ấy được tác giả gửi gắm bằng lời thơ lục bát mang điệu hồn dân tộc, giản dị, lắng sâu. Mỗi người sinh ra là một tiểu vũ trụ, mang một hình hài số phận riêng. Dù là hạt cát nhỏ bé, dù thảo dân “bùn đất lấm lem” “đội mưa cõng nắng” hay bất kì ai chăng nữa, hãy vui sống, sống hết mình, âm thầm góp sức cho đời. Đừng bao giờ sống hoài, sống phí để năm tháng đi qua mới nuối tiếc, ngậm ngùi. Giữa cuộc đời chìm nổi, những lời tự trái tim của Đặng Vương Hưng sẽ có giá trị bừng ngộ, lay tỉnh ai đó đã và đang sống “tẻ nhạt trên đời”. Sáng thức giấc, đọc được tứ thơ hay, lên lớp chia sẻ cùng học trò, âu cũng là cách giúp mình và giúp người không phải “gánh cả trời đổ đi”.
“Ngày xưa…” – Nguyện ước chân thành
Người già là một kho cổ tích, một lần nghe ông bác từ phố về quê trăn trở: “Ở đời, nhiều khi ví tiền dày lên tình người lại mỏng”. Đúng mà thật xót xa. Cuộc sống hiện đại, giá trị vật chất lên ngôi làm vơi đi ân nghĩa con người trong cõi nhân gian. Cũng là chuyện nghĩa tình, Đặng Vương Hưng lại chọn một cách giãi bày bằng mấy câu lục bát nhẹ nhàng, ý vị. Điệp khúc “ngày xưa” mở đầu với bao điều tuyệt đẹp cao quý và khép lại với ước nguyện chân thành: “Ước gì lại được bắt đầu ngày xưa”. Lạ quá, “ngày xưa” có gì mà thi nhân ước ao cháy bỏng đến vậy? “Ngày xưa là thế”, “nghèo khó hơn giờ”: “bát canh quả cà”, “vách đất mái tranh”, “lá cây hòn sỏi”… nhưng vượt lên là nhân nghĩa đậm sâu. San sẻ, yêu thương, coi nghĩa tình làm gốc. Đôi lứa yêu nhau “nhớ trộm thương thầm” rồi nên tình nên nghĩa, buồn đau chia sẻ, gắn bó trọn đời; xóm giềng nghèo khó mà ấm áp yêu thương, chia sẻ buồn vui. Nói về cái “ngày xưa”, ẩn sau câu chữ là tấm lòng trân trọng, mến yêu của tác giả. Và hình như, càng yêu cái ngày xưa, thi sĩ càng trăn trở, băn khoăn nhiều hơn cho cuộc sống hôm nay. Mượn xưa, nói nay, cuộc sống đổi thay, lòng người dần thay đổi, cái “ngày xưa” tuyệt vời gửi vào cổ tích, thay vào đó là vô cảm thờ ơ hiển hiện, lên ngôi. Bài thơ khép lại bằng nguyện ước cao đẹp, “bắt đầu ngày xưa” đâu phải giữ mãi lấy cái khổ, cái nghèo; “bắt đầu ngày xưa” là sống mãi với cái nguyên sơ tốt đẹp, không quá coi trọng giá trị vật chất, tôn vinh tình nghĩa con người. Quả ngọt cần rễ bền cắm sâu vào lòng đất nuôi cây, giữ trọn vẻ đẹp “ngày xưa” là nội lực hướng đến ngày mai hạnh phúc vững bền.
“Tháng bảy vào Quảng Trị” – Tâm hương thành kính
Lịch sử Đất Việt thân yêu được dệt nên bởi nghìn trang sử đỏ. Máu, nước mắt ông cha thắm tô nên trang sử anh hùng. Tháng bảy lại về rưng rưng cảm xúc: tự hào, biết ơn. Theo Đặng Vương Hưng “Tháng bảy vào Quảng Trị”, ta thấu tỏ hơn về những mất mát, hi sinh của lớp lớp ông cha. “Tháng bảy đi dọc Trường Sơn. Vẫn còn hồn lính cô đơn nhớ nhà…”. Rất thực, rất đời. Những câu thơ chạm đến nỗi đau chưa thể nguôi ngoai cho dù bom đạn đã lùi xa mấy mươi năm. Nhiều, nhiều lắm những “hồn lính cô đơn nhớ nhà”, “nắm xương khô” nơi biên cương rừng thẳm. Chiến tranh, binh lửa, “các chị các anh” đã âm thầm, tự nguyện hóa thân làm nên sông núi, viết nên trang sử anh hùng tô thắm non sông. Mất mát, buồn đau, nhưng hơn hết tứ thơ vút cao niềm cảm phục, tự hào. Nén tâm hương của tác giả, cũng là tấm lòng của muôn triệu trái tim thành kính dâng lên những người lính đã chiến đấu hi sinh vì non sông đất nước: “Nén hương thơm cõi hư không. Nhìn lên chợt thấy cầu vồng lung linh”. Sắc cầu vồng lung linh ấy, hình như được vẽ bằng máu của những “hồn lính trẻ”. Bài thơ khép lại, mở ra trong lòng người lẽ sống đáng quý, uống nước nhớ nguồn.
Yêu và không yêu – hóm hỉnh mà sâu sắc
“Yêu và không yêu” chảy trong mạch nguồn của thi ca truyền thống viết về tình yêu muôn đời. Có điều, cách diễn đạt của thi sĩ rất ấn tượng. Bốn cặp câu lục bát đều mở đầu bằng cấu trúc “yêu thì…”. Cách viết như kiểu locgic toán học. Yêu có sức mạnh chuyển hóa vi diệu, biến cái không thể thành có thể, cái khó thực hiện bỗng trở nên dễ dàng, cái bất thường thành bình thường đáng yêu: giận là thương; lều là nhà; đá nhẹ như bông; biển muôn trùng thành ao nhỏ bé; nhiều chuyện phi thường chỉ yêu mới dám chứ không gan bằng trời cũng khó. Trái lại, không yêu thì đủ thứ tréo ngoe: hàng xóm hóa xa; cung điện như không; bông nặng như núi; ao là đại dương; và thú nhất “nằm khểnh trên giường cũng chê”. Lập luận yêu và không yêu rất rõ ràng, chuẩn phắc theo quy luật tình cảm con người. Ai đó đã yêu, từng yêu tất hiểu. Trái tim yêu ngàn đời vẫn vậy. Đọc đi ngẫm lại mấy dòng lục bát của thi sĩ quê Bắc Giang, người ta tủm tỉm cười một cách khoái chí. Nhà thơ rất khéo bởi khơi đúng cái mạch nguồn bí ẩn, đa chiều của trái tim yêu.
“Lục bát mỗi ngày” là tuyển tập thơ dày dặn, tâm huyết được Đặng Vương Hưng miệt mài sáng tạo suốt 40 năm. Say mê điệu hồn lục bát của thi sĩ, ta như được trở về với điệu ru ngọt ngào của bà, của mẹ thưở trong nôi. Đọc thơ Đặng Vương Hưng, tôi nghĩ với tài năng của mình, thi sĩ đã góp một phần không nhỏ giữ gìn, phát huy vẻ đẹp thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc. Những bài thơ của ông sẽ vang bóng thời gian, lưu giữ mãi trong trái tim người đọc đâu chỉ hôm qua, hôm nay mà cả mai sau.
N.M.Đ
Thanh Hóa