Thơ Huy Cận trong LLPB văn học ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 ((Phần 2)

1258

PGS. TS. Trần Hoài Anh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tiếp nhận thơ Huy Cận với một cái nhìn đa diện, đa chiều. khách quan, khoa học từ những công trình lý luận – phê bình ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 là điều mà bài viết hướng đến nhằm xác lập giá trị về tài năng thi ca, địa vị, cũng như đóng góp của Huy Cận đối với nền văn học dân tộc mà các nhà lý luận – phê bình văn học ở miền Nam ghi nhận trong quá trình nghiên cứu thơ Huy Cận về phương diện nội dung và nghệ thuật.

Phần 1

Nhà thơ Huy Cận khi còn trẻ

3. Tiếp nhận thơ Huy Cận về phương diện nghệ thuật

Thi giới Huy Cận không chỉ để lại trong các nhà lý luận – phê bình văn học ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 những ấn tượng sâu sắc về phương diện nội dung với nhiều cảm nhận đa chiều trên nhiều bình diện của những mỹ cảm thi ca từ những trường tiếp nhận khác nhau mà còn gợi mở nhiều vấn đề về phương diện nghệ thuật thi ca như: tứ thơ, âm điệu, ngôn ngữ, hình ảnh, thể thơ, nhạc tính… Sự tiếp nhận thơ Huy Cận từ phương diện nghệ thuật sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn tài năng của Huy Cận, một trong những gương mặt tiêu biểu của thi ca tiền chiến mà nếu không có thơ Huy Cận, bầu trời thi ca tiền chiến chắc chắn sẽ không thể hoàn hảo như nó đã hiện hữu trong tâm thức người đọc. Và với sự hoàn hảo đó, thơ tiền chiến đã neo đậu trong tâm cảm người đọc như một hằng số văn hóa thơ ca, dù có trải qua bao bão giông, bởi những biến thiên của thời cuộc. Nghệ thuật thơ Huy Cận, vì thế là một phần không thể thiếu của thơ ca tiền chiến mà ảnh hưởng của nó rất sâu sắc và dài lâu trong nền thi ca hiện đại Việt Nam.

    3.1.Nói đến nghệ thuật thơ Huy Cận, điều đầu tiên Thế Phong quan tâm đó là tứ thơ trong thơ Huy Cận mà theo ông: “Huy Cận là một nhà thơ có nhiều khám phá mới trong tứ thơ. Ông tránh được những tình cảm tầm thường, ông đứng trên mức đó để nhìn biến chuyển xã hội quay cuồng. Ông đem hình ảnh thiên nhiên vào thơ, lời lẽ rất đẹp, cũng như khám phá đời sống nội tâm của dòng đời thật xúc tích. Huy Cận có một địa vị chắn chắn trong nền thi nghệ Việt Nam tiền chiến.” [1] Còn Trần Nhựt Tân thì quan tâm đến vấn đề âm điệu trong thơ Huy Cận mà theo tác giả đó là “một khuôn mặt của hình thức sáng tạo thơ ca”. Vì vậy, khi phân tích âm điệu trong thơ Huy Cận, Trần Nhựt Tân đã luận giải: “Một văn ảnh tuyệt đẹp không thể là một văn ảnh bị cô lập đối với các ý thơ vì vắng bóng âm điệu trong sự phổ tấu toàn bộ của ý thơ. Nói cách khác, có phải âm điệu chính là hơi thở của Nàng thơ trong thi ca? Nếu không có hơi thở thì làm sao Nàng thơ lại có thể sống? Làm sao thơ còn được gọi là thơ? Huy Cận đã thở cùng nàng thơ say sưa và ngây ngất trong Lửa thiêng nhiều lắm, nhiều lắm đến ngất ngây: Lâng lâng chiều ghé muôn tai/ Trong bóng chiều như mờ tiếng ai; “Đêm mưa làm nhớ không gian/ Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la/ Tai nương nước giọt mái nhà/ Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn”… Cùng một số chữ như lục bát (hay ca dao có dạng thức lục bát) thể sáu tám (thơ mới), vì đã được thai nghén từ một mĩ cảm với môt sáng tạo mới của cảm thức quần thế ngang lưng chuyển hiện của nội – tâm xã – hội, nên đã xuất hiện trong Lửa thiêng như một bản đồ âm điệu của thi ca Huy Cận đi vào hồn ta êm đềm, như lời ru hiền của lá hoa êm đềm, của thiên nhiên “Ngậm ngùi”: “Nắng chia nửa bãi chiều rồi…/ Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu/ Sợi buồn con nhện giăng mau; Em ơi! hãy ngủ… anh hầu quạt đây!”[2]

Như vậy, trong quan niệm của Trần Nhựt Tân, âm điệu có vai trò vô cùng quan trọng chi phối các mỹ cảm khác trong sáng tạo thi ca và điều này trong thơ Huy Cận lại có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Bởi, âm điệu trong thơ Huy Cận khá độc đáo. Cái điệu buồn đã kết tinh thành “nỗi sầu vạn cổ” trong thơ Huy Cận phải chăng là biểu hiện của “bản đồ âm điệu của thi ca Huy Cận”.

3.2. Một phương diện khác trong nghệ thuật thi ca của Huy Cận mà Trần Nhựt Tân quan tâm luận bàn, khi tiếp nhận thơ Huy Cận, đó là ngôn ngữ thơ mà đặc biệt là ngôn ngữ có tính so sánh trong miêu tả hiện thực. Theo Trần Nhựt Tân: “Ngôn ngữ thi ca vốn là một thế giới khả tính của những gì bất thực như đang có thực khiến từ đó mà chất thơ tỏa ngát gợi cảm (…)  Bài Trông lên của Huy Cận (in Lửa thiêng) cũng thật đáng là một khuôn vàng thước ngọc cho từ hoa tỉ giáo. Thi sĩ Huy Cận với bài Trông lên (Lửa thiêng) So sánh hương thơm của lá với làn da trinh nữ, mỗi chiếc lá là một chiếc thuyền, và vòm trời xanh là biển cả, và mỗi ngọn gió là một cơn thủy triều dâng… Gió đưa hơi, gió đưa hơi/ Lá thơm như thể da người: lá thơm…/ Da chiều mới tỏ sao hôm/ Màu thanh thiên đã vào ôm giữa hồn” (…) Ai dám so sánh mùi hương của lá cây với mùi hương của da người, nếu không là một thi sĩ tài hoa, giàu chất tâm hồn như Huy Cận? Và chính trong so sánh này, thi sĩ đã vừa tạo chất thế gian cho lá, lại vừa thanh khiết hóa mùi thơm của da người (…)  Cả hai cùng có chung một mùi hương, hương của người, hương của da thịt hay của thảo mộc thanh khiết.” [3]

Và trong cái nhìn của Trần Nhựt Tân, ngôn ngữ thi ca Huy Cận không chỉ để miêu tả hiện thực, để trình bày cảm xúc và suy nghĩ của thi nhân trước cuộc đời mà còn là một thứ  “lập ngôn”. Và chính ở phương diện lập ngôn này ta thấy được tài năng và phong cách ngôn ngữ riêng của Huy Cận so với các nhà thơ cùng thời như Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng qua các tập thơ của họ mà Trần Nhựt Tân đã khảo sát. Vì thế, theo Trần Nhựt Tân “Những điệu văn, những biểu từ mà Huy Cận xếp đặt thành thơ, trong Lửa thiêng hầu hết đều giản dị (không đài cát kiêu sa như Mê hồn ca), nhè nhẹ êm đềm (không mãnh liệt sôi bỏng) Chỗ nào cũng toát lên một chất không gian mơ màng bao la như thể vũ trụ rơi tan trong hồn cảm ta, như không gian ẩn náu thật trong ngôn ngữ ấy (…) Chính những khuôn mặt của ngôn ngữ đó làm thành lập – ngôn – huy – cận của một Huy Cận, lập – ngôn – lửa – thiêng trong Lửa thiêng. Lập ngôn là hiện hữu của yếu tính ngôn ngữ thi ca: Không còn bị ngôn ngữ thôi miên, cai trị, trái lại thi sĩ đã vào được tận uyên nguyên của ngôn ngữ rồi bắt ngôn ngữ gọi theo tiếng gọi của tâm hồn, bắt chúng chỉ dấu những gì Hồn – Huy – Cận “muốn” chỉ dấu ám ảnh đó: căn đễ của sáng tạo. Cho nên mỗi thi – sĩ – là – thi – sĩ đều có một lập ngôn riêng để chỉ dấu cho những ý thể (thème, chủ đề) riêng: “Không gian” trong Lửa thiêng, “tình” trong thơ Xuân – Diệu, “trăng” trong thơ Hàn Mặc Tử, “ca dao” trong Sang ngang (Nguyễn Bính), “đêm”, “liêu trai”, “ngây ngất”, “bóng tối” trong Mê hồn ca (Đinh – Hùng).”[4]

Cũng nhìn nhận về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trong thơ Huy Cận nhưng Phạm Thế Ngũ trongViệt Nam Văn học sử giản ước tân biên (tập 3), (Quốc Học Tùng thư xuất bản, SG, 1965), lại tiếp nhận việc sáng tạo ngôn ngữ trong thơ Huy Cận từ một điểm nhìn khác. Ông không đi vào luận giải việc sử dụng ngôn ngữ mang tính chất so sánh trong thơ Huy Cận như Trần Nhựt Tân mà qua so sánh cách sử dụng ngôn ngữ trong thơ Xuân Diệu và Huy Cận, Phạm Thế Ngũ chỉ ra “những ẩn dụ đột ngột, những ngữ điệu Tây”, “để loại bỏ sự quá độ, trở về phục hưng một ít chữ xưa, nhất là trau dồi kỷ thuật săn sóc âm vận và từ ngữ hơn” trong thơ Huy Cận. Vì vậy, khi nhận định về ngôn ngữ thơ Huy Cận, Phạm Thế Ngũ cho rằng Huy Cận: “đã lợi dụng phần nào sự canh cải mở đường của Xuân Diệu. Đến Huy Cận những ẩn dụ đột ngột, những ngữ điệu Tây, những lối nói như: bốn vách nghiêm trang, chiều lê cúi đầu, chiếu chăn không ấm… không còn làm cho người ta thấy chướng nữa. Ngoài ra ông còn làm việc để loại bỏ sự quá độ, trở về phục hưng một ít chữ xưa, nhất là trau dồi kỷ thuật săn sóc âm vận và từ ngữ hơn. Ở Xuân Diệu đôi khi người ta thấy một sự bừa bãi lòng thòng, những hàng dông dài non nớt pha loãng. Huy Cận khó tính hơn, muốn thu bỏ đúc chuốt, nói lên một tiếng thơ tinh thuần hơn. Sự cố gắng ước thúc có khi đưa đến một cách dùng chữ hoặc đặt chữ quá gò ép, như Nhà em ba ngõ lắm (để đối với Thôn anh một phương thôi)… Song những tì vết đó không làm cho chúng ta quên sự thành công của tác giả. Cái nghệ thuật hàm súc và tinh vi của ông đưa ông về thẩm thức Á đông, đưa ông đến cả chỗ học cổ và hoài cổ nữa và cho chúng ta những bài thơ rất hay. Nhũng bài lục bát như Thuyền đi, Thu rừng, thất ngôn như Tràng giang, Vạn lý tình phảng phất phong vị truyện Kiều và thơ Đường, đều là những kiệt tác trong thơ Huy Cận.”[5] Còn Sông Thai trong Huy Cận và những bước vong thân(khảo luận phê bình văn học) (Nguyệt san Nhân văn số 8 tháng 2/1971) thì chú trọng đến khía cạnh dùng từ ngữ nghe vang vọng “một nỗi niềm xao xuyến” mà theo Sông Thai: “Cũng không phải là một sự ngẫu nhiên mà nhà thơ đã tỏ ra trân trọng những chữ, những lời nghe vang động một nỗi niềm xao xuyến như: rã rời, xao xuyến, bơ vơ, ảo nảo, dặm xa, lữ thứ, tịch liêu, quán chiều, đìu hiu, canh khuya, ngại ngùng, chia lìa, rét mướt, héo hon, ghẻ lạnh, nao nao… Loại ngôn ngữ giàu âm hưởng quạnh hiu man mác ấy bàng bạc trong Lửa Thiêng, cùng với những ý thơ bát ngát tình người hòa quyện trong một thứ nhạc điệu ấm áp thật dễ gợi cho độc giả thấy sáng rõ mối tương giao nhân loại mà Huy Cận hằng gắn bó đeo đẵng.” [6]

3.3. Không chỉ quan tâm đến việc sử dụng ngôn ngữ trong thơ Huy Cận mà các nhà lý luận – phê bình văn học ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 còn quan tâm đến nghệ thuật sử dụng thể thơ như: ngủ ngôn, lục ngôn, thất ngôn mà đặc biệt là thơ lục bát. Về phương diện này, Huy Cận được xem như một tài năng chói sáng mà một số bài thơ đặc sắc của ông như Ngậm ngùi, Tràng giang, Nhạc sầu… đã trở thành những tượng đài bất tử trong tâm thức người đọc bao thế hệ. Vì vậy, khi nhận định về văn nghiệp của Huy Cận cũng nhu Xuân Diệu, Thế phong trong công trình Lược sử văn nghệ Việt Nam – Nhà văn tiền chiến 1930-1945, nhận định văn học, (Vàng son xuất bản Sài Gòn, 1974) đã xác quyết: “Huy Cận và Xuân Diệu cùng nổi tiếng về thơ và cùng viết văn. Xuân Diệu viết Phấn thông vàng, còn Huy Cận viết cuốn biên khảo Kinh cầu tự. Nhưng nói đến Huy Cận hay Xuân Diệu: chẳng mấy ai biết họ viết văn mà chỉ nhớ họ là nhà thơ nổi tiếng mà thôi. Riêng với Huy Cận, ông là bậc thầy của lối thơ lục bát, gieo vận tuyệt vời.”[7] Còn trong cái nhìn của Phạm Thế Ngũ thì: “Về hình thức Huy Cận cũng kế tiếp Xuân Diệu ở nhiều điểm. Nói về thể cách ông cũng không ưa lối phá thể lộn xộn mà đi vào những điệu đều: ngũ ngôn, lục ngôn, 7 chữ , 8 chữ. Điệu 7 chữ phân đoạn 4 câu 3 hoặc 2 vần và điệu lục bát có thể coi là sở trường của Huy Cận.”[8]

3.4. Luận bàn đến nghệ thuật thơ Huy Cận không thể không nói đến nhạc tính trong thơ ông. Bởi, nhạc tính là một yếu tính của nghệ thuật thơ ca, thể hiện tài năng sáng tạo và phong cách nghệ thuật của nhà thơ. Nói như Voltaire: “Thơ là nhạc của tâm hồn, nhất là của những tâm hồn quảng đại đa cảm.”[9] Điều này rất đúng với thơ Huy Cận. Tâm hồn Huy Cận là một tâm hồn đa sầu, đa cảm, vì vậy, nhạc tính trong thơ ông cũng là biểu hiện điệu hồn của ông. Luận bàn về nhạc tính trong trong thơ Huy Cận, Trần Nhựt Tân trong Dư vang nghệ thuật (tiểu luận lý thuyết phê bình thơ ca) Nhà xuất bản Hạnh, SG, 1971, cho rằng: “Huy Cận đã đưa ta ra khỏi nhãn giới của ta để đi vào nhãn giới huy Cận, nhãn giới của bản chất Nghệ thuật ở đó ngôn ngữ được trả lại yếu tính và, cũng ở đó hữu thể phơi bày lẳng lơ như một đôi mắt ngoại tình trầm ngâm, nhãn giới của Nhạc và Thơ: “Chở hồn lên tận chơi vơi/ Trăm chèo của Nhạc, muôn lời của Thơ.”[10] Còn Nguyễn Tấn Long trong Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển Trung), (Sống Mới xuất bản, SG, 1972), khi bàn về nhạc tính trong thơ Huy Cận lại có một cách tiếp cận khác khi cho rằng: “Tiếng thơ của Huy – Cận không dành sẵn cho ta một thứ âm nhạc để truyền cảm. Hơi và điệu thơ thường tỏ ra gút mắt, sường sượng, nó ngập ngừng, lựng khựng; ý thơ ta thấy không đúc kết vào một trọng tâm nhất định, dường như quá lỏng lẻo, rời rạc, nhưng chính khía cạnh ấy là chỗ ẩn tàng ý nghĩa sâu kín của Huy Cận (…) Ta thấy các thi nhân bộc bạch nỗi lòng của mình lời thơ thấm thía ngấm vào và ngân lên ở tim ta: Thế là ta đã tiếp nhận được cái khoái cảm của rung động rồi vậy. Cho nên ta gọi họ là thi nhân của những tình cảm dung dị.

Trái lại, đọc Huy Cận rồi lắng chờ sự rung động của trực cảm thì rất hiếm. Tiếng thơ của Huy – Cận đã không rung lên được thành tiếng nhạc ở lòng ta mà lại giữ ý quá kín đáo như cái hoa còn phong nhụy đang gói ghém hương thơm. Muốn tiêu hóa được chất thơ của Huy Cận, ta phải nghiền nát, càng vụn ra lý càng sáng tỏ. Cho nên đọc Huy Cận một lần, rồi đọc lại nghiền ngẫm, và đọc lại nữa, rồi ý nhạc mới vang lên. Lúc bấy giờ ta mới có cái thích thú là hiểu thơ của Huy – Cận.” [11]

Như vậy, trong cảm nhận của Nguyễn Tấn Long muốn hiểu nhạc trong thơ Huy Cận thì phải hiểu thơ Huy Cận Và muốn hiểu thơ Huy Cận thì “phải nghiền nát, càng vụn ra lý càng sáng tỏ” và lúc đó thì ý nhạc mới vang lên để hình thành trong ta những cảm xúc thẩm mỹ như một chìa khóa để mở cánh cửa đi vào thi giới Huy Cận.

  1. Thay lời kết

4.1. Đến với thơ Huy Cận là đến với một thi giới mà ở đó chất chứa rất nhiều nỗi niềm “tinh vân” (từ dùng của Huy Cận). Bởi, trong suy niệm của Huy Cận, thi sĩ là người luôn đi tìm những nỗi niềm “tinh vân” trong cõi nhân sinh và khi tâm hồn thi sĩ chạm đến những nỗi niềm “tinh vân” thì thơ sẽ vụt hiện. Đọc thơ Huy Cận cũng chính là đi tìm những nỗi niềm “tinh vân” mà thi sĩ đã phóng chiếu trong thơ. Và tùy theo tầm đón đợi của mỗi người mà sự giải mã nỗi niềm “tinh vân” ấy sẽ khác nhau trong quá trình tiếp nhận thơ ông. Đây cũng là điều bình thường thể hiện tính dân chủ trong tiếp nhận văn học. Điều này đã thể hiện rõ trong việc tiếp nhận các hiện tượng văn học ở những công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học tại miền Nam giai đoạn 1954-1975, trong đó có các công trình tìm hiểu về thơ Huy Cận.

4.2. Đọc những bài nghiên cứu liên quan đến thơ Huy Cận mà phần lớn là các bài thơ trong tập Lửa thiêng, ta thấy việc tiếp nhận thơ Huy Cận của các nhà lý luận – phê bình văn học ở miền Nam cũng còn có những ý kiến khác nhau về một số bình diện trong nội dung và nghệ thuật thơ Huy Cận. Song, với tinh thần nghiên cứu khách quan, khoa học, công bằng, các nhà lý luận – phê bình đều tôn vinh Huy Cận là một nhà thơ tài năng, có những sáng tạo thơ ca độc đáo, có đóng góp quan trọng cho nền thơ ca dân tộc và ảnh hưởng của thơ ông đến các nhà thơ hiện đại Việt Nam sau này là điều không thể phủ nhận. Đúng như ý kiến của Tuần báo Nghệ thuật số 9 ngày 4-12-65 đã xác quyết: “Thơ Huy Cận là những đỉnh núi nhỏ trùng trùng trong một dãy núi lớn. Có “Ngậm ngùi” “Tràng giang” “nhạc sầu” và “Điệu buồn” Đọc thơ là phải đọc Huy Cận. Làm thơ là phải tránh Huy Cận.”[12]

4.3. Tinh hoa của Huy Cận phần lớn kết tinh ở tập Lửa thiêng, một tập thơ, trong đó có những bài thơ, cả nội dung và nghệ thuật đã đạt đến trình độ cổ điển, mẫu mực có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến sự vận động và phát triển của thơ ca dân tộc. Bởi theo Sông Thai trong Huy Cận và những bước vong thân (khảo luận phê bình văn học) Nguyệt san Nhân văn số 8 tháng 2/1971: “Lửa thiêng với kích thước nhân loại rộng lớn thông qua cái diện mạo độc đáo của nó, xứng đáng là một công trình sáng tạo giá trị bền lâu mà Huy Cận đã cống hiến cho văn học Việt Nam.” [13]

4.4. Kỷ niệm 100 ngày sinh Huy Cận, đọc lại những công trình nghiên cứu, lý luận – phê bình về thơ Huy Cận ở miền Nam giai đoạn 1954-1975, thiết nghĩ cũng là một điều cần thiết vì nó giúp chúng ta có một cái nhìn toàn diện hơn về thơ Huy Cận được bổ sung từ sự tiếp nhận qua các công trình nghiên cứu của những nhà lý luận phê bình ở “phía bên kia” mà do hoàn cảnh lịch sử ở những năm đất nước bị chia cắt, chúng ta chưa có điều kiện tiếp cận. Những công trình nghiên cứu về các hiện tượng văn học của dân tộc, trong đó có các công trình nghiên cứu về thơ Huy Cận xuất bản ở miền Nam trước 1975, vì nhiều lý do khác nhau, hiện nay không dễ tìm được đầy đủ. Song, trên cơ sở những công trình còn lại mà chúng tôi đã liệt kê ở trên, phần nào cũng giúp chúng ta thấy được tài năng thơ ca và chỗ đứng của nhà thơ Huy Cận trong nền văn học nước nhà qua sự nhìn nhận, đánh giá của các nhà lý luận – phê bình văn học ở miền Nam giai đoạn 1954-1975. Đây cũng là một hệ giá trị, chúng ta cần trân trọng, giữ gìn, nhất là trong thời kỳ đất nước đang trên đường hội nhập và phát triển của xu hướng toàn cầu hóa. Bởi nói như Max Jacob: “Cả thế giới trong một con người, đó là nhà thơ hiện đại.” [14] Và, Huy Cận là một trong những nhà thơ như thế!

T.H.A

[1] Thế Phong, Lược sử văn nghệ Việt Nam – Nhà văn tiền chiến 1930-1945, nhận định văn học, Vàng son xuất bản  Sài Gòn, 1974, tr. 244

[2] Trần Nhựt Tân, Một phương pháp phân tách chủ đề văn chương, Lửa Thiêng xuất bản, SG, 1974, tr.200 -2001

[3] Trần Nhựt Tân, Một phương pháp phân tách chủ đề văn chương, Lửa Thiêng xuất bản, SG, 1974, tr.172-173

[4] Trần Nhựt Tân, Dư vang nghệ thuật (tiểu luận lý thuyết phê bình thơ ca) Nhà xuất bản Hạnh, SG, 1971, tr.104

[5] Phạm Thế Ngũ Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên (tập 3), Quốc Học Tùng thư xuất bản, SG, 1965, tr. 583

[6] Sông Thai Huy Cận và những bước vong thân (khảo luận phê bình văn học) Nguyệt san Nhân văn số 8 tháng 2/1971, tr. 14

[7] Thế Phong, Lược sử văn nghệ Việt Nam – Nhà văn tiền chiến 1930-1945, nhận định văn học, Vàng son xuất bản  Sài Gòn, 1974, tr. 245

[8] Phạm Thế Ngũ Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên (tập 3), Quốc Học Tùng thư xuất bản, SG, 1965, tr. 583

[9] Trần Hoài Anh, Thơ Quan niệm và cảm nhận, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2010, tr.282

[10] Trần Nhựt Tân, Dư vang nghệ thuật (tiểu luận lý thuyết phê bình thơ ca) Nhà xuất bản Hạnh, SG, 1971, tr.117 -118

[11] Nguyễn Tấn Long, Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển Trung) Sống Mới xuất bản, SG, 1972, tr. 595 ,596

[12] Dẫn theo Nguyễn Tấn Long, Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển Trung) Sống Mới xuất bản, SG, 1972, tr.594

[13] Sông Thai, Huy Cận và những bước vong thân (khảo luận phê bình văn học) Nguyệt san Nhân văn số 8 tháng 2/1971, tr.102

[14] Trần Hoài Anh, Thơ Quan niệm và cảm nhận, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2010, tr.270