Thơ mới – những chuyện chưa bao giờ cũ

1070

24.8.2017-07:45

 

Thơ mới – những chuyện chưa bao giờ cũ

 

NGUYỄN THANH TÂM

 

NVTPHCM- Phục dựng không khí sinh hoạt của Thơ mới giữa lòng thời đại là một khía cạnh quan trọng mà cuốn sách mang lại. Hơn thế nữa, cuốn sách mở về đương đại và tương lai trong một nỗ lực hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn tri thức, tư liệu của chúng ta hôm nay về Thơ mới…

 

Ngày 10 tháng 8 năm 2017, tại Viện Văn học, đã diễn ra buổi ra mắt sách Thơ mới – Những chuyện chưa bao giờ cũ (Người đương thời Thơ mới bàn về các tác gia Thơ mới) của PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn. Cuốn sách dày 590 trang, được Nhà xuất bản Văn học và Công ti cổ phần zGroup – Nhãn sách Bão liên kết ấn hành. Tới dự buổi ra mắt sách có GS.TS. Trần Đình Sử, Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, Nhà nghiên cứu Đỗ Ngọc Yên, PGS.TS. Trịnh Bá Đĩnh, PGS.TS. Lưu Khánh Thơ, PGS.TS. Lê Dục Tú, PGS.TS. Vũ Thanh, PGS. TS. Trần Văn Toàn, PGS.TS. Phạm Xuân Thạch, TS. Phùng Ngọc Kiên, TS. Hoàng Tố Mai, TS. Phạm Thu Hương, TS. Cao Kim Lan, TS. Đỗ Hải Ninh, TS. Lê Hương Thuỷ, TS. Phạm Văn Ánh, TS. Đoàn Ánh Dương, TS. Trần Thiện Khanh, các vị quan khách, độc giả quan tâm đến Thơ mới cùng các đơn vị thông tấn, báo chí,…

 

Cuốn sách Thơ mới – những chuyện chưa bao giờ cũ (Người đương thời thơ mới bàn về các tác gia thơ mới) là thành quả của quá trình sưu tầm lâu dài, công phu của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn. Cuốn sách tập hợp các bài viết, ý kiến đánh giá, phê bình của người đương thời về 12 tác giả lớn: Đông Hồ, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nam Trân, Vũ Hoàng Chương, Huy Thông, Nguyễn Bính, Bích Khê. Có thể nói, với công trình khảo luận, sưu tập này, Nguyễn Hữu Sơn đã cung cấp cho người đọc, đặc biệt là những người nghiên cứu, quan tâm đến Thơ mới, những tư liệu có tính đồng đại, đương thời Thơ mới. Phải nói rằng, trong bối cảnh hiện nay, đây là những tư liệu quý hiếm. Một điều quan trọng nữa, cuốn sách đã đưa người đọc trở lại với không khí phê bình thơ ca những năm phong trào Thơ mới đang diễn ra (1932 – 1945). Tại buổi ra mắt sách, các học giả, nhà nghiên cứu và cử toạ đã đánh giá rất cao công sức lao động cần mẫn, nghiêm túc, lâu dài của PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, ghi nhận những đóng góp mà cuốn sách mang lại. Một trong những vẫn đề được nói đến chính là từ những tư liệu này, những hướng nghiên cứu mới về Thơ mới sẽ được mở ra, đồng thời khiến nhận thức của giới nghiên cứu về Thơ mới, thời Thơ mới có thể thay đổi. Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng nói đến việc tái lập tư duy lịch sử một cách thận trọng trước các vấn đề của quá khứ.

 

Thơ mới – Những chuyện chưa bao giờ cũ là một cuốn sưu khảo công phu, cẩn trọng về mặt tư liệu. Tuy nhiên, cuốn sách này, như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, nó còn tạo nên những chuyển động ở phía tương lai. Chẳng hạn, từ đây, những nghiên cứu mới về Thơ mới được triển khai. Bên cạnh đó, việc tái nhận thức các thành tựu nghiên cứu đã có về Thơ mới cũng được đặt ra. Một vấn đề, theo tôi là rất quan trọng, từ không khí phê bình, sinh hoạt thơ ca thời Thơ mới, liên hệ đến câu chuyện của đương đại, chúng ta nhận thức được rằng, để có những thành tựu rực rỡ, “Một thời đại trong thơ ca” (Hoài Thanh) như thế, cần xây dựng có một môi trường tự do, dân chủ trong sáng tác, phê bình, tranh luận. Những ý kiến bàn luận của người đương thời Thơ mới về Thơ mới đã nhắc nhở các nhà thơ, các nhà phê bình, quản lý văn hoá hôm nay về một thái độ, một tinh thần hướng đến không gian văn hoá, văn nghệ sinh động, phong phú, đa dạng. Cuốn sách của Nguyễn Hữu Sơn, bởi thế, mang cái tên với những ý tưởng vượt lên trên giới hạn của một sưu khảo: Thơ mới – Những chuyện chưa bao giờ cũ (Người đương thời Thơ mới bàn về các tác gia Thơ mới).

 

Phục dựng không khí sinh hoạt của Thơ mới giữa lòng thời đại là một khía cạnh quan trọng mà cuốn sách mang lại. Hơn thế nữa, cuốn sách mở về đương đại và tương lai trong một nỗ lực hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn tri thức, tư liệu của chúng ta hôm nay về Thơ mới. Với những người nghiên cứu, phê bình, và cả những nhà thơ đương đại, cuốn sách là một tư liệu quý, một kinh nghiệm hay cần tham khảo. Trong một chia sẻ tại buổi ra mắt sách, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn cho biết ông đang ấp ủ những công trình khác liên quan đến Thơ mới. Hi vọng, như ông nói, vào dịp 90 năm phong trào Thơ mới (2022), 100 năm Thơ mới (2032), ông sẽ tiếp tục có những công trình bề thế về thời đại thi ca rực rõ này.

 

 

>> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…