Nguyên Hùng – Để cho người mãi với người yêu nhau

960

 Trúc Linh Lan

Nhân đọc tập thơ 108 đoản khúc thơ NXB Hội Nhà văn – 2019

(Vanchuongphuongnam.vn) – Với Nguyên Hùng đây là tập thơ thứ sáu, với tôi lại là thi phẩm thứ hai được nhà thơ tặng sau “102 mảnh ghép văn nhân” mà tôi may mắn được tác giả cho góp mặt, dù lúc đó tôi gặp người bạn văn chương này chưa nhiều, chỉ biết nhau qua thơ trên Facebook. Trong những ngày cuối năm này, trong không khí lành lạnh của xuân đang chậm về, đất trời giao hòa bừng nở hương sắc của mùa tơ nõn biếc, tôi cùng với “108 đoản khúc thơ” của Nguyên Hùng lên “Xin chữ cụ Nguyễn Du”

“Về thăm cụ Nguyễn đầu xuân

Không cầu đỗ đạt, thăng năm tiến mười

Chỉ xin một chữ tâm thôi

Để cho người mãi với người yêu nhau”.

Nhà thơ Nguyên Hùng

Cảm nhận đầu tiên của tôi là thơ Nguyên Hùng giàu nhạc tính, ngôn ngữ thơ của anh làm rung động trái tim bao nhạc sĩ để chuyển thành những ca từ ấm áp, truyền cảm. Với trái tim nhạy cảm, tinh tế, bao dung và buông bỏ, Nguyên Hùng yêu mến cuộc đời, yêu mến con người và rung động với những vùng đất mà anh đi qua sau đó chắc lọc thành ngôn ngữ thơ ca miệt mài gieo trồng trên cánh đồng nhân ái, yêu thương. Trong trái tim nhà thơ luôn thao thức với số phận người:

“Cám ơn cuộc đời dẫu chật buồn đau

Vẫn dành đất gieo niềm vui bình dị

Mượn thơ nhạc cùng ngẫm về nhân thế

Người với người sao có thể thù nhau?”

(Cám ơn cuộc đời – tr 117)

Cách sử dụng đấu chấm hỏi mang tính tu từ làm ý thơ thêm rộng, tình thơ thêm ấp áp. Cõi nhân sinh này chỉ là cõi tạm, sao không biết yêu thương trân trọng nhau, để khi mất nhau thì than khóc, tiếc thương bằng những giọt nước mắt giả tạo, bằng những hành động màu mè phù phiếm… Vì thế, anh xác định vai trò trách nhiệm người cầm bút rất rõ ràng, minh bạch. Với nhà văn ví von rất có duyên: “Mỗi nhà văn một tiếng chuông/ Bổng trầm trong đục vui buồn rung lên/ Xin đừng vô cảm lặng im/ Kẻo làm gió giận nhấn chìm thuyền văn” (Chuông gió – tr 109). Với “Nàng thơ” anh nhắn nhủ dịu dàng: “Vẫn cứ thế em – nàng-thơ luôn trẻ/ Như én xuân biết chao níu nắng chiều”. Nhà thơ muốn nói với bạn yêu thơ điều gì trong cái gạch nối nhỏ xíu này? Có sự tương quan gì giữa “nàng” và thơ”? À thì ra cảm xúc tình yêu để làm những câu thơ lung linh hương sắc là “nàng”, phải chăng nàng trong trái tim tác giả rung động thuở yêu nhau “Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất/ Đem cho em kèm với một lá thư” (Xuân Diệu), nàng trong tình yêu cháy bỏng tuổi thanh xuân của một thời nhớ nhung ”Nhớ nhung trắng xóa cả mây/ trắng xóa hồn tôi, ai nhớ tôi/ hoa cuối cùng xoan rồi rụng/ Lấy gì phảng phất được màu môi” (Nguyễn Bính). Trong thơ Nguyên Hùng nói về tình yêu không chỉ tương tư nàng thơ, khao khát được gặp nàng thơ vì đó là nghiệp văn chương. Nguồn cảm xúc để anh viết lên những câu thơ đó là người thân, là cuộc đời với nhiều bất trắc là vùng đất anh đi qua, là những nơi anh đến… và nàng đó hiện hữu trong cuộc đời nhà thơ, cùng chia sẻ cay đắng ngọt bùi với nhà thơ, tạo ra sự thăng hoa cho thơ Nguyên Hùng: ”Dẫu trầy xước bởi bao niềm nhân thế/Trái tim người luôn rung động vì yêu”. Tôi thích bài thơ này của Nguyên Hùng, với tình yêu thật trong trẻo, dạt dào say đắm và hàm nghĩa biết ơn: “Cám ơn mẹ sinh em vào năm ấy/ Để hôm nay anh giàu có nhất đời/ Em ngọn gió mỗi sáng mai thức dậy/ Anh cánh buồm…/ say gió hướng trùng khơi” (Ngọn gió). Cảm xúc vừa thực vừa ảo là nguồn suối tươi mát luôn chảy tràn trong trái tim thi nhân:

“Đời đã cũ, hồn thơ chưa cũ

Trước và sau chỉ một mà thôi

Rượu đã cạn, tình còn chan chứa

Trái tim yêu không mấy rạch ròi”  

(Hồn thơ chưa cũ- tr 91)

Đọc mấy câu thơ này tôi chợt nhớ đến nhà thơ Cao Xuân Sơn cũng đã “càng mơ tưởng rạch ròi sòng phẳng/ càng nợ nần chồng chất lạ lùng ơi” (Bấm chân qua tuổi dại khờ). Tôi tâm đắc với Nguyên Hùng: “Trót rồi duyên nợ thơ ca/ Cũng nên biết, ấy chỉ là cuộc chơi/ Thi nhân đích thực mấy người/ Có thơ bay vút lên trời mấy ai?” (Trót – tr89). Một cuộc chơi trí tuệ, tao nhã, nhưng không ít nhiều ngọt bùi cay đắng… Đối với Nguyên Hùng, anh quan niệm đã là người có duyên nợ với văn, thơ thì phải hiểu “Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn” (M.L.Kalinine), chứ không vì mục đích cá nhân dùng những lời lẽ thóa mạ nhau, bới móc nhau… để làm nổi mình:

“Giàu nghèo chết cũng về trời

Hai tay đều bạc như vôi, khác gì

Tiền vàng chẳng thể mang đi

Thì khi đang sống sân si hóa thừa”

(AQ ngày nay – tr 90).

Anh quan niệm giàu nghèo rất rõ ràng, không phải tiền bạc, của cải… mà sự chia sẻ: “Cho đi nhưng của mãi còn/ Nhận hoài vẫn cứ héo hon túi sờn/ Giàu thêm nhờ biết sẻ nhường/ Nghèo đi vì chỉ biết ôm về mình” (Giàu nghèo). Với cái tâm như thế Nguyên Hùng mới nghe được âm vang của đàn đá: “Xa xưa người đã biết đàn/ Thanh âm từ đá vượt ngàn năm sau/ Lắng nghe từng thớ xỉn màu/ Đá ngân trong đục thương đau kiếp người” (Đàn đá). Chỉ có nhà thơ, nhà văn mới nghe được nỗi đau của kiếp người. Bài thơ “Phút giao thừa” đã khắc họa được cái tình của anh với cuộc đời, những vần thơ thăng hoa trong sự tuần hoàn của trời đất, sự thay đổi diệu kỳ giữa quá khứ và tương lai bằng niềm tin, lạc quan đáng trân trọng:

“Phút giao thừa ngược tìm ngày đã mất

Gặp người xưa ngồi hát phía xa vời

Mượn câu ca Ta lên đường hạnh phúc

Năm mới về xin chúc bạn bè tôi”.

Tập thơ 108 đoản khúc của nhà thơ Nguyên Hùng

Với cuộc đời anh rất khoan dung, độ lượng và thấu hiểu. Với chính mình anh yêu thương và quý trọng gia đình, tình yêu và sự thủy chung. Tuy có lúc cũng lãng mạn nhưng chỉ là sự thoáng qua của độ rung cảm thơ ca. Cái cảm giác một mình trong cái lạnh giao mùa nó da diết lắm, ở Nguyên Hùng chỉ bất chợt nhớ lại mà cũng rưng rưng: “Đêm giao mùa Sài Gòn se lạnh/ Cửa sổ nhà bên hờ hững buông rèm/ Bất chợt nhớ những mùa xa vắng/ Cửa sổ phòng anh tuyết trắng vẽ hình em” (Đêm giao mùa), hay trong bài thơ “Biển đắng” anh viết:

“Ngày không em ngỡ dài vô tận

Anh vật vờ cháy ruột chờ mong

Em trốn đâu ảo mờ nhân ảnh

Nơi anh dâng biển đắng khôn cùng”

Ta bắt gặp một bức tranh rất dễ thương trong bài Câu cá: “Buông câu anh đứng em ngồi/ Dăm con cá nhỏ đủ cười ngả nghiêng/ Niềm vui chung bến chung thuyền/ Hồn nhiên giản dị bạc tiền khó mua”. Hạnh phúc rất đời thường, chỉ cần có một Chốn nương nhờ: “Cũng có lúc chông chênh không chỗ tựa/ Mọi nỗi niềm gửi gắm vào thơ/ Tựa bóng mình dẫu là tơ cũng đổ/ Đành mượn vườn em làm chốn nương nhờ”. Nàng thơ có lúc giận dỗi bỏ đi không từ giã, nhưng chủ vườn yêu luôn mở cửa đón anh chàng có “số… đào hoa” quay trở về để anh chàng ấy kịp nhận ra rằng: “Em và rượu thật giống nhau/ Làm nên hạnh phúc, đớn đau một đời/ Khác chăng rượu uống thì vơi/ Riêng em đầy mãi một trời trong ta”. Vì vậy mà nhà thơ viết bài thơ “Chứng tích thời gian” rất cảm động, đầy yêu thương:

“Nhón tay nhổ giúp em

             những sợi bạc ngang tàng

Em đau nhẹ mà anh buốt nhức

Tự lúc nào chúng mặc nhiên thường trực

Đâu chỉ vô hồn

              làm chứng tích thời gian”

Đọc thơ Nguyên Hùng bạn yêu thơ cảm nhận được các yếu tố lãng mạn xen lẫn yếu tố hiện thực, giữa cái đau đáu cuộc đời với thơ ca, giữa thơ ca với tình yêu đích thực. Với những bài thơ ngắn, ngôn ngữ thơ không cầu kỳ nhưng ý thơ rất hàm súc, sâu lắng… Chính nhờ những yếu tố ấy, “108 đoản khúc thơ” của Nguyên Hùng được bạn thơ đón nhận và yêu mến, yêu mến một nhà thơ: “Chắt chiu được một nụ cười/ Từ bao nước mắt từng rơi lặng thầm/ Làm nên một tối trăng rằm/ Bao đêm bồi đắp nhọc nhằn trăng non” (Rằm).

T.L.L

Những ngày đầu xuân 2020