Thơ Nguyễn Thanh Hải – Chất đồng bằng và những liên tưởng lạ

959

Vương Huy

(Vanchuongphuongnam.vn) – Có thể nói thơ Nguyễn Thanh Hải thấm đẫm chất vị đồng bằng và đầy rẫy những liên tưởng lạ. Hình ảnh miền quê luôn trở đi trở về trong thơ anh – những hình ảnh thân thuộc mà khi sống, con người không để ý. Nhà thơ là người gọi sống dậy những hình ảnh, những mảnh hồn quê lẩn khuất. Quê hương như một đề tài của anh. Bên cạnh đó là những cụm từ, những liên tưởng lạ làm mới sự vật vốn dĩ rất quen thuộc. Do đó thơ anh có được một thủ pháp hiện đại khi viết về những đề tài truyền thống.

Tác giả Nguyễn Thanh Hải 

 

Chất đồng bằng

Dòng sông quê hương luôn chảy trong thơ anh, đem lại màu xanh sóng lúa, với rau nhút dân dã đầy vị miệt vườn quê kiểng. Anh viết:

“hãy bình yên như dòng sông chảy qua non nước nầy

không có biển nhưng màu xanh vẫn biết nói lời sóng lúa

có gì làm chiếc kiềng nữa đâu mà em lần lựa

còn gì quê hương hơn khi về cùng rau nhút làng ao“

Đó là cội mai cũ nở trong chiều vàng gợi nhớ một thời xa lắc, quê hương vẫn còn đây nhưng tất cả đã trở thành hoài niệm:

“gặp cội mai cũ một chùm tứ quý

chợt nhận ra cuộc đời mình đã đi quá xa

mẹ và quê hương chòm xóm đã già

chỉ có hoài niệm là dường như cứ trẻ“

Chén rượu cuộc đời men nồng làm anh cay mắt. Một nỗi buồn cứ dâng lên mỗi chiều và lòng hoài thương về một màu hoa bí:

“dòng sông nào đã trôi đến buồn vui thăm thẳm cõi bờ

lại ở đây không biết buồn hay vui chiều cứ rượu

không lẽ cầm nỗi buồn mình mà đo ra bao nhiêu sào mẫu

lòng thương sao bông bí cứ vàng“

Cái làm nên hồn cốt, phong vị một vùng đất là tôn giáo bản địa. Phật giáo đã thấm nhuần trong hồn người miền Tây. Chính vì thế, nơi đây cuộc sống thanh bình, ít có những thiên tai hay biến động lớn như ở miền ngoài. Phật giáo đã hóa giải hồn người hồn đất:

“không gì vui bằng nghe con đọc vài câu Phật

mẹ nói đọc kinh để biết trả nỗi buồn cho đất

nhưng không phải dễ dàng như bứng cây ngâu từ ngoài vườn lên chậu

con còn đời nên chưa thuộc nổi một câu kinh“

Người miền Tây thường hay uống trà. Chén trà hoài hương như một định mệnh xa xứ đối với anh. Ngồi với bình trà khuya nghe sương rụng:

“giữa phương trời tìm đâu ra tiếng dế

Thì ngó bóng mình bay về núi ngự

Trà cuối năm pha bình viễn xứ

Khoắt khuya trời châm cạn mấy tầng sương“

Mùi khói đốt đồng vương vấn trong anh như một nỗi buồn cố thổ. Ai từng sống ở miền Tây đều như cảm thấy mùi khói ấm nồng quyện vào hơi thở của mình, nên đi xa rất nhớ. Mùi khói đốt đồng trong chiều quê xa lắc:

“ai nhóm đồng mà tôi mờ trong khói

về đây làm kẻ lạc đường

cảm ơn bát bát đã cho mình ấm lại mùi sương

và chút gió rùng mình tháng tám“

Chính hồn sông dáng núi làm nên quê hương, còn trên quê hương đó là lòng người đơn giản chất phác thật thà như tình quê Nam Bộ. Anh viết:

“điều gì khiến hồn sông sâu thẳm

điều gì đã làm nên dáng núi khô khan

đã biết trước lòng người còn nông cạn

sao ngày nầy tháng nầy năm nầy không thiết kế để cần nhau“

Tiếng chuông chùa như thức tỉnh hồn nhân sự, đánh tan những tị hiềm hận thù trong lòng người. Tiếng chuông gột rửa hồn người thanh sạch:

“sau sự ra đi của ngôi chùa già

tiếng chuông lại buồn hơn tiếng chuông chùa trước

đằng sau cây cơm nguội

tôi thấy có giọt sương mù vừa quy y“

Người con vùng đất Vĩnh Hựu đi đâu cũng thấy quê quán trong hồn mình. Cá tính của một vùng quê hằn sâu trong anh. Gò Công là một vùng đất nhiều nhân tài và biển vẫn ru ngàn năm trên đất quê:

“cánh đồng hay cánh võng nghĩ gì

cánh võng đưa nôi cánh đồng ru đàn cò con nằm ngủ

đi đâu về đâu vẫn là mình Vĩnh Hựu

chỉ cần nhắm mắt lại thôi là về tới cội nguồn“

Mùa hoa gợi nhớ, màu hoa gợi nhớ, nhìn hoa mà nhớ người. Anh viết trong màu hoa dung dị:

“tôi đứng bên mùa tỉ muội hoa vàng

thấy thời gian cô đơn trên cỏ

thấy ngọn chướng trở về sau những ngày bạt gió

mây bay ngang trời sao không thấy mẹ tôi hái bông bà tôi hái bông”

Hoa mướp dân dã vẫn nở bên khu vườn thơ ấu. Màu hoa quê hương như gợi nhớ một điều gì xa vắng:

“giấc trưa nào giàn mướp rủ rê tôi

trổ một màu vàng xa vắng

nỗi nhớ đi đâu mà bông keo tròn vừa vặn

bờ ao gầy mưa nắng đã bao phiên“

 

Cách liên tưởng lạ 

Trong thơ Thanh Hải đầy những liên tưởng lạ. Không ai viết như anh. Điều này cho thấy anh có tìm tòi về thủ pháp thể hiện, cách dùng chữ thoát sáo mòn. Chính vì thế đã làm cho thơ anh có chất hiện đại dù anh viết về quê hương xưa cũ. Ở đây ta thấy anh biết kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong tác phẩm để cung hiến cho độc giả một tiếng đờn âm ba dằng dặc. Ví dụ những từ gợi liên tưởng lạ như sau: chiếc lá về hưu, giọt mắt, một nắm mưa trời, nhổ hết nỗi chiều, nằm ru giấc võng, thơm quyết liệt, bảo mật tháng tư, hoàng hôn viễn thị, …

Tóm lại, thơ Thanh Hải là một tiếng thơ đồng bằng có nhiều tìm tòi phát hiện, hồn thơ anh nhuần nhị trong hồn quê. Tuy nhiên, một điều ta nhận thấy : thơ Thanh Hải còn nhiều tản mạn, chưa dứt điểm trong cấu tứ, thiếu hình tượng chủ đạo. Nếu anh dồn tâm sức vào từng bài thơ một thì sẽ tạo ra các tác phẩm hay, không nên dàn trải miên man như thế. Thơ anh là một tiếng thơ có tầm trong khu vực. Chúc anh gặt nhiều thành công trên bước đường sáng tạo.

V.H