Vương Huy
(Vanchuongphuongnam.vn) – Thơ là nghệ thuật ngôn từ, mà ngôn từ thì không đánh mất theo thời gian, nó tồn tại qua mọi thăng trầm biến đổi. Ngay từ khởi thủy, khi loài người có ngôn ngữ là đã có mặt thơ. Có thể lúc đó, thơ tồn tại như những lời cầu khẩn với thần linh, hoặc là ca từ của những bài hát sơ khai như thể hiện một cảm trạng của con người đối với thực tại muôn vàn bí ẩn.
Nhà thơ Vương Huy
Thơ không phải là một sự phản ánh về thực tại, mà là một linh giác về thực tại. Thơ là một chớp lóe tâm hồn khi thi sĩ đứng trước thực tại. Thơ như một mối liên kết giữa hồn thi nhân và những bí ẩn của thực tại. Thực tại thì biến đổi nhưng hồn cốt của thực tại được in hình trong bài thơ thì bất biến. Những cảnh đẹp, những thay đổi của đời sống nhân sinh luôn diễn ra như một sự tan hoại, nhưng bài thơ như một tác phẩm nghệ thuật thì vẫn còn đó. Những triều đại có thể nối tiếp nhau qua đi, nhưng những bài thơ thì tồn tại muôn thuở. Làm thơ tức là phát hiện ra trong thực tại cái mầm của sự sống, cái vượt qua mọi sinh diệt hư phù, cái có thể đi vào vĩnh cửu. Một bài thơ ngắn gọn mong manh nhưng sức sống của nó thì vô hạn. Ví dụ như bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu.
Thơ là nghệ thuật ngôn từ, mà ngôn từ thì không đánh mất theo thời gian, nó tồn tại qua mọi thăng trầm biến đổi. Ngay từ khởi thủy, khi loài người có ngôn ngữ là đã có mặt thơ. Có thể lúc đó, thơ tồn tại như những lời cầu khẩn với thần linh, hoặc là ca từ của những bài hát sơ khai như thể hiện một cảm trạng của con người đối với thực tại muôn vàn bí ẩn. Cái chất linh trưởng của con người vẫn luôn tiềm phục, mà thơ là tinh túy hồn vía cô đọng của chất linh trưởng ấy, cho nên gọi thơ là linh giác. Thi sĩ là người nối kết được giữa lòng người và lòng trời, giữa nhân sinh mê loạn điêu linh và tạo hóa sáng suốt vô hình mờ mịt. Thi sĩ là người gọi dậy những hồn thiêng ẩn khuất trong tạo vật. Nếu không có được cái chiều linh cảm thứ sáu của giác quan thì không thể trở thành thi sỹ được. Như vậy, thơ không thể học mà có được, nó như một năng khiếu bẩm sinh.
Thơ là một tiếng nói hư ảo nhất phát ra từ cổ họng của thi sĩ. Cái dội âm của nó trong lòng người là có thực. Có những bài thơ làm nên số phận thi sĩ, trường hợp đó người ta gọi là thơ vận vào đời, hay theo thuyết nhà Phật thì đó chính là khẩu nghiệp. Ngôn từ nằm yên trên giấy như một linh hồn, hay được truyền đi như một mật ngữ. Đến lượt nó, thơ quay lại đập thẳng vào thân phận thi sĩ theo luật phản phục. Như thế, chính nhà thơ hại mình, chứ không ai hại nhà thơ cả. Cổ nhân có câu đại ý người ta dễ tha thứ cho một tội ác hơn là một lời nói. Đúng vậy, lời nói thì nằm đó vĩnh viễn như một sự buốt đau của tâm linh. Cho nên người làm thơ cần nhất là rèn luyện cái tâm mình thiện lành, nói những lời vô ưu gây cảm khoái cho độc giả, không nên nói những lời sầu bi ủy mị gây dột lòng người. Có những nhà thơ thân bại danh liệt hay đoản mệnh là vì thơ của mình cả. Thơ làm nên số phận Thơ, thơ hiện đại và công việc người thi sĩ, đó là một điều không thể chối cãi.
Làm thơ là lập ngôn. Thơ là cái tinh túy, cái chưng cất, cái chắt lọc nhất của ngôn từ, đến mức không còn giảm trừ được nữa. Mỗi bài thơ là một mảng tâm hồn của thi sĩ được bứt ra đặt trên mặt giấy và nó lưu truyền như một sinh mạng, như một di huấn, như một sấm ngôn. Trước thư lập ngôn là điều khó trong thiên hạ, nên nhà thơ phải cẩn thận từng chữ khi viết, không nên dễ dãi buông tuồng, mà gây hại cho bản thân và người đọc. Như đã nói, là một linh giác, thơ có thể tiên đoán vận mệnh một con người, một thời cuộc, hay một dân tộc. Ví dụ như Sấm Trạng Trình. Điều này ngày nay, khoa văn học gọi là chức năng dự báo. Như vậy, nhà thơ phải vươn lên tầm cao tư tưởng để linh thị một điều chưa nhìn thấy.
Thơ hiện đại phải trở về với hình thức tự do, vì tự do là hình thức ban đầu sơ khởi của thi ca. Thoạt đầu, thơ là những đoản khúc không vần tự do, như một hình thức cô đọng của ngôn từ. Sau đó theo thời gian, người ta đặt ra các luật lệ để đưa thơ vào khuôn thức định sẵn, cho nên mới ra đời luật thơ. Luật thơ trói buộc tâm hồn con người, làm cho nó du dương theo thể thức nhất định. Ở Việt Nam, cả ngàn năm chịu ảnh hưởng thơ Đường luật. Đầu thế kỷ 20, với sự du nhập văn hóa phương Tây, thơ dần thoát sáo, hình thành trào lưu Thơ Mới và nó ngự trị thi đàn suốt thế kỷ 20. Tuy thoát sáo nhưng thơ còn nhịp nhàng theo vần điệu. Đến đầu thế kỷ 21, trào lưu thơ tự do không vần bùng nổ và lan tỏa ở Việt Nam. Một lần nữa chúng ta đứng trước cuộc cách mạng thơ ca lần hai. Điều này diễn ra đúng quy luật. Theo quy luật phủ định của phủ định trong triết học, tức là 3 nhịp một: khẳng định, phủ định, và phủ định của phủ định. Đem áp dụng vào lịch sử thơ ca, ta thấy: Ban đầu ở nhịp 1 là thơ không vần, sang nhịp 2 là thơ vần điệu câu thúc, và đến nhịp 3: thơ trở về cái sơ khởi của nó là tự do không vần nhưng ở một trình độ cao hơn ban đầu. Hiện giờ, thơ tự do đã phổ biến. Trong kháng chiến, đã manh nha thơ không vần trong chiến khu với Nguyễn Đình Thi và Văn Cao, nhưng rất tiếc nó không được phổ biến và bị thi pháp Thơ Mới áp đảo. Đầu thế kỷ 21, chúng ta chứng kiến sự trỗi dậy của thơ không vần. Như vậy, tương lai sẽ là thơ tự do thống ngự. Thơ tự do không vần giải phóng tâm hồn con người khỏi những khúc điệu, luật lệ câu thúc, và vần điệu du dương ru ngủ. Thơ tự do làm người ta thẳng thắn bày tỏ ý tưởng của mình một cách mạnh mẽ táo bạo nhất. Có thể nói thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của thơ tự do.
Công việc của người thy sỹ là làm gì? – Thi sĩ làm một công việc duy nhất là chọn chữ, lập tứ và xây dựng hình tượng thơ ca. Chữ nghĩa, với mọi người được sử dụng theo nghĩa tiêu dùng, theo quán tính. Nhưng với thi sĩ, chữ như một sự vật, anh ta dùng chữ thoát khỏi sáo mòn, đơn điệu, thói quen, quán tính. Anh ta đặt những con chữ cạnh nhau tạo độ âm vang nhằm diễn đạt một ý tưởng nảy sinh trong đầu anh ta. Xuân Diệu đã nói về thi sĩ như sau: “Nghề lựa chữ ôi một trò con trẻ – Dăm câu vui đắp đổi mấy câu sầu“. Nhưng ta thấy công việc của thi sĩ không phù du trẻ con chút nào. Anh ta phải lập tứ và chọn chữ để xây thành một công trình nghệ thuật ở dạng cô đúc nhất nên khả năng lưu truyền và tồn tại ở dạng cao nhất. Thi sỹ trân trọng chữ, chữ với thi sỹ là vàng ròng. Bên cạnh đó, anh ta phải lập tứ. Tứ thơ là ý tưởng chủ đạo bao quát của bài thơ, nó định vị hướng đi cho bài thơ. Bài thơ không có tứ như không có xương sống. Hầu hết những bài thơ hay đều có tứ rất rõ ràng như: Đồng chí của Chính Hữu, Núi đôi của Vũ Cao, Màu tím hoa sim của Hữu Loan. Tứ thơ là cái ám ảnh tâm trí độc giả sau khi người ta có thể quên đi những con chữ. Để có tứ thơ táo bạo, đòi hỏi người thi sĩ phải có một tầm tư duy nhất định. Một điều cần thấy là: thơ hiện đại chú trọng đến chất nghĩ hơn là chất cảm xúc, tức là chất lý tính. Bài thơ có thể chúng ta không thuộc nhưng nó gợi cho chúng ta những suy nghĩ tích cực và sâu sắc. Có thể nói, thơ hiện đại đi dần lên cấp độ lý tính. Những bài thơ hay hiện đại như đánh thẳng vào tâm trí người đọc, buộc người đọc suy nghĩ cùng tác giả, và nó trở nên một ám ảnh.
Tóm lại, trên đây là những suy nghĩ cá nhân của tôi trong quá trình tìm tòi, gạn lọc và thực nghiệm thơ trong thực tế hoạt động sáng tác. Những suy nghĩ này có thể chỉ đúng với tôi và một số người đồng điệu, chưa chắc đúng với tất cả mọi người, vì thơ là cõi rộng mở. Cho nên có điều gì sơ suất, sai lầm hay cực đoan, xin mọi người lượng thứ.
15.9.2020
V.H