Thơ thời kinh tế thị trường 

1568

Việt Thắng

(Vanchuongphuongnam.vn) – Do hoàn cảnh nhiều người học hành dở dang: nên chữ nghĩa cũng nửa chừng…Thậm chí có người còn chưa biết thế nào là tu từ, tính từ, động từ… Ngay cả một số loại thơ đơn giản như: lục bát, vè, ngũ ngôn… cũng không biết cách gieo vần.

Nhà thơ Việt Thắng

1. Nước lên bèo nổi.

Những năm 90 của thế kỷ 20. Nhờ chính sách cởi mở, Việt Nam đã hòa nhập vào nền kinh tế thị trường thế giới. Đời sống người dân dần dần được cải thiện: phần đông đã có của ăn, của để. Phong trào thơ ca cũng bùng nổ theo sự phát triển kinh tế. Các câu lạc bộ thơ ca mọc ra như nấm sau mưa : Câu lạc bộ xã, phường, quận, huyện, xứ Nhãn, Xứ Dừa, Đường Thi… Ra ngõ gặp nhà thơ. Người ta đua nhau in thơ, các nhà xuất bản được mùa làm ăn.

Có người học cách làm thơ Đường luật, viết ra bài xướng kể lể công lao phục vụ đất nước, gia đình mẫu mực hạnh phục, con cháu thành đạt… Tung lên mạng internet, gửi thư cho bạn bè mời họa. Gom đủ bài theo ý, đem xuất bản thành sách. Khệ lệ ôm tới các câu lạc bộ tặng, biếu cho bạn bè và ngay cả những độc giả mà họ chưa hề biết mặt.

Do hoàn cảnh nhiều người học hành dở dang: nên chữ nghĩa cũng nửa chừng…Thậm chí có người còn chưa biết thế nào là tu từ, tính từ, động từ… Ngay cả một số loại thơ đơn giản như: lục bát, vè, ngũ ngôn… cũng không biết cách gieo vần.

Thơ Đường Luật rất khắt khe về niêm luật. Thời xưa chỉ có các bậc túc nho mới làm. Ngày nay thì đại chúng. Có người cứ nghĩ rằng học thuộc luật bằng, trắc, vế đối… Thế là họ tự làm thơ ca ngợi mình, họa thơ người. Nhiều bài thơ ý thơ cứng ngắc, những cặp đối lộn xộn lung tung. Vậy mà họ cứ tự đắc rằng làm được thơ Đường là ta đã thuộc hàng túc Nho rồi…?

Đất nước chúng ta rất nhiều ngày lễ kỷ niệm trong năm. Một số người đón cơ hội viết bài tung hô gửi cho báo. Nếu có tờ báo địa phương nào đó in bài, họ phô tô ra hàng trăm bản. Tới các câu lạc bộ phát cho các hội viên, bạn bè. Một số có tiền còn chơi trội hơn, mướn nhạc sĩ phổ nhạc cho thơ của mình. Phần nhiều là nhạc sĩ cũng chẳng tên tuổi như họ. Sau đó thuê ca sĩ hát, phát hành đĩa nhạc rồi cũng đem biếu, tặng cho bạn bè; chả cần biết họ có xem hay không. Thế là họ tự huyễn hoặc mình đã thành nhà thơ?

Mượn gió bẻ măng” một số người đánh vào lòng hiếu danh của người đời. Lập ra các Câu lạc bộ, các công ty; gom bài in vào những tập thơ mang tiêu đề rất kêu : Hương thơ đất Việt, Hương thời gian, Những gương mặt thơ đương đại… Ai cũng tự nhủ lòng: Bỏ ra mấy trăm ngàn mà được in trong những tập thơ như vậy còn gì bằng!? Thực tế khi xem những bài thơ in trong những tập thơ đó thì độc giả cũng phải lắc đầu.

2. Văn học hậu hiện đại đi về đâu?

Thế giới mở, nền văn học Việt Nam đang hòa nhập vào nền văn học thế giới. Xu hướng hiện nay là nền văn học hậu hiện đại (Tân hình thức). Nhìn chung văn học thế giới có ba trường phái chính:
1. Tân cổ điển (Neoclassicism)
2. Hiện đại (Modernism)
3. Hậu hiện đại (Post modernism)
Thời kỳ đầu của những năm 30 thế kỷ 20. Một số nhà thơ đã hội nhập thơ hiện đại vào Việt Nam. Đi đầu là nhóm Tự Lực Văn Đoàn; tiêu biểu là những nhà thơ còn vang danh đến ngày nay như: Xuân Diệu, Nhất Linh, Chế Lan Viên, Tú Mỡ, Trần Dần, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Thâm Tâm… Những câu thơ của họ còn sống mãi với thời gian:

Hơi gió thổi như ngực người yêu dấu
Mây đa tình như thi sĩ đời xưa.
(Xuân Diệu ).

Mới lớn lên trăng đã thẹn thò
Thơm như tình ái của ni cô.
( Hàn Mặc Tử ).

Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng.
( Thâm Tâm ).

Thơ mới thời kỳ đó đã bứt phá khỏi lối mòn của thơ Đường Luật khắt khe về niêm luật.
Cuối những năm của thế kỷ 20, làn gió thơ hậu hiện đại tràn vào Việt nam. Nền tư bản phương Tây hàng trăm năm phát triển, đã đưa nền công nghiệp phát triển vượt bậc. Đời sống người dân càng cao, con người càng phải làm việc trong các dây chuyền công nghiệp như một cái máy. Tư tưởng phóng khoáng tự do xưa nay họ muốn thoát khỏi sự gò bó đó chăng? Nên trong nền văn học của họ xuất hiện loại thơ văn mới gọi là hậu hiện đại; không theo một khuôn mẫu nào.

Ví dụ:

Uống rượu là tốt
Fucking( Làm tình) là tốt hơn
Nếu cô gái muốn lái xe
Sau đó. Bạn nên để cho cô ấy.

Hoặc:

Hoa hồng là đỏ
Violet là blue (xanh )
Xin lỗi về cho
Herpes cho bạn.

(Herpes là loại vi rút gây lở loét miệng – Tác giả).

Hai bài thơ trên ta thấy tứ thơ họ không cần một logic nào cả .
Việt Nam trong những năm mở cửa, mọi lĩnh vực đua chen nhau trong sự lộn xộn của nền kinh tế thị trường. Mạng internet phát triển chóng mặt. Nền văn học Việt Nam tiếp thu ào ạt đủ các thứ văn hóa Tây phương. Qua mạng internet những Việt kiều ở nước ngoài tung những bài thơ hậu hiện đại về trong nước. Thơ mang tính nhân văn thì ít mà lợi dụng nói xấu chế độ, và bôi nhọ lịch sử cũng không phải ít.

Nhìn chung thơ hậu hiện đại không cầu kỳ về cấu tứ, không cần vần, không hạn chế số từ dùng trong một câu, không cần hoa mỹ, những ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày nâng lên ngôn từ thơ, thậm chí cả thô tục… Nội dung đa diện phức tạp…

Ví dụ:

Chồng em nó chẳng ra gì
Ngu, ấu trĩ cả đời bợ đít mẹ
Tổ tôm, xóc đĩa nó thì chơi hoang
Thua, nó còn đi bia ôm để giải xui.
(Đinh Linh – Giữa chị em ta ).

Hoặc:

Tiếng nước đái
Nhỏ giọt
Trong bồn cầu tí tách
Thứ nước ấm sóng sánh vàng
Hổ phách
Phải rồi
Tôi là đàn bà.
(Nguyễn thị Hoàng Bắc).

Một số người đang cổ súy và khen là mỹ học hậu hiện đại.

Có người còn dám bôi nhọ lịch sử. Ai cũng biết HerMingWay là người Mỹ, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng – Ông già và biển cả. Vậy mà họ dám hư cấu ông cắm cờ trên hầm Đờ Cát; được kết nạp vào hội viên hội nhà văn Việt Nam. Về Hà Nội ăn phở, được Phạm Duy dẫn đi hút thuốc phiện và hát ả đào. Thế mà trên mạng internet một số người tung hô là dám có gan viết… và viết cho vui. Có lẽ đây cũng là cách đánh bóng tên tuổi chăng?

Thực tế văn học hậu hiện đại đã du nhập vào Việt Nam mấy chục năm. Các cây viết chuyên và không chuyên đã có một số người đang viết. Nhìn chung cũng chỉ là thể nghiệm. Một số người cổ súy thì trách độc giả chưa được trang bị tối thiểu về mỹ học hậu hiện đại?

Theo vòng xoáy lịch sử, mỗi thời đại đều có diện mạo thơ ca riêng, mang hơi thở và cuộc sống của mình. Thơ hay phải có tiêu chí và chuẩn mực gì, vẫn còn bàn cãi chưa ngã ngũ. Chỉ có thời gian sẽ là thước đo chuẩn mực của nghệ thuật văn chương.
Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, cả thành phần chính thống, bác học, nghiệp dư cho đến đại chúng chưa dễ gì chấp nhận văn học hậu hiện đại. Đành rằng thế giới hội nhập là đa văn hóa; Nhưng mỗi dân tộc, vùng miền họ phải có nét văn hóa riêng và độc đáo của họ, không thể cào bằng.

Thơ văn hậu hiện đại sẽ đi về đâu? Hiện tại nó đang chập chững thể nghiệm của một số cây bút chuyên và không chuyên; đang muốn hậu hiện đại nền văn học Việt Nam; trong cái nền dân trí còn thấp và nặng tính cách Á Đông.