Thơ tình thời ông ngoại

488

Võ Văn Trường

Giới thiệu tập thơ văn “Trò chuyện với hoang đồi” của tác giả Dương Động Văn Hà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Giờ đây với căn nhà nhỏ, cây trái điền viên giữa hoang đồi anh làm một cuộc trở về ít giống ai sau sáu mươi năm hết nghề giáo sang nghề làm chính trị. Nói về tập thơ văn “Trò chuyện với hoang đồi” anh bộc bạch: “Có thể đó là thơ hoặc chưa thể gọi là thơ tôi cũng không biết nữa, bởi tôi chưa bao giờ là nhà thơ. Tôi chỉ là người thỉnh thoảng viết ra những gì bất chợt của suy tư hoặc cảm xúc riêng mình. Câu chữ, ý tứ giống như cỏ hoang đồi. Khi nắng hạn khô cằn, lúc mưa dầm xanh ngắt; khi vàng vọt lúc có những bông hoa bé tí… Tôi giữ lại để làm kỷ niệm và tặng cho người thân, bạn, bè, đặc biệt tặng cho hoang đồi quê hương”.

Tác phẩm “Trò chuyện với hoang đồi” của Dương Động Văn Hà

Qua hình ảnh thôi nhưng tôi cảm nhận được cái rất đặc biệt của anh trở về, đó là ngôi nhà nho nhỏ được anh cho bày trí rất đẹp, giản đơn những dụng cụ trong nhà một cách thanh bần như những cụ đồ nho xưa. Chiếc võng nhỏ mắc trong vườn cây, vại nước, chiếc giáo dừa, giàn hoa lợi bí bầu vừa cho hoa cũng vừa cho quả. Ở đó anh có thể đón trăng lên cùng ngọn gió nồm mát rượi, nghe đâu đó tiếng xạc xào hương lúa cánh đồng cạnh bên, tiếng bầy ong chuyển tổ, tiếng con chim sâu lích chính trong vườn… rồi tiếng những âm quen của cuộc sống thường nhật khi đã dần xa phố thị, tiếng đời.

 “Trò chuyện với hoang đồi” là tiếng những âm quen mà nhà báo Nguyễn Hữu Đổng điểm danh xác thực là tập thơ mang “căn cước” của một người quê kiểng đi qua mưa gió cuộc đời. Phạm Công Thắng lấy bút danh Dương Động Văn Hà cũng không là hàm ý xa xôi gì mà chỉ để luôn nhớ về nguồn cội của mình.

“Tôi sinh ra ở làng Văn Hà

Làng tôi nổi tiếng ngày xưa nhờ những người thợ mộc

Nhà tôi ở lưng chừng Dương Động

Một hoang đồi sim và mồ mả ông bà!

(Bài thơ viết về làng)

Những ký tự thơ chậm rãi nhưng chắc chắn sẽ ngấm khi ai đó muốn quay về dòng sông tuổi thơ, dòng sông kỷ niệm. Một ai đó đang mệt mỏi giữa cuộc bon chen muốn tìm về nghe lại một tiếng chuông. Sẽ se sắt lòng giữa mộc mạc hồn quê, núi đồi, cây cỏ…

“Ngày mẹ sinh ra ta con tu hú kêu gọi nắng

Ngoài hoang đồi hoa sim đang nở

Trong bầu sữa cằn khô của mẹ

Có vị cay của hạt tiêu xanh

Trong niêu mít non kho với cá chuồn!

(Ta là thằng con của hoang đồi)

Nhà thơ Nguyễn Tấn Sỹ, một người bạn của tác giả nói thay lời: “Là người bạn của Dương Động Văn Hà từ thuở ra trường đi dạy học; được đọc những bài thơ những trang viết đầu và được chứng kiến niềm đam mê cháy bỏng mỗi lúc cô đơn trên trang giấy. Thế nhưng anh không đánh đổi tất cả để đến văn chương. Đó chỉ là cuộc chơi có lửa đầy nỗi niềm trên con đường ra đi và trở lại hoang đồi. Đó chỉ là tấm bia kỷ niệm phủ đầy dấu ấn của trở trăn, suy ngẫm và chiêm nghiệm”.      

Với 50 bài thơ và 13 chuyện, truyện ngắn, tác giả đã gửi gắm, tặng lại cho hoang đồi, tặng lại cho những ai yêu văn chương, chữ nghĩa những nhìn nhận nhân văn hàm chứa triết lý cuộc đời một cách không ồn ã để rồi tự nó bật lên trong suy tư của mỗi người những cung bật xúc cảm khác nhau từ những hình ảnh quê nhà, quê hương gần gũi của một thời tuổi thơ ai đã từng cởi truồng tắm sông, tắm giếng… Và hơn ai hết hình ảnh người mẹ đã gây xúc động bằng những câu thơ giản dị, ùn ứ kỷ niệm, thương nhớ trào dâng:

“Tháng Chạp oằn vai mẹ những gánh gừng và lá chuối

Sáng sớm chợ gần chiều lại chợ xa

 Nhẫn nại chắt chiu những mong nhà mình đủ đầy trong ba ngày tết

 Khi mặc áo mới cho con thoáng mắt mẹ cười!”

(Tết của ngày xưa)

Bây giờ ngẫm lại, đúng là mẹ thì cười nhưng con thì rưng rưng nước mắt. Ngày xưa ơi chẳng trở lại bao giờ!

“Ta là thằng con của hoang đồi

Ra khỏi lũy tre làng mới thấy con đò và dòng sông thực

Vốc nước biển lên mới tin rằng biển mặn

Mới dám để ước mơ giong theo nhưng cánh buồm…”

(Ta là thằng con của hoang đồi)

Nhưng khi đã:“Giờ đã ăn cơm thập phương, hít thở khí trời núi non, sông biển/ Dù đã vui buồn với trăm nơi phố phường đô hội/ Ta vẫn là ta/ Thằng con thơ dại của hoang đồi…”

(Ta là thằng con của hoang đồi)

Anh trở lại hoang đồi sau những ngày rong ruổi nghề giáo, nghề làm cán bộ công chức để về hưu, để vào chiếc cổng của chữ nhàn tôi đoán định anh đã duyên nợ với hoang đồi như câu thơ đã vận vào đời mình, để không bao giờ anh còn xa được, mùi rơm, mùi  rạ, mùi bánh xèo, mùi mì gaọ mới. “Dù trăm nẻo đi. Một nẻo về. Quê hương”. “Ôi quê tôi. Làng tôi. Hoang đồi trong tôi!”.  

Rất thơ và cũng rất cuộc đời, trong “Trò chuyện với hoang đồi” anh đã có “Thơ  tình thời ông nội”, anh viết ở Đà Lạt ngày 10.9.2016, khi chuẩn bị đầy tháng cho cháu nội. “Thơ tình thời ông ngoại” không biết anh viết lúc nào, chỉ biết lúc đó “Ông thương bà ngoại ở gần đêm nay không ngủ/ Ngồi ru con mà nhớ ông ngoại ở nhà!”. Đó là câu chuyện dài mà tôi đã bật khóc trong đêm khi đọc thơ anh mà nhớ về ba tôi vậy.

“Ông cứ nhớ chuyện gần rồi lại chuyện xa

Thương mẹ con sinh ra vào những ngày khốn khó

Đêm nằm trong căn nhà nhỏ

Cơn bão tháng Năm mít rụng sau hè

Sữa ông Thọ chỉ có bốn lon thôi

Nên ông đi hái thêm rau má ở quanh vườn

Cùng giọt sữa ngoại chắt chiu nuôi mẹ con khôn lớn

Mai ngày con và ba con hãy hiểu dùm cho ngoại

Thương mẹ ăn rau đắng từ thuở lọt lòng nên nét mặt mẹ hay nhăn!…”

Hay:

“Ông nhớ ngày còn nhỏ cậu cả hạm ăn

Có cái bánh trung thu tí teo cũng giành cho em khóc

Ôi thương sao những tháng năm của một thời khó nhọc

Dẫu không ngủ vẫn hiện về như những giấc mơ!”

Sáu mươi năm cuộc đời. Tác phẩm đầu tay anh cho ra đời ở tuổi sáu mươi, gói ghém cả thơ và cả văn nữa. Trân quý anh ở tấm lòng với cuộc đời này và cả với tôi một đứa em xa lạ. Song không hiểu sao tôi vẫn cứ trăn trở, suy ngẫm hoài câu nói người bạn từ thuở ra trường dạy học với anh là nhà thơ Nguyễn Tấn Sỹ “Cuộc quay về của ý thức luôn là con đường trắc trở. Hoang đồi nhiều khi là hạnh phúc đầu cuối của một kiếp người…” .

Tam Kỳ đêm 15.5.2021

V.V.T