Thơ Trần Quang Châu – Một giọng thơ trữ tình

479

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi nhận được những tập thơ của nhà báo, nhà thơ Trần Quang Châu nhân dịp tham dự ra mắt tạp chí Sông Quê số 16 tại quận Phú Nhuận. Ấn tượng về anh là một người cương nghị, ít nói nhưng gương mặt hiền từ và nụ cười ấm áp trong câu chuyện thân tình với bạn hữu thi văn. Thơ của Trần Quang Châu là một giọng thơ trữ tình sâu lắng, giàu chất suy tư về cuộc đời. Thơ anh là thơ “trữ tình tâm tình” và “trữ tình thế sự”. Trong đó thơ trữ tình tâm tình chiếm phần lớn.

Giới thiệu vài nét về nhà thơ Trần Quang Châu (TQC). Anh sinh năm 1952 tại Quãng Ngãi, sống và làm việc tại Sài Gòn. Năm 1990 đến năm 1994 Trần Quang Châu cùng với Nguyễn Đăng Trình đã thực hiện tập san Thời Văn nội dung rất phong phú với sự tham gia của nhiều cộng tác viên trong và ngoài nước, trong số những cộng tác viên mà tôi được biết có nhà thơ Ngàn Thương đồng hương- sống và viết tại Huế.
Năm 1996, TQC làm báo nhà nước – tờ báo Yêu Trẻ, trực thuộc UB Dân Số Gia đình và Trẻ em cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2012. Sau khi nghỉ hưu anh cũng muốn sống an phận, tiêu dao giữa cõi đời thơ mộng này. Nhưng chỉ được vài năm, rồi máu đam mê Văn Nghệ và “chất làm báo” vẫn cứ đeo đẳng anh. Chính vì vậy mấy năm gần đây, anh cùng với nhà báo, nhà thơ Phạm Ngọc Dũ thực hiện tạp chí Sông Quê. Tính đến quý 1/2023 Tạp chí Sông Quê đã thực hiện được 17 số và cũng đã được các tác giả và công chúng yêu văn học đón nhận.

Các tác phẩm đã xuất bản của Trần Quang Châu:

  1. Thơ: Chân Dung (Nxb Thanh Niên – 2005)
  2. Thơ: Lắng Nghe (Nxb Thanh Niên tháng 5/ năm 2002)
  3. Thơ: 100 lẻ I Bài Thơ (Nxb Hội nhà văn tháng 5/ năm 2023)

Khi xuất bản tập thơ Chân Dung (2005) và tập thơ Lắng Nghe (2002) một số báo ở thành phố Hồ Chí Minh đều có bài giới thiệu.

Tập thơ Lắng Nghe cũng được nhà thơ có tên tuổi được công chúng yêu mến như Đoàn Vị Thượng viết lời tựa và người bạn tài hoa mà khiêm tốn Nguyễn Huyền Thạch (ở hội VHNT Quãng Ngãi) viết lời bạt cho tập thơ Lắng Nghe. Hai nhà thơ nói trên (R.I.P) đều là gốc Huế và là những người bạn tâm giao hiểu anh, hiểu thơ, đối với nhau bằng tấm chân tình tri kỷ.

Bạn bè anh hiểu anh ra sao, và anh tự họa chân dung mình như thế nào qua thơ? Chúng ta hãy lần lượt đi vào thế giới nội tâm của Trần Quang Châu qua các tập thơ của TQC. Với cảm xúc bồi hồi tha thiết, nhà thơ giới thiệu về quê hương mình:
“Tôi lớn lên từ miền quê Quãng Ngãi/ Con đường làng quen thuộc bước chân đi” (Vạn An Quê Tôi- trong tập thơ 100 Lẻ 1 bài thơ)

Qua những vần thơ chúng ta sẽ thấy hiện ra một TQC phong trần, lãng tử và yêu đời, yêu thơ. Khi viết về bản thân, so với thế thái nhân tình, có thể có sự đối lập, tương phản qua các từ ngữ: Đời- diễn, trò chơi xương máu ( khốc liệt quá)  ta-khùng- thơ thẩn trong thơ. Ta lãng mạn, ta bất cần và ta vẫn sống có lẽ nhờ biết cân bằng cảm xúc.
“Đời thì diễn những trò chơi xương máu/ Ta thì khùng nên thơ thẩn trong thơ” (Mộng Đêm Qua- 100 lẻ 1 bài thơ)

Trần Quang Châu tự nói về mình với những từ: Khùng, thơ thẩn, khờ khạo,…vâng thưa anh: Có “Khùng”có “khờ khạo” thì thi sĩ mới sáng tạo ra thơ. Còn nếu “khôn ngoan”, biết toan tính hơn thua thì người ta đi làm kinh tế chứ cảm xúc đâu mà làm thơ. Nhưng cứ khờ một chút thì mới thơ thẩn cùng thơ được và gửi tiếng lòng qua câu chữ. Anh để lại cho đời những dòng cảm xúc rất đỗi chân thành như thế! Khờ, Khùng,… Đó là cách nói hài hước, trào lộng (tự trào) của người sáng tạo nghệ thuật. Khờ đấy, “trời đày” đấy (chữ dùng của cố thi sĩ Nguyễn Bính: “Mình tôi giời bắt làm thi sĩ/ Mẹ mất khi chưa kịp bạc đầu”,  còn nữ thi sĩ Lệ Khánh: “Vì thượng đế đày tôi làm thi sĩ/Nên tâm tình trào ngọn bút thành thơ”. Đó là cách nói có chút hờn dỗi của người sáng tạo nghệ thuật. Thực ra nêu đem đổi sự đam mê đó lấy những tố chất khác thực tế với cuộc đời hơn chưa chắc các thi nhân đã chịu đổi.
“Ta khờ khạo giam mình trong cổ tích/ Bước loanh quanh va chạm vết thương dài/ Từng mảnh vụn ghim vào đời dối trá/ Gởi linh hồn trên tuyệt đỉnh tàn phai”
(Đêm thao thức-100 lẻ 1 bài thơ)

Thi nhân từ xưa đến nay ít ai không vất vả, cũng bộn bề cơm áo đấy nhưng tâm hồn vẫn lãng mạn như không. TQC không là ngoại lệ. Thơ tình yêu trong thơ anh mang đầy yếu tố lãng mạn, tha thiết và ngọt ngào.

“Tôi tay trắng bươn vào đời vất vả/ Gánh hai đầu hình bóng của em xưa” …Hỏi thật nhỏ ngại ngần em giận dỗi/Rất giống người…tôi nhớ tuổi mười ba!” (Nhớ em tuổi mười ba- tập thơ: Lắng nghe)

TQC viết về mối tình dang dở hoặc đơn phương dĩ nhiên không đơm hoa kết trái như ý nguyện. Phải chăng tình đầu thường là vậy. Mối tình đầu bao giờ cũng vậy, rất ngọt ngào nhưng cũng lắm đắng cay. Những câu thơ lục bát mượt mà diễn tả sự dở dang tiếc nuối, trống vắng của một tâm trạng của chủ thể trữ tình khắc khoải, cô đơn trong những câu thơ lục bát mềm mại uyển chuyển.

“Mà em như thể cánh diều/ Để tôi đứng mỏi giữa chiều mênh mông/ Mà em như thể mùa đông/ Để tôi cơn gió thổi không bến bờ”

(Thơ viết cho người-Lắng nghe)

Mối tình đã qua là một kỷ niệm đẹp để lại nhiều bâng khuâng nuối tiếc trong thơ:
“Còn đâu đôi bím tóc mềm/Thả bay theo gió em hiền như thơ/ Vụng ngày xưa-dại bây giờ/ Thương hai đưa cứ hững hờ người dưng” (Còn đâu-lắng nghe)

Trần Quang Châu khi làm báo thì mức độ thực tế và chính xác là điều cần có của một nhà báo nhưng khi làm thơ thì tâm hồn lại có đủ lãng mạn của chất thơ: Vì thế anh có những vần thơ đẹp, quyến rũ người đọc bởi cảm xúc mà thơ tạo nên vừa hư vừa thực, lâng lâng mộng ảo. Thi ý “Trộm của trời đôi chút mộng” rất hay. Đó là một hình ảnh sáng tạo đầy chất thơ.

“Sáng nay trộm của trời đôi chút mộng/ Nằm gối lưng chim bay dạo núi rừng/ Muốn xuống biển đánh đu cùng sóng/ Rất hồn nhiên như thuở mới yêu người”
Vâng tình yêu làm cho tâm hồn trẻ trung yêu đời, tuy nhiên không phải mối tình nào cũng trọn vẹn. Vì thế trong thơ Trần Quang Châu có những nghịch cảnh, có chút xót xa hụt hẫng và nuối tiếc.

“Hỡi những hoàng hôn khi sụp xuống/ Qua bên kia có nhớ chuyện mỗi ngày/ Nơi ta ở có vườn bông cúc nhỏ/Và trong phòng trơ trọi chiếc bình không”
(Chiếc bình không-Lắng nghe)

Tâm hồn thi nhân dạt dào tình thương mến đầy tình đời, tình người. Ngoài mảng thơ ngọt ngào lãng mạn về tình yêu đôi lứa, Trần Quang Châu có những vần thơ thiết tha ân tình dành cho quê hương, gia đình và bè bạn: “Quãng Ngãi quê mình mùa đông thiếu nắng/Đêm dài hơn nên mộng mị lan man”

Anh có những vần thơ viết về mẹ và quê hương đầy xúc động. Đối với anh thì quê hương thiêng liêng lắm vì quê hương có mẹ và mẹ chính là quê hương. Hình ảnh người mẹ tần tảo, giàu đức hi sinh, chịu thương chịu khó như phẩm chất đặc trưng vốn có của những người mẹ Việt Nam.

“Tháng sáu tôi về thăm quê cũ/Lòng rộn ràng theo những bánh xe lăn/ Mẹ mòn mỏi trông con chiều tất tả/ Áo vai sờn, gánh lúa vượt đồng xa”

(Quê nhà-Lắng nghe)

Tiếp tục với vần thơ về mẹ sau đây là một ý thơ đẹp, hàm súc và giàu hình ảnh.
“Bên ngoài gió trở giọng khan/ Trong lòng mẹ nhóm bếp than lửa hồng/ Ấp iu con suốt mùa đông/ Mẹ cam lòng chịu bao giông tố đời”

(Thơ viết trong mùa vu lan-100 lẻ 1 bài thơ)

Trên bước đường bôn ba xuôi ngược là thế nhưng mỗi khi có dịp đặt chân trở lại quê nhà, cảm giác nao nao, lâng lâng xúc động với bao kỷ niệm ùa về đầy xao động đã trào lên câu chữ thành thơ:

“Đã xa xa hút cội nguồn/ Hai bàn châm lấm vết thương hội hè”

Bây giờ đứng giữa ga quê/Lòng không phên liếp bốn bề nổi trôi

Vô cùng trời đất quanh tôi/ Đâu là khoảnh khắc tôi hồi hộp xưa”

(Ngày về-Lắng nghe)

Những vần thơ dành cho người cha đã khuất được viết khi tỉnh dậy sau một giấc chiêm bao:

“Chiêm bao thấy lờ mờ bên liếp cửa/ Một bóng hình vừa thấp thoáng đi qua”
Con tỉnh giấc giữ vô cùng nuôi tiếc/ Lẫn lộn vui buồn vừa vụt mất…bên kia”
(Nhớ cha-100 lẻ 1 bài thơ)

Thơ cho em trai có tình yêu thương có nỗi cảm thông và thấu hiểu: “Buổi em lớn như dòng sông nước chảy/ Trôi vào đời cùng cực nỗi áo cơm”.

Thơ cho em gái của tấm lòng người anh: “ Em quá trẻ để nghĩ điều cơm áo/Không ngại ngần làm mẹ dưỡng đàn con” (Bài thơ viết cho em)

Thơ cho bằng hữu: “ Mình viết tiếp vài dòng thương nhớ Phước/ ký ức một thời còn sủi bọt nơi đây/ Ly bia cạn chỗ ngồi sao vắng khách/ Ông mặt trời đi trốn suốt chiều nay” ( Nhớ bạn- 100 lẻ 1 bài thơ)

Thơ Trần Quang Châu với cảm hứng trữ tình thế sự là những nỗi trăn trở suy tư về nhân tình thế thái, thoáng chút triết luận nhẹ nhàng: “Sá gì chỗ đứng, chỗ ngồi/ Cầm bằng như thể nước trôi qua cầu” “ Ôi địa ngục, ôi thiên đàng/ Có trăm hố thẳm-có ngàn vực sâu/ …Rong chơi giữa cõi phong trần/ Để suy ngẫm lại những lần hoang mang”. Danh lợi, công danh rồi cũng chỉ phù du, thời gian trôi nhanh như gió thoảng. Đời người trăm năm thoáng qua như chớp mắt mà thôi vì thế tranh giành danh lợi mà chi, đời nhiều cạm bẫy, sa hầm sẩy hố, địa ngục hay thiên đường là điều khó lường trước.

Chính vì thế trong thơ Trần Quang Châu gieo vào lòng người đọc là một chân dung thơ ngọt ngào lãng mạn dù trải qua phong trần và bộn bề cuộc sống. Điều đọng lại sau cùng vẫn là tình yêu:

“Đã mười năm bài thơ chưa đoạn kết/ Bởi xa em nên mực cũng phai dần/ Sách vở nhà trường bỏ lại sau lưng/ Bởi roi vọt vút qua đời tươm máu”
(Nhớ em tuổi 13 -100 lẻ 1 bài thơ)

Và đi qua những phù trầm dâu bể thơ anh vẫn là những vần thơ tình nhẹ nhàng lãng mạn chiếm ưu thế.

“Nhẹ tay nhón thử tiếng đàn/Là nghe trong gió dịu dàng tiếng em/ Hình như ngày đã qua đêm/ Hình như kỷ niệm đang bồng bềnh trôi”

(Đôi khi tôi lạ chính tôi- 100 lẻ 1 bài thơ)

Đời thơ của Trần Quang Châu không nhiều lắm chỉ vài trăm bài thơ được xuất bản trong ba tập thơ như đã nói ở trên. Nhưng bằng tất cả dòng cảm xúc trữ tình tâm tình anh đã ghi lại những vần thơ tha thiết, ngọt ngào và lãng mạn, dành cho tình yêu, tình cảm dành cho quê hương, người thân và bằng hữu,… phác họa được chân dung mình qua thơ, giàu sắc điệu trữ tình. Về trữ tình thế sự anh có những bài thơ để lại nhưng suy tư trăn trở về nhân tình thế thái, có tính triết luận nhẹ nhàng. Trần Quang Châu sáng tác phong phú với nhiều thể loại: Lục bát truyền thống, thơ năm chữ, thơ 6;7;8 chữ, thơ tự do,… với những câu dài ngắn khác nhau. Cuối tập thơ 100 lẻ 1 còn có chùm thơ 10 bài tứ tuyệt. Ngôn từ dung dị, dễ hiểu, giàu hình ảnh và tính nhạc trong thơ.  Anh bảo đây là tập thơ cuối cùng. Người đọc thì vẫn tiếc khi anh không làm thơ nữa. Nhưng như vậy cũng đủ cho một hồn thơ với đầy đủ những gì anh muốn giải bày. Anh dừng lại thơ khi tuổi đời bước sang tuổi thất thập. Bây giờ có lẽ anh chuyên tâm làm tạp chí. Tâm huyết dành cho một sân chơi là tạp chí Sông Quê cùng với nhà thơ, nhà báo Phạm Ngọc Dũ. Chúc cho anh luôn bình an, sức khỏe, làm việc nhiều năng lượng với niềm đam mê văn nghệ chưa bao giờ vơi cạn.
Tôi cũng có bài thơ vui tặng anh:

Đọc thơ của Trần Quang Châu

Bớt chút Quảng Ngãi cộng vào Thừa Thiên

Là ra câu chữ người hiền

Tình người đầy đặn của miền Trung thương

Thơ anh giọng ngọt mía đường

Gom mây nhặt lá của từng mùa trôi

Đùa anh một chút vui thôi

Tôi đang soi chiếu ngọn nguồn thơ anh!

Sài Gòn, ngày 21/3/2024

Hoàng Thị Bích Hà