Thôi đành gửi chút trăng sao

882

(Đọc tập thơ “Hương biển” của nhà thơ Trịnh Vĩnh Đức-NXB HNV)

Nhà báo Triều Nguyệt

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trịnh Vĩnh Đức quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Nơi đã gắn với biết bao kỷ niệm đẹp của tuổi thơ anh. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, anh trở thành thầy giáo dạy văn giỏi, và là Hiệu trưởng trường THCS Hoằng Lương – Hoằng Hóa – Thanh Hóa. Anh không chỉ sáng tác thơ, mà còn viết Lý luận phê bình, sách lịch sử, địa chí, văn hóa làng xã. Ở lĩnh vực nào anh cũng có những đóng góp đáng kể. Tập “Hương Biển” của anh hơn 100 bài thơ đã ra mắt bạn đọc, là tập thơ mà anh tâm đắc và cũng được rất nhiều người đồng cảm.


Tập thơ “Hương biển” của Trịnh Vĩnh Đức

Mở đầu tập thơ với bài “Hoằng Hóa quê anh”, Trịnh Vĩnh Đức viết với tâm thức mang nặng ân tình đối với đất mẹ, quê cha, nơi lưu giữ những giá trị nguồn cội, những êm ả của xóm thôn, làng xã. Nhịp đời nơi ấy cứ giăng mắc, từ từ trôi như tiết tấu, nhịp điệu của thơ anh. Không xô bồ ào ạt mà cứ lơ thơ chảy. Dẫu thế, nó vẫn buộc ta hình dung về một tâm hồn thật nhạy cảm với cảnh sắc, con người quê hương. Đó là màu nắng thu nhạt nhòa trong chiều tím có cánh cò bay lã chao nghiêng. Bốn câu thơ mở đầu: “Em hãy về Hoằng Hóa quê anh/ Nơi con sông Trà, Đền Bưng huyền thoại/ Nơi có hương thơm bốn mùa hoa trái”. Nhà thơ như hóa thân vào dòng sông, vào ngọn gió, với những danh nhân huyền thoại để mời gọi những người con ở phương xa trở về: “Quê hương tôi xanh xanh ngát triền đê/ Cơn gió chênh chao bao mùa vất vả/ Cánh cò chao nghiêng những chiều yên ả, để rồi: “Cất giữ lời quê nơi ấy đợi em về”. (Quê hương). Chi tiết nào cũng giàu gợi sắc, dân dã, thân thuộc, yên bình.

Có lẽ, không ít nhà thơ viết về kỷ niệm cuộc đời, nhưng để thơ không đi lan man và vượt lên sự sáo mòn thì đòi hỏi người cầm bút phải có sự lựa chọn hình ảnh đặc sắc và cách thể hiện mới mẻ. Phần nhiều, người làm thơ thấy kỷ niệm nào cũng đáng trân trọng, cũng đáng được thơ hóa nên bỏ đi thì rất tiếc. Tuy nhiên thơ Trịnh Vĩnh Đức cũng như nhạc họa luôn có sự chọn lựa tinh tế, tiêu biểu, vừa cụ thể vừa khái quát, vừa bé nhỏ, vừa mênh mông. Đọc thơ anh ta thấy ngổn ngang những hoài niệm, ăm ắp những rung cảm, ngang dọc: “Kỷ niệm chợt về ào ạt trong tôi/ Phía chân trời xa dạt dào sóng vỗ/Hương biển hát em hương thầm dịu ngọt/ Anh đứng bên bờ ngơ ngẩn nhìn em”.

Thì ra, tính cách của nhà thơ đã hiện lên qua ánh xạ của trái tim: “Dưới sao trời biển lặng sóng yên/ Anh mới hiểu vị ngọt ngào sâu lắng/ Lòng đại dương giữa muôn trùng cánh sóng/ Vỗ vào lòng con sóng của ngày xưa”. Cái tình khúc ấy có lúc du dương nhẹ nhàng êm dịu như con sóng vỗ vào bờ cát. Có lúc chuyển cung bậc thành cao trào ào ạt xô bờ, làm tan đi cơn khát để rồi chỉ còn là ảo ảnh: “Ơi con sóng ngàn năm ào ạt vỗ/ Để bờ anh ôm mãi giấc mơ tiên” (Hương Biển).

Vậy đó, một sắc thái thơ ca ẩn dấu những nỗi đau, gắn với những năm tháng vượt khó. Hay là sự giải thoát những nỗi niềm sâu kín trong tâm tưởng của đời mình. Nhà thơ như kẻ si tình. Mạch thơ cứ quấn quít lấy nhau: “Gió biển chiều hè xõa tóc ai/ Làm rung áo ngực nếp khuy cài/ Vô tình trong gió anh nhặt được/ Có bóng hình em hương tóc mai”. Bài thơ viết rất bình dị nhưng lại phát sáng bởi hai câu kết, có cần chi sự uốn éo cầu kỳ, thật tự nhiên. Nhà thơ lại tiếp tục gieo vào lòng ta một nỗi bâng khuâng mơ hồ, với dư vị ngọt ngào, dâng hiến: “Biển trời thu nhỏ vòng tay/ Ôm em thỏa khát chốn này mộng mơ”.(Biển và em). Gắn bó với đời sống không phải là một thao tác nghề nghiệp mà là một thái độ sống, một tư thế của người nghệ sĩ. Đó chính là ngọn nguồn của sáng tạo. Với Trịnh Vĩnh Đức là vậy. Những câu thơ nhói lòng về nỗi đau đã từng khát khao muốn tìm về nơi chốn bình yên: “Nay trở về anh khát chốn bình yên/ Ghét lũ đu dây thói đời úp mở/ Xã hội đau buồn dân tủi cực đơn côi”.(Quê Hương). Bấy nhiêu dọc ngang, tang bồng, nhà thơ đã thành lãng đãng trong tình khúc yêu thương: “Tháng bảy ơi! Sao ngọt ngào nhung nhớ/ Đưa ta về cảm xúc xa xôi/ Ta nhớ em, nhớ mùa thu trong trắng/ Đậm hương trời tình khúc lên ngôi”. Nên cái ngọt ngào, tinh khôi ấy thật không dễ dàng gì đối với nhà thơ: “Cái ngọt ngào thu mang đến tinh khôi/ Sẽ hòa theo trong muôn ngàn cảm xúc”. Bởi con thuyền tình yêu đâu có dễ đậu bến cuối cùng. Sau những nhớ mong chỉ còn lại “dáng em” và cái “bóng” của mùa thu là diệu vợi; “Có dáng em bóng mùa thu tình khúc/ Thu nồng nàn, lan tỏa mãi trong tôi”. (Cảm xúc tháng bảy).

Và đây là một câu thơ, một hình ảnh rất thơ, rất tài hoa của Trịnh Vĩnh Đức: “Thế rồi ta cứ ngẩn ngơ/ Qua nhà quên ngõ bơ vơ nẻo về/ Phải em đã ướp bùa mê/ cho anh nhớ mãi mùa về tháng ba” để rồi tác giả phải thốt lên: “Gửi em hương bưởi bay xa/ Anh mang thương nhớ trong tà áo em”. (Lục bát tháng ba).

Nỗi nhớ trong tâm hồn thi ca luôn luôn ngoảnh lại để chiêm nghiệm cho dù tình yêu đã thành sự thật: “Chốn này thi tửu đắm say/ Vườn hồng mở lối hôm nay đón chờ/ Trông em đẹp đến sững sờ/ Em đi để sóng vỗ bờ tim anh”. (Vườn thơ). Nhà thơ luôn gọi được những góc khuất phía sau hiện thực, cho dù mơ mộng nhất. Sự phản biện nằm ngay ở những chiều thuận của đời người. “Vườn thơ hoa nở rực trời/ Để lòng thi sĩ rối bời trước hoa”. Trước hoa, thi sĩ không rối bời mới là chuyện lạ! Câu chữ của anh cứ như thì thầm, du dương say đắm lòng ta. Trịnh Vĩnh Đức mạnh ở cảm xúc, sự thăng hoa, phát sáng của anh có lẽ bắt đầu từ đây. Đôi khi, sự phản biện đến tận cùng để bật lên triết lý tự thân bên trong của mỗi câu thơ làm lay động trái tim người đọc. Và đó cũng là kết tinh của những sáng tạo từ tâm hồn và tuệ giác xuất thần giúp nhà thơ tìm lại bản ngã, đối diện với chính mình. “Có lẽ nào nuối tiếc không em/ Con đường xưa kỷ niệm thời áo trắng/ Đất quê ta dải dầu mưa nắng/ Tiếng ve kêu lay động nhớ trưa hè”. (Kỷ niệm không quên). Câu thơ cảm thán song hành với những điệp từ điệp ngữ làm cho giọng thơ trở nên bổi hổi, bồi hồi.

Nhưng, tình yêu nào mà chẳng có giông bão giận hờn, thôi thì cứ cất lên như người quan họ đành lòng vậy, cầm lòng vậy để được phen thổ lộ với người thương: “Xin em trao một nụ cười/ Để anh mắc nợ suốt đời trong em”.

Chao ôi! Trịnh Vĩnh Đức, thương và dỗi cũng mang khí chất của người từng trải, giận bao nhiêu cũng là yêu bấy nhiêu thôi, mong muốn an lành vẫn bao trùm tất thảy: “Thôi đành gửi chút trăng hoa/ Vào câu thơ ủ mặn mà trao em”. (Thơ tình)

Phải chăng thơ là nguồn mạch cảm xúc để giải thoát những cơn u hoài hướng về trong tâm hồn thi sĩ. Đặc biệt thơ tình của Trịnh Vĩnh Đức đã bày tỏ tất cả những ẩn chứa trong trái tim. Bởi “Tình chỉ đẹp khi còn dang dỡ” (Hồ Zếnh), nên nhà thơ đã thốt lên: “Thôi đành gửi chút trăng hoa…”.

Thơ Trịnh Vĩnh Đức còn có sự hồn nhiên thôn quê, hơi thở và nhịp điệu cuộc sống đồng bãi, sông quê, rồi hoa bưởi hoa cau, mùa màng phả vào không ít trong câu chữ của anh. Trong cách viết, tác giả cũng không câu nệ, gò bó, khi là một đoạn dài, lúc chỉ có hai chữ. Khi là thể lục bát, năm chữ, bảy chữ, lúc làm thơ không vần. Tưởng không nhất quán nhưng hóa ra là chủ ý của người viết. Chữ nghĩa luôn đi theo cảnh, theo hình: “Hoa hồng đậu bến sông thơ/ Câu thơ ai gửi vẫn vơ… ai rồi!/ Tình yêu sao cứ rối bời/ Để ai hết đứng lại ngồi tương tư”. (Ngẫu hứng ngày Valentine).

Và thơ, anh nào có nói gì những chuyện lớn lao to tát, có om sòm chi những ngôn từ bóng bẩy cao siêu, có đánh đố đâu mà đọc lên vẫn rưng rưng xúc động. Có phải đấy cũng là sáng tạo của anh, là nội lực của tâm hồn. Tôi cảm động khi đọc được tấm lòng của nhà thơ, trước hết là chất tư tưởng của tập thơ này. Tác giả tỏ ra trăn trở trước cuộc sống, trước những chuyển động của cuộc đời. Rõ ràng đằng sau những con chữ bằng phẳng ấy là sự dấn thân của tác giả. Nhà thơ không còn là lữ hành đơn độc bên lề đường. Anh đang đầy rẫy tâm trạng giữa cuộc đời. Anh muốn tỏ thái độ, muốn góp lòng mình cho sự chuyển động mới mẻ đời sống. Tôi tâm đắc với những vần thơ nóng hổi tâm tưởng: “Ngập tràn trắng xóa chiều mưa/…Câu thơ tôi viết ướt rồi còn đâu?/ Bốn phương chới với tìm nhau/ Lứa đôi hẹn cưới trầu cau mất rồi/… Tôi đi qua những dòng đời/ Câu thơ trĩu nặng vít trời… cong veo!”. (Bão lụt). Câu thơ mà “vít cả trời cong veo” thì quả là độc đáo…

Khổ thơ hay, lay động lòng người. Câu thơ tả cảnh mà đầy cảm xúc ưu tư; “Xin trời bớt giận bão giông”…, “Câu thơ trĩu nặng vít trời cong veo”. Vì bão giông mà đã “ vít cong cả trời” thì quả là “khen cho con mắt tinh đời” của nhà thơ. Câu thơ vì thế có sức nặng của chiều sâu cảm xúc.

Gấp tập thơ lại, tôi đã có những khoảnh khắc được sống cùng thơ Trịnh Vĩnh Đức. Tôi đã bắt gặp một tâm hồn thơ khắc khoải mà trong lành, đời thường mà cao quý. Thơ anh nhiều tầng nghĩa, nhưng lại là những hình ảnh thường ngày trong đời sống thôn quê, bạn bè, với cả những chuyến đi… Đó là một thứ thơ không dễ viết, viết không dễ hay! Nhưng anh đã viết và viết hay, viết thấm đẫm nỗi đời.

Vậy là người con trai vẫn tin cái người mình yêu sẽ còn gặp lại. Tác giả đã nâng vực, giải cứu cho tình yêu và cả tứ thơ nữa. Đây cũng là điểm nhấn của thơ anh. Với tâm hồn sâu lắng yêu thương bật ra những lời thơ như là sự sẻ chia nhắn gửi người mình yêu nhưng chưa “nắm tay đi chọn một con đường”, nên những câu thơ thật da diết, ám ảnh để ai đó có cùng cảnh ngộ như anh hãy bừng tỉnh: “Có thể nào nuối tiếc không em”?. Đến đây nhà thơ đã tỉnh lại, chân thành, sâu sắc đã kết lại “Thôi đành gửi chút trăng hoa/ Vào câu thơ ủ mặn mà tặng em”.

Một câu hỏi, một tiếc nuối hay một khát khao nơi góc quê lặng thầm mà Trịnh Vĩnh Đức đã gửi lại cho đời. Đây là suối nguồn thơ ca không bao giờ vơi cạn của nhà thơ – nhà giáo. Và “căn nhà” ấy không bao giờ mất, nó trở thành bảo tàng cho tình yêu, và bạn đọc yêu mến thơ anh/.

T.N