Thời gian đang trôi – Truyện ngắn của Bích Ngân

783

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trước mặt Vy là bao la sóng nước và ngùn ngụt sắc màu. Khoảnh khắc hấp hối của ngày không còn phẳng lặng như ít phút trước mà bất chợt dậy sóng ầm ào. Cầu tàu dưới chân Vy trở nên quá mong manh, cơ hồ những cơn gió từ khơi xa có thể kéo cô trượt khỏi mặt cầu. Vy đưa tay bám chặt thành cầu, thấy rờn rờn nỗi sợ trước vô số những đợt sóng cồn cào va đập.

Nhà văn Bích Ngân 

Mặt trời vẫn chưa dịu dù đã chênh chếch về Tây. Gió bị chặn lại nơi những bức tường rêu phong đen sẫm. Những tàng cây cổ thụ cao vượt bức tường lởm chởm chì gai cùng đám dây leo lơ thơ, những chiếc lá vàng nhạt và đám cỏ dại xanh rì mọc theo lối đi, cũng im sững.

Đoàn người tiếp tục di chuyển. Khi leo lên khu trại giam kiên cố với những bức tường cao dày ken đầy song sắt, đoàn người dừng lại, đứng bao quanh cái nóc “chuồng cọp”, để nghe người hướng dẫn miêu tả về những cực hình khủng khiếp từng đọa đày những con người ái quốc.

Người nghe nào trông cũng bơ phờ như đang phải trải qua một cuộc đọ sức. Mặt Vy tái nhợt. Cô tựa vào khung sắt trước mặt, người cúi gập, cố kìm cơn nôn cứ muốn trào ra. Khi cơn nôn lắng xuống, Vy ngẩng mặt lên, lập bập:

– Tôi… không muốn… đi nữa.

Mọi ánh mắt đổ dồn về cô diễn viên, người bất ngờ có mặt trong đoàn đi Côn Đảo vào giờ chót, trước khi máy bay cất cánh. Vy thon thả, da trắng mịn, mặc bộ áo váy và mang đôi giày cùng màu mận chín, vai đeo túi da màu vang đỏ. Trông cô như một ngọn lửa nồng nàn. Vy nghiêng gương mặt rịn mồ hôi về phía Huy, người hướng dẫn kiêm thuyết minh, như thỉnh cầu. Huy thôi liến thoắng bài nói đã thuộc làu, bối rối trước đề nghị của Vy.

Chưa phải diễn viên ngôi sao nhưng sự xuất hiện thường xuyên trên sân khấu, trên nhiều bộ phim truyền hình và báo chí khiến những người trong đoàn đều nhận ra Vy khi cô xuất hiện.

Huy bước đến bên Vy, cúi xuống, nói nhỏ:

– Ráng thêm chút nữa đi, người đẹp.

Người đẹp rơm rớm nước mắt:

– Ai đi thì đi, tôi hết chịu nổi rồi…

Câu nói của Vy khiến những người đang trò chuyện râm ran chợt ngừng lại. Im lặng kéo dài đủ để mọi người nhận ra tâm trạng cô diễn viên trẻ khi tận mắt nhìn thấy nơi mà con người đã gây ra biết bao tội ác cho con người.

Mặt trời tiếp tục đổ xuống mặt đất tất cả sức nóng của nó. Vài luồng gió len lỏi qua khoảng trống giữa những bức tường xám xịt lở lói cũng không làm giảm đi sự ngột ngạt.

Vy ngồi thụp xuống khoảng hẹp giữa lối đi, rồi thình lình, bật khóc. Đoàn người khựng lại. Kẻ nhíu mày, người lắc đầu, người chuyền chai dầu gió cho Vy. Ai cũng cố tỏ vẻ cảm thông khi những giọt nước mắt bắt đầu chảy xuống đôi má bầu bĩnh lúc ửng hồng lúc nhợt nhạt.

Nước mắt đàn bà có nhan sắc bao giờ cũng dễ làm mủi lòng kẻ khác. Người đàn ông da ngăm, cao gầy, tóc bạc trắng, trưởng đoàn tham quan, từng có một năm chín tháng mười ngày bị giam giữa những bức tường bịt bùng kia, dừng chân, nhìn Vy, cái nhìn độ lượng của người cha trước đứa con gái đa cảm.

Huy rút chiếc khăn tay từ túi quần, khom xuống đưa cho Vy:

– Cô lau nước mắt đi.

Vy giật mình trước câu nói quá quen thuộc, chỉ khác mỗi từ “cô”. Mỗi khi Vy khóc, Quân cũng thường rút khăn tay, những chiếc khăn Vy mua cho anh khi cô đến trung tâm mua sắm của bất kỳ thành phố nào trong những lần lưu diễn, đưa cho cô, và nói: “Em lau nước mắt đi”. Cô đã lau nước mắt không biết bao nhiêu lần, mà hai phần ba số lần đó, cô khóc là bởi sự lần lữa khó hiểu của Quân.

Chung sống như chồng vợ đã hơn năm năm, nhưng chưa một lần Quân nói đến chuyện cưới hỏi. Khi Vy chủ động nhắc đến điều đó, thì bao giờ Quân cũng đưa ra lý do, là anh không muốn ràng buộc và bị ràng buộc. Hơn nữa, cái nghiệp của Vy và cái nghề đầu tư tài chính phải đi lại như con thoi của anh, đều rất cần tự do. Vả lại, với anh, hôn thú chỉ là một tờ giấy lộn nếu hai người không còn cần có nhau.

Đằng sau cái lý thoạt nghe có lý của Quân,Vy vẫn lờ mờ nhận ra điều gì đó như là sự né tránh, vô tâm. Nhiều năm sống với nghiệp diễn, từng sung sướng trước những tràng vỗ tay, những bó hoa và lời tán tụng nhưng cô đủ tỉnh táo để nhận ra sự ngán ngao của cuộc sống quá nhiều mối giao du để chỉ nhận được quá ít tình cảm chân thành. Cô càng thấm thía cảnh cô đơn sau mỗi đêm diễn muốn kiệt sức lại trở về nhà, thui thủi một mình.

Nhiều lúc nằm trong lòng Quân mà nước mắt cô cứ lăn dài. Rất nhiều lần, cô òa khóc, bất kể giữa bữa ăn trong nhà hàng hay trong quán cà phê hoặc sân bay nhộn nhạo người. Trước ánh mắt của đám đông, Quân kéo vội đầu Vy vào ngực mình, vỗ về, đôi lúc càm ràm: “Đừng sướt mướt vậy. Đây có phải sàn diễn đâu”.

Vy cầm lấy chiếc khăn Huy đưa, lau khô những dòng nước mắt. Cô đứng lên, lắc lắc mái đầu, cả khuôn ngực tròn sau làn vải ôm sát cũng rung nhè nhè. Với một cái nhón tay điệu đàng, Vy kéo mấy lọn tóc bết mồ hôi ra sau vai, luồn cả hai tay ra sau ót, hất bung mái tóc lên.

Khi thấy nhiều ánh mắt đang quan sát mình, Vy thoáng giật mình. Trước khi đến đây, Vy chưa hề có một khái niệm hay hình dung nào về nhà tù hãi hùng này dù trong một vở kịch đang tập, cô vào vai một nữ tù với chân tay bị xích, đầu tóc xõa xượi, mặt mũi bê bết máu. Cô đã cố gắng tối đa kỹ trong diễn xuất nhưng nhân vật cứ cứng đờ, gượng gạo.

Vy có mặt trong chuyến đi này, một phần cũng vì vai diễn đó. Cô muốn diễn thật hơn, có hồn hơn. Cuộn chiếc mùi-xoa bỏ vào xách tay, Vy nghĩ sẽ giặt sạch rồi mới trả lại Huy. Và khi hiểu rằng ý định tách khỏi đoàn là không thể, cô lựng khựng bước tiếp.

Trên đường trở ra, đôi chân mang giày cao gót của Vy bắt đầu thấm đau. Cô bước khập khựng cho đến lúc nhìn thấy những hình nhân phụ nữ tay chân bị xích như cô từng bị xích khi trong vai kịch, thì cô cúi xuống lột giày ra khỏi chân để bước nhanh hơn. Nhưng vừa chạm đôi chân trần xuống nền xi măng hầm hập nóng, Vy lật đật xỏ lại chân vào giày, gấp gáp bước.

Đôi mắt của những hình nhân như không chịu rời khỏi Vy, cứ liên tục chớp chớp như đang muốn nói điều gì đó. Vy rùng mình. Lúc sáng, đi qua những dãy mồ ở nghĩa trang Hàng Dương, cô không có cái cảm giác kéo níu vùng vằng này. Quay lưng bước đi, cô vẫn có cảm giác những ánh mắt đang đuổi theo mình. Vy bước thật nhanh, lấp vấp va phải một khúc cây ngáng ngang đường khiến cô loạng choạng. Huy đưa tay ra, nắm lấy tay Vy:

– Cô đừng sợ, có phải người thật đâu.

Vy vẫn sợ cái ám khí của nhà tù và sự giết chóc. Ám khí ấy vẫn bám theo Vy khi cô đã cùng đoàn người ngồi trên chiếc xe tiện nghi, chạy chầm chậm trên con đường quanh co uốn lượn theo bờ biển tràn nắng.

Vy mở rộng kính cửa xe. Một bên là đồi núi xanh rì, một bên là biển ngát xanh tới tận chân trời. Gió lồng lộng, kéo theo mùi cát, mùi chài lưới, mùi tôm cá, mùi những chảo hạt bàng trên những bếp lửa riu riu đặt bên vệ đường dọc lối đi.

Cảnh vật lướt qua, khi là những loài cây chênh vênh trên vách núi trổ hoa lung linh dưới nắng chói, khi là những chiếc thuyền đánh cá bập bềnh bên bờ biển, khi là những cánh chim chơi vơi giữa trời nước mênh mông. Lẫn trong gió, trong hơi hướm của đồi núi, của biển cả vẫn phảng phất đâu đó cái mùi tanh tưởi từ những vết thương của vô số xác thân đang mục rữa.

Bãi cát trắng phau và mặt biển trong xanh bỗng trở nên không còn hấp dẫn với cô. Cả dự định ngụp lặn thỏa thích rồi phơi mình trên những bãi cát trắng mịn cũng không còn quyến rũ nữa, dù Vy đã mang theo cả lô áo tắm.

*

Xe về đến nhà nghỉ vẫn chưa đến giờ ăn chiều. Mọi người trong đoàn đồng ý tìm quán cà phê ngồi hóng gió biển.

Quán cà phê trong ngôi nhà cổ, nép mình bên những cây bàng cao dềnh dàng, chỉ cách bờ biển vài chục mét. Hai cô phục vụ lăng xăng chạy tìm thêm ghế, những chiếc ghế gỗ còn bốc mùi vẹc-ni. Vy lựng bựng tìm chỗ ngồi. Ông trưởng đoàn dợm đứng lên nhường chỗ cho Vy nhưng Huy lẹ chân bước đến quầy cà phê nhấc cái ghế cao đến đặt trước mặt Vy. Cô trèo lên ngồi vào ghế. Váy Vy mặc đủ dài và những cơn gió thốc tháo từ biển khiến cô cứ phải nhấp nha nhấp nhổm, rồi tụt khỏi ghế, cầm ly cam vắt đứng lóng nhóng chờ cô nhân viên tìm giúp cái ghế thấp.

Mắt Vy chạm phải một cánh cửa khép hờ. Khi người phục vụ đẩy cửa, bước vào lấy mấy chiếc ghế, Vy nhìn theo. Trên một cái bục đặt bức tượng đồng bán thân của một người châu Âu mắt sâu, mũi cao, râu ria che gần kín miệng. Tò mò, Vy bước vào. Cô không khỏi ngạc nhiên khi bảng chỉ dẫn cho biết đó là một nhạc sĩ nổi tiếng thế giới – Camille Saint-Saëns, đặc biệt là vở opera Frédégonde mà phần quan trọng được ông sáng tác trong thời gian lưu lại Côn Đảo theo lời mời của chúa đảo Louis Jacquet, khoảng năm 1895.

Vy đứng tần ngần ngắm bức tượng bán thân một lúc rồi trở ra. Cô chạy tìm người hướng dẫn đang phụ hai cô phục vụ bưng nước cho khách trong đoàn. Vy níu tay Huy bước vào căn phòng đặt chân dung nhạc sĩ Camille Saint- Saëns. Vy hỏi người hướng dẫn việc nhạc sĩ có mang vợ con hay người yêu đi cùng không. Và cô còn muốn biết, nhạc sĩ có lần nào bước chân đến trại giam nhốt chật những tù nhân. Huy không tỏ ra bực bội trước những câu hỏi mà còn cố vét hết hiểu biết và huy động cả trí tưởng tượng nữa, với hy vọng làm vừa lòng người đẹp diễn viên.

Tuy không rõ chi tiết về đời tư nhạc sĩ, nhưng Huy hiểu khá rõ về lịch sử sáng tác của nhạc sĩ Camille Saint-Saëns. Anh ta còn quả quyết là thế nào nhạc sĩ cũng từng nghe được tiếng đàn bầu, đàn nhị của những người tù vọng ra từ các bức tường trại giam khi ông sáng tác Frédégonde, vở nhạc kịch mang âm hưởng bi tráng về tình yêu, chiến tranh, tù đày và cái chết.

Vy rút cây viết Paker và một quyển sổ nhỏ, hai thứ cô luôn mang theo để ghi các thứ linh tinh: mua sắm, lịch diễn, lịch quay, những câu nói hay bất chợt cô nghe được hoặc những danh ngôn đọc trên tờ lịch block mỗi ngày… Khi còn sống với Quân, cô còn ghi cả chu kỳ kinh nguyệt vốn rất thất thường của mình…

Lúc Vy chăm chú đọc tấm bảng ghi chú, Huy quay ra để trả lời nhiều câu hỏi của những người trong đoàn. Huy nói vanh vách cách chọn mua hạt bàng vừa giòn vừa thơm, loại đặc sản chỉ có ở Côn Đảo, còn dặn khách khi mua mực một nắng nhớ đóng vào thùng xốp trước khi đem lên máy bay…

Vy tẩn mẩn chép vào sổ tay những dòng trích từ bức thư của Camille Saint-Saëns gửi lại cho Jacquet, trước khi nhạc sĩ rời đảo: “Cái gì đã khiến chúng ta gây nên nhiều tội ác đến thế trên mảnh đất này, trên bán đảo này? Liệu có cách gì cứu vãn được không?… Là một nhạc sĩ, tôi tin chắc rằng, ở đâu cái đẹp được tôn trọng…”.

Điện thoại trong túi Vy rung lên. Vy nhận ngay số của Quân. Cô không trả lời, tắt máy. Chưa kịp cho điện thoại trở vào túi xách, tiếng chuông lại vang lên. Vy ngần ngừ rồi áp vào tai. Tiếng Quân đứt đoạn: “Em… nghe đi… Anh… yêu em… Anh…”. Quân đang say. Giọng anh ngấm men, ướt sũng. Vy tắt máy, cho vào túi, gài miệng túi lại, đọc tiếp bức thư của nhạc sĩ Camille Saint-Saëns.

Chuông điện thoại lại reo. Từng chặp, từng chặp. Tiếng chuông riết róng, nghe như tiếng kêu khẩn thiết từ cổ họng một người bị ngộp. Vy ngừng chép. Quân đang say. Và đang ở đâu? Tiếng của Quân lúc nãy không trộn âm thanh của phố xá, xe cộ. Như vậy, Quân không đang phóng xe trên đường. Anh đang ở đâu đó, một mình.

Không hiểu sao, Vy lại tin là Quân tiệc tùng đâu đó rồi trở về ngôi nhà hai người từng chung sống, ngôi nhà mà Quân vẫn đang giữ một chìa khóa cửa.

Gấp quyển sổ lại, Vy mở miệng túi, cầm điện thoại lên. Cô chưa lên tiếng đã nghe Quân gào lên: “Em ở đâu, làm ơn cho anh biết. Anh sẽ đến ngay”. Vy thấy tim mình một lần nữa bị đâm thủng. “Vậy còn… vợ anh đâu?”. Quân hét lên: “Chỉ có em mới là vợ anh”. Tim Vy như muốn vỡ vụn. “Anh đừng cố giết tôi thêm lần nữa”.

Không chờ nghe Quân nói thêm lời nào, cô tắt luôn mobile.

*

Trong lúc mọi người kéo nhau ra xe, Vy lại tách ra, một mình bước lững thững về phía bờ biển.

Trời và biển như hòa vào nhau trong buổi chiều tà. Không gian lồng lộng gió nhưng Vy vẫn thấy ngột ngạt với nỗi buồn. Cô bước chậm, thỉnh thoảng cúi xuống nhặt một chiếc lá bàng to, ngắm cái màu đỏ bầm như máu ứ rồi buông ra, rồi lại nhặt chiếc lá khác… Có chiếc nằng nặng trên tay, có chiếc lại nhẹ hẫng.

Vy gặp ông trưởng đoàn đang bước về phía mình.

– Sắp đến giờ cơm rồi đó, cháu.

Vy dừng lại:

– Bác và mọi người cứ về trước đi. Cháu muốn ngắm mặt trời lặn…

Không hiểu sao, Vy có cảm giác ông trưởng đoàn cũng đang cất giữ những niềm riêng, không chỉ là ký ức còn mất của ngày đã qua trên hòn đảo này. Ông chưa kịp nói thêm lời nào, đã thấy chiếc xe du lịch chạy đến và dừng lại. Huy nhảy xuống, kéo tay ông trưởng đoàn đưa lên xe. Vy nói ngay:

– Tôi lang thang một lát, mọi người đừng đợi cơm.

Thoáng ái ngại trong ánh mắt Huy. Anh ta đóng cửa xe. Chiếc xe lại tiếp tục chuyển bánh.

Phía chân trời, quả cầu lửa khổng lồ đang từ từ sà xuống mặt biển. Mặt biển, chân trời hực lên sắc hoàng hôn.

Vẻ đẹp lạ lùng khoảnh khắc hồi quang rực rỡ của đất trời khiến Vy ngây người ngắm nhìn. Cô chợt sững người nhận ra, chỉ một lát nữa thôi, vẻ lộng lẫy đó sẽ biến mất và tất cả sẽ chìm vào màn đêm.

Vy bước xuống một cầu tàu nằm chơ vơ trước mặt. Cầu tàu được ghép bằng những khối đá xám đang ngời lên sắc hồng yếu ớt của mây trời. Theo thuyết minh của Huy thì cầu tàu 914 này là một trong những di tích đáng nhớ. 914 là số tù nhân đã đục đá từ những ngọn núi mờ xa kia rồi mang vác đến đây. Khi đúc nên chiếc cầu tàu này, họ đã kiệt sức và lần lượt bỏ mạng.

Trước mặt Vy là bao la sóng nước và ngùn ngụt sắc màu. Khoảnh khắc hấp hối của ngày không còn phẳng lặng như ít phút trước mà bất chợt dậy sóng ầm ào. Cầu tàu dưới chân Vy trở nên quá mong manh, cơ hồ những cơn gió từ khơi xa có thể kéo cô trượt khỏi mặt cầu. Vy đưa tay bám chặt thành cầu, thấy rờn rờn nỗi sợ trước vô số những đợt sóng cồn cào va đập.

Trong lúc ngược thành cầu để trở vào, Vy hãi hùng khi thấy cầu tàu cứ run lên bần bật. Rồi đôi chân như không còn tuân theo ý muốn khi cô hình dung những sinh linh bỏ mạng nơi cầu tàu này đang nhảy múa, gào thét theo từng đợt đại dương sóng cuộn.

Cả nhạc sĩ Camille Saint-Saëns nữa, chắc linh hồn ông cũng đang lẩn khuất đâu đó, nơi bản giao hưởng bi tráng kể về cái biển người không ngừng chìm nổi trong trùng trùng ngọn sóng nơi đây.

Trong giây phút rối trí, hoang mang, Vy chợt nghĩ tới Quân. Mà thật ra, chưa lúc nào cô ngơi nghĩ đến anh, dù là trên sàn diễn, trên đường đi, trên giường ngủ hay trong những lúc mệt lả nằm vùi, và ngay cả trong những cơn mộng mị.

Vy ngồi thụp xuống, cố mở túi, lấy điện thoại. Cô thấy có bảy cuộc gọi nhỡ của Quân. Cô vội vàng gọi lại. Đến hồi chuông thứ sáu vẫn không nghe thấy tiếng Quân, Vy tắt máy.

Một con sóng đâu đó lại bất thần ào tới, bứt anh ra khỏi cô…

Lần theo thành cầu, Vy thận trọng bước từng bước một, về phía bờ đất mờ mờ trước mặt…

B.N