Thời khắc cảnh tỉnh!

799

Ngày 1/10, thiệt lòng cũng muốn viết vài câu hân hoan về thời khắc chờ đợi của người dân Sài Gòn và các tỉnh phía Nam, sau 4 tháng giãn cách đủ kiểu tăng cường. Thế nhưng, thực tế lại xót xa và ngậm ngùi…


Từ sáng sớm 1/10, hàng ngàn người từ TP.HCM và các địa phương lân cận đổ xô về quê.

Hàng nghìn người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang nhẫn nại bám trụ Sài Gòn, đã lao ra đường từ chiều 30/9, khi hết lệnh phong tỏa, chỉ để lũ lượt kéo nhau về quê. Hành trình di tản qua các chốt chặn Long An, Tiền Giang, Bến Tre… đầy nhọc nhằn và đắng cay.

Nghĩa là, những số phận ấy đã khánh kiệt về kinh tế và vẫn bất định về tương lai.

Nghĩa là, cuộc chiến chống Covid-19 bằng “kịch bản rào chắn” và “thần tốc xét nghiệm” đã không thu được kết quả như mong muốn.

Nghĩa là, các gói hỗ trợ an sinh chưa đủ cho đối tượng yếu thế đắp đổi rau dưa qua ngày, và các chính sách kinh tế chưa đủ cho doanh nghiệp tự tin mời gọi lao động phục hồi sản xuất.

Người dân miền Tây Nam bộ sau những ngày ngột ngạt ở đô thị mà chẳng thấy lối thoát, đành chấp nhận quay lại bấu víu mảnh đất chôn nhau cắt rốn khốn khó. Còn người dân Sài Gòn thì phải đối diện với mật lệnh mới “ra đường không có lý do chính đáng sẽ bị xử lý”.

Lý do chính đáng là gì nhỉ? Muối mặt đi vay chút tiền để tiếp tục cầm cự rách rưới, có phải lý do chính đáng không? Mệt mỏi đi tìm bạn bè tâm sự để khỏi mắc triệu chứng tâm thần, có phải lý do chính đáng không? Cái “kịch bản thất nghiệp” không có chỗ cho vai diễn “thần tốc ăn mày” chăng?

Những người còn tha thiết với sự tiến bộ của Việt Nam cần thấy ngày 1/10 là một thời khắc cảnh tỉnh. Ngoài khả năng điên cuồng ngoáy mũi cộng đồng để giúp doanh nghiệp thân hữu ranh ma thu lợi hàng nghìn tỷ đồng từ kinh doanh kit test nhanh, thì trình độ quản lý và điều hành xã hội như thế nào?

Những bộ dạng ráo hoảnh và những phát ngôn ngớ ngẩn đang phơi bày trước sự chán nản của đám đông, chính là hậu quả quy hoạch luôn ưu tiên những kẻ tỏ ra trung thành và biết hô khẩu hiệu. Chính vì vô năng và vô hại cũng được xem là ưu điểm để vào cầu công danh, nên những phường cờ đèn kèn trống đóng đinh leo thang khi được giao chức quyền thì chỉ có thói quen phát động phong trào thi đua một cách ồn ào ngây ngô.

Trận bão Covid-19 đã nhấn chìm những rao giảng sáo rỗng về các loại kiêu ngạo vô lối. Một đất nước bùng phát giáo sư, tiến sĩ mà phải đi mua vacxin của Cuba – một xứ sở vẫn bị thua thiệt cấm vận liên tục, thì có nên gào thét “tự hào quá, Việt Nam ơi” không?

Liệu những ai may mắn sống sót sau đại dịch toàn cầu, có ao ước “kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo”?

Theo Lê Thiếu Nhơn