Thời niên thiếu của một phó… thường dân

1016

Nguyễn Duy Xuân

(Vanchuongphuongnam.vn) – 1. Thế hệ chúng tôi – U60 trở lên – ai mà chẳng trải qua thời niên thiếu gian khó. 100 cô bé, cậu bé ngày ấy thì dễ có đến 99 cô cậu xuất thân từ gia đình có đời sống vật chất từ trung bình… trở xuống, trong đó phần lớn là nông dân, viên chức nghèo. Chỉ một số rất ít có cuộc sống khá giả. Họ là những gia đình làm nghề buôn bán ở thị trấn, thành phố hay những gia đình có bố hoặc mẹ là cán bộ, nhân viên ngành thương nghiệp – lĩnh vực “hot” nhất thời bao cấp. Còn như ở quê, nhà giàu hiếm hoi lắm.

Tác giả Nguyễn Duy Xuân

Có câu chuyện này người lớn kể lại. Nhà ông Lý ở làng trên giàu lắm, tiền lúc nào cũng đầy túi. Hai bâu áo lụa đỏ ông bà mặc, lúc nào cũng căng phồng phải lấy kim băng ghim miệng lại vì nhét đầy tiền. Nghe nói ông bà phất lên nhờ buôn bán nông sản theo kiểu đầu cơ tích trữ, đợi lúc giáp hạt mới tung hàng ra, một vốn bốn lời. Nông sản quê tôi ngày ấy có lúa gạo, lạc, đậu các loại, nhưng sản lượng thứ nào cũng cực kỳ khiêm tốn, thời hợp tác xã làm ăn theo kiểu “rong công phóng điểm”, cha chung không ai khóc mà.

Các bà, các chị trong vùng từng chứng kiến cảnh bà Lý phiên chợ nào cũng vậy, tay cầm bó tiền loại mệnh giá 5 đồng, 10 đồng mới tinh, sà vào hết hàng này quán nọ, nhưng buổi về chợ trong cái mủng nách bên hông của bà cũng không có gì khác ngoài bó chè, đùm ruột hến gói lá chuối kèm chai nước luộc hay chục cá trích nướng – những thứ mà các bà, các chị khác cũng như mẹ tôi vẫn mua sắm mỗi lần về chợ.

Cái thời ấy nó thế. Chiến tranh liên miên. Nghèo khổ là cái chung của cả xã hội.

Thời bấy giờ, ai mà chẳng ăn cơm độn; độn ngô, khoai, sắn, bo bo,… với tỷ lệ từ 30% trở lên. Cán bộ viên chức còn phải ăn gạo ẩm mốc, đầy sâu mọt.

Nhà tôi cũng chung cảnh ngộ, dù bố tôi là “quan” xã. Ở quê tôi, cơm độn chủ yếu với khoai lang. Là khoai mới thu hoạch về, cắt khúc, chẻ ba chẻ tư bằng đốt ngón tay, khi cơm sôi thì thả khoai vào. Mùa giáp hạt thì độn khoai khô, cũng là khoai lang nhưng thái lát phơi khô để giành. Bây giờ khoai lang trở thành đặc sản, đắt hơn cả gạo chứ ngày ấy tôi thì chúa ghét. Có lần lén quẳng cục khoai độn cho con chó đang ngồi chầu rõ dãi nhìn tôi ăn cơm, mẹ bắt gặp chỉ mắng, đồ công thần. Tôi thì chả hiểu công thần là gì.

Cơm nhà quê chỉ có canh với cà, cà pháo muối trong vại trắng muốt, giòn tan nhưng mặn thì thôi rồi. Hết cà lại đến nhút, quanh năm như thế. Chỉ khi nào có giỗ chạp, lễ tết mới có tí thịt gọi là. Bữa đó bỗng thấy đời sướng như tiên.

Thịt thà hiếm hoi nhưng tôm cá thì không đến nỗi. Nhà tôi có cái ao (bây giờ vẫn còn) nuôi cá theo kiểu nhờ trời bởi chả thấy thả cá giống hay cho cá ăn bao giờ. Thi thoảng cha tôi cắt mấy tàu chuối tươi quăng xuống ao cho cá rứt. Người còn bữa no, bữa đói nữa là.

Khi nhà có khách, mấy cha con lại đánh trần, hè nhau xuống ao úp nơm, cất vó. Quần dưới ao cả tiếng đồng hồ nhưng cũng chỉ được mấy con rô, con giếc, may mắn ra có thêm vài chú cá rầm trắng bạc núc ních.

Có một nguồn cung cấp thực phẩm khác, là “chim trời cá nước” đúng nghĩa. Thời ấy chưa có độc dược mang tên “bảo vệ thực vật” nên các loài sinh vật sống cộng sinh nơi đồng ruộng không bị hủy diệt. Chỗ nào có ruộng nước là có cá, có lươn, chạch, tôm tép, giam (cua đồng). Xách giỏ hay vác cần câu ra đồng một chặp thể nào cũng có cua cá mang về, một mớ đủ loại như rô, tràu, giếc, giam,… Với nhà nông, bữa cơm gia đình trong ngày như thế là tươm. Tôi thì khoái món cá rô đồng kho tương – đặc sản của quê nhà – với lá nghệ tươi thái nhỏ; món bánh đúc riêu cua ăn với rau rong đồng chấm tương giòn tan trong miệng. Những món ăn đó bây giờ, còn khó kiếm hơn cả vi cá mập.

2. Hồi ấy, tụi Mỹ đánh phá miền Bắc bằng không quân rất ác liệt. Quê tôi thuộc khu Bốn, vùng trọng điểm đánh phá, chỗ nào cũng đầy bom đạn. Chiến tranh liên miên, ngày nào cũng chứng kiến cảnh máy bay giặc oanh tạc, bom rơi đạn rú khiến con người ta dạn dĩ đến mức, chả biết sợ là gì, coi cái chết nhẹ như lông hồng.

Khoái nhất là lúc chiều tà đứng sau bờ ao nhà, nhìn lên bầu trời phía thị trấn huyện, ngắm cảnh máy bay Mỹ bổ nhào bị bủa vây giữa lưới lửa phòng không đỏ rực của bộ đội ta; nghe đạn pháo cao xạ 57 ly xé trời bằng những tiếng “goằm, goằm” như sấm sét.

Ngày ấy, dân thành phố sơ tán về nông thôn nhiều lắm. Tinh thần chung là ai quê gốc ở đâu hay có bà con, người quen chỗ nào thì sơ tán về nơi ấy. Gần nhà tôi có một gia đình mới sơ tán về. Nhà chỉ có hai mẹ con. Căn nhà bằng tre nứa làng xóm giúp dựng tạm trên đất vườn bác họ tôi cho mượn, tuy nhỏ bé nhưng trông cũng xinh xắn. Thế là khá lắm rồi, dù sao cũng “độc lập, tự do” về nhà ở.

Tôi chơi với thằng con trai, chỉ biết nó tên Tèo như mẹ nó thường gọi. Tôi với Tèo tuổi cũng suýt soát nhau. Tiếng là dân thành phố nhưng nhà Tèo cũng hoàn cảnh lắm. Tôi biết thế vì có lần hắn đã tự thuật qua hai câu lục bát không biết có phải do hắn làm ra hay không: “Mẹ em bắt ốc mò cua/ Nuôi em ăn học chẳng thua bạn nào”. Thì mẹ nó còn biết làm gì nữa. Dân thành phố về nông thôn, vốn liếng không, ruộng nương, trâu bò, lợn gà tất nhiên cũng không rồi.

Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ buộc phải chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc và rút quân về nước. Hàng ngàn người sơ tán trong đó có mẹ con Tèo háo hức gồng gánh trở về thành phố đổ nát hoang tàn, về nơi nhà cũ trơ nền đất còn loang lổ dấu vết đạn bom để bắt đầu một cuộc sống mới từ hai bàn tay trắng. Tôi mất liên lạc với nó từ đó. Cũng dễ hiểu thôi, chúng tôi vẫn chỉ là những đứa trẻ, tôi còn thua nó bởi chưa bao giờ bước qua ranh giới địa lý làng xã của mình. Nếu đời Tèo may mắn thành đạt, làm ông nọ bà kia nổi tiếng khắp xứ, tôi cam đoan chỉ mỗi chi tiết bắt ốc mò cua của mẹ nó thôi, cũng đủ để khiến báo chí khai thác cả năm trời không biết chán. Rồi thì cái câu lục bát mà nó là tác giả, sẽ trở thành một “sờ lô gân” treo trang trọng ở phòng khách nơi công sở nó làm việc hay sảnh đường một trụ sở địa phương nào đó mà nó sẽ ghé thăm. Tóm lại là sẽ có cả một núi tác phẩm báo chí, văn thơ đẻ ra từ cái chi tiết cực kỳ đắt giá trong cuộc đời nó thuở hàn vi.

  1. Tôi học hết cấp I (từ lớp 1 đến lớp 4), rồi cấp II (từ lớp 5 đến lớp 7). Bảy tám năm đèn sách ở hai bậc học phổ biến nhất thời bấy giờ, tôi cũng chỉ quanh quẩn nơi trường làng, cách nhà vài cây số, ngày ngày cuốc bộ đến trường. Đôi dép đi dưới chân, mãi đến năm lớp Hai mới được bố mẹ sắm cho. Nó được làm từ săm lốp ô tô bỏ đi. Đế dép cắt gọt vụng về, thô, rạch lỗ xỏ bốn quai được cắt từ săm ra, vậy là thành dép. Ấy thế mà, khối đứa bạn cùng trang lứa vẫn phải đi chân đất cả những năm học cấp II đấy. Nói chuyện dép lại nhớ hồi mới vào đại học, trông mấy thằng “có máu mặt” diện “săm bô Thanh Hóa” tự nhiên thấy mặc cảm, dù mình lúc đó cũng đã khá hơn, sắm được đôi dép kiểu “Tiền phong” bằng nhựa tái chế. Quả thực, “săm bô Thanh Hóa” đúc bằng cao su, đế cao, quai to bản trông rất hấp dẫn. Nó là mốt một thời của giới trẻ, đi cùng áo bó chẽn, quần ống loe.

Rồi tôi đậu vào cấp III trường huyện. Nam Đường ngày ấy có hai trường, cấp III Nam Đường I đóng ở Rú Gia – nơi tôi theo học – và cấp III Nam Đường II bên kia sông.

Trường cách nhà gần mười cây số. Tình hình đó buộc cha mẹ tôi phải tìm cách giật gấu vá vai để sắm cho tôi một con xe đi học hằng ngày. Đó là một chiếc xe đạp cũ, có lẽ được sản xuất từ thời Pháp thuộc, mua lại của người quen. Lúc bấy giờ, nó là cả một “gia tài”. Ông bác ruột tôi làm thợ mộc nổi tiếng trong vùng, thuộc diện có thu nhập, hồi đó cũng mua một chiếc “Fa vơ rít” (hãng xe đạp nổi tiếng của Tiệp Khắc một thời) với giá 1.050 đồng. Số tiền ấy là cả một gia sản lớn, có thể mua được đất đai, nhà cửa ở quê chứ chẳng chơi.

Kể ra như thế để biết, xe đạp thời đó là của quý hiếm. Quý vì nó đắt. Và vì đắt nên càng hiếm. Cả làng xã được mấy nhà có xe đạp đâu. Xe đạp ngày ấy gắn biển kiểm soát, có giấy đăng ký do công an cấp, ghi rõ số khung, nhãn hiệu, chẳng khác chi xe máy, ô tô bây giờ. Con xe của tôi đeo biển số D1002, còn nhớ mãi.

Hồi phổ thông, sức học của tôi cũng tàm tạm. Cũng có những năm đạt học sinh giỏi, nhưng cái sự nổi tiếng thì chưa vượt qua lũy tre làng. Thời tôi đi học, chưa có cái may mắn được diện kiến người học giỏi đến mức nức tiếng hàng tỉnh nhưng biết người “nổi tiếng” qua sách vở thì có. Đó là lần gặp “Cậu bé làng Sen” Nguyễn Sinh Hạ trong một kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện tổ chức ở quê cậu ấy. Lớn lên thì Hạ mất hút, không biết nhân vật chính được ngợi ca trong “Cậu bé làng Sen” ngày ấy, bây giờ ra sao?

Phần thưởng cho học sinh giỏi thời đất nước còn chiến tranh, nghèo đói cũng rất khiêm tốn. Có thể là sách vở (những cuốn sách của Nhà xuất bản Kim Đồng), là chiếc bút máy (nhãn hiệu phổ biến là Trường Sơn, cao quý hơn là Kim tinh). Những thứ đó so với bây giờ thì chả đáng là bao nhưng lúc ấy quả đúng là của quý hiếm. Còn phần thưởng to như chiếc xe đạp thì thật là hy hữu, chưa mục sở thị bao giờ.

4. Hồi tôi được bổ làm tổ trưởng – chức to nhất trong đời viên chức nhà nước của tôi – có mấy cô cậu phóng viên, hình như ở báo làng thì phải, đến tìm hiểu, phỏng vấn, đề nghị viết bài ca ngợi thời niến thiếu vượt lên nghèo khó của tôi.

Lúc ấy tôi đâm hoảng thật sự. Phần vì lần đầu tiên tiếp xúc với các nhà báo, uy danh khiến cả xã hội nể trọng. Phần vì xấu hổ, bởi cái chức tổ trưởng, dưới một người trên dăm ba người có là cái đinh gì mà khiến báo chí nhọc sức. Vả dù có oách đến mấy thì tôi nghĩ, đó cũng chỉ là nhiệm vụ tập thể giao, lo mà mần cho trọn chứ oai danh nỗi gì?

Thế rồi tôi quyết định nói thẳng. Tôi cảm ơn báo chí, cảm ơn các nhà báo đã có nhã ý tốt nhưng phỏng vấn, viết bài về tôi thì không nên, tôi xin phép được từ chối. Bởi vì, thế hệ chúng tôi sinh ra phải thời đất nước còn chiến tranh, chuyện nghèo khó, gian khổ là của mọi nhà, đâu chỉ riêng ai.

Chúng tôi đi học, có những lúc trên bom, dưới đạn, đèn dầu còn không có mà thắp, ai đó còn phải noi gương cụ Mạc Đĩnh Chi xưa bắt đóm đóm bỏ trong hoa bí đỏ hay vỏ trứng gà để học bài. Mà vỏ trứng đâu có dễ kiếm. Ăn uống thì kham khổ, đói rét quanh năm. Ngày hai bữa cơm độn, giáp hạt chỉ có ngô, khoai. Bữa sáng nhịn toàn tập nên mọi người hay đùa vui là điểm tâm không khí. Áo quần mong manh, kể cả mùa rét. Một chiếc áo ấm bằng vải thô độn bông là cả niềm mơ ước lớn, dễ mấy ai có được. Đứa nào cũng chung cảnh ngộ thế. Ai khó khăn quá thì đành dừng lại ở cấp I, gắng hơn một chút thì hết cấp II rồi đi bộ đội, đi thanh niên xung phong, nữ thì học 7+3 để làm nghề gõ đầu trẻ. Số còn lại ít hơn, cố theo hết cấp III, rồi may mắn hơn thì được vào đại học. Âu đó cũng là chuyện bình thường. Còn tôi chẳng có gì ghê gớm cả. Không phải xuất chúng, không phải thiên tài, cũng chẳng thần đồng. Bố tôi tuy là cán bộ xã nhưng cũng rặt nông dân, lại suốt ngày ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Mà cái nước mình thì ông to bà lớn nào mà chẳng từ xó quê đi ra? Các cậu cho lên mặt báo, ca ngợi mình vượt lên nghèo khó học giỏi thì… xấu hổ với bạn bè, với hàng xã lắm lắm!

Cái mà các cậu nên quan tâm là tôi có xứng với chức vụ được giao hay không; rồi đây tôi có làm được như lời hứa khi nhận trách nhiệm trước bàn dân thiên hạ hay không; có làm việc ích nước lợi dân hay lại chỉ lo vinh thân phì gia? Chứ ai lại đi ca ngợi cái thời thơ ấu xa lắc, xa lơ mà làm gì. Hãy dành thời gian, dành công sức trí tuệ, tâm huyết, dành trang báo cho những bài viết nóng hổi hơi thở cuộc sống, phản ánh những tấm gương lao động sản xuất, chiến đấu của bà con nông dân, anh chị em công nhân và chiến sỹ nơi biên cương, hải đảo đang ngày đêm vất vả, cực nhọc kia.

Thôi, chuyện trò thế là đủ, ta chia tay nhé, để tôi còn đi làm nhiệm vụ của một ông tổ trưởng. Làm sếp mà năng lực yếu kém thì dù có trưởng hay phó, anh em họ lại chả coi mình bằng con rệp. Dù sao thì cũng cảm ơn các cô, các cậu.

Thế là tôi thoát “nạn”.

5. Nghĩ cũng chẳng hay ho gì khi kể lại những câu chuyện trên bởi nó liên quan đến mình. Xưa từ chối lên mặt báo, nay lại tự mình phô ra, định “ăn mày dĩ vãng” chăng?

Nhưng bạn đọc hãy thể tất. Tôi chẳng có ý gì đâu. Tâm sáng, trí ngời dù trên đầu tóc đã điểm sương nhưng thần thái vẫn hiên ngang trước mọi cám dỗ của cuộc đời.

Con cà con kê những mẩu chuyện xưa, tôi chỉ muốn nhắn nhủ các bạn, hãy đánh giá con người ở cách ứng xử và hành động của cá nhân đối với cộng đồng chứ đừng nên mài quá khứ, đánh bóng nó nhất là cái quá khứ mang tính phổ quát, ai cũng đã từng phải trải qua thuở đất nước chìm trong khói lửa binh đao, nghèo đói. Nó chẳng ích lợi gì mà trái lại, càng khiến người dân “tâm tư” bởi cách làm truyền thông nhạt nhẽo, rẻ tiền.

Xin mượn lời thơ của Xuân Diệu để kết thúc câu chuyện này:

Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi
Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu;
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu
Của triệu người yêu dấu gian lao.

(Xuân Diệu, Những đêm hành quân)

Từ nhân dân mà ra, đừng biến mình thành kẻ xa lạ với nhân dân!

4-4-2021

N.D.X