Thơm lắm nghề hương – Bút ký của Trang Thùy

154

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cuối cùng gia đình tôi cũng từ giã nghề làm hương đầy vất vả sau hơn hai mươi năm lăn lộn với bao nhiêu keo bột mịt mờ. Cái nghề đã nuôi chị em tôi từ khi mới lọt lòng, cái nghề đã đưa tên tuổi ba mạ tôi thơm khắp xứ Thần kinh đối với những người trong nghề cùng thời gắn liền với xưởng hương làng Hạ. Theo đó, nghề làm hương đã đưa gia đình tôi từ chỗ sung túc đến bĩ cực một thời.


Nhà văn Trang Thùy.

Mạ tôi kể rằng, mạ theo học nghề hương từ lúc mới 10 tuổi ở chùa Tường Vân. Do thương mạ chăm chỉ chịu khó mà không biết chữ nên mạ vừa được dạy nghề làm hương vừa được Hòa thượng Thích Chơn Trí dạy cho biết chữ. Rồi mạ lấy ba tôi, hai người chí thú làm ăn và tạo nên xưởng hương với bình quân hơn 20 người thợ làm trong nhà lúc mới chỉ chừng 25 tuổi.

Ngày ấy, xưởng hương nhà tôi rộng lắm, và những bàn ngồi xe hương luôn chật kín lối đi. Không những làm hương bỏ mối, mạ còn buôn bán thêm nguyên liệu làm hương như keo, bột trầm, mạt cưa… cho những xưởng hương nhỏ lẻ. Sự nghiệp của ba mạ tôi phất lên như diều gặp gió.

Còn nhớ, lúc cả làng chưa ai có chiếc tivi đen trắng hiệu Vietronic, chiếc cassette hai loa hai hộp băng hiệu Sony, chiếc Honda 67 thì ba mạ tôi đã sở hữu những thứ đó lúc mới trên dưới ba mươi tuổi. Thời gian đó, thỉnh thoảng tôi lén thấy ba mạ tôi đếm tiền từ một chiếc bao cát mỗi lần ba chở hương về, thậm chí có đôi lần thấy ba mạ trút vàng từ một chiếc lon sữa guigoz. Thời gạo châu củi quế đa phần nhiều gia đình ăn cơm độn sắn khoai thì ba tôi đã đóng một chiếc rương bằng gỗ đựng lúa gạo dự trữ cho đến mùa giáp hạt. Tôi vẫn nhớ hình ảnh ba cột sau xe con cá ngừ hoặc cá thu to lắm mỗi lần đi chở hương về. Con cá đó được mạ tôi nấu một nồi lớn để đãi thợ và thỉnh thoảng mời hàng xóm lân cận. Tuy khấm khá nhưng ba mạ tôi luôn coi tình làng nghĩa xóm rất quan trọng. Bằng chứng là chiếc xe Honđa 67 đó đã từng chở rất nhiều những người trong xóm đến nhà thương, (nay là Bệnh viện Trung ương Huế) kịp thời, ai cần tiền lúc ngặt ba mạ tôi luôn giúp đỡ bằng cách cho mượn hoặc chia sẻ. “Một miếng khi đói bằng gói khi no”, ba mạ tôi hay nói với các con mình như thế!

Thương nhất là các chị em thợ làm hương cho nhà tôi. Tuổi chừng 12, 13 đã được ba mẹ gởi vào xưởng hương nhà tôi học nghề và làm thợ. Có người làm từ lúc nhỏ đến lúc thành thiếu nữ có người yêu rồi làm mẹ vẫn còn đến nhà tôi làm hương. Họ là người trong những vùng lân cận, và có người từ những ngôi làng xa xôi heo hút nên họ đi làm ban sáng ai cũng đem theo cơm để ở lại ăn trưa xong đến tối mịt mới về nhà. Thức ăn của họ thường rất đạm bạc, khi vài con cá mắm thính, khi cá nục kho với xơ mít hoặc khế chua phơi khô, ấy vậy mà tôi luôn thấy ngon chi lạ. Vậy là tôi đem thịt ra đổi lấy các món ấy để ăn hoặc tôi nói mạ nấu những món ấy cho tôi.

Tôi hồi ấy là một con bé ốm nhom và cao lêu nghêu, da đen nhẻm vì ham chơi dang nắng, nhưng thấy tôi thích ca hát nên thỉnh thoảng mấy chị kêu tôi lại bảo hát đi rồi sẽ được thưởng mấy cục kẹo gừng. Vậy là tôi rướn cổ rướn hơi hát liền: “Qua một rừng hoang gió núi theo sang rũ bụi đường trên vai. Hái cây hoa dại lẻ loi bên đường gọi hoa trinh nữ…” Tôi hồi ấy bé như viên kẹo chanh biết gì đâu yêu với chả đương nhưng những bài nhạc vàng bolero (sau này người ta gọi là nhạc sến) tôi lại thuộc nhiều vô kể. Tôi qua một rừng hoang, kể chuyện tình Lan và Điệp, rồi tâm sự người cài hoa trắng, xong tôi lại tự hỏi về đâu mái tóc người thương, rồi trở về con đường xưa em đi, qua đường xưa lối cũ…  Nói tóm lại tôi tuy chả biết yêu với đương là chi nhưng những bài tôi hát thì luôn mùi mẫn như thế và các chị hay thích nghe tôi hát là vì vậy. Chả là từ chiếc cassette của ba mà tôi thuộc rất nhiều bài thậm chí cả ca cải lương vọng cổ tôi cũng thuộc làu luôn, có khi là cả một trích đoạn mình tôi sắm cả hai nhân vật chính. Có những chị đến tuổi cập kê, mỗi lần người yêu ghé thăm thường dắt nhau ra dưới cây vải sau vườn ngồi tâm sự. Vậy là tôi và mấy đứa bạn hàng xóm lại rủ nhau núp gần đó, phá bĩnh. Cực chẳng đã, mấy chị lại hứa hẹn “hối lộ” cho lũ nít ranh khúc mía, lát dừa già ăn với bánh tráng để tụi tôi đi chơi cho khuất mắt. Vui nhất là mỗi lần cả thợ và chủ cùng nhau làm bánh lọc, đổ bánh đúc, nấu kẹo đậu phụng. Đó là những lúc mệt mỏi, một chị cao hứng nêu ý kiến vậy là mỗi người mỗi tay, chẳng mấy chốc mà đã quây quần bên thau bánh lọc, mâm bánh đúc, vì đông vui nên ăn gì cũng thấy ngon. Đó thực sự là những lúc các cô thợ được nghỉ giải lao, quên bao mệt nhọc trong ngày.

Tôi thích cảm giác mỗi năm những ngày giáp tết, xưởng hương cúng tất niên. Sau khi cúng xong, gia đình và thợ thầy cùng nhau ăn uống vui vẻ, nhưng thích nhất là đến giờ phút cộng sổ, thông thường tháng cuối năm các chị ít khi tính sổ lắt nhắt mà hay dồn một lần đến khi tất niên lấy nhiều để được việc hơn. Năm nào cũng vậy, ngoài tiền công ra bao giờ ba mạ tôi cũng tặng các cô thợ thêm ít tiền gọi là tiêu tết, ngoài ra còn biếu thêm ít mứt bánh, trầm hương để ba ngày tết nhà ai cũng thơm mùi hương trầm. Mỗi lần như thế, lòng tôi luôn dâng một cảm xúc thật khó tả. Sau một năm vất vả, giờ đây các chị có thêm một số tiền để rủ nhau đi chợ sắm sửa, người mua áo quần mới, người tính mua mứt bánh, người lẳng lặng đem số tiền ấy về nhà để cùng gia đình chăm lo ba ngày tết, lo cho những đứa em thơ bộ quần áo mới, chiếc áo dài cho mạ, đôi giày cho ba… Nghề hương và các chị em thợ đối với tôi và gia đình đã có một thời vui như thế.

Thế rồi, như dòng sông trước lúc ra biển lớn luôn có những khúc quanh gập ghềnh, con đường sự nghiệp của ba mạ tôi cũng thăng trầm theo làn khói trầm hương mỏng manh vấn vít. Tuy nghề hương được xem như là sản xuất ra một sản phẩm thiêng liêng thờ cúng ông bà, những đấng tiền nhân… Nhưng một mình ba mạ tôi không thể chống lại thời thế, thiên tai, thua lỗ và cả hệ luỵ từ việc đổi tiền do hồi ấy thông tin không được cập nhật nhanh như bây giờ, thậm chí là bị người ta giựt nợ. Vậy là chuỗi ngày êm đềm sung túc của gia đình tôi dần dần rời xa, chị em tôi bắt đầu làm quen với những bữa cơm đạm bạc thiếu vắng thịt cá, những vất vả truân chuyên hiện trên nét mặt ba mạ nhất là những tháng mưa lạnh tràn về. Chúng tôi một buổi đi học còn một buổi phụ ba mạ xe hương, cuộc sống trôi qua trong lo âu thiếu hụt. Nhưng tất cả những khó khăn ấy không đáng sợ và để lại ấn tượng đau lòng in sâu trong trái tim thơ trẻ của tôi bằng tiếng đòi nợ chì chiết. Có những buổi trưa đi học về đầu con ngõ tôi nghe tiếng người ta đòi nợ mà thắt gan thắt ruột thương ba mạ. Nép vội bên hàng chè tàu tôi đợi người ta hậm hực đi về mà nước mắt rưng rưng nhưng không muốn ba mạ nhìn thấy. Tôi biết ba mạ tôi lúc thịnh không phải là những người tiêu xài phung phí, ba mạ tôi vốn nổi tiếng hay lam hay làm, suốt ngày đầu tắt mặt tối với bao keo bột mịt mờ.

Nhưng cuộc đời không ai lường trước, việc làm ăn thịnh suy xưa nay âu cũng là ý trời, thời thế. Còn nhớ, từ nhà tôi đến trường phải mất gần ba cây số, nhưng ba mạ tôi dù thương con vô cùng vẫn chưa thể nào sắm được cho con một chiếc xe đạp, hằng ngày tôi phải nấu cơm thật sớm để ăn rồi đi học cho kịp giờ vì phải đi bộ mất hơn nửa tiếng. Con đường băng qua cánh đồng Bàu Vá lầy lội, mưa và gió thổi buốt lạnh thấu xương. Đó cũng là lúc tôi quyết định xa lìa chiếc ghế nhà trường, chấp nhận đoạn lìa quãng đời học sinh tươi đẹp của mình với ngôi trường Hai Bà Trưng mến yêu. Chỉ với suy nghĩ giản đơn được đỡ đần, giảm bớt gánh nặng cho ba mạ.

Gia đình tôi có lúc phải trồng trọt, nuôi heo gà bên cạnh việc duy trì nghề làm hương mặc dù khá chật vật. Tôi nhớ những hôm nhổ cỏ sắn, tôi nũng nịu than với ba mạ thèm ăn một ly chè. Vậy là ba cho tôi hai mươi đồng để lên quán mụ Diệu xóm trên mua cục đường ăn tạm cho đỡ thèm ngọt. Rồi dần dần gia đình tôi cũng đã ki cóp được tiền để trả nợ, chúng tôi cũng đã khôn lớn hơn xưa. Gia đình tôi lại đầy ắp những nụ cười thanh thản nhưng sẽ không bao giờ tôi quên quá khứ buồn ấy. Nhớ, với tôi không phải để lòng bận bịu chở nặng những ưu phiền mà chỉ để quý, thương ba mạ đã vất vả cần lao cố gắng chèo chống đưa gia đình đến bến bờ xán lạn hơn. Nhớ, để hiểu rằng cuộc đời sắc sắc không không, nay đủ đầy mai trắng tay là lẽ thường, để đừng kiêu ngạo, đừng khinh khi khi mình đứng trên cao và đừng nhụt chí, bi quan tuyệt vọng khi đứng trước hố sâu vực thẳm. Còn đó những tháng năm gia đình tôi sung túc và còn đó tiếng chì chiết đòi nợ để sau này mỗi lúc tôi bước vào một ngôi biệt thự sang trọng tôi không cho phép mình khép nép choáng ngợp cũng như không khinh khi coi thường trước những gia cảnh bất hạnh, nghèo nàn.

Vậy đó, từ thăng trầm nghề làm hương của ba mạ đã dạy cho tôi rất nhiều điều, và nhất là với tình thương yêu vô bờ bến của ba mạ chị em tôi đã lớn lên trong đoàn kết thương yêu. Chúng tôi biết nhường nhịn nhau từ những con cá kho mặn, tô nước ruốc làm canh, và câu “đói cho sạch, rách cho thơm” chúng tôi luôn mang theo làm hành trang đến bây giờ. Có lẽ đó là một trong những điều chị em tôi tự hào nhất mỗi khi ngồi lại cùng nhau, nhắc lại những vui buồn nghề làm hương một thuở.

Mới đó mà cũng đã gần ba mươi năm gia đình tôi từ giã nghề làm hương – nghề mà một cô bạn của tôi xưa nhà cũng làm hương đã nói: “cái nghề thanh cao mà tội nghiệp!”

Hôm nay lòng nhớ quay quắt, tôi ngược lên làng hương Thuỷ Xuân, mong tìm lại chút dư hương ngày cũ.

Khác với mong đợi của tôi về những xưởng hương với những bàn xe năm nào, với những cô thợ bàn tay thoăn thoắt nhào bột, se hương. Giờ đây thay vì phải ngồi se thì đã có máy se, người thợ chỉ cần đút tăm vào máy là đã nhanh chóng ra một cây hương. Với cách làm như vậy thì sản lượng hương sẽ nhanh chóng và đều cây hơn xưa, người thợ làm hương đỡ nhọc nhằn hơn xưa nhiều. Vậy là nghề se hương nay đã được cải thiện rất nhiều và tôi thầm mừng cho những người thợ.

Huế là thành phố du lịch nên nghề hương theo xu hướng phát triển và hội nhập cũng có nhiều sự thay đổi bằng những cách tiếp cận riêng của mình. Dọc đường Huyền Trân Công Chúa những xưởng hương chưng bày rất nhiều hương đặc biệt những bó tăm sặc sỡ xanh đỏ tím vàng xòe ra và xếp thành những bông hoa trông rất bắt mắt. Một điều lý thú nữa là bên cạnh việc làm và bán hương trầm những xưởng hương còn có dịch vụ cho thuê áo dài chụp ảnh phục vụ một số khách du lịch trong và ngoài nước check- in chụp hình, tham quan và trải nghiệm.

Hôm nay tôi lên nhưng không mang áo dài mà chỉ đơn giản là một bộ đồ bộ giản dị. Tôi muốn được gần gũi với những cô thợ làm hương như những ngày thơ ấu năm nào. Tôi muốn tìm lại chính tôi, cô bé nửa buổi đi học nửa buổi miệt mài ngồi se hương giúp ba mạ.

Lòng bồi hồi tôi mong tìm được một nhân dáng quen thuộc, một đôi bàn tay nhuộm phẩm hồng chăm chỉ. Và thật không ngờ trời không phụ lòng người, tôi vào đúng ngay xưởng hương của chị Nở, một trong những người thợ làm hương giỏi của gia đình tôi ngày ấy. Chị em gặp nhau mừng rỡ, cùng nhau ôn lại chuyện xưa mà lòng rưng rưng như vừa mới hôm qua. Chị vẫn nụ cười chất phát thuần hậu, nhìn tôi lăng xăng với những bao keo bột, rờ rẫm từng cây tăm, cầm hương đổ bông ra phơi (đổ bông nghĩa là cầm bó hương xoè ra thành hình như một bông hoa, vừa nhanh khô vừa đẹp mắt). Bao kỉ niệm ùa về, những khuôn mặt mỗi người thợ thân yêu ngày ấy, miệt mài bên bàn se hương dù vất vả nhưng rất đáng yêu. Những gương mặt thanh xuân ửng hồng dưới ánh nắng ban mai, những lưng áo đẫm mồ hôi vẫn vừa làm vừa ca hát, chuyện trò ríu rít. Mẹ tôi cần mẫn đong đếm bên chén trầm xông nghi ngút khói thơm, ngoài sân những bông hương và sạp hương khô chon đang đợi giờ thu gom lại.

Tôi không ngờ bao nhiêu năm rồi gặp lại chị vẫn còn theo đuổi nghề hương, và đến giờ con dâu chị là bé Út cũng nối theo nghề mẹ chồng, cô gái có nụ cười rất xinh và tươi giờ đây là hình ảnh của chị ngày xưa, chăm chỉ và duyên dáng. Lòng tôi chợt chùng xuống, ngỡ ngàng khi chị tâm sự nghề hương giờ cũng chẳng khấm khá hơn xưa là bao. Không lời bao nhiêu vì giờ đây có máy nên nhiều người làm từ đó giá cả cạnh tranh, thêm phần các nơi thu mua họ gác nợ rất nhiều. Nhưng nghề hương đã gắn bó với chị từ thời thiếu nữ, khó đành lòng mà xa. Tôi buồn bã, nhìn xuống đôi bàn tay hồng vì cầm tăm nhuộm phẩm hồng nãy giờ, chợt thương những cây hương yếu ớt, thương cái nghề thơm hương thanh cao mà vất vả vô cùng.

Rời làng hương, dọc đường tưởng chừng mùi nhang trầm, mùi quế tùng phảng phất đâu đây trong gió. Lời tâm sự của người thợ năm xưa như một làn khói lam chậm buồn. Nghề hương ơi, thương lắm nghề làm thơm xứ Thần Kinh!

T.T