Thơm mãi nghề hương chốn Thần Kinh

476

Trang Thùy

(Vanchuongphuongnam.vn) – Những lúc cả nhà quây quần bên nhau, các con tôi vẫn rất thích nghe kể chuyện. Đặc biệt chúng thích nghe tôi kể về những hồi ức của những ngày ấu thơ của tôi ở Huế. Đó là những mẫu giai thoại mang dấu ấn của lịch sử kinh thành Huế, những kỉ niệm trò chơi thời thơ bé, những câu chuyện quẩn quanh làng Hạ cùng với nghề làm hương truyền thống của gia đình. Với tôi, nghề hương mãi là niềm thương trong tôi mỗi khi nhớ về cố xứ, cũng như sáng nay trong dịp đi lễ chùa, mùi hương trầm thoang thoảng trong tiếng cầu kinh để từ thẳm sâu trong tôi bao kí ức ùa về, khắc khoải…

Không biết nghề làm hương (hay còn gọi là làm nhang) ra đời chính xác vào năm nào, chỉ biết rằng lúc tôi sinh ra thì nhà tôi đã là một xưởng làm hương có tiếng ở xứ Huế thời bấy giờ. Mạ tôi, một người phụ nữ chịu thương chịu khó, bà đã đi học nghề làm hương tại chùa Tường Vân lúc lên 12 tuổi. Sau này lúc lấy ba tôi hai người đã dần dần mở rộng nghề làm hương và tạo việc làm cho rất nhiều người trong vùng và các vùng lân cận.

Đất Thần Kinh vốn là xứ sở của chùa chiền, của những tâm hồn luôn hướng đến đời sống tâm linh nên hầu như cây hương là thứ không thể thiếu trên mỗi ban thờ trong gia đình. Người dân kị nhất là để cho “hương tàn bàn lạnh” nên vẫn thường chú trọng hương khói mỗi ngày, nhất là những ngày rằm hoặc ba mươi, mồng một. Trong mỗi dịp kị cúng có thể mâm cỗ thịnh soạn hay không còn tuỳ theo gia cảnh từng gia đình nhưng một thứ nhất định không thể thiếu đó là cây hương. Người ta hay nói: “Thắp ba cây hương để nguyện cầu” là vì vậy! Đốt nén hương thơm, chắp tay khấn nguyện, trong làn khói thơm mùi trầm lan toả tưởng như lời khấn nguyện của mình được các đấng tối cao, tổ tiên đã khuất núi chứng tri quanh đây. Để lòng người hướng niệm cầu xin thanh bình, an lạc trong màu khói lam huyền bí, hương trầm thơm tinh tấn vòng quanh, lan toả, ấy cũng là một nét đẹp văn hoá từ bao đời của xứ Huế quê tôi.

Nghề làm hương, đó là cả một quá trình trải qua rất nhiều công đoạn để có thể thành những cây hương hoàn chỉnh. Cây tăm để làm hương được chẻ rất nhỏ từ những đốt cây lồ ô già. Ngày xưa mạ tôi vẫn mua lồ ô quanh vùng và sau này người dân thường chẻ tăm rồi bán lại cho gia đình tôi. Những cây tăm mạ bó thành từng bó rồi chúng được nhuộm một phần ba vào nồi phẩm màu, thông thường là màu đỏ cánh sen, màu đỏ thắm hoặc vàng. Xong đâu đấy mạ xoè ra phơi trước sân.

Ảnh Trang Thùy

Những sớm mai nắng xuyên qua những cây bông hường trước sân nhà, nắng nhảy múa reo ca cùng những bó tăm mạ xoè trông như những bông hoa vàng đỏ để tôi cứ thích lẫm chẫm chơi quanh đó không muốn rời. Công việc nhồi bột để se hương là khâu quyết định quan trọng nhất để cho ra đời những mẻ hương thành công. Mùn cưa, bột keo, than, vỏ trầm gió, vỏ quế, hồi… lần lượt được trộn chung theo một công thức gia truyền, tất cả đều được cân đong cẩn thận và tuỳ theo từng giá tiền theo hương loại một loại hai mà có thể gia giảm số lượng bột trầm, quế chi, hồi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương… cho phù hợp. Tất cả hỗn hợp đó trộn thêm một ít nước để khi nhồi bột xong sẽ có một độ dẻo vừa phải, nếu bột nhão quá sẽ bị dính mặt bàn se, quá bở cây hương sẽ bể, quá khô cây hương sẽ không dính vào tăm và quá dẻo cây hương sẽ bị “tắt mắt”. Hương bị tắt mắt, đó là điều đại kị trong quan niệm thờ cúng khi hương được thắp lên. Hương tắt mắt nghĩa là cây hương được đốt nửa chừng chưa hết mà bị tắt khiến gia chủ cho rằng vậy là cõi âm không về chứng cho lòng thành của mình, hoặc không đồng ý phù hộ cho những điều mình muốn cầu xin nên khi làm hương điều này luôn được người thợ làm hương cẩn trọng.

Trở lại chuyện làm hương, sau công đoạn nhồi bột đến lúc người thợ sẽ khéo léo đút cây tăm vào bột nhồi, tay trái cầm tăm và tay phải cầm bay. Bay là một chiếc tay cầm bằng gỗ chò được đẽo bề mặt thật láng và có một tay cầm bên trên. Người thợ se hương giỏi sẽ rút ra những cây hương thật tròn và đều tăm tắp với phần tăm đã nhuộm phẩm. Lúc này thợ sẽ bỏ vào một cái nia to và đem phơi ngoài nắng. Gặp nắng to thì một ngày có khi trời ít nắng thì phải phơi nhiều lần mới khô dòn. Những chị thợ làm hương cho nhà tôi lưng áo đẫm mồ hôi, nhưng không thể bật quạt máy trong khi làm vì điều đó sẽ làm bụi hương (còn gọi là bột áo) bay mù mịt. Đôi bàn tay các chị tay trái luôn có một màu hồng vì phẩm nhuộm tăm, tay phải luôn dính đầy bột hương khó gỡ, chỉ khi nào đến giờ nghỉ ngơi mới rửa tay cho trôi đi hết bột. Có khi màu phẩm hồng hôm nay chưa phai sáng ngày mai lại phải tiếp tục công việc của mình, ngày qua ngày đều như vậy nên bàn tay luôn ửng hồng màu phẩm. Đến nỗi, xóm tôi vẫn hay nói đùa rằng: Chỉ cần nhìn đôi bàn tay là biết cô ấy làm nghề se hương rồi!

Ngày còn bé, tôi vẫn thích chơi loanh quanh chỗ các chị ngồi làm hương trong nhà, nhìn những đôi bàn tay màu hồng tôi rất thích thú và ước chi mình cũng có được bàn tay hồng cánh sen như thế. Nào biết đâu nỗi nhọc nhằn đằng sau những bàn tay hồng ấy là những buổi phơi hương nửa chừng bỗng có những cơn mưa bất chợt, thế là phải vội vàng lao ra gom về ngay mặc cho hơi đất ngùn ngụt vì lúc ấy cây hương là tài sản, nên không quản chi chuyện ông trời cợt trêu đang giữa trưa đứng bóng phải vội vã gom hương dưới mưa. Lại có những tháng mưa liên miên, hương làm ra không phơi được, lúc ấy ba mạ tôi làm những dãy sào dài, dưới là một lớp than đỏ để sấy. Tay mạ trăn qua trở về từng cây hương, có khi thức đến khuya lắc lơ để cho kịp khô đem đi giao, còn chị em chúng tôi lại rất thích thú vì đó là dịp để chúng tôi tranh thủ lùi vào than những củ khoai, củ sắn nóng thơm hôi hổi. Hơi ấm từ củ khoai, từ bàn tay mạ ôm ấp cho tuổi thơ chúng tôi lớn lên theo mùi hương trầm thơm toả ngào ngạt.

Hình ảnh của ba trên chiếc xe Hon-đa 67 chở bao hương to kềnh và mạ trời tối mịt vẫn lam lũ bên những ngổn ngang keo bột bụi mờ, bên những bao hương thợ làm để đếm và bó thành từng bó đã là niềm biết ơn và thúc giục chị em tôi sớm biết đỡ đần cha mẹ trong thời buổi gạo châu củi quế ấy.

Nghề hương cực lắm ai ơi! Còn nhớ trận lụt lịch sử năm 85, sau một đêm mưa to gió lớn mắt mạ tôi đỏ hoe, khuôn mặt ba phờ phạc vì bất lực trước sự cuồng nộ của đất trời, những bó hương, tài sản mồ hôi hôi nước mắt của nhà tôi đã rã rời nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Mạ gạt nước mắt cố vớt lại những cây hương còn có thể cứu vãn được đem ra phơi phóng lại, chị em tôi buồn hiu nhìn những cây hương chỉ còn trơ que tăm, nghĩ về những bữa cơm thiếu vắng những thức ăn nhiều thịt cá. Các anh trai làng thường rất muốn chọn các cô thợ làm hương làng Hạ để lấy làm vợ. Họ kháo nhau rằng: “Gái làng Hạ làm hương vừa đảm vừa xinh”, nên rất nhiều anh muốn đến xưởng hương nhà tôi làm quen tìm ý trung nhân để nên duyên chồng vợ. Có một khúc hát dễ thương mộc mạc các anh ấy đặt ra để yêu mến tặng những cô thợ làm hương đến nay tôi vẫn còn nhớ mãi: “Thôn Hạ ơi, hôm nào tôi đến cũng thấy em đang ngồi làm, đôi bàn tay dịu dàng, nâng niu từng cây hương, lòng tôi thấy càng thương người em gái thôn Hạ…”

Ảnh Trang Thùy

Mạ sinh thêm em trai, chị em tôi thay nhau ru em bên chiếc nôi cạnh những bó hương trầm ngào ngạt, em say giấc nồng, môi nở nụ cười thơm ngát trầm hương, tôi chập chờn giấc mơ cánh cò triền đồi gió lộng, thoảng mùi trầm hương phảng phất đâu đây bên tiếng sáo diều, chung quanh là những sạp phơi hương xếp đều tăm tắp. Những hôm ba mạ chở hương đi bán chưa về, ở nhà em khóc dỗ mãi không nín, sốt ruột, chị em tôi lấy ba cây hương, bắt chước người lớn đứng giữa sân khấn vái. Bốn đứa trẻ đón ba mạ về trong nụ cười hiền của mạ, chùm bánh ú trong tay ba, tiếng cười vang lên trong ngôi nhà nhỏ thơm mùi hương trầm.

Chúng tôi đã lớn lên giữa hương thơm như thế, như thể cả đất trời của xứ Thần Kinh này gom thành một mùi hương trầm lan toả đâu đây. Hàng năm, vào đêm giao thừa, cũng như bao gia đình khác nhà tôi lại sửa soạn một mâm lễ vật cúng ngoài trời, mạ tôi đốt một lư trầm nho nhỏ, mạ chọn những miếng trầm thật thơm, khói từ lư trầm và từ những cây hương toả quấn quýt làm mắt chúng tôi cay xè, nhưng mũi lại cứ muốn hít hà mãi mùi hương trầm quen thuộc ấy như muốn giữ mãi thời khắc thiêng liêng của điệp khúc giao mùa. Tiếng mạ tôi thầm thì khấn vái, cầu quốc thái dân an, cầu mưa thuận gió hoà, quyện làn hương trầm ngào ngạt. Ngoài sân, trong làn mưa xuân lâm thâm, nụ hoàng mai tần ngần khoe sắc trong muôn ngàn lộc biếc, mùa xuân đã về thơm ngát trong khói lam hương trầm đất Thần Kinh.

T.T