Thổn thức gió cao nguyên – Truyện ngắn của Lại Văn Long

891

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ông cố tôi là Phổ Khởi, quê ở đất tổ Phú Thọ đi phu đồn điền vào tận Đồng Nai. Cố cùng với hàng ngàn phu khác bị vắt kiệt sức hoặc bỏ mạng bởi lao động nặng nhọc, ăn uống kham khổ và đòn roi, bệnh tật giữa rừng thiêng nước độc.

Nhà văn Lại Văn Long 

 Gần trăm năm sau, mỗi khi đọc ca dao “Cao su xanh tốt lạ đời/ Mỗi cây bón một xác người công nhân/… Lỡ lầm vào đất cao su/ Không tù mà cũng như tù chung thân”… nước mắt tôi lại ứa ra, thương xót quá khứ nô lệ của ông cố.

Theo như Phổ phả (gia phả tộc Phổ) ghi lại thì cố đã cùng ba người khác rủ nhau bỏ trốn và bị lính Tây nổ súng dí bắt. Mỗi người chạy một hướng trong bóng tối mịt mù giữa rừng nối rừng thăm thẳm, gai góc chằng chịt. Cố chạy suốt đêm, đến sáng uống ngụm nước suối rồi chạy tiếp. Chạy đến khi chân đạp trên cát lún bờ biển hoang vu thì cùng đường. Đói, khát, kiệt sức và thân thể rách nát tứa máu, cố úp mặt xuống cát buông xuôi rồi thiếp đi… Cố giật mình khi nghe tiếng chó sủa và nghĩ thầm “thế là hết!” Lính tây lùng phu bỏ trốn thường dắt theo những con chó to lớn, sủa hộc hộc, rền rền và hung dữ như cọp. Chó lao vào cào cấu, cắn xé những xác thân tiều tụy, rách rưới đang chết lịm với sợ hãi. Cố nhắm mắt, chờ thét lên hãi hùng dưới nanh vuốt tàn bạo. Chờ mãi… trí óc mù mờ cũng nhận ra tiếng sủa này kề bên tai, nghe thôi thúc, giục giã chứ không đe dọa. Cố từ từ mở mắt ra và mừng rỡ khi chẳng thấy lính tây hay những con chó săn to lớn, chỉ có một chú chó bé xíu như con mèo ốm nhách đang đứng bên cạnh, cào chân xuống cát sủa dồn dập. Cố nhổm dậy, định làm thân với con chó dễ thương thì giật mình khi nhìn thấy một “quái vật” đang đối mặt hung dữ với chú chó. Đó là con rắn dài cỡ sải tay, thân to hơn ngón chân cái, đen mun, có hai đầu đang lè lưỡi mổ, táp làm chú chó vừa sủa vừa thụt lùi. Mới tháng trước, trong lúc hạ cây, phát rừng mở đồn điền; hai phu đứng cạnh cố bị một con rắn hai đầu xanh thiên và vàng thổ thế này lao ra từ một cổ mộ, cắn chết tươi. Sẵn cây rựa phát trong tay, cố lia một nhát rụng cả hai đầu con rắn độc. Nhóm phu xám mặt run rẩy chỉ vào xác rắn phun máu, co giật, bàn tán:

– Đây là rắn tinh canh giữ kho tàng dưới cổ mộ mấy nghìn năm, thế nào nó cũng trả thù…

Cố sợ hãi đem hai đầu với thân rắn chôn làm ba nơi xa nhau để rắn tinh không thể kết hợp tái sinh. Thế mà nó vẫn sống lại, truy đuổi cố suốt mấy ngày đêm đường rừng, ra tận bờ biển? Hay là chúng có một cặp và đây là kẻ báo thù cho bạn đời? Nghĩ đến đó cố sởn gai ốc, lăn một vòng ra xa rồi đứng lên thủ thế, nhìn chằm chằm vào bốn mắt đỏ lừ trên hai đầu rắn đang há miệng khoe những răng trắng ởn sắc nhọn. Cố nhặt một đoạn ván thuyền đắm, dồn hết can đảm và lòng căm thù loài rắn quái dị đã giết chết hai bạn phu cùng khổ của mình vào cú phang chí tử giữa sống lưng con rắn. Nó quặn mình, đôi lưỡi đỏ hồng ở hai đầu lè ra dài hơn rồi rít lên dữ tợn. Bằng những cố gắng cuối cùng nó vươn mình táp đối thủ. Cố đập gẫy cả hai cái cổ dài thượt. Rắn tinh rũ xuống như mớ dây khoai héo. Cố vứt mảnh ván, thả mình xuống nền cát ẩm thở hổn hển trong lúc con chó hoang gầy trơ xương hí hửng xông vào nhai rau ráu hai đầu, hai cổ rồi toàn thân con rắn đen trũi. Lúc đầu cố muốn giành lại thân rắn để cứu đói cho chính mình, nhưng nghĩ nó ma quái, sợ quá không dám ăn nữa. Từ sáng đến chiều hôm đó, con chó thong thả, nhẩn nha nhai nuốt hết con rắn nặng hơn cả cơ thể ốm trơ xương của nó. Ăn xong chó mập phồng lên, ì ạch lội cát chứ không còn chạy nhảy được nữa. Bây giờ thì cố lại muốn ăn thịt con chó cho đỡ đói. Song nghĩ ơn chó vừa cứu mạng mình và dòng máu yêu tinh của linh xà đang tan hòa vào cốt nhục chó, ăn vào sẽ ra sao? Hơn nữa cố chưa tìm được lửa để biến thịt sống tanh tưởi thành thịt nướng thơm ngon. Thế là con chó sống qua sự phân vân của trí tuệ, còn con người lết vào chân núi gần biển tìm lá cây, trái dại cầm hơi. Cố may mắn gặp được một buồng chuối rừng chín dở và lấy lại phần nào sức lực nhờ ăn chuối từ sáng đến chiều. Ăn xong uống nước suối rồi kiếm chỗ ngả lưng nghĩ ngợi tương lai. Con chó tham lam đã no nê lết đến nằm bên cạnh kêu ư ử như muốn trò chuyện. Cố vuốt đầu nó cười vui vẻ:

– Tao gặp mày lúc đang thèm cơm. Từ giờ mày tên…“Cơm”!

Cơm liếm tay chủ mới…

*

Gia phả bị rách mấy trang nên tôi không rõ bằng cách nào cố với Cơm vượt mấy trăm cây số đường rừng núi hoang vu để có mặt ở Đà Lạt, gây dựng được trang trại hơn 3 ha dưới chân núi Bà (Lang Biang). Cố qua đời năm 1960, hưởng dương 58 tuổi, để lại một con trai tức ông nội tôi là Phổ Trung 28 và bố tôi là Phổ Hậu khi đó mới 6 tuổi. Năm 1979, bố sinh ra tôi, đặt tên Phổ Sáng với kỳ vọng con học hành, tương lai sáng sủa. Ai ngờ tôi cử nhân Sử thất nghiệp lại quay về làm vườn như ba đời tiền tộc. Từ 2–3 tuổi tôi đã chơi với “Cơm” – ân nhân và là bạn đồng hành của cố trên hành trình tìm tự do từ quá khứ xa xăm. Cơm lúc này đã hơn 60 niên, dềnh dàng, vạm vỡ như một chú ngựa xiêm với bộ lông đen tuyền. Tôi quanh quẩn trong căn nhà lợp tole, vách gỗ ám khói dưới chân núi. Mỗi sớm mai sương mù đẫm ướt từ mái nhà đến cây cối, đường sá chung quanh. Trời lạnh buốt, tôi bé nhỏ, chui vào giữa bốn chân Cơm co ro tìm hơi ấm. Cơm thường khụyu hai chân sau như muốn che chở, ôm tôi vào lòng rồi lè lưỡi liếm láp khắp tay, tóc và mặt tôi. Khi 5–6 tuổi, tôi thích đu trên cổ Cơm để đi long nhong khắp khoảng sân rộng sậm màu đất sét. Rồi 7–8 tuổi, tôi cưỡi trên lưng Cơm, kiêu hãnh như chiến binh sắp xông pha trận mạc. Tôi tưởng tượng khu vườn mênh mông trồng hồng, bơ với mận sau nhà là một khu rừng bí ẩn có nhiều mãnh thú và yêu quái… tôi cưỡi tuấn mã đến từng gốc cây, bụi cỏ dũng mảnh vung gươm (là đoạn tre bằng ngón tay cái, dài đúng sải tay con nít) tiêu diệt hết những thế lực xấu xa để đem lại bình an, hạnh phúc cho thế gian bao la. Vừa đâm chém loạn xạ vào gốc cây, bụi cỏ tôi vừa hào hứng hét: “Ta là anh hùng không bao giờ chết…” Cũng có lúc tôi cưỡi Cơm đến trường hay ghé nhà mấy đứa bạn gần đó để chơi. Cơm dù hiền lành, nhưng vóc dáng khác thường của nó khiến thiên hạ khiếp vía.

Bố tôi, trước đó là nội tôi từng là những cậu bé được Cơm che chở, nâng đỡ để bay bổng với ước mơ như tôi bây giờ. Cơm ngang vai ông cố, cả nhà gọi Cơm bằng “cụ”! Cơm là con đực sung mãn. Với vẻ bề ngoài quyến rũ, nhiều thế hệ chó cái trong xóm này đều có con với Cơm. Nhưng lạ là chẳng đứa con nào có được vóc dáng lừng lẫy và tuổi thọ vượt ngưỡng như bố, rặt một bầy hen thấp bé nhẹ cân sống vài năm là lăn ra chết.

Đám chó đực ra đời, lớn lên dưới chân núi Bà quanh năm đỉnh chìm trong sương mù, hơn nửa thế kỷ qua chưa bao giờ thôi ác cảm với Cơm. Chúng chửi bới Cơm bằng vô vàn tiếng sủa từ đầu làng đến cuối xóm với đủ giọng điệu. Từ khi tôi lớn, ít nhất vài chục lần thấy Cơm bị đám chó đực bu lại cắn hội đồng, dù trong đó có không ít con cháu theo huyết thống Cơm. Cơm cũng chưa bao giờ ngán ngại liên minh ghen tị và phản trắc này. Một mình Cơm to lớn, dũng mãnh tả xung hữu đột giữa vòng vây lũ má. Những trận đánh ầm ĩ, kinh khiếp theo cơn thịnh nộ của bầy đàn bốn chân. Sau đó thì từng “chiến binh” bại trận lủi thủi trở về ổ cũi của mình với những vết thương nhỏ máu suốt dọc đường. Cơm luôn chiến thắng, nhưng về đến nhà thì nằm bẹp với thân thể bị cắn xé tơi tả. Ba má tôi lại dùng bông gòn, thuốc đỏ trị thương rồi quở trách Cơm hiếu chiến. Tôi 9–10 tuổi và cả khi ngoài 30 vẫn thường ngồi cạnh, phe phẩy quạt đuổi ruồi bu bám trên những vết thương chiến tranh của Cơm. Lúc đó trông Cơm tội lắm, rụng lông, kiệt sức và sốt đến đổ ghèn ở khóe mắt. Cơm đau đớn rên rỉ, tôi vỗ về an ủi. Con ngựa thần tuổi thơ của tôi không hiếu chiến như ba má nghĩ. Cơm luôn mơ đến hòa bình, thích được ung dung đi dạo rồi quyến rũ, yêu đương các nàng lang đốm trong xóm. Nhưng bọn chó đực xấu xí, hèn hạ luôn ganh tỵ với Cơm và trong xóm có kẻ độc mồm gọi Cơm là “chó quỷ, chó ma, sống lâu hơn người già”. Họ không biết rằng Cơm là lữ khách trên con tàu đắm xa xưa và từng ăn linh xà nên mới đột biến to lớn và đại thọ như vậy!

*

Ông cố gây dựng được trang trại hơn 3 héc ta. Cơm tung tăng trên giang sơn mênh mông với tư cách “khai quốc công thần” cùng với cố. Đời ông nội, đời cha rồi đến đời tôi, Cơm vẫn xông xáo, nhiệt huyết canh giữ bờ cõi. Cơm luồn trong bụi rậm rồi bất ngờ xông ra, gầm lên lao thẳng vào những kẻ hái trộm trái cây làm chúng khiếp vía. Cơm đi tới đi lui trong tư cách “vũ khí đáng sợ” suốt những lần gia đình tôi tranh chấp ranh đất với hàng xóm. Những gã hung lân phóng ánh mắt căm ghét vào Cơm, tôi lo sợ họ dùng bả đầu độc hay súng săn bắn chết Cơm. Ông nội kể, ngày xưa nhà bị cướp. Ba tên bịt mặt cầm mã tấu, gậy xông vào khống chế rồi trói ông bà cố vào cột nhà. Ông nội lúc đó mới 11, 12 tuổi, bị chúng lôi dậy bắt úp mặt dưới nền nhà đất nện ẩm mốc, rồi chúng khiêng cái cối giã gạo bằng gỗ nặng trịch đè lên lưng nội. Thế là cả ba tên yên chí vào lục lọi đồ đạc và bắt gà, vịt nhét vào bao. Bọn cướp từ xa đến vùng này nên không biết nhà cố có “thần giữ của”. Cơm suốt đêm đi canh trộm ở cuối vườn cách nhà nửa cây số, bất ngờ trở về với bộ lông ướt đẫm sương lạnh. Cơm đen như màn đêm, Cơm lao lên như cọp vồ nai, cắn vào vai tên cầm mã tấu. Hắn hét lên, quỵ xuống, vũ khí rời tay. Cơm cào rách mặt, lòi mắt tên thứ hai và cắn nát khủyu chân tên còn lại. Sau đó Cơm đứng giữa ba xác thân tê liệt vì đau đớn, sợ hãi sủa dữ dội. Nhưng thập niên bốn mươi của thế kỷ 20 giữa Đà Lạt – “Paris nhỏ” còn hoang sơ nói gì đến vùng ngoại ô Lạc Dương đi mỏi chân mới có một mái nhà. Sủa mãi chẳng ai đến giúp, Cơm xông vào nhà ngó nghiêng, kêu ư ử rồi dùng cái đầu to cỡ vòng tay trẻ con 6-7 tuổi, mạnh mẽ húc lăn cái cối trên lưng ông nội. Trong nhà còn đống lửa sắp tàn, nội lồm cồm ngồi dậy chất thêm cành khô cho cháy to, cóánh sáng rồi thút thít đến mở trói cho ông bà cố. Khi cả nhà đốt đuốc ra sân sau thì ba tên cướp đã chạy mất, để lại một bao gai đồ đạc, gà vịt và những vệt máu dưới đất. Cơm khịt mũi lao theo sục sạo tìm kiếm “quân xâm lược”, nhưng ông cố gọi về…

*

Khu vườn nhà tôi rộng 60 mét giáp với đường liên xã trải nhựa và sâu hun hút hơn nửa cây số vào tận chân núi Bà. Giữa vườn, từ thời ông nội đã có căn nhà sàn nhỏ bằng gỗ lợp tole dùng làm nhà kho. Lúc tôi 12-13 tuổi, vẫn theo ba ra đây ngủ canh vườn. Bóng đèn tròn 60W vàng vọt treo giữa nhà soi vào chiếc bàn thấp là nơi tôi ôm chồng sách vở ra ngồi phệt dưới sàn gỗ ôn bài. Sau này khi tôi lớn, ba ở nhà trước với má, đêm chỉ còn mình tôi ra bật điện ngủ giữ vườn. Cơm luôn theo tôi và hài lòng với chỗ ngủ lót bao bố nhồi cỏ khôêm ấm dưới gầm sàn. Đêm lạnh dưới 10 độ, tôi đốt lửa gần chỗ Cơm nằm, sưởi ấm cả sàn gỗ bên trên, ấm cả căn nhà cô quạnh dưới bóng núi thẳm đen sừng sững. K – cô gái từng hẹn ước với tôi vài lần cười rúc rích trên tấm nệm trải gần cửa sổ. Tiếng cười trong trẻo treo lơ lửng giữa cột kèo cũ kỹ, ám khói. Sau này K xuất cảnh theo một ông Việt kiều, tôi lơ lửng như tiếng cười còn trong hoài niệm. Tôi vướng vào bệnh mất ngủ từ đó, nỗi trằn trọc kéo dài suốt ba tháng. Tối nay tôi lại uống hai viên thuốc an thần, lơ mơ mà mắt ráo hoảnh. Tôi uống tiếp hai viên nữa rồi bực bội nốc một hơi hết phần ba chai rượu. Rượu làm tôi say là đà ngay trên tấm nệm còn vấn vương ái ân từ trăm ngày trước. Tôi ước cái gối ôm nhàm chán, ẩm mốc lầm lì thành da thịt trắng muốt, thơm tho, thành tiếng thở trào dâng và mớ tóc nhột nhạt… Bất chợt tôi nghe Cơm sủa dồn dập dưới gầm giường. Tôi ngồi dậy chộp cái đèn pin và cây sắt mét hai uốn móc nhọn. Bấm hoài đèn pin vẫn không sáng, tôi khe khẽ đẩy cánh cửa sổ nhìn ra vườn rồi bụm miệng để ngăn tiếng rú kinh hoàng…

Trăng đã lên đỉnh núi Bà, sắc trăng lam huyền lạnh buốt, sương mù lởn vởn trên vườn hồng trụi lá, hoang vu. Bỗng loang loáng màu rêu thẫm rồi một đoàn quân tay nắm tay di chuyển rất nhanh theo vòng tròn, ở giữa là khối vàng sinh động, biến thiên kỳ ảo… Tay bám vào bệ cửa sổ, tôi hít sâu trấn tĩnh rồi giật mình, lạnh buốt sống lưng khi nhìn rõ một vũ nữ Apsara với vương miện, váy áo, trang sức ngời ánh vàng đang ngửa mặt kiêu hãnh trong vũ điệu huyền ảo giữa vòng tròn sắc lính. Những khuôn mặt lính trẻ măng, trắng nhợt thoắt ẩn, thoắt hiện dưới vành mũ tai bèo. Từ gầm nhà sàn cách chục bước chân, Cơm lao ra hùng hổ sủa. Vũ điệu vô thanh, hớn hở quay cuồng của Apsara và cả đoàn quân biến mất. Cơm ngửa đầu nhìn trăng tru từng hồi dài thống thiết như muốn níu kéo các linh hồn vừa giận lẫy tiếng sủa ồn ào đã bỏ đi. Chợt nhớ câu “chó sủa ma”, tôi phát run lập cập…

Đêm sau… nhìn đồng hồ trên tay đã quá 23 giờ vẫn tỉnh như sáo, tôi lại uống thêm hai viên an thần với mấy cốc rượu rồi nằm thẳng cẳng, nhắm mắt cầu mong giấc ngủ đến sớm. Mơ màng được một lát thì nghe Cơm dưới gần sàn tru từng hồi u uất. Tôi mặc kệ, cố giữ giấc ngủ thiu thiu, nhưng rồi nghĩ sao lại ngồi dậy mở cửa sổ nhìn ra vườn, nơi đêm qua là “sân khấu” vũ hội. Tiếng tru của Cơm khuấy động đêm tĩnh mịch, trăng muộn lơ lửng chao đảo. Tôi tính quát Cơm thôi, nhưng bất ngờ vạt đất trũng, cây thưa thớt, trụi lá cách nhà sàn chục bước chân lại xuất hiện vũ hội vô thanh huyền bí. Cũng sắc lính xanh rêu quay cuồng cùng màu vàng Apsara óng ánh. Tôi ngồi chết lặng chứng kiến trò chơi gọi hồn của Cơm và càng tò mò về mối quan hệ bí ẩn giữa “cụ” Cơm gần trăm tuổi với các hồn ma chiến sĩ vài chục năm và hậu kiếp của vũ nữ cung đình Chămpa nghìn năm trước. Lịch sử Chămpa trải qua mười triều đại, gần trăm đời vua với biết bao thành quách uy nghi, cung điện lộng lẫy, biết bao phẩm hàm, thứ bậc, tôi trung và nịnh thần… nhưng rồi chỉ có vũ điệu Apsara là vĩnh hằng. Vua chúa luôn tưởng mình là “con trời”, nhưng thật ra nghệ thuật mới là ngôn ngữ phổ biến, trường tồn chứ không phải quyền uy của các nhà lãnh đạo!

*

Ba tôi dẫn đường, chiếc Kobe bánh xích nặng nề len lỏi tránh mấy gốc hồng trụi lá, khoe từng chùm trái chín vàng lắc lư theo gió. Ì ạch rồi Kobe cũng vào được giữa vườn. Ba chỉ vào khoảnh đất trũng, Kobe vươn cánh tay sắt thép siêu lực bổ cái gàu nặng gần hai tấn, lởm chởm răng nhọn xuống đất. Tôi ôm ngực như nhát cuốc vô tri, nặng nề đó vừa bửa đôi tim mình!

Giữa thế gian mênh mông, đông đúc, chỉ có tôi với Cơm nắm giữ bí mật câu chuyện khó tin về một sân khấu “dương kiến – âm diễn” này. Cơm không thể nói, còn tôi không muốn nói với bất kỳ ai về bí ẩn lạ lùng đó. Bây giờ “sân khấu âm – dương” đang tan nát dưới những nhát bổ chí mạng của sức mạnh cơ giới. Cậu lái Kobe tên Kiên – tuổi 36, 37 như tôi, vừa phà khói thuốc mù mịt vừa luôn tay rị, đẩy bộ cần lái. Chiếc Kobe gào rống như con quái vật đồ sộ, hung dữ nghiến hai bánh xích cày nát mặt đất bình yên trong lúc cánh tay khổng lồ, cứng rắn của nó bới móc lung tung. Bỗng tiếng gầm đinh tai nhức óc phụt tắt, con quái vật bất động, thôi nhả khói, chàng tài xế nhảy xuống càu nhàu “máy hỏng rồi”… Ba đứng với tôi cách cái máy 9, 10 mét lật đật chạy đến rồi giật mình trước những vật lạ vừa phát lộ. Ba rút điện thoại ra gọi cho chủ tịch xã và chỉ mấy tiếng đồng hồ sau bên quân đội với thương binh xã hội đến bày mâm cúng, đốt vàng mã xong khai quật nấm mồ tập thể này. Ông đại tá của tỉnh đội cho biết: “Trung đội độc lập hy sinh năm Mậu Thân (1968)”… Ba tôi thở dài: “Tết đó nhà mình tản cư về Đà Lạt tránh bom đạn hai tuần. Cả đoàn khách nằm lại mà mình không biết”…! Khi hài cốt và di vật của các anh hùng được thỉnh về nghĩa trang liệt sỹ, chiếc Kobe nổ máy trở lại. Kiên lẩm bẩm: “Chỉ nhát cuốc nữa là mọi thứ lẫn lộn, may mà các vị linh hiển…”. Tôi thẫn thờ rồi chợt nghĩ đến sắc lính xanh rêu trong vũ hội dưới trăng mà lạnh hết sống lưng. Tôi từng nghi ngờ đó chỉ là ảo giác từ chứng mất ngủ, thuốc an thần và rượu. Giờ thì mọi sự đã quá rõ ràng – Cơm là sứ giả của âm giới – nhà ngoại cảm thiên tài…

Kiên tiếp tục vận hành Kobe đào cái hồ 500 mét vuông, sâu 4 mét  để nuôi cá và tưới cây theo hợp đồng với ba tôi…

Chiều hôm sau, Kobe lầm lũi dưới cái hồ đã hình thành sau khi bóc phần đất cứng bề mặt. Hai bánh xích nằm ở tầng sâu 2,5mét, cái cần vươn ra mổ gàu xuống độ sâu 3,5mét… Máy tắt, đề mãi không nổ lại được. Lấy kinh nghiệm vụ phát hiện mồ tập thể liệt sỹ, Kiên xuống xe, chạy đến chỗ cái gàu đang cắm dưới sình lỏng bỏng nước chấp tay khấn vái. Bố con tôi cũng lội bùn đến thắt lưng cùng anh ta mò mẫm dưới bùn. Cơm vẫy đuôi chạy tới chạy lui trên bờ rên ư ử. Bất ngờ Cơm lao luôn xuống sình dí mõm vào một tảng đá ép chặt vào vách hồ sủa dồn dập. Tôi chạy đi lấy cây xà ben 2 mét xuống hì hục cùng ba với Kiên nạy tảng đá to như tấm chiếu. Tảng đá chênh vênh rơi ùm xuống làm sình bắn tung tóe. Cơm lắc mình rũ bùn bám trên lông rồi nhảy phốc vào cái hang vừa phát lộ chỉ cách mặt sình hơn nửa mét. Cả ba người chúng tôi cùng chụm đầu nhìn vào… Hang sâu quá sải tay, rộng thoáng với không khí, ánh sáng vừa tràn vào. Tôi rợn người khi thấy bức tượng Apsara đá xám nguyên vẹn, không hề bám dính bùn đất, đang mỉm cười. Cơm thu mình, nằm mọp, rúc đầu vào chân tượng thở khì khì như chờ nữ thần ban thưởng cho công lao đưa ngài ra ánh sáng. Tôi rùng mình nhìn Cơm khiếp phục! Ba run run cúi đầu thi lễ, tư lự:

– Hay là báo chính quyền vào tiếp quản?

Tôi hốt hoảng:

– Đừng ba!

Từ đó vách tây của hồ có am thờ. Ba lấp lại một phần đáy hồ tạo một khoảng sân nho nhỏ để đứng thắp nhang, dâng lễ. Tôi làm sạch vách, trần, nền, hang và dùng rượu tắm rửa tượng thần. Bà con trong xóm rồi những người tứ phương, nghe tin kéo đến chiêm bái. Họ mang áo khoác, đội khăn voan đa sắc cho tượng và kính cẩn gọi là “thánh mẫu”.

Một hôm có đoàn cán bộ bảo tàng tỉnh cùng phóng viên về đòi khảo sát tượng. Cơm áng ngữ trước cửa hang gầm gừ đe dọa. Cán bộ yêu cầu xích Cơm lại, tôi lảng tránh…

Ông nhà báo theo đoàn bực bội rút điện thoại gọi công an vào cưỡng chế, Cơm biết sợ đứng sang một bên rên ư ử rồi… đôi mắt buồn tuôn lệ. Tôi khóc theo Cơm, ba khóc theo tôi khi bức tượng bằng vóc dáng người thật được xe cẩu rút ra khỏi hang đền, đưa về bảo tàng… Cơm ngã bệnh từ đó, nằm bẹp ở xó nhà với thân thể rụng lông tiều tụy, mắt đổ ghèn, thểu não thất vọng. Tôi nấu cháo thịt với trứng gà thơm phức bưng đến, Cơm nhìn tôi buồn bã rồi dùng chân trước đẩy cái thau nhôm đầy cháo ấm ra xa. Tôi nghẹn ngào quỳ xuống ôm cái đầu to lớn của Cơm vuốt ve, an ủi. Cơm thở hổn hển, nấc lên…

Cơm mang sứ mệnh huyền bí suốt trăm năm bể dâu để đưa linh vật nghìn tuổi từ lòng đất bưng bít, từ quá khứ mờ ảo như huyền thoại, từ vực sâu chiến tranh và hiện hữu vô hình, vô ngôn của những linh hồn liệt sỹ về với cuộc sống chộn rộn lợi, danh này. Cơm ghê ghớm hơn vai trò thấp kém, bạc bẽo của “kiếp chó”. Nỗi niềm của Cơm đẹp như sự tuyệt vọng của nghệ thuật trước những ước định thô lỗ, ngu đần. Tôi tan nát lòng dạ vì nước mắt tức tưởi của Cơm!

Rồi một tinh mơ buốt giá, sương muối giăng đầy những ngọn cây hồng vừa nhú lá non, tôi gục bên thân xác gầy nhom cứng đờ của Cơm khóc nức nở. Ba tôi mắt đỏ hoe, cắn môi chọn những tấm gỗ tốt đóng cho Cơm cái áo quan. Má thút thít ra chợ ôm vải trắng về lót đáy, hông hòm. Tôi khóc khi tắm rửa, chải lông lần cuối cho Cơm. Tay mân mê mấy cái sẹo từ những cuộc chiến đẫm máu trên thân thể cường tráng, dẻo dai một thời của Cơm, tôi lẩm bẩm một mình: “Cụ sắp đoàn tụ với ông cố của con!”. Cha con tôi khe khẽ nâng Cơm đặt vào hòm. Cơm nhẹ hẫng chứ không còn nặng ngót tạ như thời oanh liệt. Cái hòm sau đó được đưa ra sau vườn, đặt vào cái hang là đền thờ nữ thần ngày nào. Ba lại gọi Kobe đến lấp đi một nửa cái hồ để cái hang chứa báu vật nghệ thuật, nỗi đau chiến tranh và xương cốt người bạn thủy chung của Phổ tộc chìm luôn vào lòng đất. Tôi đúc một tấm bia bằng bê tông vĩnh cửu, khắc ghi lên đó “Cụ Cơm – đích tuấn mã chở những ước mơ”… Những chiều ra thắp nhang, tôi mơ hồ nghe thấy tiếng sủa nho nhỏ, thổn thức lẫn trong gió Cao Nguyên ùù buốt lạnh. Nhìn lên đỉnh núi Bà mây phủ, bùi ngùi nhớ kiếp phận “trăm năm không nói nên lời” của Cơm !

L.V.L