(Vanchuongphuongnam.vn) – Vào ngày 20.7.2022, Ban Chấp hành (BCH) Hội Nhà văn Việt Nam đã tiến hành kỳ họp thứ 5 để sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và chuẩn bị phương án thực hiện những chương trình 6 tháng cuối năm 2022 của nhiệm kỳ X (2020 – 2025). Những nội dung cơ bản của kỳ họp thứ 5 đã thông tin nhanh trên các cơ quan báo chí truyền thông của Hội.
Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2022
Thông báo của
Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X
(Về hoạt động 6 tháng đầu năm và chuẩn bị cho 6 tháng cuối năm 2022)
Kính gửi toàn thể Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam!
Vào ngày 20.7.2022, Ban Chấp hành (BCH) Hội Nhà văn Việt Nam đã tiến hành kỳ họp thứ 5 để sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và chuẩn bị phương án thực hiện những chương trình 6 tháng cuối năm 2022 của nhiệm kỳ X (2020 – 2025). Những nội dung cơ bản của kỳ họp thứ 5 đã thông tin nhanh trên các cơ quan báo chí truyền thông của Hội.
Tuy nhiên, vì còn một số vấn đề tồn tại mà kỳ họp thứ 5 chưa đủ thời gian giải quyết, nên vừa qua BCH Hội tiếp tục trao đổi trực tuyến để đi đến thống nhất. Nay BCH Hội xin thông báo chính thức đến toàn thể hội viên như sau:
- BCH Hội đã nhìn nhận, đánh giá kết quả các hoạt động được tổ chức thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022:
1- Xét trao Giải thưởng Tác giả trẻ đầu tiên từ nguồn kinh phí xã hội hóa; trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và kết nạp hội viên mới năm 2021; tiếp tục đổi mới các cơ quan báo chí truyền thông của Hội: Văn Nghệ, Nhà Văn & Cuộc Sống, Vanvn.vn; nâng cao phương thức hoạt động của Bảo tàng Văn học và Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
2- Phát động Cuộc vận động Sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi và in sách tặng thiếu nhi miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đang thực hiện chỉ đạo của BCH in sách tặng cho thiếu nhi đợt 1 là 2 vạn bản (20.000) và dự kiến in đợt 2 vào cuối năm với số lượng bản in tương tự. Dự án in sách tặng thiếu nhi miền núi và vùng sâu, vùng xa sẽ tiếp tục hàng năm từ 2 đến 5 vạn bản cho hết nhiệm kỳ từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
3- Triển khai xây dựng cơ sở của Hội Nhà văn tại 65 Nguyễn Du, Hà Nội trở thành Trung tâm Quảng bá và Phát triển sách văn học Việt Nam, phục vụ những hoạt động chuyên môn của các Hội viên Hội Nhà văn nói riêng và của đời sống văn học cả nước nói chung.
4- Tổ chức cuộc gặp gỡ các nhà văn tiêu biểu nhân Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam; tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần X ở Đà Nẵng, phối hợp Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức Trại Sáng tác văn học thiếu nhi; phối hợp Viện Văn học tổ chức tọa đàm khoa học.
5- Tiến hành thành lập và tổ chức đại hội một số chi hội nhà văn cấp cơ sở. Lãnh đạo Hội gặp gỡ, lắng nghe đóng góp ý kiến của hội viên ở TPHCM, Phú Yên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh…
6- Điều chuyển, bổ sung một số nhân sự các cơ quan cấp hai, hội đồng chuyên môn, ban công tác.
7- Trong quá trình thực hiện tuy còn những thiếu sót, hạn chế nhưng BCH Hội đã cố gắng nỗ lực tối đa cho các hoạt động chuyên môn nghề nghiệp được tổ chức thành công tốt đẹp. Đặc biệt, BCH Hội đưa các hoạt động chuyên môn, sự kiện theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa trong điều kiện kinh phí Nhà nước cấp rất hạn chế.
- Triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2022:
1- BCH Hội giao cho các cơ quan cấp hai, hội đồng chuyên môn, ban công tác và Văn phòng Hội chuẩn bị cho những hoạt động, sự kiện cụ thể sắp tới: Giải thưởng Tác giả trẻ, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, xét kết nạp hội viên mới năm 2022, Gặp gỡ tọa đàm Nhà văn nữ,…
2- Chuẩn bị kế hoạch tổ chức Ngày Thơ Việt Nam đầu năm 2023, Ngày Nguyễn Du ở Hà Nội, Hội nghị Lý luận phê bình và các Hội thảo tổng kết 50 năm Văn học Việt Nam từ ngày đất nước thống nhất…
3- Tiếp tục thành lập các chi hội cơ sở đủ điều kiện. Thường trực Hội và các Ủy viên BCH phụ trách khối, khu vực cần tiếp tục gặp gỡ, tiếp xúc với hội viên để trao đổi, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của hội viên cho hoạt động Hội ngày càng tốt hơn.
4- Chủ động phối hợp với các đơn vị khác tổ chức các hoạt động chuyên môn văn học theo hướng xã hội hóa nguồn kinh phí.
5- Thường trực Hội chuẩn bị phương án kiện toàn nhân sự các hội đồng chuyên môn, ban công tác để tham mưu, hỗ trợ công việc Hội hiệu quả hơn.
6- Chuẩn bị nội dung Quy chế Phát ngôn của hội viên nhằm chế tài, bảo vệ uy tín của Hội.
III. Về những vấn đề của Ban Văn học thiếu nhi, nay là Hội đồng Văn học thiếu nhi:
1- Kế tục truyền thống những nhiệm kỳ trước, BCH Hội nhiệm kỳ 2020-2025 vẫn thành lập Ban Văn học thiếu nhi như ban công tác giúp việc cho BCH Hội.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của BCH Hội khóa X đề ra là thúc đẩy văn học thiếu nhi sau một thời gian dài có rất ít tác phẩm văn học về đề tài thiếu nhi được bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam quan tâm.
Chính vì vậy, BCH đã chú ý đặc biệt đến Ban Văn học thiếu nhi và mời nhà văn Trần Đức Tiến, một người có những sáng tác văn học thiếu nhi chất lượng và đóng góp cho phong trào văn học thiếu nhi những năm qua để làm Trưởng ban công tác này.
Nhà văn Trần Đức Tiến nhận lời với điều kiện cho ông toàn quyền chọn lựa các thành viên của Ban Văn học thiếu nhi. BCH Hội đã chấp thuận điều kiện của nhà văn Trần Đức Tiến. Đây là việc làm không có tiền lệ trong BCH những nhiệm kỳ trước đây khi thành lập các hội đồng và ban công tác của Hội Nhà văn Việt Nam.
Sau đó, nhà văn Trần Đức Tiến đề nghị BCH thay đổi tên gọi Ban Văn học thiếu nhi thành Hội đồng Văn học thiếu nhi. Vì sự nghiệp phát triển văn học thiếu nhi, BCH đã chấp thuận đề nghị của nhà văn Trần Đức Tiến và Ban Văn học thiếu nhi được đổi thành Hội đồng Văn học thiếu nhi (VHTN), do ông làm Chủ tịch Hội đồng.
- Vào cuối năm 2021, trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19, việc xét Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam thường niên của các Hội đồng Sơ khảo (cũng đồng thời là các hội đồng chuyên môn) đều tiến hành qua email hoặc họp trực tuyến.
Ban Sáng tác của Hội đã trình lên Hội đồng Chung khảo kết quả đề cử từ các Hội đồng Sơ khảo như sau: Văn xuôi có 2 tác phẩm, Thơ có 3 tác phẩm, Lý luận phê bình có 5 tác phẩm, Dịch thuật có 3 tác phẩm, Văn học thiếu nhi có 2 tác phẩm.
Tại kỳ họp chiều ngày 28.12.2021, Ban Sáng tác báo cáo cho Hội đồng Chung khảo từng biên bản cụ thể của các Hội đồng Sơ khảo. Riêng phần Hội đồng VHTN, biên bản do Chủ tịch Trần Đức Tiến ký có kết quả, nguyên văn như sau:
“A. Sau khi đọc toàn bộ tác phẩm tham dự xét tặng giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội năm 2021, Hội đồng Văn học thiếu nhi đã tiến hành lấy ý kiến đề cử của từng thành viên.
Kết quả như sau:
1. Cà Nóng chu du Trường Sa – Bùi Tiểu Quyên, truyện dài, Nxb Kim Đồng 2021: 07 đề cử.
- Cá voi Eren đến hòn Mun – Lê Đức Dương, truyện dài, Nxb Kim Đồng 2021: 06 đề cử.
- Mùa tiểu học cuối cùng – Lê Văn Nghĩa, truyện dài, Nxb Kim Đồng 2021: 05 đề cử.
- Đi trốn – Bình Ca, truyện dài, Nxb Hội Nhà văn, 2020: 01 đề cử.
- Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm – Cao Khải An, truyện dài, Nxb Kim Đồng, 2021: 01 đề cử.
(Không có tập thơ nào được đề cử).
- Hội đồng tiếp tục lấy ý kiến của các thành viên về việc chọn số tác phẩm đề cử để Ban Chấp hành xem xét, quyết định.
Kết quả:
– 07 (bảy) ý kiến chọn 02 (hai) tác phẩm có số đề cử cao nhất.
– 02 (hai) ý kiến chọn cả 03 (ba) tác phẩm có số đề cử quá bán.
- Căn cứ vào đa số ý kiến ở điểm B., Hội đồng quyết định:
– Chính thức đề cử 02 (hai) tác phẩm:
- Cà Nóng chu du Trường Sa– Bùi Tiểu Quyên, truyện dài, NxB Kim Đồng 2021.
- Cá voi Eren đến Hòn Mun– Lê Đức Dương, truyện dài, Nxb Kim Đồng 2021.”
Sau khi xem xét biên bản sơ khảo của Hội đồng VHTN, Hội đồng Chung khảo nhận thấy rằng mặc dù truyện dài “Mùa tiểu học cuối cùng” của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa không được Hội đồng VHTN đề cử lên Ban Chấp hành Hội nhưng số phiếu quá bán (5/9) khi bầu chọn sơ khảo vẫn còn nguyên giá trị. Trong biên bản, Hội đồng VHTN cũng không hề hủy kết quả sơ khảo đối với tác phẩm “Mùa tiểu học cuối cùng” mà chỉ không đề cử.
Theo Quy chế Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều ký ngày 15.10.2021, các tác phẩm đã đạt số phiếu quá bán của Hội đồng Sơ khảo đều có quyền được đưa vào chung khảo, không hạn chế số lượng. Đồng thời, quy chế cũng không có quy định hội đồng chuyên môn có quyền không đề cử tác phẩm đã được số phiếu sơ khảo quá bán vào chung khảo.
Vì vậy, sau khi xem lại quy chế và thảo luận rất kỹ lưỡng, Hội đồng Chung khảo đã quyết định đưa tác phẩm “Mùa tiểu học cuối cùng” vào xét chung khảo.
Do thời gian gấp gáp, Văn phòng Hội phải photo ngay tác phẩm “Mùa tiểu học cuối cùng” để tối hôm đó các thành viên Hội đồng Chung khảo đọc cho kịp hôm sau họp xét, nghe ý kiến đánh giá của từng thành viên về từng tác phẩm chung khảo, trước khi bỏ phiếu kín bầu chọn giải thưởng như kế hoạch.
Kết quả như đã công bố, tác phẩm “Mùa tiểu học cuối cùng” của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa đã được số phiếu bầu chọn quá bán của Hội đồng Chung khảo, sau đó trình lên Ban Chấp hành Hội xem xét và đồng ý thông qua, trở thành một trong bốn tác phẩm được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021.
Thời gian qua, giá trị “Mùa tiểu học cuối cùng” của Lê Văn Nghĩa cùng với các tác phẩm được trao giải thưởng khác là tiểu thuyết “Một ví dụ xoàng” của Nguyễn Bình Phương, tập lý luận phê bình “Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa” của Trương Đăng Dung, tiểu thuyết “Châu Phi nghìn trùng” của Isak Dinesen (Đan Mạch) do Hà Thế Giang chuyển ngữ, đã nhận được sự đánh giá tốt của dư luận trong giới và bạn đọc.
3- Các thành viên Hội đồng VHTN đã hợp tác nhiệt tình, trách nhiệm cho mục đích chung của Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng quá trình tổ chức thực hiện công việc cho thấy sự phối hợp giữa BCH Hội và Hội đồng VHTN còn có những điều chưa hoàn toàn nhất trí.
Thay mặt BCH, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã viết thư bày tỏ sự trân trọng đối với những đóng góp của Hội đồng VHTN và lý giải những vấn đề liên quan để thúc đẩy sự phát triển của văn học thiếu nhi.
BCH đã đặt mục đích vì nền văn học thiếu nhi và quyền lợi được đọc sách của trẻ em là cao nhất. Chính vì lý do đó, BCH lắng nghe những góp ý thiện chí mang tính xây dựng của các hội đồng chuyên môn, ban công tác và các hội viên cũng như dư luận xã hội để điều hành công việc của Hội Nhà văn Việt Nam mỗi ngày một phát triển.
Trân trọng!
BAN CHẤP HÀNH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
Phùng Hiệu tổng hợp