Thông điệp từ một bài thơ

687

Nhân đọc bài thơ “Ngỡ” của Nguyễn Ngọc Hạnh

Nguyễn Thị Thu Thủy

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong cuộc đời ai cũng đã từng nhầm, tưởng lầm, đó là điều hiển nhiên. Có những lần nhầm, ta có thể thay đổi sửa chữa, song cũng có điều lầm tưởng khiến cả đời ta ray rứt ân hận. “Ngỡ”, một bài thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh cũng viết về đề tài đó. Nhan đề của thi phẩm chỉ một chữ, ngắn gọn mà cô đúc. “Ngỡ” có nghĩa là tưởng lầm, nghĩ là, cho là như thế nhưng sự thật không phải thế. Có thể vì không kịp suy xét kĩ lưỡng hoặc vì quá bất ngờ, đột ngột nên đã nhầm chăng?

Ngỡ 

Nhầm một làn hương

Đêm nằm không ngủ

Hoa giữa đời thường

Cầm tay bối rối

Ngỡ là sông trong

Ai hay dòng đục

Lỡ tắm một lần

Một đời ray rứt

Ngỡ là hương đồng

Thủy chung như đất

Tôi lỡ gieo trồng

Đời tôi trên cát

Nửa đời phiêu bạt

Nhầm một câu thơ

Nhầm dòng sông chảy

Tìm không thấy bờ

Có thể muộn mằn

Giữa bao chìm nổi

Tôi lại tìm về

Đời tôi lặn lội

Năm 1988Nguyễn Ngọc Hạnh 

Nhà thơ Lê Đạt (trái) và nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh (phải)

Trong cuộc đời ai cũng đã từng nhầm, tưởng lầm, đó là điều hiển nhiên. Có những lần nhầm, ta có thể thay đổi sửa chữa, song cũng có điều lầm tưởng khiến cả đời ta ray rứt ân hận. “Ngỡ”, một bài thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh cũng viết về đề tài đó. Nhan đề của thi phẩm chỉ một chữ, ngắn gọn mà cô đúc. “Ngỡ” có nghĩa là tưởng lầm, nghĩ là, cho là như thế nhưng sự thật không phải thế. Có thể vì không kịp suy xét kĩ lưỡng hoặc vì quá bất ngờ, đột ngột nên đã nhầm chăng?

Ba khổ thơ đầu liệt kê ba hiện tượng mà nhân vật trữ tình đã tưởng lầm trong quá trình gặp phải. “Nhầm một làn hương/ Đêm nằm không ngủ”. Trong thực tế có ai ngửi nhầm một làn hương đâu, ngoại trừ người ấy có vấn đề về khứu giác hoặc lỡ có ngửi nhầm thì chỉ một lát, gió sẽ cuốn phăng đi tất cả Thực ra, hai câu thơ được ẩn dụ hóa. Một làn hương lạ tượng trưng cho một bông hoa đặc sắc, cao quý, cũng có thể là một bóng hồng nào đó trong cuộc đời khiến nhân vật trữ tình trăn trở, thao thức đến bối rối. Và anh đã thực sự “cầm tay” nghĩa là đã nắm bắt được, nhưng phút chiếm hữu được điều độc lạ ấy là phút anh nhận ra mình đã lầm. Cũng như hiện thực và ước mơ vậy đó; những gì ta chưa chinh phục được mãi còn là ước mơ thì bao giờ cũng đẹp và lung linh; nhưng khi ta chinh phục được mơ ước thì hiện thực trần trụi khi đối diện khiến ta lúng túng, bối rối; bởi hiện thực có bao giờ đẹp như ước mơ.

Tâm trạng của nhân vật trữ tình chuyển sang một cung bậc khác khi anh nhầm bước tiếp theo: “Ngỡ là sông trong/ Ai hay dòng đục/ Lỡ tắm một lần/ Một đời ray rứt”. Cái hay ở khổ thơ thứ 2 là các cặp từ đối ứng nhau: sông trong-dòng đục; một lần-một đời. Lần đầu nhầm một làn hương, anh đã lâm vào thế khó xử;  lần này là nhầm trong cách đánh giá về nhân cách, phẩm giá; nhầm trong quan điểm, tư tưởng thì càng tai hại hơn. Và vì lầm lẫn, vì trót dại chỉ một lần duy nhất mà để cả một đời, sống trong sự ăn năn, hối hận. Đọc đến đây, ta liên tưởng đến một bài ca dao cũng nói về sự xót tiếc vì mình đã lỡ trao nhầm trái tim: “Em tưởng nước giếng sâu/ Em nối sợi dây dài/ Ai ngờ nước giếng cạn/ Em tiếc hoài sợi dây”. Lời ca dao được ẩn dụ hóa và cũng đi vào trường hợp nhầm nhưng ý lời trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đẫm chất triết luận, tựa như một nỗi niềm, một ray rứt không nguôi.

Nhà thơ Phùng Quán (trái) và nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh (phải)

Bước sang khổ 3, nhân vật không chỉ dằn vặt về cái sự nhầm mà còn lỡ gieo trồng mầm xanh của hi vọng: “Ngỡ là hương đồng/ Thủy chung như đất/ Tôi lỡ gieo trồng/ Đời tôi trên cát”. Nhầm một làn hương, hương bay đi, mọi thứ có thể tan biến; nhầm một dòng nước, nước đổi dòng cuốn trôi đi tất cả; còn ở đây, không chỉ ngỡ mà đã gieo trồng cây hi vọng, cây cuộc đời. Tưởng rằng cả một đời, anh  sẽ thủy chung với điều lí tưởng mà mình đã lựa chọn; nhưng có ai ngờ…; hi vọng cũng héo hon như cây non được trồng trên cát nóng.

Ở khổ thứ tư, cái ngỡ đã dâng cao lên đỉnh điểm; xuất phát từ quan sát thực tế của người chèo thuyền nếu không đoán định dòng nước chảy anh sẽ mãi mãi lênh đênh giữa dòng, không bao giờ đưa được con thuyền vào bờ, tác giả gửi gắm điều cốt yếu: “Nửa đời phiêu bạt/ Nhầm một câu thơ”. Câu chuyện nằm ở đây, có khi chỉ vì một câu thơ mà cuộc đời con người ba chìm bảy nổi; có khi chỉ vì trót yêu…nên phải gặp hệ lụy chăng? Ý thơ đa nghĩa đa tầng, là lời cảnh tỉnh xót xa đối với người cầm bút nói chung; như người xưa đã từng nhắc: “bút sa gà chết” là vậy. Sau tất cả những lầm tưởng vì “một đời lặn lội”, nhân vật trữ tình quay lại để sống thật với mình, với chính mình: “Có thể muộn mằn/Giữa bao chìm nổi/Tôi lại tìm về/Đời tôi lặn lội”. Dù có muộn màng sau bao nhiêu năm lận đận, sau bao lầm tưởng nhưng con người biết dừng lại để nhìn lại mình, bớt chạy theo ảo vọng thì sẽ có sức mạnh vượt lên mọi sự nhầm tưởng.

Bài thơ viết theo thể 4 chữ, độ nén cao, câu từ gần gũi nhưng đa thanh. Tứ thơ xoay quanh sự “ngỡ”, cái “nhầm”, hành động “lỡ” (lỡ tắm, lỡ gieo trồng) sắp xếp theo tầng bậc nhằm cụ thể hóa những lầm tưởng của nhân vật trữ tình theo cấp độ tăng dần. Đó có thể một lần yêu nhầm người, chọn nhầm bạn để sẻ chia hay nhầm lí tưởng, quan điểm sống giữa cuộc đời này. Lời thơ giàu tính triết luận, thi ảnh giàu tính biểu trưng, ngôn ngữ đa tầng nghĩa; chất chứa tâm trạng đầy phức tạp của tác giả đối với cuộc đời, với hiện thực xã hội. Ở đời con người thường chạy theo những ảo vọng; đôi khi lầm tưởng nhưng biết dừng lại để sống thực với chính mình, sống chân thành với mọi người xung quan, biết nâng niu những điều bình dị xung quanh thì có thể tìm lại được giá trị thật sự của mình. Dẫu thi phẩm được viết đã ba mươi năm nhưng thông điệp mà thi sĩ Nguyễn Ngọc Hạnh gửi gắm cho nhân thế vẫn còn ý nghĩa sâu sắc trong lòng độc giả.

                                                                                                     N.T.T.T