Thông tin về tang lễ nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

902

Mai Anh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tang lễ nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào 14h30 ngày 24.4.2021 tại Nhà tang lễ Thành phố, 125 Phùng Hưng, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang ông vào 15h15 ngày 24.4.2021 đến đài hóa thân Hoàn Vũ.


Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Thông tin từ gia đình cho biết, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm mất vào khoảng 16h30 ngày 20.4 tại nhà riêng, hưởng thọ 70 tuổi. Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, chiều ngày 20.4, nhà thơ “Chiếc lá đầu tiên” có nhận lời tham gia chương trình “Khách đến chơi nhà” trên sóng VOV – Đài Tiếng nói Việt Nam nhưng đến giờ phát mà nhà thơ vẫn chưa có mặt.

Nhà thơ Đỗ Anh Vũ – đại diện ban sản xuất chương trình gọi điện cho ông nhưng không thấy ông cầm máy. Anh lần chạy qua nhà bấm chuông gọi cửa nhưng cũng không thấy ông ra mở cửa. Lo lắng có chuyện chẳng lành, Đỗ Anh Vũ gọi điện cho con trai của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Khi con trai nhà thơ đến mở cửa vào nhà thì thấy bố mình đã hôn mê bất tỉnh. Gia đình vội vàng đưa nhà thơ vào Bệnh viện Thanh Nhàn gần đó cấp cứu nhưng ông đã không qua khỏi.

Nhà thơ Hữu Việt cho biết, nhà thơ Hoàng Mạnh Cầm có tiền sử bị tắc nghẽn phế quản mãn tính. Ông cũng có sở thích hút thuốc lào và làm việc với cường độ mạnh nên nhiều năm qua sức khoẻ không được tốt. Mặc dù vậy, nhà thơ họ Hoàng vẫn rất nhiệt tình tham gia các chương trình thơ, giao lưu với bạn đọc, khán thính giả trên đài phát thanh/truyền hình. Ông là đồng tác giả của 2 chương trình thu hút đông đảo thính giả trên sóng VOV hiện nay là “Khách đến chơi nhà” (VOV2) và “Đôi bạn văn chương” (VOV6)…

Theo thông tin từ gia đình nhà, lễ viếng và truy điệu thơ Hoàng Nhuận Cầm diễn ra từ 14h30 đến 16h thứ Bảy ngày 24/4 tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, TP. Hà Nội. Hội Nhà văn Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức lễ tang cho Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Sự ra đi đột ngột của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm khiến bạn bè giới văn chương và độc giả yêu mến không khỏi bàng hoàng, tiếc thương. Trong mắt nhà thơ Trần Đăng Khoa, “Bác sĩ Hoa Súng” là người nói chuyện rất hấp dẫn: “Tôi hay đi nói chuyện chung với anh, do Thư viện Quân đội tổ chức. Chúng tôi đi các đơn vị quân đội nói chuyện với lính về văn hóa đọc, về thơ người lính, thơ chiến trận. Hai anh em đi với nhau, bổ sung cho nhau, rất vui. Anh Cầm đọc thơ, nói chuyện thơ thì như một nghệ sỹ nhạc Rock, bùng cháy lên. Ông Cầm không yên đâu, ông ấy dựng cả hội trường đứng dậy luôn. Ông ấy luôn bùng cháy nên nói tốn sức lắm. Vì ông ấy hò hét, ông ấy cháy lên cùng với những con chữ. Tôi cứ rủ rỉ đi thôi. Nên hai anh em đi với nhau đẹp lắm. Tôi cũng tham gia nhiều chương trình với Cầm, như “Khách đến chơi nhà”, Đài tiếng nói Việt Nam. Những tiết mục trực tiếp của Đài cho thấy một Hoàng Nhuận Cầm thông minh và đầy bất ngờ. Những buổi nói chuyện của Hoàng Nhuận Cầm rất thu hút người nghe. Tôi lường trước mọi diễn biến mà tôi vẫn còn bất ngờ với Hoàng Nhuận Cầm cơ mà!”.

Nhận xét về tính cách của thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm, nhà thơ Trần Nhương chia sẻ: “Cầm hay nói to, tuyên bố nọ kia nhưng là người chân thành, tử tế. Thơ Cầm rất hay. Những bài thơ ban đầu của Cầm khiến giới sinh viên mê tít”.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7/2/1952 tại Hà Nội, là con đầu lòng của nhạc sỹ Hoàng Giác.

Khi đang học khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1971, Hoàng Nhuận Cầm nhập ngũ. Ông từng chiến đấu trong Sư đoàn 325B ở mặt trận Quảng Trị. Năm 1975, ông trở lại học nốt chương trình đại học và đến năm 1981 làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam.

Hoàng Nhuận Cầm chuyển sang làm việc cho Đài Truyền hình Việt Nam trong một thời gian ngắn rồi quay trở lại Hãng Phim truyện Việt Nam năm 2005. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, và cùng vợ lập hãng phim tư nhân Điệp Vân.

Dù bận rộn viết kịch bản, làm phim, Hoàng Nhuận Cầm nói ông chưa từng xao lãng việc làm thơ. Ông từng chia sẻ quan niệm sáng tác: “Thơ ca cũng như tình yêu, không ép buộc được đâu, khi gọi nó không đến nhưng khi đuổi thì nó không chịu đi. Bằng kinh nghiệm làm thơ riêng của mình, tôi thấy những bài thơ hay lại ra đời trong hoàn cảnh chẳng thơ chút nào”.

Nhà thơ đoạt giải của Báo Văn nghệ năm 1972 – 1973 trong thời gian đi chiến đấu ở Quảng Trị, dành cho chùm thơ trong đó có bài “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu”. Tuy nhiên, sau tập thơ in năm 2008, nhà thơ không ra mắt tuyển tập mới. Ông nói: “Theo thời gian, tôi tự nhận thấy mình trầm tĩnh hơn, sâu sắc và thận trọng hơn khi công bố trước công chúng, dù chỉ là một bài thơ của mình. Nhưng dù trước đây hay sau này, tôi không muốn phụ lòng bạn đọc. Nếu không làm được hay hơn và mới hơn trước thì thà đừng in còn hơn”.

Nhiều bài thơ của Hoàng Nhuận Cầm mà phần lớn là thơ tình được các bạn đọc trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên yêu thích vì nó gắn với những kỷ niệm của tuổi trẻ, tình yêu với một giọng thơ trẻ trung, sôi nổi như: Chiếc lá buổi đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu,…

Ngoài thơ, ông còn sáng tác kịch bản phim và đã từng tham gia đóng phim. Ông còn nổi tiếng với nhân vật “Bác sĩ Hoa Súng” trong chương trình Gặp nhau cuối tuần và vai nhà thơ trong phim Số đỏ

M.A