Thư gửi một hiền nhân – Tản mạn của Trần Danh Thùy

825

(Vanchuongphuongnam.vn) – Anh Phương (*) thân mến,

Cảm ơn anh đã gửi cho tôi đọc bài “Lớp học chữ Nho trong thành phố”. Bài viết của anh rất hay, rất sinh động, tôi thích lắm. Chắc bởi thế nên nó mới là bài đăng của Hội Nhà văn Việt Nam.

PGS – TS Huỳnh Như Phương

Qua bài, tôi mới biết được Sài Gòn lúc đó có một ‘lớp học tình thương’ như vậy. Nếu lúc đó mà tôi biết về lớp học đó, thì có thể tôi cũng đến xin thầy học và chúng ta đã là bạn sớm hơn.

Đọc bài viết của anh, tôi chợt nhớ lại 2 năm đầu học ở Đại học Vạn Hạnh lúc đó, tôi có học môn Hán văn với thầy Huỳnh Minh Đức. Có lẽ trái với ngoại hình của thầy Lê Xuân Mai của anh, thầy Đức chắc thấp bé, nho nhã hơn. Thầy khá trắng và đẹp trai, lúc nào cũng mặc chemise trắng cộc tay. Sáng, thầy thắt cravate màu đỏ thắm; chiều, màu xanh dương. Dáng đi hơi nhanh, nhẹ nhàng như đang lướt một vũ điệu slow tango.

Nói thiệt, hồi đó, tôi rất thích ngắm nhìn thầy, nhất là đôi mắt to tròn, trong veo và ánh nhìn không một chút ‘bụi bặm’ của thầy mỗi khi thầy nhìn xuống lớp. Thầy cười rất có duyên, nhất là mỗi khi miệng thầy mỉm lại và nhoẻn cười như con gái.

Tôi cũng còn nhớ là hồi đó tôi cũng khá thích học môn Hán văn vì tôi viết chữ Hán cũng khá đẹp. Thích thế thôi. Cũng còn nhớ tuy học môn thầy Đức 2 năm liền nhưng môn của thầy không phải thi nên chúng tôi không phải học bài nhiều. Vì vậy mà cũng không nhớ gì nhiều. Có điều, cho đến bây giờ, sau gần 5 thập kỷ, tôi vẫn còn nhớ khá rõ 3 bài.

Bài một, cũng là bài đầu tiên trong giáo trình của thầy, là ‘Đề tích sở kiến xứ’, một bài Đường thi có nội dung về tình yêu của thi sĩ Thôi Hiệu:

“Khứ niên kim nhật thử môn trung

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng

Nhân diện bất tri hà xứ khứ

Đào hoa y cựu tiếu đông phong”

Bản dịch của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu:

“Cửa đây năm ngoái cũng ngày này, 
Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây. 
Má phấn giờ đâu, đâu vắng tá
Hoa đào còn bỡn gió xuân đây.”

Sau này, khi học về Truyện Kiều, tôi mới biết rằng thi hào Nguyễn Du cũng đã mượn hai câu của bài thơ này để nói về tâm trạng của Kim Trọng khi trở lại vườn Thúy để tìm lại người xưa, thì Kiều đã lưu lạc ở chốn nào.

Bài hai, ‘Phong Kiều dạ bạc’, thi phẩm nổi tiếng nhất của Trương Kế, thi sĩ đời nhà Đường, Trung Quốc:

“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”

Bản dịch của Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu:

“Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi

Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co

Con thuyền đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San”

‘Phong Kiều dạ bạc’ là một bài thất ngôn tứ tuyệt hàm súc, với những địa danh quen thuộc: Cô Tô gắn với hình ảnh về người đẹp Tây Thi, Hàn San là ngôi chùa có nhiều vị sư nổi tiếng một thời và nhiều giai thoại, điển tích…

Bài ba, ‘Triêu tam mộ tứ’ (Sáng ba, chiều bốn). Nếu bài một và hai là văn vần, là thơ thì bài ba là văn xuôi, giống như một bài văn ngắn, một truyện ngắn, trích trong sách Tề vật luận của Trang Tử. Truyện kể rằng ngày xưa có một ông lão nuôi vượn bằng hạt dẻ. Một hôm, thấy kho hạt dẻ cạn nhiều nên ông tính lại khẩu phần của đàn vượn. Ông bảo chúng: “Từ nay, ta cho chúng mày mỗi con sáng ba hạt dẻ, chiều bốn hạt dẻ có được không?”. Nghe thế, lũ vượn liền nhao nhao phản đối. Thấy vậy, ông lão bèn nói: “Thế thì sáng bốn hạt, chiều ba hạt nhé.” Nghe thế, lũ vượn nhảy cởn vui mừng.

Khi kiểm tra tư liệu để viết phần này, tôi thấy có một vài ý kiến giống nhau, đại ý cho rằng ý nghĩa của câu truyện nhằm phê phán những ai ‘tiền hậu, bất nhất’, ‘lật lọng’… trong lời ăn tiếng nói.

Tôi không đồng tình với những ý kiến đó mà tán thành, đồng ý với cách giải nghĩa một cách thâm thúy và sâu sắc của thầy Đức năm xưa: Ông lão là một người thông minh, biết xoay chuyển tình thế, sành tâm lý của lũ vượn tham ăn: miễn sao được ăn nhiều trước là được, qua đó, phê bình những kẻ chỉ biết tham lợi trước mắt, quên hại sau lưng.

Khi viết bài này, tôi cũng không quên tra cứu những thông tin về thầy Đức của chúng tôi. Và tôi đã hết sức vui mừng khi biết rằng danh hiệu “Dịch giả-Giáo sư Huỳnh Minh Đức” đã được đặt trước tên nhiều cuốn sách về y học cổ truyền đã được nghiên cứu và ứng dụng tại nhiều bệnh viện y học dân tộc của nước ta …

Một lần nữa, cảm ơn về bài viết của anh! Mong nhận được thêm bài của anh để đọc và viết bài tương tác!

T.D.T

(*) Phương là GS-TS Huỳnh Như Phương, giảng sư trường ĐH KHXH&NV TP.HCM