Thư pháp phương Nam: Rừng hoa nở bốn mùa

751

Nguyễn Thanh

Khen thay bút pháp đã tinh,
So vào với thiếp Lan Đình nào thua (Nguyễn Du)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sau ngày đất nước thống nhất, như gặp được thời tiết văn hóa thuận lợi, Thư pháp phát triển mạnh mẽ, rực rỡ trên cả nước, nhất là vào những ngày Lễ hội lớn như Tết Nguyên Tiêu, Vu Lan, Trung Thu, Quốc Khánh và đặc biết là Tết Nguyên Đán của dân tộc.

Đã từ lâu, Thư pháp書法 (Calligraphy) được coi là một chi phái của Mỹ thuật (Fine-Arts) với nghệ sĩ phương Đông, và là một phương tiện tuyên truyền với người phương Tây. Thư pháp còn gọi là hoa tự, chỉ chung là nghệ thuật viết chữ đẹp với bất cứ ngôn ngữ nào chứ không nhất thiết chỉ riêng chữ Hán.

Những nhà thư pháp (Calligraphers) hay ông Đồ (Hommes de Lettres) chuyên nghiệp hoặc tài tử, với sắc phục áo dài truyền thống màu đỏ, đen với hoa văn sặc sỡ (nam) hoặc áo dài nữ trắng tinh khôi, xuất hiện như đàn bướm trắng bay lượn trong không gian vỉa hè đường phố tỉnh thành. Một số nghệ nhân xuất thân là giáo viên mỹ thuật chính quy nhưng đa phần là nam nữ sinh viên, học sinh của từ các trường trung và đại học và những bạn nghiệp dư vốn say mê cái đẹp bay bướm thể hiện độc đáo ở từng nét chữ và con chữ đẹp nghệ thuật.

Có quan niệm cho rằng, thư pháp xuất phát từ Trung Quốc vì Hán tự là chữ tượng hình viết trong ô vuông, với nét lớn nhỏ rất sinh động là loại chữ đẹp nhất trong các ngôn ngữ nhân loại từ thời cổ đại. Chữ Hán, được nhiều người khen tài hoa xuất chúng là của Vương Hy Chi (303-361), tự Lan Đình, đời Tống, Trung Quốc mà nhà thơ Nguyễn Du đã so sánh với  nét chữ điêu luyện của Thúy Kiều. Ở Việt Nam, chữ Hán của nhà thơ Cao Bá Quát (1809-1855) cũng được nhà văn nổi tiếng Nguyễn Tuân ca ngợi trong tác phẩm Chữ người tử tù, tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong chương trình giáo khoa Ngữ văn lớp 12 từ sau ngày thống nhất đất nước. Nét chữ của thầy đồ xưa thuộc thế hệ văn hóa muôn năm cũ, trong bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên (), cũng thể hiện trong những bức tranh thư pháp bằng nét bút Hán tự đẹp như rồng bay phụng múa “Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay”.

Tại thủ đô rồng bay Hà Nội, hòn ngọc Viễn Đông Sài Gòn, thị trấn cầm thi Tây Đô… hoặc các tỉnh thành lớn, từ sau năm 1975, ngày nào ở đất nước ta cũng xem được ngày vui của dân tộc nên thường có phong trào biểu diễn thư pháp trong ngày Tết Nguyên Đán hoặc những ngày lễ trọng đại. Sự hiện diện của những nghệ nhân mỹ thuật đường phố cũng làm gia tăng thêm nét đẹp  văn hóa của những đô thị ba miền. Không cần phải đợi đến sự nhắc nhở của các phương tiện truyền thông, không khí văn hóa thiêng liêng của nước nhà dường như được báo trước bằng sự xuất hiện của các thầy đồ ở phố Nguyễn Huệ (TP. HCM); tại Cần Thơ, nhiều nơi như Trung tâm Thương Mại – Cái Khế, Công viên Văn hóa Miền Tây tại đường Cách mạng tháng Tám, các đường như Nguyễn Thái Học, Xô Viết Nghệ Tĩnh, đại lộ Hòa Bình, trước cửa chùa Ông, ngang chân tượng Bác Hồ tại bến Ninh Kiều trên bờ sông Cần Thơ.

Tại Cần Thơ, hằng năm, đều có nhóm nghệ nhân từ phòng vẽ Đan Thanh biểu diễn Thư pháp ở Đình Thần – Bình Thủy Long Tuyền vào ngày Nguyên Tiêu 15 tháng Giêng âm lịch.

Ngoài Ký họa, Thư pháp, hằng năm, trong không gian tươi sáng mát mẻ của những ngày cuối tháng chạp, khi bất chợt người người bắt đầu cảm nhận được cái lạnh se sắt của ngọn gió đông báo hiệu xuân về, nhóm anh em có máu văn nghệ gọi điện nhắc nhở nhau chuẩn bị bút cọ, giấy mực hành quân ra phố.

Cụ thể, địa bàn chiến đấu của những đoàn nghệ sĩ Thư pháp Tây Đô này là những địa chỉ quen thuộc. Cắm quân tại ngả tư đại lộ Hòa Bình – Xô Viết Nghệ Tĩnh, thuộc phạm vi hành lang lề đường viện Bảo Tàng Thành phố là phố Ông Đồ, nơi đội ngũ các nhà thư pháp tài hoa son trẻ rất nhiệt tình, đa phần xuất thân từ trường các Đại học ở Cần Thơ và các trường Phổ thông Trung học. Rải rác trong những ngày cao điểm, một số sinh viên yêu thư pháp, cũng đánh du kích tại các góc ngả tư đường hay nhà hàng, khách sạn, hiệu buôn lớn trong thành phố theo yêu cầu của chủ nhân để thỏa mãn lòng yêu cái đẹp của nghệ thuật tạo hình.

Trong mười năm gần đây, ngoài vài nhóm Thư pháp  cơ hữu của Tây Đô là sự hiện diện của vài nghệ nhân Thư pháp ngoài tỉnh đến hành hiệp tại đất Tây Đô. Đoàn hát của bầu gánh Đan Thanh mang ít nhiều chất nghiệp dư và lãng tử vì các thành viên  đa phần có chỗ làm việc ổn định trong đời sống như trường học, cơ quan nhà nước hoặc từ một hội văn học nghệ thuật tại địa phương. Anh Dương Văn Ngon là sĩ quan, chị Ngọc Thu là cán bộ tư pháp còn anh Phan Bửu Vinh, chị Trần Như Ngọc là bác sĩ y khoa trong khi Đan Thanh làm nghề gõ đầu trẻ, có chân trong trong Hội Nhà văn và hội Mỹ thuật Thành phố Cần Thơ.

Cái khác lạ của nhóm Đan Thanh là phong cách thể hiện đặc thù của từng thành viên. Nghệ sĩ mang chất nhà binh Dương Văn Ngon nổi bật trước tiên ở nét chữ tài hoa độc đáo, cực kỳ bắt mắt rất khó đụng hàng với bất cứ tác phẩm của nghệ nhân thư pháp nào. Với sắc màu acrylic mịn màng, nét bút lông bay bướm, tinh tế rất dễ thương, những nghệ phẩm ý nghĩa giáo dục về đạo đức của anh đã mấy lần xuân làm rung động, xao xuyến trái tim của bao nam nữ khách thưởng ngoạn nghệ thuật. Nghệ sĩ trường thuốc Phan Bửu Vinh, trải nghiệm lâu năm trong lĩnh vực hội họa và thư pháp, chuyên xử lý những bức tranh chữ cỡ lớn bằng màu, sơn dầu mà phải gai góc trình bày, có minh họa hình ảnh chim thú, hoa lá, trăng sao. Nhà nữ thư pháp Trần Thị Như Ngọc, gốc là bác sĩ Y khoa, sở trường với những bức tranh chữ nhỏ, như trên danh thiếp, thiệp cưới hỏi, phong cách đài cát điêu luyện đầy cá tính. Nữ sinh Phạm Hồng Nhung, học sinh giỏi văn hóa của Lớp 12 trường chuyên Lý Tự Trọng được coi là nhà thư pháp trẻ tuổi nhiều triển vọng của đất Tây Đô.

Với nghệ sĩ Đan Thanh, người bầu gánh mỹ thuật trách nhiệm chung trong đoàn bao giờ cũng ấn tượng với  mọi người ở xen biểu diễn hiếm giống ai: vẽ tay trái, viết tay phải, khi bằng bút lông, bút sắt, khi với mực, màu các loại hoặc sơn dầu. Do vậy, khi ngồi vào chiếu vẽ, Đan Thanh thường lôi cuốn người xem với sắc phục chỉnh tề của ông Đồ. Chưa nói đến nét ký họa như lột hết hồn cốt nhân vật, nhiều bức tranh thư pháp của Đan Thanh đều có minh họa hoặc trang trí bằng màu trên nền tranh sau khi viết chữ Việt – Hoa – Anh – Pháp – Đức – Nhật – Hàn… vì anh đang là một giáo viên đa ngữ tại địa phương (multilingual teacher). Nét chữ trong tranh thư pháp của Đan Thanh biểu lộ một phong cách độc đáo. Từng sắc độ đậm nhạt, cường độ lớn nhỏ nổi bật vẻ sáng tạo mà chân phương như được tác giả thổi hồn vào nên dễ gây xúc cảm ở người thưởng ngoạn nghệ thuật. Dù bận rộn túi bụi tại túp lều mỹ thuật dã chiến, có lúc Đan Thanh còn phải ngồi đăm chiêu moi tìm lại trong ký ức câu thơ, đoạn thơ hay của một thi sĩ nổi tiếng hoặc phải suy nghĩ ra câu đối, sáng tác ngay vài câu thơ, đoạn văn ngắn bằng tiếng theo yêu cầu của khách hàng đang đứng chờ trên phố.

Viết thư pháp được hiểu là sáng tác tranh chữ nên cần đảm bảo tính chân phương, để chuyển tải đúng mức đến người xem  nội dung, chủ đề của tác phẩm. Dù có phá cách nghệ thuật, sáng tạo trong đường nét đến mức độ nào, nhà thư pháp cũng không nên để cho khách hàng băn khoăn thắc mắc, rồi mới giải thích: Tôi vẽ theo trường phái siêu thực (surrealism), lập thể (cubism), đa đa (dadaism) hoặc hiện đại (modernism)… Đó là trường hợp không hiếm gặp mà khách mua tranh chữ thường đã phản ánh. Đương nhiên, vẽ ký họa mà ảnh cô Tư bên cạnh nhà bị tưởng nhầm ra bà Bảy xóm trên hoặc viết thư pháp mà khán giả đọc không ra chữ, không hiểu nghĩa nội dung tác phẩm thì quả là điều không nên làm!

Những ngày lễ hội, trong không khí ấm áp của ngày vui, nhà cửa khang trang, gia đình có mặt đầy đủ bà con, bè bạn vui vẻ gặp lại, chúc mừng nhau những câu ý nghĩa hay, những điều tốt cần làm. Ngồi ăn bánh miếng bánh ngọt, uống nước bát nước trà thơm, trong sóng nhạc lành mạnh, mọi người nhìn lên tường nhà thâm nghiêm, trông những những hình ảnh trong sáng, điểm xuyết bên câu đối nội dung ý nghĩa, trình bày xinh đẹp chân phương, lòng ai cũng cảm thấy sảng khoái. Văn nghệ sĩ cũng có dịp nghĩ lại công việc của mình trong ngày qua để có dịp nhìn về con đường vui phía trước. Người cầm cọ, cầm bút có tài năng và nhân cách, tức là người nghệ sĩ chân chính – không khác một sứ đồ văn hóa đích thực – lúc nào cũng cần có một thông điệp về phong cách nghệ thuật và tính nhân văn trong đó nổi bật bài học để làm người tốt trong xã hội cho đúng với sứ mệnh cao quý  của nghệ thuật từ xưa đến nay.

N.T