Thú vị về ca từ trong “Xuân và tuổi trẻ”

421

Ca khúc “Xuân và tuổi trẻ” là một phối hợp tuyệt đẹp giữa thơ Thế Lữ và nhạc La Hối, hòa quyện nhau để trở thành giai điệu âm vang, giàu cảm xúc, làm rạo rực lòng người, luôn đem lại cảm giác tươi mới, khỏe khoắn và lúc nào cất lên tiếng hát, ta cũng phơi phới niềm yêu đời.

Trước hết, vẫn là ca từ được viết bởi Thế Lữ – một trong những kiện tướng tiên phong đã làm nên thắng thế của Thơ mới trong cuộc “so tài” với thơ cũ từ những năm 1930 của thế kỷ XX. Nói thêm điều này, để thấy sự lựa chọn từng chữ, từng câu cực kỳ chỉn chu từ một nhà thơ chân tài.

Mở đầu, “Ngày thắm tươi bên đời Xuân mới”. Sao lại là “đời”? Thông thường ta chỉ nói ngày Xuân, mùa Xuân vì ai cũng biết trong một năm thì Xuân có mùa, có tháng tức là nó chỉ diễn ra trong khoảng thời gian nhất định. Vậy sử dụng từ đời/đời Xuân, e rằng có gì đó không hợp lý chăng? “Đời: Khoảng thời gian tính từ lúc sinh ra đến lúc chết của một sinh vật” (Đại từ điển tiếng Việt, 1999). Hiểu theo nghĩa này, ta thấy đây là một diễn đạt mới mẻ nhằm thoát ra ngoài cách nói đã quen thuộc khiến ca từ mới hẳn lên mà vẫn biểu cảm, rõ nghĩa, qua đó, ta thấy sự uyển chuyển, tinh tế của tiếng Việt.


Văn bản ca khúc “Xuân và tuổi trẻ”.

Ấn tượng nữa còn là câu “Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời”. Từ “tít” rất đắt khi nói về mức xa thăm thẳm, hút tầm mắt, nhìn không thấy rõ nữa mà khó có từ nào “cạnh tranh” nổi. Trước đó, Tản Đà đã sử dụng “Cái hạc bay lên vút tận trời” đã cực hay, thế nhưng ở đây, Thế Lữ không lặp lại mà chọn cách nói khác.

Trở lại với câu mở đầu, “Ngày thắm tươi bên đời Xuân mới”, giải thích như vừa nêu trên đúng nhưng vẫn chưa đủ. Vẫn còn có thêm một cách hiểu khác nữa, theo tôi, mới thật sự độc đáo, đó là từ “Xuân” trong “đời Xuân mới” còn đóng vai trò tính từ nữa, chứ không chỉ là danh từ nhằm chỉ sắc thái của “đời”.

Rằng, cuộc đời này từ nay đã Xuân là hiểu theo nghĩa tính từ mà “Đại từ điển tiếng Việt” giải thích: “Thuộc về tuổi trẻ; thuộc về tình yêu”. Tương tự, cách đặt từ “đời” này cũng nằm trong trường hợp của chuỗi từ mà Khái Hưng và Nhất Linh đã chọn cho tiểu thuyết “Đời mưa gió”. Hiểu như thế mới thấy hết chủ đích cách mạng và yêu nước của tác giả, bởi ca khúc này ra đời giữa lúc cả nước đang chuyển mình, lột xác để hướng tới ngày mai tốt đẹp hơn. Sự dự báo và tin tưởng ấy đã trở thành hiện thực bởi sau một năm đã dẫn tới Cách mạng Tháng Tám (1945). Ý nghĩa của “đời Xuân mới” chính là đó, vì thế, “Xuân và tuổi trẻ” đã vượt ra ngoài mục đích chỉ nhằm “phục vụ” cho mùa Xuân.

Theo Lê Minh Quốc/Người lao động