‘Thức bước thời gian’ –  Những suy tư, trăn trở của người đàn bà thơ Bùi Kim Anh

631

Nguyễn Văn Hòa

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Thức bước thời gian” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022) là thơ thứ 12 trong hành trình sáng tạo của thi sĩ Bùi Kim Anh. Có thể xem đây là tập sách thể hiện rõ nét nhất những suy tư, trăn trở, đau đáu về đời và người, với bao thăng – trầm, buồn – vui, được – mất mà nhà thơ đã nếm trải.


Tập thơ “Thức bước thời gian” của nhà thơ Bùi Kim Anh.

120 bài thơ trong Thức bước thời gian bộc lộ nhiều cung bậc sắc thái, nỗi niềm của một người đàn bà thơ sống đến tận cùng của mọi cảm xúc, tâm trạng. Và dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào Bùi Kim Anh cũng sống thành thật, luôn tự vấn lương tâm để tìm cho mình lẽ sống đúng đắn nhất.

Yếu tố thời gian trở thành mạch ngầm xuyên suốt trong cả tập sách. Có lẽ vì thế mà nhà thơ đã chọn nhan đề cho thi tập là Thức bước thời gian. Ngay nhan đề đã tạo nên sự chú ý đến người đọc, bởi ở đó dường như có điều gì giăng mắc, nuối tiếc, xót xa và trắc ẩn. Bài thơ mở đầu tập sách cũng đã trực tiếp đề cập đến bước đi và những ám ảnh của thời gian: không viết cho mùa thu nữa/ ánh hoàng hôn mùa đông tím lịm/ những ngày tháng mùa đông sương mờ// bài ca ánh mặt trời mang bốn mùa đi xa/ ta còn mơ mộng mãi/ những lời thơ viển vông// những câu chuyện theo con nước dòng sông/ cứ quẩn vào rong rêu củi rác/ ta mặc lòng mà miên man thời gian (Ánh hoàng hôn mùa đông).

Nhà thơ luôn có sự ám ảnh về bước đi của thời gian, bởi thời gian của cuộc đời là hữu hạn mà thời gian của vũ trụ – tạo hóa lại vô biên. Và ở cõi trần tục này, con người phải gánh vác trên vai nhiều trọng trách và cả bao nỗi lo toan để tồn tại với đời. tôi chạy vội/ người trên đường chạy vội/ mưa nhanh hơn bước chạy// Hà Nội mùa thay lá/ tôi dẫm lên mưa lá// gió tạt chao quang gánh/ người đàn bà nghiêng theo rau/ rớt xuống lòng đường// tôi chạy vội/ bỏ lại đằng sau cơn dông (Ghi theo mưa). Chỉ những dòng thơ ngắn nhưng đã lột tả và gợi cho người đọc bao suy tưởng về cuộc đời, con người trong hành trình sống, mưu sinh trước bao biến thiên nghiệt ngã.

Đời người qua đi nhanh và ngắn ngủi thế ư? Con người phải làm thế nào trước sự tàn bạo và khắc nghiệt của thời gian? Bao nhiêu câu hỏi cứ ám vào tâm khảm của chủ thể trữ tình… Và rồi, người thi sĩ ấy phải lần lượt tìm cách “hóa giải”. Khảo sát trong 120 bài thơ trong tập sách này thì có đến hơn 1.500 lần nhà thơ nhắc đến thời gian. Sự nhắc đi nhắc lại với tần số dày đặc như thế lại càng làm tăng thêm sự thảng thốt của chủ thể trữ tình. Đâu đó là những tổn thương, mất mát, nuối tiếc, bởi những cơ hội qua đi sẽ không bao giờ trở lại, những việc không hay đã xảy ra sẽ tạo nên vết thương khó có thể chữa lành theo năm tháng… Bùi Kim Anh có cái nhìn nhất quán, xuyên suốt về ý nghĩa, giá trị và bước đi của thời gian bằng sự khẳng định: “Đừng hẹn nữa ngày mai”. Bởi nhà thơ có những luận lý khá rõ: một ngày đã qua và một ngày không trở lại/ mặc con người cứ ghi và cứ tính/ mặc đồng hồ quay hai mươi tư tiếng/ tóc thời gian trắng lại nhuộm màu/ một ngày thôi cũng là quá muộn/ mây thiên di cảm xúc cũng rời đi/ lẳng lặng thời gian dòng đời biến động/ chớ để ngày mai/ đừng hẹn nữa ngày mai. Do đó, nhà thơ Bùi Kim Anh có đề xuất: nếu có thể thương nhau hôm nay/ không gặp nữa khóc cười chốc lát/ bao nhiêu là cỏ mọc/ quanh ta hoa nở hoa tàn/ vẹn nguyên không gian trời đất/ vẹn nguyên vòng quay thời gian/ lòng người liệu có vẹn nguyên/ giật mình ngoái lại// xin đừng hỏi/ thời gian đặt ở đâu/ ta là ai/ xin đừng hỏi/ cùng sống hết lòng hôm nay đã.

Thơ Bùi Kim Anh trùng điệp những từ ngữ thể hiện cảm xúc. Chính điều này làm cho lời thơ trở nên da diết và ấn tượng hơn đối với người tiếp nhận. Những khía cạnh của tâm hồn được phời bày, thổ lộ theo dòng chảy của cảm xúc.

lạnh rồi đấy/ Hà Nội vào đông yên ắng lạ/ chỉ những hàng cây xao xác không đâu// ngày muộn rồi muốn hẹn thơ lúc đêm sâu/ khoác vai trên phố vắng/ lời yêu đương có hòa âm gió lạnh/ có một Hà Nội năm tháng bền lâu/ thơ thẩn tuổi thơ lang thang trắng mái đầu// ta nhớ mẹ gầy như phố nhỏ/ hàng cây bên đường lá non tơ/ bạn ôm cặp chờ ta đi học/ hai bím tóc dài thương nhớ/ nơi đâu// đừng cười ta/ người đàn bà làm thơ bao tuổi vẫn dại khờ/ cứ luẩn quẩn thu sang đông tới/ cứ giá như để rồi không thể/ trắng bợt mái đầu thơ vẫn xanh xao (Hà Nội ơi đêm lạnh).


Nhà thơ Bùi Kim Anh.

Cái tôi trữ tình trong thơ Bùi Kim Anh được đặt trong mối quan hệ đa dạng của cuộc sống để cắt nghĩa, lý giải những vấn đề liên quan đến đời sống con người thời hiện đại. Ở đó có những mặt tích cực, tiêu cực và cả những điều làm cho tác giả cảm thấy nhức nhối, bất an.

Đại dịch Covid bùng phát, nhất là những tháng ngày Hà Nội có những ca nhiễm đầu tiên rồi trở thành tâm dịch, số ca lây nhiễm trong cộng đồng ngày một gia tăng đã gây nên tâm lý hoang mang cho cả cộng đồng. Hàng loạt các chỉ thị, công văn từ các cấp, các ngành về công tác phòng chống dịch ra đời; phố xá trở nên vắng lặng khác thường. Bùi Kim Anh cũng có chùm thơ viết trong thời đoạn đặc biệt này và có nhiều bài đọc lên cảm giác nỗi đau buồn len lên đến từng sợi tóc, bao trùm cả thời gian và không gian (những bài thơ như: Phiếu đi chợ, Phố giãn cách, Sau một đêm… là những bài thơ ám ảnh về thời đại dịch ). Hà Nội thức sau một đêm / Tinh mơ nháo chợ nháo siêu thị/ chẳng cẩn thịt sạch rau sạch/ chẳng hỏi của ta của đâu/ nhanh tay/ nhanh tay/ chỉ một đêm/ chỉ một sáng/ đổi thay phố xá/ con người tha vi rút cùng du lịch/ vi rút bám vào sinh sôi/ lời chửi rủa/ lời thóa mạ/ lâu không dùng râm ran// tà áo dài tháng Ba bay trên trang facebook/ những người đàn bà lo chợ ngày dịch bệnh không quên làm đẹp/ tháng Ba vẫn còn đó sắc xuân.

Ngày tháy Bảy nghĩ viễn vông cũng là bài thơ gợi nhiều suy ngẫm về tình cảnh những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội và nỗi niềm của người đàn bà thơ Bùi Kim Anh: công viên khóa lâu rồi/ không tỉa tót cỏ xanh màu cỏ dại/ người đi bộ ngóng mỏi/ người chạy quanh hồ sớm nay cũng không// góc phố chợ mua bán cỏn con/ một hai hàng liệu mai còn bán/ thơ ơi sao đi không đợi/ câu chữ nhiều rồi tình cũng không// đã gần bao giờ mà cách ly/ thơ nhiễm dịch đâu mà nghi ngại/ thì cứ tự mình cảnh giới/ tự mình giãn cách thêm ra.

Khi đã đi qua những va vấp, hiểu được ý nghĩa của cuộc đời, nhận thức được sâu sắc thế sự nhân sinh, Bùi Kim Anh nghiệm ra: lẽ đời chẳng như câu kinh/ đọc làm sao trọn thì mình bảo ta// cõi người gần cõi Phật xa/ nổi trôi kiếp phận đâu là thanh cao (Vấp lời nhân gian). Vâng, nếu lẽ đời giống hệt câu kinh thì có lẽ cuộc đời này sẽ buồn ít, vui nhiều; người với người sống với nhau tử tế lắm và như thế thì xã hội sẽ bình yên, đáng sống, đáng yêu biết nhường nào! Nhưng đó chỉ là trong những câu kinh!

Cuộc sống thời hiện đại với bao nhiêu làn sóng mới dội vào và có những tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống xã hội. Vì thế, để nhìn nhận, đánh giá con người phải dựa trên hệ quy chiếu mới. Tâm thế đối thoại, các chuẩn mực, thước đo được tư duy trên nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau. Cái tôi đời tư được quan tâm và đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. với không tới được đám mây/ ta đi nói chuyện với cây trên đường/ trời mù sương lá đẫm hương/ hạt nào rơi ướt lời vương nỗi người// giời mưa đội nón đi chơi/ có ai bảo mụ dở hơi cũng ừ/ câu thơ viết lúc canh tư/ sáng ra đọc lại nhiều từ gõ sai// viết cho mình tháng ngày dài/ lời khen lắt vắt ngỡ tài hóa ngu/ ta như một chiếc đèn cù/ xoay một chỗ đến mỏi dừ nguồn cơn (Giời mưa đội nón đi chơi).

Vốn là người đàn bà nhạy cảm nên trước hiện thực cuộc sống vốn đa diện đa chiều, tồn tại nhiều vấn đề bất cập đã làm cho Bùi Kim Anh cảm thấy xót xa, day dứt. Bằng sự từng trải, cộng với vốn sống, vốn hiểu biết của bản thân, nhà thơ đã có cái nhìn đầy chiêm nghiệm – triết lý khá sâu sắc về cuộc đời.

Từ những suy nghĩ, hành động, việc làm của chính mình, Bùi Kim Anh lại mượn thơ để giải tỏa nỗi niềm trắc ẩn với lời tự thú rất chân thành. Hơn ai hết chính chị đã biết thơ mình ở mức độ nào và chị nương tựa vào thơ chỉ với mục đích duy nhất là để ký gửi nỗi niềm của mình vào đó, chứ không với ý định trở thành nhà thơ “hot”, có tiếng tăm…  biết mua gì cho mình đây/ tiền không nhiều để vung tay quá trời/ xoàng xỉnh xếp chật tủ rồi/ xa xỉ thì đắt, túi vơi cạn nguồn// thơ mình dở dở ương ương/ đã không “hot” lại nhiều buồn ai mua// ta về thêm nét già nua/ bỏ vu vơ chốn dư thừa phấn son// dạo phố đồng tiền cỏn con/ đồng tiền đã bạc thơ còn hóa vôi (Dạo phố đồng tiền cỏn con).

Thơ Bùi Kim Anh càng lúc càng điềm tĩnh, càng lúc càng trầm tư hướng vào cuộc sống đời thường để giãi bày, tự vấn, tự thoại nhằm khẳng định cái tôi cá nhân. Cái tôi cá nhân ấy với tinh thần trách nhiệm và thái độ sống “vô tư” khi đã hiểu rõ tường tận chân giá trị của cuộc đời này.

mỗi ngày quanh ta bao đổi thay/ cái tốt và cái xấu không lặp lại/ trái đất mỗi ngày nóng lên và thêm tai họa/ chẳng làm được gì đâu ngoài tầm tay với/ mùa thời gian tiếp nối và không bao giờ lặp lại…/ ta sẽ ôm nhau òa khóc hay òa cười/ ta sẽ nói nhau những lời mát mẻ hay những lời tử tế/ có thể như thế chất thêm bực dọc hay giải tỏa ấm ức/ chỉ biết không có gì lặp lại dù ta cố diễn lại từ đầu… (Không bao giờ lặp lại).

Sau những trăn trở, thao thức, nhà thơ tự tìm về chính mình, đối thoại với chính mình để tìm cho riêng mình lối đi, cách ứng xử hợp tình, hợp lý nhất dẫu ngoài kia ai nói gì, làm gì mặc kệ họ. ngày mai tính mãi mỏi rồi/ chi bằng lễnh đễnh ta ngồi ta chơi/ người cứ nói lời của người/ mặc ta thu một góc đời quẩn quanh// ta tự ru giấc cho lành/ tự ta ve vuốt năm canh nỗi niềm/ ngày mai đợi đấy qua đêm/ còn không ta mặc ưu phiền mặc ai (Người cứ nói lời của người).

Dù đã ở vào tuổi thất thập cổ lai hy nhưng Bùi Kim Anh vẫn miệt mài tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật để cho ra những vần thơ da diết, đẫm chất thế sự với lối tư duy tinh tế và sắc sảo. Chị vẫn xem thơ là người bạn tri kỉ cùng đồng hành, chứng kiến với mình sau bao tháng ngày khổ ải, vất vả, cô đơn hay ngay cả lúc bình thản, an yên…   con chó nhỏ nằm trên sân nhìn ra cổng/ ta ngồi trong nhà nhìn ra/ mỗi ngày như thế trôi qua// ta đã là người già/ thời gian ngoảnh mặt với ta/ chỉ có thơ mãi ở lại (Ta đã là người già). Đôi khi văng vẳng trong tâm tưởng như đang có người gọi chị: người gọi ta ư/ ta đâu còn trẻ/ đêm mộng mị/ nghe như tiếng thở dài// mưa tạnh rồi/ thơ gọi ta ư/ sợi tóc rụng vào đêm/ chỉ có đêm kết nối (Gọi ta ư). Đêm đã trở thành thế giới của tâm thức. Vì thế, suốt cả tập thơ, sự xuất hiện của biểu tượng đêm liên tục cũng có cái lý của nó.

Bằng cách sử dụng khéo léo các phép tu từ trong bài Gọi sang kiếp ấy phù vân, gợi lên cho người đọc bao điều: chuồn chuồn ngủ ngọn tre pheo/ có cơn gió mát lại treo giữa trời// gọi về một chốn thảnh thơi/ nơi hoa cỏ biết nói lời thi nhân// gọi sang kiếp ấy phù vân/ thơ ta chỉ viết được ngần ấy thôi// rải ra trong một cuộc chơi/ là trang giấy mỏng ngã phơi nỗi chiều.

Ấn tượng đối với bạn đọc khi khám phá thế giới thơ Bùi Kim Anh đó là chị đã xây dựng được bản sắc/ tạng thơ riêng với giọng thơ buồn, khắc khoải; ngôn ngữ tự nhiên nhưng giàu cảm xúc; hình ảnh thơ độc đáo có sức lay động lòng người.

N.V.H