“Thung lũng Đồng Vang” của Trung Sỹ: Làn gió mới cho văn học thiếu nhi

333

Lê Công Sơn

“Tác phẩm Thung lũng Đồng Vang của tác giả Trung Sỹ đã đạt được số phiếu tuyệt đối để giành giải thưởng. Với độ dài tương đối chừng mực của thể loại truyện vừa, Thung lũng Đồng Vang là tác phẩm viết hết sức sinh động, trong trẻo về thiên nhiên, muông thú, cũng như những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của một vùng đất đan xen cộng đồng các dân tộc Việt Nam anh em. Văn phong của Thung lũng Đồng Vang có duyên, nhẹ nhàng nhưng cũng giàu cảm xúc, không chỉ phù hợp với tâm lý tiếp nhận của bạn đọc trẻ mà chắc hẳn sẽ chinh phục được mọi lứa tuổi người đọc khác nhau”. (Báo cáo đánh giá tổng kết Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022 của nhà văn Nguyễn Bình Phương).

Nhà văn Trung Sỹ

Truyện dài Thung lũng Đồng Vang được xem là một cú rẽ ngoặt viết cho thiếu nhi của nhà văn Trung Sỹ. Cuốn sách với chất văn, câu chữ trong sáng thật sự có ích cho các em học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh.

Theo lời tác giả Trung Sỹ, Thung lũng Đồng Vang, xóm núi, và các địa danh khác là do ông tự nghĩ ra, nhưng những câu chuyện trong sách được gợi cảm hứng từ chính những câu chuyện mà các em học trò kể cho ông nghe trong những lần đi công tác vùng cao.

Trung Sỹ – tác giả của Chuyện lính Tây Nam từng gây tiếng vang trong dư luận – được xem là “tên tuổi ẩn dật” như những Bình Ca với Quân khu Nam Đồng, Vũ Công Chiến với Hồi ức lính, Đoàn Tuấn với Mùa chinh chiến ấy… đã làm nên những cơn sóng cho văn đàn về những tác phẩm hồi ức chiến tranh vừa thực tế, vừa thấm đẫm nhân văn.

Quyển Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu của nhà văn Trung Sỹ cũng từng lọt vào danh sách đề cử chính thức Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 13 – 2020.

Với truyện dài Thung lũng Đồng Vang, trong tác phẩm thấp thoáng những nhân vật người ông, người cha, người thầy… đóng vai trò là người dẫn dắt, che chở, khai mở tâm hồn cho con cháu qua những câu chuyện và hành động có ý nghĩa; như ông nội Kiền, người từng đi nghĩa vụ ở chiến trường Campuchia, là thầy Thức với những giờ học tự nhiên thú vị.

Thung lũng Đồng Vang còn kể chuyện về những đứa học trò: Thụy, Thảo, Dực, Linh, Trương, Loan… vừa tinh quái, vừa lém lỉnh, với nhiều “phi vụ” lớn nhỏ, đầy hài hước. Chuyện những thầy cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết như thầy Thức, cô Vi vốn là dân Hà Nội tình nguyện lên vùng cao dạy học. Đám học trò tuổi mới lớn và thầy cô giáo trẻ đã khiến cho lớp học ở ngôi trường phố núi đầy tiếng cười và sự thú vị.

Truyện dài Thung lũng Đồng Vang do NXB Trẻ vừa ra mắt độc giả

Ở Thung lũng Đồng Vang còn có tình bạn đẹp đẽ, còn có những giá trị văn hóa độc đáo, nơi đây có người Tày và người Kinh sống chung. Vùng yên bình này có ngôi trường cạnh bên dòng sông, có ruộng bậc thang, có núi đồi, thôn bản và thời tiết thay đổi theo từng mùa.

Hiển nhiên, Thung lũng Đồng Vang còn có những câu chuyện chưa được kể, hoặc kể dở dang như bức thư mà ông Kiền – người ông từng tham gia chiến trường K – viết cho Thụy và Thảo. Như chuyện những chuyến xe đường dài của bố mẹ Thụy – Thảo đi dọc dài đất nước. Nhưng người đọc hẳn sẽ đầy bất ngờ với nhiều chuyện kỳ thú khác, như chuyện xóm rèn gõ búa ra mưa, chuyện đốt lửa dưới gốc trám để quả trám chín tự rụng xuống, những sinh hoạt thường ngày đầy khí chất miền cao, những buổi dã ngoại của lớp học, thầy trò Đồng Vang đã biến kiến thức thành những bài học thực tế thú vị, vui nhộn… được viết với ngôn ngữ đặc tả hình ảnh vô cùng đặc trưng, chi tiết.

Câu chuyện đẹp đẽ về những đứa trẻ ở Thung lũng Đồng Vang, nơi có dòng sông, núi đồi, ruộng bậc thang và những nét văn hóa độc đáo của đồng bào người Kinh, người Tày. Tất cả được viết bằng giọng văn hài hước, chắc khỏe của tác giả Trung Sỹ, cùng với minh họa đặc sắc của họa sĩ Hồ Quốc Cường, đã tạo nên làn gió mới trong làng văn học thiếu nhi.

Đọc sách những quyển sách như Thung lũng Đồng Vang, là cách giúp trẻ em kết nối vào vùng đất mình đang sống, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ biết rung động trước những giá trị cao đẹp, biết mơ ước và ấp ủ những giấc mơ cho riêng mình bằng nhiều câu chuyện đẹp đậm chất học trò.

Theo Vanvn