Thương bát canh cua đồng một thuở – Tản văn của Huyền Mến

667

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trời tháng sáu nắng vàng chảy mật, gay gắt, oi nồng. Nắng vín cong bốn phía chân trời như lòng chảo úp ngược. Cây cối héo rũ tưởng không còn sức sống. Những người nông dân vẫn cần cù lao động giữa cánh đồng chan nắng. Bỗng đâu giông gió kéo về, bốn bề mây đen giăng phủ, bụi bay mù mịt. Những tia chớp rạch ngang trời, tiếng sấm ù ù, đùng đoàng tiếng sét chẻ dọc thân cây. Mưa rơi hối hả, ào ào trút xuống mặt đất tràn ngập ruộng đồng, mương suối. Đám mùng tơi thỏa sức nhảy múa, uốn mình vươn những tay dài mơn mởn, thỉnh thoảng lại xoắn xít vào nhau nằm rạp xuống khoe những chiếc lá xanh mỡ. Chao ôi! Mát ơi là mát, khoan khoái cả người. Cảm giác như vừa được hồi sinh sau bao tháng ngày mệt mỏi, quắt quay vì nắng hạn. Tự nhiên nghĩ đến bữa ăn ngày mưa lại thấy thèm món canh cua đồng mùa hạ. Món ăn gắn liền với cuộc sống thôn quê chan chứa tình người, tình đất. Tinh thần bỗng trở nên phấn khởi và tràn đầy sức lực, lòng lại thêm vững chãi hơn…

Tạnh mưa. Bố từ ruộng trở về, quần áo lấm lem bùn đất, tay xách theo một mớ cua đồng đang rẫy rụa cố gắng thoát thân. Anh em chúng tôi hét lên vui sướng, đón mớ cua từ tay bố xách vào bếp khoe với mẹ. Mẹ mỉm cười nói: thế là trưa nay cả nhà ta lại được bữa canh cải thiện rồi. Nghe mẹ nói vậy, tôi liên tưởng đến bữa cơm chan canh cua mồng tơi, ăn với miếng cà pháo muối chua mà thèm chảy cả nước miếng. Mẹ nhanh chóng thả mớ cua xuống chậu đổ nước rửa cho sạch và bắt đầu làm thịt cua. Tôi nhìn mẹ bóc từng cái yếm cua, mai cua để riêng… Mẹ tỉ mỉ lấy tăm khêu từng tý gạch ở mai cua vào bát. Thịt cua mẹ cho vào cối đá và lấy chày giã cho nhỏ nhuyễn, rồi mẹ đổ nước vào ngoáy đều chắt lọc lấy nước thịt và bỏ phần bã đi. Rau mồng tơi cũng được mẹ rửa sạch thái nhỏ chuẩn bị cho món canh.

Những củ hành ta khô được mẹ thái nhỏ phi cùng mỡ lợn vàng ruộm, thơm nức mũi, nêm thêm chút mắm đậm đà tình nghĩa. Mẹ cho bát gạch cua vào xào xáo rồi đổ nước thịt cua vừa lọc vào đun. Nồi nước sôi, mẹ thả nốt rau mồng tơi đảo đều cho rau chín vừa tới, nêm nếm vừa gia vị rồi bắc xuống. Những hạt mồ hôi lã chã rơi từ má mẹ, lại thêm vết nhọ nồi bám đen quanh miệng, tôi xót dạ thương mẹ vô cùng…


Minh họa.

Chà! Nồi canh thơm ngon, nhìn mới hấp dẫn làm sao. Một nền rau xanh, thấp thoáng những đốm gạch cua vàng nhỏ li ti như muôn vì sao lấp lánh giữa bầu trời đêm hay những bông hoa nhỏ nở vàng trong vườn cây xanh lá. Mẹ dọn sẵn mâm cơm và gọi bố con tôi vào ăn. Cả nhà tôi bảy người ngồi quây tròn trên chiếc chiếu cũ rách như xơ mướp. Ở giữa là mâm cơm đạm bạc đậm chất vùng quê. Một bát canh cua mồng tơi, một đĩa tóp mỡ và 1 bát cà pháo muối chua. Năm anh em chúng tôi tranh nhau ăn, ai cũng tấm tắc khen ngon. Tôi chan muỗng canh với cơm, gắp thêm miếng cà và ù cái đã hết một bát. Vị ngọt đằm của cua đồng cùng thứ mồng tơi nhơn nhớt, cộng với vị chua chua mằn mặn của cà tạo nên thứ hương vị đặc trưng của miền quê lam lũ. Mẹ không ăn mà chỉ ngồi nhìn chúng tôi và nở nụ cười hạnh phúc. Hình như mẹ biết tôi vẫn thèm cơm nên bảo tôi ăn bát của mẹ, mẹ không đói. Nhìn bát cơm của mẹ vẫn còn nguyên trong khi cái bụng thì đang sôi cồn cào vậy mà mẹ vẫn nhường phần của mình cho con. Ôi! Tình mẹ thật thiêng liêng, cao quý hơn tất thảy ngọc ngà châu báu ở trên đời. Tôi rơm rớm nước mắt, nghẹn ngào: Mẹ ăn đi cho đỡ đói. Con no rồi…

Năm tháng tuổi thơ tôi cứ trôi đi êm ả dưới mái nhà tranh với những người tôi yêu. Cho đến khi anh em chúng tôi lập thành gia thất, mỗi đứa một phương trời cách biệt. Những bữa cơm quây quần bên bố mẹ thưa dần theo năm tháng. Dòng đời đã cuốn chúng tôi vào guồng quay tiền tài, danh vọng. Nơi phố thị xa hoa, ồn ào, khói bụi. Nơi những bữa cơm tranh thủ, những chén nước vội vàng… Đôi khi thèm một bữa cơm đầm ấm, đông đủ bên người thân thôi mà điều đó cũng trở nên sa sỉ… Mẹ vẫn hàng ngày gọi điện hỏi thăm và không quên hỏi tôi khi nào về quê, mẹ sẽ đãi món canh cua đồng mà tôi thích nhất. Giọng mẹ trầm hơn, nhỏ hơn sau mỗi lần nói chuyện… Tôi cảm nhận được những giọt tình thâm, giọt tủi hờn đang lăn dài từ đôi mắt nhân từ của mẹ. Từng ngày, từng giờ mẹ vẫn ngồi chờ đợi những đứa con bên mâm cơm mòn mỏi. Còn chúng ta có bao giờ thức tỉnh sau mỗi lần lạc bước? Đã khi nào muốn tìm về nguồn cội nơi chan chứa tình yêu thương và làm tròn chữ hiếu? Có bao giờ lòng chợt nhớ, thương bát canh cua đồng một thuở ngân ngấn dòng yêu tình mẹ…?

H.M