‘Thương gần chớt’ những câu nói mộc mạc, bình dị của người miền Tây

2024

Mỗi vùng miền chúng ta đều có một nét văn hóa và giọng nói khác nhau, thế người miền Tây chân chất, thật thà như thế thì liệu những lời nói trong cuộc sống của họ sẽ còn đáng yêu đến thế nào?

Từ trước đến nay hẳn là chúng ta đã từng nghe và biết rất nhiều đến những nét văn hóa đặc trưng của người miền Bắc hay miền Nam. Thế nhưng ở miền Tây cũng có vô số điều hay ho mà không phải ai cũng biết, nhất là cái cách mà người miền Tây nói chuyện với nhau trong đời sống thường ngày.

Họ không nhấn nhá hay “tô vẽ” bất cứ điều gì, ngược lại họ sẵn lòng nói ra tất cả những gì mình nghĩ bằng sự thật thà, chất phác bởi nếp sống “tình làng nghĩa xóm” từ xưa đã luôn đặt lên hàng đầu. Thỉnh thoảng cũng có những từ mà bạn nghe xong sẽ chẳng có hiểu gì “ráo trọi”, nhưng chẳng sao đâu, cứ hỏi thì người miền Tây vẫn sẵn lòng “cắt nghĩa” cho bạn hiểu cái lòng của họ tới khi nào bạn “ưng cái bụng” thì thôi. Cũng giống như tôi hồi “bữa trước” ngồi tám dóc với mấy cô mấy dì trong xóm dưới Cần Thơ, nghe họ bàn về chuyện gói bánh ủng hộ người miền Trung trong đợt bão lũ mà khai sáng ra biết bao từ ngữ mới lạ (đối với tôi), và cũng từ đó tôi cũng hiểu hơn về họ rất nhiều…

Cô Bảy là người nói từ này nhiều nhất, cổ bảo chứ làm bánh tặng bà con là để họ ăn “lấy thảo” – tức với họ công sức, tiền bạc, vật chất trong một số trường hợp chẳng là vấn đề. Quan trọng hơn là đó là tấm lòng, sự “thơm thảo” của tình người. Cả khi bình thường ở nhà có làm gì hay, nấu món nào ngon mà muốn tặng cho chòm xóm họ cũng bảo người ta “ăn lấy thảo” là chính thôi.

Nếu người Sài Gòn có từ “Trời ơi” hay người Bắc bảo “Ối giời ơi” thì người miền Tây có “Mèn đéc ơi” nghen.

Người miền Tây hay chèn “á hả” mỗi khi họ muốn nói thêm hoặc bổ sung thêm ý gì đó. Chứ hồi đầu tôi nghe từ “hả” tôi còn tưởng mấy dì hỏi cái gì ở tôi, té ra hông phải vậy.

Má Ba hơn 60 rồi mà vẫn ngồi gói gói, quấn quấn cả mấy chục đòn bánh rồi tới khi đau lưng, đau khớp thì bảo chứ “mệt quải chè đậu” nhưng than chút thôi chứ má vẫn ngồi gói bánh cho tới chiều.

Làm tới chập tối thì má mệt lắm rồi, “hết xí quách” chỉ muốn “dìa” nhà ngả lưng một chút rồi mai má xuống làm tiếp phụ tụi nhỏ.

Ý này là xa xôi lắm luôn, mấy anh đi tiền trạm ở miền Trung phải đi xa “mút chỉ Cà Mau” đặng vô mấy vùng hẻo lánh một chút để giúp đỡ bà con. Chứ mà hồi đầu tôi ngạc nhiên còn tưởng sao lội xuống Cà Mau làm gì. Quê gì đâu á…

Nói “ớn ớn” vậy thôi chứ họ hõng có ớn thiệt đâu. Chỉ là hơi bất ngờ một chút xíu trước những điều gì đó là lạ.

Đừng tưởng người ta muốn “hôn” mình, người miền Tây đang hỏi coi bạn đang muốn cái gì đó!

Ngồi một hồi tôi có hơi đói, tôi hỏi mấy dì chứ có thể cho con xin một chiếc bánh lót dạ không thì mấy dì bảo chứ: “Gì mà ngoan dữ thần, bánh trái đây nhóc hết trơn mày ăn một cái có chết ai đâu” rồi bốc 3, 4 cái đưa cho tôi bảo ăn cho lẹ hõng thôi không có sức “mần”. Coi mà thấy thương dữ thần hôn.

Không chỉ vì miền Trung không đâu, người miền Tây cứ mà biết bất kể chuyện khó khăn gì của ai cũng hay “Cầu chời khấn phật” cho mọi chuyện không may sớm qua mau. Với họ, trời phật là nơi mà họ thường gửi gắm niềm tin rất lớn.

Đi chợ với má Ba là cả một bầu trời từ ngữ… Đi tới sạp nào má cũng hay hỏi người ta chứ “Cái này bán nhiêu mà rẻ vậy chị?” Dù chẳng biết giá nhưng cứ tin là người ta sẽ bán rẻ cho mình, thế thôi.

Lỡ có mắc thì thay vì bắt ép người ta xuống giá, mấy má mấy dì hay nói thế đặng nghe cho nó “êm”. Thấy dễ cưng như này hỏi sao hõng bớt!?

Mấy chú chủ sạp thịt nghe má Ba mua đồ về đặng gói bánh cho người miền Trung là vui vẻ liền. Cứ đòi “lấy ghẻ ghẻ” ý là rẻ rẻ đó, vì mấy chú cũng muốn góp chút tấm lòng. Mà thiệt là chú lấy sát giá vốn luôn đó. Ghê hông!

Người miền Tây lạ lắm, họ không chịu cái từ “từ thiện” đâu nghen. Họ chỉ bảo là đang “làm phước” thôi, cái gì cũng vậy, phước mình và phước của mọi người. Má Ba cứ hay chạy ra nhìn trời rồi vái “Dái chời cho nắng gáo, đừng có mưa nữa để làm phước cho bà con”.

Người miền Tây là vậy đó, họ thương ai là thương cả tấm lòng. Thương đến “đứt ruột đứt gan” dù chúng ta chẳng có ruột rà máu mủ chi cả.

Theo Pháp luật và bạn đọc