Thương má! – Truyện ngắn Lê Hoàng Kha

869

Lê Hoàng Kha

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bữa hôm đó, má có gọi điện lên Sài Gòn. Má nói sao lâu quá không thấy chị về. Tự nhiên nước mắt chị rơi ướt nhòe trang giấy, mà cũng đã lâu rồi chị chưa về thăm má…

Hồi tía mới mất, chị hứa cứ mỗi tuần sẽ về. Rồi không biết, ở Sài Gòn mần ăn, bộn bề công việc ra sao chị lại ít về, cũng thỉnh thoảng gọi hỏi thăm cho má vui. Mà chị có biết, má buồn kể từ ngày tía mất, nhà thì có vợ chồng thằng út tới lui cho má đỡ buồn. Nhưng cái là nhớ chị, nhớ đứa con gái lớn rồi mà chưa chịu lấy chồng, mỗi lần về là làm nũng với má. Đâu đó trong xóm trọ, lại vang lên mấy câu hát:

“Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng, con phải mồ côi”


Minh họa (Ảnh: Internet)

Tự nhiên thấy thương má quá, không biết khi nào má bỏ chị đi. Giống như hồi tía bỏ má, chị và thằng út đi xa. Má đang cặm cụi bắt cơm ở chái bếp sau hè, tóc má bạc hết rồi, đã bạc hết theo thời gian. Hồi nhỏ, chị mong mình mau lớn. Chứ đâu biết rằng, chị càng lớn thì má cũng dần sắp xa chị. Má nói hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời má, là được nhìn thấy con má khôn lớn rồi yên bề gia thất. Lỡ má có đi, thì má cũng thấy yên lòng.

Nhớ hồi nhỏ nhà nghèo, tía phải đi mần xa, một mình má phải tần tảo sớm khuya để nuôi hai chị em. Có hôm thằng út kêu:

– Chị hai ơi! Em thèm thịt kho quẹt.

Chị nhìn nó, rơm rớm nước mắt. Khạp gạo trong buồng còn chưa được hai lon đầy, lấy tiền đâu mua thịt cho thằng út. Chị hai xoa đầu nó, ánh mắt hồn nhiên của đứa trẻ lên năm.

Mà trong túi không có tiền, má cũng ráng mua thiếu ít thịt về cho hai chị em ăn. Bữa cơm tối bên ngọn đèn dầu leo lét, má toàn nhường đồ ăn cho chị và thằng út. Thấy má ăn cơm không, chị hỏi:

– Sao má không ăn thịt?

Má nói:

– Má ăn rồi, hai đứa ăn đi!

Má nói vậy, chứ má đâu có ăn. Bao nhiêu thứ ngon, má luôn để dành cho hai chị em. Má là vậy, dù có chịu khổ đến đâu cũng được, miễn sao lo cho con được no bụng, được mặc ấm là má thấy vui rồi.

Có lần thằng út nghịch ngợm, bị hàng xóm mắng vốn. Má giận lắm, bắt nó nằm trên giường. Má đánh hai roi, thằng út khóc quá trời. Chị đứng ở mép đánh cửa, thấy má cũng khóc.

– Út bỏ nghen con, không có lì lợm nữa nghen?

Thằng út giận má, hét lớn:

– Con không cần má nuôi.

Rồi nhảy xuống giường mà bỏ chạy ra ngoài. Nghe câu nói của thằng út, mà má thấy đau trong lòng. Má khóc, nhìn theo hướng nó chạy băng băng ra đồng.

Con nít mà, giận cỡ nào thì giận chứ đói thì chiều cũng chạy về nhà ăn cơm. Thằng út cũng vậy, nó lủi thủi về nhà, mặt lấm lem. Má thấy nó về, má nói:

– Út! Đi rửa mặt rồi vào ăn cơm.

Nó riu ríu nghe lời má, lúc thằng út đang ngồi ăn cơm, má lại xoa đầu:

– Con đừng giận má, má buồn nghen út.

Nghe giọng má, như thể nghẹn lại ở cổ. Thằng út khóc thút thít, mà miệng vẫn nhai cơm. Chị hai thương nó lắm, chị lau nước mắt cho nó.

Tết, tía gửi ít tiền về. Má đi mua đồ cho chị em mỗi người một bộ quần áo mới, chị hai hỏi:

– Áo má rách hết rồi, sao má không mua?

Má nói:

– Cái này còn vá được, mua tốn tiền con à.

Người bán đồ nhìn má, mà mắt cứ đỏ hoe. Chắc là người ta nghe má nói vậy, nên thấy thương má. Rồi tặng má cái áo bà ba, nhưng má không nhận. Rồi dắt hai anh em tôi về, tôi hỏi:

– Sao hồi nãy người ta cho má không lấy?

Má nói:

– Nghèo cho sạch, rách cho thơm con à.

Má là thế, má luôn tiết kiệm cho bản thân. Nhưng đối với con là sẵn sàng lo đủ đầy, không để con mình thiếu thốn với bạn bè.

Hai chị em đi học, bao nhiêu thứ má phải lo. Người ta mướn gì, má cũng mần. Để có tiền lo cho con ăn học. Cái áo bà ba má mặc cũng sờn vai hết rồi, không biết má đã vá bao nhiêu lần. Những sợi chỉ cũng nằm xếp chéo lên nhau hết gần mấy lớp.

Có bữa đi học về, thấy má đang đẩy xe gạch cho nhà người ta, mồ hôi má lấm tấm rơi giữa trưa nắng, thằng út đã bật khóc thành tiếng.

– Má ơi!

Nhà nghèo, chị hai học hết lớp chín thì xin má nghỉ. Lúc đầu má không cho, má nói:

– Hai chị em cố gắng học, má lo được.

Chị hai thấy má khổ, nuôi hai đứa ăn học là phải tốn biết bao nhiêu tiền của. Vai má đã chai sạn, gồng gánh cái nặng của cơm áo gạo tiền, đã làm lưng má ngày còng thêm. Chị hai nói:

– Con nghỉ học phụ má mần để nuôi thằng út học.

Thằng út đang làm bài tập, mà nước mắt cứ rơi, làm ướt nhoè cả trang giấy tập. Chị nói:

– Út, ráng học nghen em!

Nó biết chị cũng muốn đi học, nhưng nhà nghèo nên chị cũng đành nghỉ mà nhường việc học lại cho nó. Thằng út hiểu chuyện thấy thương chị với má nhiều lắm.

Giờ hai chị em đã trưởng thành, thằng út cũng đã lập gia đình. Nó xin công việc ở xã, gần nhà để lo cho tía má. Chị hai ở Sài Gòn có công việc riêng, khi nào rảnh thì chị lại về thăm tía má. Mà giờ tía mất rồi, má buồn dữ lắm.

Có bữa, em dâu may cho má thêm mấy bộ bà ba mới, mang về cho má mặc. Má cười rồi nói:

– May chi tốn kém, đồ má còn mặc được. Con để tiền đó, mà lo cho cu Tèo đi học.

Cái tính má vẫn như ngày xưa, vẫn muốn tiết kiệm từng đồng để lo cho con, giờ thì lo cho cháu. Hôm rồi, bán được mấy buồng dừa, má bỏ tiền trong cái khăn nhỏ, cất vào túi áo bà ba. Thấy cu Tèo đi học về, má lấy ra cho nó hết, chỉ chừa vài đồng bạc lẻ để mua đường tán uống nước trà.

Như một thói quen mấy chục năm rồi, má chỉ thích ăn đường tán uống trà. Chứ đứa nào đi chợ, mà mua mấy thứ bánh mềm mang về, má để đó chứ nhất quyết không ăn.

Sáng nào, má cũng cầm con dao ra róc tàu lá dừa, rồi lấy dây chuối buộc lại thành bó. Phần còn lại má chặt hết làm củi. Má kêu cu Tèo, ôm mấy bó lá dừa vào nhà bếp. Nó kéo lê lết dưới đất, má nói:

– Tổ cha mày! Nhiêu đó cũng làm không nổi.

Tóc má giờ bạc hết rồi, sức khỏe má giờ cũng yếu hơn trước. Chị với thằng út càng lớn thì má lại càng già đi theo năm tháng. Đời má chỉ biết lo cho con, cho cháu. Làm chị nhớ lúc ngoại mất, má khóc dữ lắm. Người ta sợ nước mắt rơi xuống người mất không nên, rồi kéo má ra ngoài. Lúc đó, chắc má đau lòng lắm, ngoại ra đi là sự mất mát lớn của đời má. Chắc lúc chị đến cái tuổi của má, chắc má cũng bỏ chị mà đi. Chắc gió lay mà má mất, thì chị với thằng út mồ côi, chắc tội lắm ai ơi. Nghĩ đến đó thôi, mà tim đã đau như thắt lại. Đâu đó lại vang lên lời hát:

“Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng, con phải mồ côi.
Mồ côi tội lắm ai ơi!
Đói cơm khát nước biết người nào lo.”

L.H.K