Thương mùa nước lũ – Tản văn của Huỳnh Chí Nghĩa

730

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Có một nơi đất vui mừng nhường chỗ cho nước; những nông dân vui mừng như hóa ngư dân và mùa vàng trở thành mùa cá…”. Đâu đó tôi đã nghe được mấy câu này trong phóng sự “Sản vật nổi theo mùa nước” mà lòng vui khôn tả, bởi miền Tây quê tôi là vậy! Có lũ, phù sa mới bồi đắp nên miệt châu thổ này và thiếu lũ nơi này như thiếu đi sức sống. Sức sống mãnh liệt được bồi đắp hàng trăm năm qua là niềm kiêu hãnh của người dân đồng bằng.

Bơi xuồng hái bông điên điển mùa nước nổi – Nguồn internet

– Tao nói rồi năm nay lũ sẽ lớn mà mày không chịu nghe để bây giờ ngồi nhậu mà cái mặt chằm dằm, chán chết!

Ông Tư Nổ nói như vậy với anh Bảy Xị khi vừa để li rượu đế xuống bàn cái cộp, khè một cái thiệt lớn khi rượu vừa qua khỏi cổ họng rồi tự vỗ vô đùi mình bốp bốp liên tục.

Giữa đồng nước mênh mông, trắng xóa, căn chòi nhỏ của ông Sáu Xệ cất lên là nơi để mỗi lần đi thăm lúa và lỡ mệt ghé vô trèo lên lắc lư phì phèo điếu thuốc lào rồi mong mùa vụ nhiều thuận lợi. Ngồi nhậu ở căn chòi nằm thoi loi giữa đồng mùa này mà ngoài kia gió cứ hây hẩy thì “mát trời ông địa!”. Bắt mâm nhậu toàn những món ăn ngon miệt đồng với cá linh kho lạt bứa chua; cá rô chiên giòn chấm nước mắm me và cái nồi lẩu “đặc sản mùa lũ” kèm bông điên điển, bông súng và rau muống đồng, là đúng kiểu trà tam rượu tứ.

Ba tôi sau một ngày lênh đênh trên sóng nước ở tuốt ngoài đồng xa giăng lưới, khi về sạp xuồng đầy nhóc các loại như cá linh, cá rô, cá sặc, cá rằn và một mớ cá lóc tươi ngon, nhảy xoi xói. Ông Tư Nổ ngoài hai công đất ruộng đủ ăn qua tháng thì hùn mớ điên điển, bông súng và rau muống đồng được hái từ ban sớm mà ông đã chừa lại một ít trước khi mang ra chợ bán. Ông Sáu Xệ có sẵn cái chòi, cái lò xô, xoong nồi và mấy cái chén để ăn là đủ. Chỉ mỗi anh Bảy Xị mình mẩy ướt mèm sau hàng giờ lặn hụp ngoài đồng ghé qua ăn ké cho vui. Sau mấy vòng li rượu đế được chuyền tay, rượu vào lời ra và thế là câu chuyện về một mùa lũ đáng nhớ được nhắc lại cùng con nước đang lên nhanh mùa này của các ông đã sống qua mấy mùa nước lụt.

Con lũ năm xưa là kí ức khó quên đối với nhiều người ở miệt châu thổ này…

Hồi đó, chưa kịp nghỉ ngơi sau khi xong vụ lúa Hè Thu, ba tôi lại tất bật lo cho cái xuồng ba lá vừa là phương tiện di chuyển trong mùa lũ, vừa là dụng cụ để mưu sinh trong ba tháng ròng rã nước tràn đồng, ngập ruộng. Nhà tôi đông đúc lắm, các chị, các dì khéo tay thoăn thoắt đương lưới với đủ loại kích cỡ khác nhau. Mấy tay lưới dài thượt hàng chục mét. Mùa lũ cũng là mùa “hái ra tiền” của người lao động miền quê khi chịu khó bơi xuồng ra sau hè là đã có cái mà mang ra chợ bán, kiếm tiền.

Dân đồng bằng quen với lũ khi mỗi năm lũ về mang lại nguồn sống cho nhiều người; tưới tắm ruộng đồng sau hàng tháng trời gồng mình cho cây lúa oằn bông, no hạt; giúp cây điên điển như chết đi trong mùa khô bỗng chốc xanh tươi mơn mởn trổ bông vàng rực rỡ khi được ngâm mình trong nước suốt mấy tháng liền. Chưa về tới nhà nhưng tiếng ông Tư Nổ như đang ở trong nhà, cái giọng sang sảng như hát ca cổ của ông làm nhiều bà trong xóm chết mê chết mệt. Vậy mà chắc tại cái số, qua thời trai trẻ nhưng vẫn giường đơn gối chiếc. Mùa nào thức nấy, ông Tư Nổ tự đi kiếm về rồi ngồi chợ bán như mấy bà bạn hàng, xong lấy tiền đổi vài xị đế lai rai mỗi khi chiều buông, có bữa rủ ai cũng không nhậu nên một mình ông cũng làm luôn cho dễ ngủ. Mớ bông súng đồng, thúng bông điên điển sáng nay của ông vừa cập thềm nhà đã được bạn hàng lấy hết mang đi. Món ngon nên đắt hàng, người ta khoái món này vì chỉ khi lũ về mới có, rồi đặt cho cái tên nghe cũng thật kêu như để tôn vinh thứ mà thiên nhiên hào sản ban cho. “Sản vật mùa nước nổi” nên giá khá cao những lúc đầu mùa lũ. Chỉ những dân nhà giàu mới dám bỏ tiền ra mua như để thể hiện sự trân quý đối với thiên nhiên, còn người nghèo muốn ăn chỉ việc bơi ra đồng vậy là đã đủ cho bữa cơm trong ngày.

Ở đây, trẻ nít khi lọt lòng là đã biết lũ. Nhà ngoại tôi bên này sông, còn nhà nội thì bên kia sông. Hệ thống sông ngòi chằng chịt muốn qua chơi cũng phải đi bằng xuồng, bằng ghe. Con nít năm sáu tuổi đầu gặp nước bơi như nhái. Thông thường người ta tính tuổi qua những lần Tết, còn chúng tôi tuổi được tính bằng mấy mùa lũ đã qua. Cũng lạ, nhưng như vậy có lẽ hợp lí hơn đối với cuộc sống nơi này khi mỗi năm có một con lũ tràn về, hệt như năm nào cũng có một cái Tết vậy. Riết rồi thành quen, tới tháng bảy mà không thấy nước lên hay lũ nhỏ thì như thiếu cái gì đó thân quen!

Lũ không bao giờ ồ ạt đổ về rồi nhấn chìm tất cả mọi thứ mà dòng nước ấy như cô gái đang yêu dỗi hờn! Màu xanh ngọc bích của nước chuyển dần sang màu đỏ sẫm phù sa. Những cơn mưa mùa Thu cũng góp phần mang nước dâng lên cao. Vậy là nước đã vượt đê tràn vào ruộng, bò lên khắp nền đất nhà tôi làm nổi cộm lên nhiều vảy rồng từng cục tròn tròn. Lũ năm này lớn nên nhà tôi ngập cũng nhanh. Mới thấy đó mà chỉ chừng một tiếng đồng hồ nước đã lút mắt cá chân. Có bữa nước lên cao hơn thì lưng chừng đầu gối. Để việc đi lại trong nhà mà chân không chạm nước, ba tôi đã bắc luôn cây cầu tre nối liền mạch từ nhà trước đến nhà sau và cả khi lên giường nằm ngủ. Còn nhớ, mỗi tối đang ngủ mắc tiểu tôi không cần phải chạy đi đâu xa mà xử lí ngay tại chỗ cũng được. Giọt nước từ trên cao rơi xuống mặt nước dưới nền nhà vang lên mấy tiếng lỏn tỏn kéo dài… Con nít mà, có gì đâu mắc cỡ!

Năm đó, tôi mới mười tuổi đầu, người nhỏ xíu ốm nhom. Mỗi bữa đi học tôi phải lội bộ một quãng đường rất xa. Con đường đất đến trường bị lũ nhấn chìm, nhiều chỗ nước chảy xiết, xói mòn sâu quắm. Không có tiền để đi đò như bao đứa khác, những lúc đi ngang khúc sâu này trong lòng tôi nơm nớp lo sợ. Để quần áo không bị ướt tôi cởi tất cả ra nhét vô cặp đội lên đầu, khi tới chỗ cạn hơn mới mặc vào rồi đến trường. Không có khó khăn nào mà không thể vượt qua. Thế nên hết mùa lũ này đến mùa lũ khác, tôi đi học bằng tất cả niềm hi vọng vào ngày mai tươi sáng hơn.

Quê tôi, mỗi khi nước tràn đồng thì rất ít người đi chợ, bởi những thứ cần cho bữa cơm hàng ngày luôn có sẵn quanh nhà. Mỗi bữa, sau khi đi học về tôi lại ngồi trên giường thả dây câu mà câu cá ngay dưới chân mình. Cá nhiều theo con nước, nước tràn ngập nhà cá cũng lội vô theo. Mấy hôm nước rút, chị em tôi bơi xuồng ra đồng giăng lưới rồi tìm chỗ bóng râm dưới gốc gáo, gốc bần hay gốc cà na ngồi đợi nửa tiếng đi thăm lưới là có cá để nấu chua, kho quéo hay chiên giòn. Lúc về, sẵn tiện oằn nhánh mấy chòm điên điển đang nở rộ vàng tươi mà hái đầy nón lá. Mớ bông súng đồng ngoi đầu cao hơn mặt nước trổ bông trắng xóa lấp lánh cùng cái nắng ban trưa đẹp vô cùng bây giờ hóa thành điểm du lịch trải nghiệm mà nhiều người tìm đến để chụp hình rồi đăng facebook như phát hiện ra điều đặc biệt.

Mỗi mùa lũ qua thì nhà tôi lại có thêm niềm vui mới. Hồi đó, cá nhiều lắm với đủ loại lớn nhỏ khác nhau, bán không hết mẹ tôi cắt đầu ủ mắm. Từng khạp da bò mắm cá lóc, cá linh, cá chốt,… ba tôi chất đầy trên một dãy xuồng ba lá nối đuôi nhau chở về nhà trong niềm vui hân hoan của bà con chòm xóm. Mỗi sáng, mẹ và nội cùng nhau rang thính, thắng đường. Mùi thính rang bay lên thơm phức. Đường chảy thắng sệt, kéo chỉ dai dai là món kẹo ngon của chúng tôi khi đó. Con nít miệt quê chỉ như vậy cũng là vui lắm rồi!

Cũng lâu rồi, con lũ lịch sử năm 2000, 2011 chưa về lại đồng bằng này thêm một lần nào nữa. Vắng lũ những cánh đồng xa như vắng đi thứ gì đó quan trọng nhất đời mình. Đất buồn rồi đất khô cằn, nứt nẻ. Lũ buồn vì lũ bị chặng đứng ngay phía đầu nguồn bởi các đập thủy điện. Nước và ruộng cũng bị chia cách bởi những công trình đê bao để sản xuất lúa vụ ba. Riết rồi thành quen, hễ xong vụ Hè Thu đất chưa kịp lấy lại sức đã bị cắm lên lưng mấy chùm mạ mới vụ Thu Đông bằng suy nghĩ như một thói quen của nhiều người: “Lũ sẽ không về!”

Đang ngồi nhậu mà anh Bảy Xị vẫn mở cái ra-dô theo dõi liên tục thông tin về diễn biến của con nước năm nay. Càng nghe anh lại càng buồn hơn trước mất mát của bà con quê mình khi con nước lên nhanh và nhiều quá đỗi! Mới chỗ này đám khoai môn còn tốt tươi chuẩn bị thu hoạch thì nước đã làm cho hư hỏng hoàn toàn, mất trắng. Dòng nước chảy xiết nên con đê lửng phía đầu nguồn bị vỡ rồi lúa bị chìm sâu dưới con nước mênh mông. Một vùng quê nọ bị chia cách thành “ấp đảo” khi xung quanh bốn bề là nước, đời sống của cả trăm hộ dân tại đây bị cô lập hoàn toàn. Mấy em nhỏ đến trường phải nhờ đến chuyến đò của anh nông dân tốt bụng mỗi ngày hai bận đi về. Ông Tư Nổ đang lúc ngà ngà say hỏi lớn:

– Bảy Xị! Mấy chục công lúa của mày coi như xong hết rồi…

Cầm mớ lúa non trên tay sau hàng giờ lặn hụp đưa cho ông Tư Nổ xem mà anh Bảy Xị không khỏi xót xa bởi bao mồ hôi, công sức và tiền của đã đổ vào gần như mất trắng chỉ bởi đi ngược lại với điều vốn dĩ rất bình thường của sông nước miền Tây là mỗi năm nơi này cần có một mùa lũ để phù sa bồi đắp, ruộng đồng được tưới tắm và tôm cá lại đầy sông như thuở nào.

Bây giờ, mỗi sáng tôi đi chợ, nhìn mớ con cá linh dân dã ngày nào được chăm chút bỗng dưng đổi đời với giá cả vượt xa so với phần còn lại mà lòng buồn vời vợi, xa xăm…

H.C.N