Thương nhớ nhà thơ Văn Lê

958

Trần Thế Tuyển 

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sớm thứ 2 ngày 7/9, Trung tướng Triệu Xuân Hòa (Ba Hòa), nguyên Tư lệnh Quân khu 7 gọi cho tôi: “Anh nghe tin buồn chưa, bác Văn Lê đi đêm qua rồi“. Tôi không tin vào tai mình, hỏi lại: “Văn Lê nào, có phải nhà thơ Văn Lê?“. Giọng Ba Hòa buồn rười rượi: “Mới sớm qua, bác ấy còn đi qua ngõ nhà chúng tôi. Bác ấy vẫn cười vui mà?“.

Nhà thơ Văn Lê – Ảnh: Phan Hoàng

Ra đi từ người lính 

Nhà thơ Văn Lê tên thật là Lê Chí Thụy sinh ngày 2 tháng 3 năm 1949 tại xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ông nhập ngũ năm 1966 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Năm 1967, ông cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào đánh giặc tại chiến trường Nam Bộ. Do năng khiếu văn chương, ông được điều về cục Chính trị Miền (Quân giải phóng Miền Nam), lúc đầu làm thư viện, đến năm 1974, ông sang công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng cùng các nhà văn, nhà thơ tên tuổi mặc áo lính như: Nam Hà, Triệu Bôn, Thanh Giang, Võ Trần Nhã, Trần Ninh Hồ, Lê Văn Vọng…

Sau 30 tháng 4 năm 1975, Văn Lê xuất ngũ, công tác tại báo Văn nghệ giải phóng rồi tuần báo Văn nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.

Tôi đọc thơ Văn Lê từ lâu, từ khi tôi còn làm lính chiến thuộc Trung đoàn 2 (Trung đoàn 174 – Đoàn Cao Bắc Lạng), lúc đó trong đội hình Công trường 5 (Sư đoàn 5). Giọng thơ Văn Lê uyển chuyển, mượt mà, giàu chất dân ca, dễ chạm vào trái tim người đọc. Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình, phải đến cuối năm 1977, tôi mới trực tiếp gặp nhà thơ Văn Lê tại biên giới Tây Nam, khi Pôn Pốt xua quân sang tàn sát đồng bào ta ở Xa mát, Thiện Ngôn (Tây Ninh).

Khi cuộc chiến biên giới Tây Nam nổ ra, nhà thơ Văn Lê cùng nhà văn Trần Văn Tuấn, đồng đội cùng vượt Trường Sơn với tôi tình nguyện tái ngũ. Các ông được bổ sung vào phòng Tuyên huấn Quân khu 7 và cùng chúng tôi, phóng viên báo Quân khu 7 hành quân theo bộ đội ra biên giới. Chứng kiến cảnh bà con ta trong đó có nhiều cụ già và trẻ em bị tàn sát, trái tim mẫn cảm của nhà thơ rung lên. Văn Lê nói, nước mắt nhoè mi: “Chúng nó đê tiện quá. Mới hôm qua còn là đồng chí của nhau mà nay là kẻ thù, kẻ phản bội, giết người không ghê tay”. Những ngày sau đó, đọc ký sự, ghi chép của Văn Lê và thơ của Trần Văn Tuấn trên báo Văn nghệ và báo Sài Gòn Giải Phóng, Quân khu 7, chúng tôi càng trân quý trái tim nhân hậu của người lính. Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam Pu Chia diễn ra đằng đẵng suốt 10 năm, Văn Lê và Trần Văn Tuấn (nay là Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Mình) dù bất cứ ở cương vị công tác nào cũng theo sát bước chân người lính tình nguyện Việt Nam ở Cam Pu Chia. Văn Lê có mặt trên từng cây số biên giới nơi sát Thái Lan cùng bộ đội Mặt trận 479 chịu đựng từng cơn khát, chia lửa từng trận tập kích của tàn quân Pôn Pốt. Dạo ấy lâu lâu chúng tôi gặp nhau tại phòng Tuyên huấn Quân khu 7. Trái tim nhân hậu, giàu cảm xúc, có lúc “trà dư tửu hậu “, Văn Lê đọc cho chúng tôi nghe cả một chương trường ca hay trích đoạn tiểu thuyết viết về người lính của ông. Năm 1982, Văn Lê chuyển về công tác tại hãng phim Giải Phóng. Cơ may, khi từ báo QĐND chuyển ngành về Bộ VHTT, tôi lại có dịp cùng công tác với ông. Lúc ấy Văn Lê không chỉ là nhà thơ, nhà văn mà còn là kịch tác gia, đạo diễn điện ảnh tài hoa và thành đạt.

Mãi mãi khắc họa chân dung người lính 

Văn Lê không chỉ thành danh, nổi tiếng trên “cánh đồng chữ nghĩa“ mà ông còn thành công, bội thu trên lĩnh vực điện ảnh. Nếu trên diễn đàn văn chương ông là tác giả của hàng chục đầu sách, trong đó có 3 tập thơ, 2 trường ca, 5 tập truyện và 12 tiểu thuyết thì trong lĩnh vực điện ảnh, Văn Lê là tác giả kịch bản, đạo diễn nhiều tác phẩm được Hội Điện ảnh trao giải thưởng lớn như: Kịch bản phim tài liệu xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc; 1 giải Bông sen vàng, 5 giải Bông sen bạc, 2 giải Cánh Diều vàng; 1 giải Galaxy của truyền hình Nhật Bản… Những ai đã xem phim truyện: Long Thành cầm giả ca, chắc chắn không quên được cách lập hình của Văn Lê. Thành công của tác phẩm điện ảnh này đã mang lại cho Văn Lê hai giải nhất: Giải nhất Cánh Diều vàng và giải nhất về kịch bản (2012).

Như thể Văn Lê sinh ra để viết tiểu thuyết. 12 tiểu thuyết đã trình làng của ông thực sự đều như những bức tranh toàn cảnh về một giai đoạn lịch sử của đất nước, cả chính sử và huyền sử. Tôi có may mắn được gặp ông khi Văn Lê đang thai nghén các tác phẩm ấy. Mỗi khi nói về cảm hứng sáng tạo, Văn Lê như người lên đồng. Ông yêu, ghét, khóc, cười cùng nhân vật. Trước khi tiểu thuyết Người Chim và Phượng Hoàng ra đời, Văn Lê chia sẻ với tôi về lộ trình xây dựng nhân vật. Đôi khi cao hứng ông “chửi bới“ các nhân vật phản diện, cứ như thể chúng hiện hữu trước mặt và là nguyên nhân gây ra hệ lụy cho dân tộc cho đồng bào của mình. Chỉ riêng năm 1989, khi bộ đội tình nguyện Việt Nam rút khỏi Cam Pu Chia, Văn Lê cảm hứng như “Gà đẻ trứng vàng”, cùng lúc ông cho ra đời 3 tiểu thuyết: Hai người còn lại trong rừng; Tình yêu cả cuộc đời và Khi tòa chưa tuyên án.

Trong số những người cầm viết cùng thời, hình như Văn Lê đứng đầu bảng về nhận giải thưởng, đặc biệt giải thưởng viết về người lính bộ đội Cụ Hồ và chiến tranh cách mạng. Các tiểu thuyết: Nếu anh còn được sống (1994); Mùa hè giá buốt (2004); Phượng Hoàng (2009)… được giải thưởng của Bộ Quốc phòng và giải quốc tế văn học Mê Kông đều xoay quanh cái trục Chiến tranh và thân phận người lính. Đọc Văn Lê, người ta như được sống lại một thời chiến tranh gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc, đó không chỉ là phác thảo bức tranh mà chính ở tính cách nhân vật.

Và, thơ vẫn là sự chưng cất cảm xúc 

“Nếu được chọn 1 trong 3 (thơ, văn xuôi và điện ảnh) tớ vẫn chọn thơ“. Văn Lê đã chia sẻ với tôi như thế khi ông trao bản thảo bài tựa in trong tập trường ca của tôi. Đó là cuối năm 2013, khi tôi mang tập bản thảo trường ca đầu tiên – Phía sau mặt trời nhờ ông viết lời tựa. Sau một ngày một đêm, Văn Lê gọi điện cho tôi đến lấy bài. Ông trao bài viết: “Phía sau mặt trời – Bài ca về tính nhân bản của người lính” và nói: “Được lắm. Nhân bản lắm. Chỉ có dấn thân mới đẻ ra ngôn từ ấy. Đau đáu không cầu kỳ nhưng lại cứa vào hồn vía của người đọc, khơi gợi lòng trắc ẩn trong họ“ và Văn Lê nói như ông đang thăng hoa: Cho dù thơ rất khó, ngày càng khó, nhưng tớ vẫn yêu thơ, làm thơ. Chỉ khi ta thực sự xúc động mới có thể cho ra đời những câu thơ cứa vào hồn vía người đọc. Vì thế, ta có thể nói dối người này, người khác, điều này, điều khác. Nhưng không thể nói dối thơ. Thơ là sự chân thành, lương thiện nhất”.

Trái tim người lính Cụ Hồ, nhà thơ, nhà văn, nhà điện ảnh tài hoa và nhân hậu ấy đã đột ngột ngừng đập lúc 20 giờ 45 phút ngày 6/9/2020. Nghe tin ông về cõi vĩnh hằng, tôi cùng đồng đội chạy đến tiễn biệt ông. Trong ngôi nhà giản dị tại số 28 đường Văn Chung phường 13 quận Tân Bình ông nằm đó như vừa chợp mắt. “ Bác đi nhé, nhà thơ Văn Lê yêu quý của em“. Tôi tự nhủ và như thấy các nhân vật trong tiểu thuyết của Văn Lê đang vây quanh “Cha đẻ“ của mình. Dẫu biết đó là quy luật muôn đời mà trái tim tôi vẫn rung lên nhịp lạ. Khoé mắt cay và đôi môi cắn chặt…

TP Hồ Chí Minh, đêm 7 tháng 9 năm 2020

T.T.T