Thương những bàn tay đong đầy hơi ấm     

718

Nguyễn Thị Phụng

(Vanchuongphuongnam.vn) – Làm thơ không là khởi nghiệp. Duyên thơ là cái nghiệp làm nên thi nhân. Khi anh nói lời yêu thương trân quý con người và đất trời đã chăm chút anh từ dưỡng khí sớm mai trong lành, từ câu hát đưa nôi của mẹ, từ kết nối gia đình với cộng đồng xã hội,… có trọn vẹn đong đầy hơi ấm bao giờ cho nguôi?!

Thi tập Những bàn tay đã nắm của Nguyễn Đức Quận (NXB. HNV – 2023) thể như lần đầu điểm chỉ những dấu vân tay lan tỏa hơi ấm đong đầy, phần nào bù đắp lại những hụt hẫng mất mát mà tình đời há dễ cho không.

       Với bạn yêu thơ, hẳn đã làm quen với anh trong nhiều tuyển tập in chung. Và giờ đây Những bàn tay đã nắm đủ xác tín Nguyễn Đức Quận thực sự hòa xúc cảm dạt dào khi viết về con người yêu cảnh vật sâu lắng cảm động. Thơ Nguyễn Đức Quận thiên về gợi tả và sẻ chia. Định hướng trình tự tập thơ dày dặn một trăm bài, tác giả đã dành cho người thân trong gia đình, họ hàng, về miền kí ức theo mùa đầy vơi theo trục xoay thời gian đã nghiêng về không gian tâm tưởng, đó là sự tương cảm của thi nhân với đất trời. Nơi bến đỗ trần gian bền lâu không dễ gì mai một.

         Những bàn tay trong đời cho một lần được nắm đã là hạnh phúc. Đơn sơ mà gần gũi nhất là người mẹ của gia đình, nuôi dưỡng chăm chút anh từ lúc sơ sinh đâu thể nào quên: “Ngày xưa từ thuở nằm nôi/ Khúc ru mẹ hát à ơi theo về”(Mẹ). Nếu như cái nhìn của Chế Lan Viên viết về mẹ, dẫu lúc nào mẹ luôn bảo bọc che chở dõi theo từng bước con đi: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời lòng mẹ cũng theo con”. Còn người mẹ của  Nguyễn Đức Quận là tảo tần, năm tháng không quản ngại nắng mưa vất vả trăm bề, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con bước vào cuộc sống đầy gian nan thử thách: “Đời mẹ một nắng hai sương/ Cho con đôi cánh dặm trường tung bay”(Mẹ). Phải chăng đó là bước đầu rèn luyện tính tự lập, hãy tự đứng lên bằng đôi chân chính mình không dựa dẫm. Người mẹ, người cha của gia đình đã thành người mẹ người cha của làng quê đất nước bấy giờ:  “Thời đạn bom Mẹ hằng đêm thao thức/ Lo chở che canh giấc ngủ đàn con/ Cha lưng trần với bao nỗi lo toan/ Đồng ruộng lúa cháy khô hay ngập úng”(Mẹ và quê hương)

       Đã là đấng sinh thành dưỡng dục, đâu thể níu giữ tuổi tác tháng năm, không gian gia đình ùa về mỗi khi nhớ lại (Mẹ và cơi trầu, Nhớ tết xưa, Bông vạn thọ, Bộ lư đồng, Bóng cả về che,…). Có thể nói, tình mẹ là suối nguồn, là bao la biển cả. Và con, sao quên được quê nhà, khuôn vườn góc sân nơi mẹ ra vào sớm khuya tần tảo, đơn côi mới thấu hiểu tấm lòng tác giả viết về mẹ rất nhiều. Đó là những khi người con (Về thăm mẹ, Bên mẹ, Mẹ già, Bông hồng mùa vu Lan, Bông hồng thôi cài áo,… ) là những cảm xúc trân quý vô cùng về tình mẫu tử.

        Người mẹ trong Những bàn tay đã nắm, đã vượt ra không gian đất nước, ngợi ca vẻ đẹp (Phụ nữ Việt Nam, Ngày của mẹ) đằm thắm dịu dàng, đảm đang, dũng cảm và có cả tài hoa. Ngợi ca và tiếc nuối chỉ còn trong thảng thốt: “Thế là hết, từ nay không còn Mẹ/ Giờ đây con không còn chốn để về/ Đêm Qui Nhơn chìm trong giấc ngủ mê/ Hình bóng Mẹ mịt mù mờ sương khói” (Mẹ về trong mơ). Rồi hình bóng cha hiện về khôn nguôi: “Mơ trong giấc bóng hình Cha gầy guộc/ Đôi chân trần đạp đất dưới nắng trưa/ Tấm áo nâu mờ phai theo khói thuốc/ Tơi lá về ướt đẫm một chiều mưa/ (Giỗ cha).

        Nói đến thơ là nói đến cái đẹp của nghệ thuật ngôn từ. Nếu chỉ coi nghệ thuật có nhiệm vụ tạo ra cái đẹp thì chủ yếu là hình thức. Ở đây, trong Những bàn tay đã nắm, Nguyễn Đức Quận đã phác thảo bức tranh người con gái Bình Định bằng  thể lục bát ngọt ngào thi vị, rất duyên:Nẫu nói là em chai lì/ Múa roi đánh võ cái gì cũng chơi/ Thật ra em chỉ luyện thôi/ Nếu Nẫu chọc ghẹo em ngồi im re/ Ngày xưa đi học đạp xe/ Em thường hay rủ Nẫu về đi chơi/ Bài chòi em thuộc từng lời/ Em hay hát ở những nơi vắng người/(Nẫu và Em).

         Để rồi “Nẫu và Em” ấy đã nên duyên nợ về chung một nhà sắc son trọn vẹn từ những ngày đầu lên xe hoa cho đến khi là mẹ của những đứa con của anh ra đời, bao lo toan bộn bề cuộc sống, đảm đang tháo vát, vẹn toàn biết bao: “Một đời luôn vun vén/ Lo đền đáp sinh thành/ Đạo làm dâu trọn vẹn/ Vợ, mãi được vinh danh”(Vợ). Vẫn là nét đẹp bao đời kế thừa truyền thống phụ nữ Á đông hay lam hay làm, Trần Tế Xương Thương vợ lặn lội thân cò ngày ấy: “Một duyên hai nợ âu đành phận/ Năm nắng mười mưa dám quản công”. Còn “cánh cò” bay…bay… của Nguyễn Đức Quận, không thể nào níu giữ lại tầm tay mình, đã là hình tượng của thi ca duy trì tiếp nối, biết ơn mà day dứt:Cánh cò của Vợ mãi bay bay/ Chở nặng yêu thương với tháng ngày/ Mang theo hạnh phúc về bến đ/ Một đời tôi nợ… cánh cò bay (Nợ một cánh cò).

          Một dấu ấn khắc nghiệt của quy luật khó nguôi đớn đau tử biệt, từ hiện hữu trong không gian gia đình đầm ấm, “cánh cò” bay về yên nghỉ bến quê mình: “Nơi em nằm cái tên quen từ nhỏ/ Luật Lễ – Diêu Trì in dấu ngàn sau / Một chốn quê ngày cắt rốn chôn nhau / Em mở mắt chào đời oa oa khóc/ (Nơi em nằm). Để rồi giữa thực và mộng đan xen trong tâm thức của người ở lại những trăn trở ùa về (Về đi em, Theo giấc mơ về, Bỏ lại mùa đông, Uất nghẹn con tim,…). Đâu dễ gì khép lại, tình yêu mỗi ngày thêu dệt trên từng trang thơ thăng hoa cảm xúc.

        Thơ không là tuyên ngôn, nhưng lại bền vững cho một triết lí sống đẹp sống có ích cho đời, chẳng là chiêm nghiệm, sự thật rất tự nhiên nhắn nhủ: “Rồi mai chúng mình sẽ già/ Trăm năm rồi cũng đi qua nhẹ nhàng”(Rồi mai chúng mình sẽ già).

         Từ một tựa đề Những bàn tay đã nắm mở ra cách lí giải tình đời, tình người hãy tử tế với nhau, sự độ lượng bao dung không bao giờ thừa trong sinh hoạt thường ngày: “Bàn tay đẹp biết chìa ra đúng lúc/ Khi ta cần, khi ta gặp khổ đau / Không bỏ buông, vẫn sát cánh bên nhau/ Cùng vững bước vượt qua ghềnh qua thác”. Và khi Những bàn tay đã nắm, hay cho một lần in đậm kết nối dấu vân tay. Phải chăng niềm tin hàn gắn cuộc sống thiết thực được khởi nguồn từ đó.

N.T.P