Phan Trung Thành
Tôi quen biết nhà văn Nguyễn Khoa Đăng và nhiều văn nghệ sĩ trong nước nhưng khi biết tin buồn của họ tôi cũng ngại thông báo, không phải hẹp hòi mà chỉ sợ người đọc qua loa rồi còm “Cố lên bạn nhé”. Thiệt khổ thân.
Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
Vậy nhưng hôm nay khi nhà văn Nguyễn Khoa Đăng không còn nữa, sau phút giây lăn tăn tôi lại muốn viết, lý do là khi họ còn sống ít giao thiệp bên ngoài, con cháu ở xa, bạn bè ở xa nên đưa tin có khi ai đó đọc thấy mà đến chia buồn lúc tang sự. Vả lại, ông và tôi có quá nhiều kỷ niệm.
Sáng nay 25.9 tin nhà văn Nguyễn Khoa Đăng mất đêm qua, tuy không đột ngột vì biết ông bệnh đã lâu nhưng thoáng buồn, một đời văn đi qua còn gì để lại. Với nhà văn Nguyễn Khoa Đăng thì có, nhắc đến ông là nhớ Nước mắt một thời, một đầu sách mà tôi có ít nhiều kỷ niệm.
Đó là ngày hạ năm 2006, Sài Gòn nóng kinh khủng, ông đến gõ cửa nhà xuất bản và nói “cho tôi gặp ông Thành”.
Năm câu ba chuyện ly trà uống chưa hết, ông chìa ra tập bản thảo, tập sách đã đóng gáy thủ công khá cẩn thận kèm theo câu “chú cố gắng cho nó ra đời, tôi tin vào chú”!
Gắn một chữ “tin” làm mình lo ngay ngáy. Đọc liền lần 1 rồi lần 2 còn muốn đọc lại nữa. Truyện mở ra khi tác giả ghé thăm ngôi chùa và gặp lại Én – cô người yêu thuở đầu đời ở vùng quê thơ ấu, bây giờ đã là ni cô mang trong mình bệnh nan y chỉ đếm sự sống qua từng phút. Băng thu âm đã phát ra để nghe truyện Nước mắt một thời.
Ông dẫn câu chuyện khá tài tình, tôi vốn mê truyện Ngàn lẻ một đêm nên đọc là thích ngay. Tuy nhiên, cái thích lớn nhất trong truyện là nội dung mà chính là cuộc đời cay đắng của tác giả dự phần trong đó.
Cải cách ruộng đất! Một đề tài mà đến thời điểm nhà văn Nguyễn Khoa Đăng xin phép xuất bản vẫn còn rất nhiêu khê, vô cùng khó.
Tôi kỹ càng đọc, biên tập, cắt chữ nào tiếc chữ đó nhưng nếu không cắt thì sẽ dính bút đỏ của phía trên, tôi là lính quèn đâu phải muốn là được.
Trong một lần trao đổi với tác giả, với tự ái tuổi trẻ lại cậy mình là lính trơn, lính hiệp đồng trên răng dưới dế nên tôi liều mạng nói, tập sách này không ra đời được em thề bỏ nghề xuất bản. Chi tiết này không ngờ tác giả nhớ lâu, nhắc hoài trong các bài viết sau này của ông khi liên quan đến tập sách.
Tập sách qua nhiều người thẩm định, bút phê, cuối cùng có được tờ giấy phép, không những thế sách được đưa vào kế hoạch A, số lượng in nhiều hơn, nghĩa là tác giả có thêm chút nhuận bút, in kế hoạch A là “sang chảnh” lắm. Khổ nhất của nhà văn là in tác phẩm xong tự đi phát hành, vừa cho vừa tặng vừa kí gửi chiết khấu 50/50, vừa ship tận tay vừa chuyển phát nhanh từng cuốn…
Khi nhà văn Nguyễn Khoa Đăng tới xem tiến độ tập sách, tôi mời ông sang quán cà phê bên cạnh để bật mí cho ông biết sách Nước mắt một thời được đưa vào kế hoạch A, in số lượng tăng hơn dự định ban đầu.
Một tiếng “choang”, li cà phê đang uống trên tay ông rơi xuống thềm xi măng trong sự run rẩy của nỗi mừng quá lớn. Ông như ngớ ra một lúc rồi không ngừng “tôi cảm ơn, tôi cám ơn”.
Viết đến đây, thương ông quá chừng, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng ơi.
Cầu nguyện hương linh nhà văn Nguyễn Khoa Đăng sớm Niết bàn, văn giới trên hư không nào đó thiệt vui và bớt đi cay đắng. Đời ông cay đắng, thế hệ ông cay đắng, chỉ mong Nước mắt một thời sớm qua.
Vì sao ông có bút danh Nguyễn Khoa Đăng
Tuần trước ngồi nói chuyện với mấy đồng nghiệp về chuyện bút danh có nhắc đến ông đã đảo tên khai sinh từ Đăng Khoa thành Khoa Đăng để khỏi trùng với thần đồng Trần Đăng Khoa (hình như tên khai sinh là Trần Cải) thời đó đang nổi như cồn.
Ông âm thầm sống, âm thầm viết vì cái lẽ tự nhiên tác phẩm làm nên bút danh, cứ có tác phẩm thì người đọc sẽ truy ra tên cúng cơm chứ mất đi đâu.
Mỗi lần viết cáo phó cho mấy người thân quen đều buồn dù biết chắc ngày này rồi ai cũng phải một lần qua, “tạm biệt nhé nếu đây là lần cuối” nha chú Nguyễn Đăng Khoa.
Nhà thơ Trần Hoàng Nhân