Thương tiếc Đại tướng Phùng Quang Thanh!

796

Phùng Hiệu

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mới 5h sáng, điện thoại reo vang, tôi nhấc máy thì được tin bác Phùng Quang Thanh đã lìa trần. Dù biết trước căn bệnh bác sẽ khó qua, nhưng không ngờ nó lại qua nhanh như thế!

Là người con ưu tú của họ Phùng, là người tướng tài của quân đội nhân dân Việt Nam, ngoài việc quân cơ, chính sự, Đại tướng Phùng Quang Thanh là người luôn biết quan tâm đến sự phát triển của dòng họ, luôn đóng góp công sức và vật chất để xây dựng đền thờ tổ tiên gia tộc. Đối với những người anh em cháu con họ Phùng, ông luôn động viên mọi người cùng đoàn kết, chung tay xây dựng, một lòng hướng về cội nguồn, nhớ ơn tiên tổ.

Trong cuộc sống thường ngày, ngoài việc luôn sẻ chia với những người bà con trong tộc, bác còn tham gia vào Hội đồng cố vấn họ Phùng Việt Nam để phát triển dòng họ Phùng từ Bắc vào Nam trở thành một mái nhà chung với sự gắn kết, đồng tâm và tương ái để cùng nhau hướng về nguồn cội, ghi nhận công ơn của những bậc tiền hiền có công với gia tộc và đất nước.


Đại tướng Phùng Quang Thanh (thứ hai từ trái sang) trong buổi lễ nhận bằng ghi nhận những người con họ Phùng có công với dòng tộc.

Bác từng nói với tôi, cháu làm việc gì, trước tiên phải nghĩ đến tổ tiên và thanh danh của dòng tộc. Hiện nay, phía Nam chưa có nhà thờ tộc, cháu phải cố gắng vận động anh em trong đó xây dựng một nhà thờ để bà con trong họ có điều kiện đến thắp hương tưởng nhớ về cội nguồn tiên tổ. Từ lời nói của bác, đồng thời đó cũng là di nguyện của cố thượng tướng Phùng Thế Tài, người cận vệ đầu tiên của chủ tịch Hồ Chí Minh, những người anh em chúng tôi như Phùng Thế Tám, Phùng Văn Luyện, Phùng Văn Quyến, Phùng Quốc Hưng đã gấp rút tiến hành xây dựng một nhà thờ họ Phùng Việt Nam tại Lâm Hà, Lâm Đồng.

Và trong những năm qua, khi chúng tôi đang tiến hành xây dựng nhà thờ họ Phùng Phía Nam, bác luôn động viên, nhắc nhở chúng tôi phải cố gắng và nhanh chóng vận động mọi người chung tay để nhà thờ Họ Phùng phía Nam sớm được hoàn thành đưa vào thờ tự.

Nghe lời bác, chúng tôi gấp rút thi công và đã hoàn thành dự án. Ngày khánh thành, bác bị bệnh không vào dự được, nhưng đã gửi lẵng hoa chúc mừng và biểu dương anh em, con cháu đã góp công xây dựng hoàn thành nhà thờ đúng theo tiến độ.


Đại tướng Phùng Quang Thanh căn dặn nhà thơ Phùng Hiệu về công việc dòng tộc.

Nay nhận tin bác mất, lòng tôi như chết lặng. Cuộc đời là sinh tử, biệt ly, cháu không biết nói gì hơn nữa, chỉ cầu mong linh hồn bác được siêu thoát nơi miền cực lạc.

Vĩnh biệt bác – Đại tướng Phùng Quang Thanh, người con ưu tú của dòng họ Phùng, người tướng tài ba của quân đội nhân dân Việt Nam.


Đại tướng Phùng Quang Thanh và nhà thơ Phùng Hiệu trong buổi họp mặt tại Thiên Sơn, Ba Vì, Hà Nội.

Đại tướng Phùng Quang Thanh sinh ngày 2/2/1949 tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Cụ thân sinh ra ông là Phùng Quang Sức, sinh năm 1917. Cụ làm nghề thợ mộc, sẵn có tinh thần yêu nước, sớm chịu ảnh hưởng về tư tưởng cách mạng, lại được Đảng giác ngộ, cụ Phùng Quang Sức đã vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1946, làm Bí thư Chi bộ xã Thống Nhất, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã (xã Thống Nhất nay tách thành hai xã: Xã Thạch Đà và xã Tam Đồng), huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên (huyện Yên Lãng nay là huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội). Thời gian này cụ đã bí mật tham gia hoạt động cách mạng, gây dựng cơ sở cách mạng ở xã. Cụ bị giặc Pháp bắt, đưa về giam ở bốt Mai Khê, xã Vạn Yên, huyện Mê Linh. Chúng đã dùng nhiều cực hình tra tấn dã man, nhưng cụ Phùng Quang Sức vẫn một lòng trung thành với Đảng, đấu tranh vạch mặt kẻ xâm lược đến cùng. Sau khi bị giặc Pháp tra tấn dã man, cụ Phùng Quang Sức đã hy sinh vào ngày 12 tháng 5 năm 1950. Cụ Phùng Quang Sức đã được Đảng, Nhà nước truy tặng liệt sĩ chống Pháp. Cụ bà thân sinh ra Đại tướng Phùng Quang Thanh là Đỗ Thị Thoa, sinh năm 1924, người cùng làng với cụ ông. Cụ làm ruộng ở quê, hai cụ sinh được một mình ông Phùng Quang Thanh.

Tuổi thơ của Đại tướng Phùng Quang Thanh rất vất vả, lên một tuổi mồ côi cha, cậu bé Thanh ở với bà ngoại và cậu em mẹ. Lên tám, chín tuổi Phùng Quang Thanh đã phải tần tảo mò cua, bắt ốc, kéo vó tôm… vừa lao động, vừa học tập, đến trường được nghe các thầy, cô giáo giảng bài, được học thơ văn yêu nước, học tập tấm gương anh hùng liệt sĩ trong chống Pháp, chống Mỹ… Những năm 1965-1966, chứng kiến giặc Mỹ đã đánh bom kho xăng dầu Đức Giang, đánh bom Thủ đô Hà Nội, giết hại đồng bào ta, được nghe lời kêu gọi của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”…. Tất cả những trải nghiệm được rèn luyện trong cuộc sống, cùng truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc đã thấm sâu vào tình cảm, tâm hồn, ý chí người thanh niên Phùng Quang Thanh, đã giúp ông sớm giác ngộ cách mạng.

Ông nhập ngũ năm 1967 khi mới tròn 18 tuổi và từng bước trưởng thành thành một chiến sĩ cộng sản quyết đoán, bản lĩnh, mưu lược và quả cảm. Một năm sau khi nhập ngũ, ngày 11/6/1968, ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông được trao quân hàm Đại tướng tháng 7/2007.

Đại tướng Phùng Quang Thanh đã trực tiếp tham gia chiến đấu, chỉ huy chiến đấu trên các chiến trường; trong đó có gần 10 năm tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuộc đời binh nghiệp của ông là một tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, ý chí và nghị lực vươn lên.

Xuất thân từ chiến sỹ, Tiểu đội phó của Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, ông lần lượt giữ nhiều vị trí ở Trung đoàn như Tham mưu trưởng, Phó Trung đoàn trưởng, Trung đoàn trưởng. Từ 1/1983-12/1983, ông là học viên Học viện thực hành Liên Xô.

Về nước, ông giữ vị trí Phó Sư đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn 390, Quân đoàn 1, rồi Phó Bí thư Đảng ủy, phụ trách Sư đoàn 390, Sư đoàn trưởng Sư đoàn. Từ 8/1988 – 7/1989, ông làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, Quân đoàn 1, sau đó tiếp tục đi học tại Học viện Vôrôsilốp, Bộ Tổng tham mưu Liên Xô và học viên tại Học viện Quân sự cao cấp.

Ông kinh qua nhiều vị trí sau đó như Tham mưu trưởng Quân đoàn 1; Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, Quân đoàn 1; Phó Cục trưởng rồi Cục trưởng Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu; Tư lệnh Quân khu 1.

Từ tháng 6/2001 đến 4/2006, ông giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 4/2006, tại Đại hội X, ông tái cử Trung ương và được bầu vào Bộ Chính trị; sau đó Quốc hội phê chuẩn ông làm Bộ trưởng Quốc phòng.

Ông được trao quân hàm Đại tướng vào tháng 7/2007; giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng đến tháng 4/2016.

Sau khi Đại tướng Phùng Quang Thanh nghỉ hưu, Hội đồng họ Phùng Việt Nam đã mời ông tham gia làm thành viên Hội đồng cố vấn dòng họ toàn quốc. Với cái tâm trong sáng, với ý thức khiêm tốn, tinh thần trách nhiệm cao như ngày nào còn công tác, ông không quản ngại, nề hà, nhận lời tham gia làm thành viên cố vấn cho Hội đồng dòng họ. Ông sẵn sàng đóng góp ý kiến xây dựng khi Hội đồng dòng họ có lời đề nghị, ông tham dự sinh hoạt dòng họ khi điều kiện sức khỏe cho phép như: Tham gia Hội nghị Toàn quốc của dòng họ, hỗ trợ kinh phí góp phần cùng dòng họ xây dựng quỹ giải thưởng mang tên Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Hội thảo khoa học do Hội đồng họ Phùng Việt Nam phối hợp với cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị tổ chức, trùng tu tôn tạo lăng mộ Thái phó lưỡng triều Lý – Trần Phùng Tá Chu…

P.H