Thương về mùa chà là – Tản văn của Phạm Văn Hoanh 

705

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tuổi thơ của bọn trẻ quê tôi êm đềm đi qua niềm vui với món ăn chà là. Tiếng cười, nói, tiếng la lối, cãi cọ tranh giành những cây chà là cứ vang vọng mãi suốt một thời thơ ấu. Nó mãi khắc sâu trong tâm khảm tôi.

Tác giả Phạm Văn Hoanh  

Đêm nay, ở phương xa, ngồi nhâm nhi ly cà phê trong quán nhỏ chợt nghe giọng ngâm thơ truyền cảm của một cựu chiến binh trên ti vi:

Em là cây chà là nhỏ yếu

Sống âm thầm bên rừng Sác thân yêu…

Không biết bài thơ này của ai, chỉ nghe MC giới thiệu là bài thơ truyền khẩu thời kháng chiến có nhan đề “Cây chà là bên rừng Sác”. Bài thơ mộc mạc, tha thiết khiến tôi thương nhớ quê nhà miền Trung quá chừng, nhớ đồi núi chà là Bình Tân bát ngát mênh mông.

Quê tôi, một làng quê nghèo của miền Trung (ở xã Bình Tân, nay là xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nhìn đâu đâu cũng thấy đồi núi. Ngày trước, đồi núi nào cũng mọc đầy chà là. Không biết chúng mọc từ bao giờ? Chỉ biết cứ vào đầu hạ, khi những cơn mưa giao mùa xối xả đổ xuống, chà là bắt đầu chín lác đác, rồi chín rộ. Màu đen bóng của những trái chà là chín cùng vị ngọt rất đặc trưng của nó đã làm say lòng không biết bao nhiêu người, đặc biệt là trẻ con chúng tôi.

Tôi không biết chà là có mấy loại. Người dân quê tôi nói có hai loại. Loại trái già có màu vàng đậm, không có tên gọi cụ thể mà chỉ gọi theo danh từ chung là chà là. Loại trái già có màu nâu đỏ gọi là chà là lửa. Theo một số tài liệu thì chà là thuộc họ dừa, họ cọ nhưng không cao như dừa và cọ. Tàu lá cao nhất cũng chỉ vươn lên cách mặt đất khoảng chừng 2m. Trái thì càng nằm thấp hơn, được bao bọc bởi những tàu lá cứng và nhọn. Ai hái trái chà là không cẩn thận sẽ bị những nhánh lá đâm vào tay, vào mắt…

Nhớ những năm đất nước còn khó khăn, tới mùa chà là, người dân quê tôi mới mờ mờ sáng đã mang thúng lên núi hái. Hái về người ta lựa những trái chà là chín đem ra chợ bán lấy tiền mua gạo, những trái già hoặc ươm thì nấu làm thức ăn chống đói. Ăn chà là chỉ ăn lớp cơm bên ngoài, còn hạt thì trộn với cám cho gà, vịt ăn. Ai đã từng ăn lớp cơm bên ngoài chan chát, ngòn ngọt, bùi bùi của trái chà là khi đã nấu chín thì mới cảm nhận hết được cái giá trị của nó trong thời bao cấp.

Đối với người lớn là vậy, còn đối với trẻ con chúng tôi ngày ấy, thì trái chà là là một trong những món ăn khoái khẩu. Dường như với tuổi thơ ở thôn quê thì món ăn nào từ thiên nhiên cũng đều khoái khẩu cả. Nhưng món ăn từ trái chà là có một dư vị khó tả, có một cái gì đó để mà nhớ, mà thương. Mỗi lần đi chăn bò, chăn trâu, bọn trẻ con chúng tôi đem theo thúng hoặc bao ni lông để hái. Mỗi lần hái trái chà là bọn trẻ con chúng tôi hát vang bài ca dao:

Đói lòng ăn hột chà là.

Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.

Chúng tôi chọn những trái già đem về cho mẹ nấu để sáng hôm sau ăn thay cơm, còn những trái chín chúng tôi ăn ngay tại núi. Chao ôi, những trái chà là chín mọng ăn vào nghe ngọt lịm nơi đầu lưỡi mãi đến giờ tôi vẫn còn nhớ!

Chúng tôi hái trái chà là hết ngày này qua ngày nọ mà vẫn không biết chán. Chúng tôi coi đồi núi chà là là của riêng mình không được người nào ngoài địa phương đến hái. Có lần bọn thiếu niên ở xã Tịnh Hoà, xã Tịnh Thiện đạp xe lên núi Thình Thình, lên động Tranh Làng hái chà là, chúng tôi xua đuổi, lườm nguýt, không cho hái. Sau này chúng tôi mới biết được nhà bọn họ cũng rất nghèo nên phải đi hái chà là đem về cho mẹ mang ra chợ bán lấy tiền mua gạo. Biết được chuyện đó đứa nào cũng thấy cay cay nơi sống mũi, vừa thương, vừa khâm phục họ. Nên chúng tôi đã cho họ hái.

Rồi mùa chà là cũng hết và đến mùa trái cây khác. Lúc này bọn trẻ con chúng tôi đã được thiên nhiên ban tặng những món ăn ngon khác không kém gì trái chà là nhưng sao lòng vẫn cứ thấy nhơ nhớ, tiêng tiếc…

Tuổi thơ của bọn trẻ quê tôi êm đềm đi qua niềm vui với món ăn chà là. Tiếng cười, nói, tiếng la lối, cãi cọ tranh giành những cây chà là cứ vang vọng mãi suốt một thời thơ ấu. Nó mãi khắc sâu trong tâm khảm tôi.

Tôi đã xa quê hương miền Trung, xa cái tuổi thơ vui tươi, hồn nhiên bên những thúng trái chà là lâu rồi. Vì kế sinh nhai, tôi phải tha hương cầu thực. Tôi đã đi qua nhiều vùng miền, được thưởng thức nhiều loại trái cây thơm ngon, nhưng rồi mỗi khi nhớ về quê nhà miền Trung tôi lại thương về mùa chà là trong một thoáng rưng rưng.

P.V.H