Tiệc rượu dưới gốc mận hồng đào – Truyện ngắn của Kỳ Nam

601

(Vanchuongphuongnam.vn) – Toàn ngước nhìn bầu trời xanh thẳm trên cao bằng ánh mắt lóe sáng của một lưỡi dao như muốn xẻ đôi cái mái vòm đang thanh bình mây trắng kia. Những lá mận non rung rinh xanh ngời màu ngọc bích bên chùm trái hồng đào chín ửng đung đưa, những con kiến vàng trong như giọt mật, tiếng chim hót, tiếng gà con liếp chiếp trong sân… tất cả vẫn không làm dịu đi bao chua cay phiền muộn trong lòng anh.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Căn bệnh đã đến giai đoạn nguy hiểm với những cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện thường xuyên, mấy lần phải nhập viện cấp cứu bắt buộc anh phải nghỉ hưu trước tuổi. Anh khá bực mình với cụm từ nghỉ hưu non thoát ra từ đôi môi vẫn còn rất xinh đẹp của Sim, vợ anh, khi có khách đến chơi nhà hay như trong lần họp lớp vừa rồi, nhất là với mấy gã ba đồng!

Trong cái thị xã loanh quanh này việc biết rõ tam tứ đại của nhau đã không hiếm, huống gì mấy cái hội ba đồng như của vợ chồng anh (đồng niên, đồng môn, đồng liêu)! Anh không thích cái vẻ cảm thông, tội nghiệp của họ, cái kiểu làm như anh sắp chết đến nơi, cả cái kiểu cố động viên anh rằng đó chỉ là căn bệnh thông thường ai cũng có thể mắc, cứ thuốc men, luyện tập rồi sẽ sống đến trăm tuổi! Có nghĩa là anh không muốn sống như sắp chết, đang chết hay đã chết, anh chỉ muốn trở lại là một con người khoẻ mạnh tràn đầy năng lượng xưa kia!

Anh vốn ngưỡng mộ và ước ao sự viên mãn, tất cả mọi việc hãy nên bắt đầu và kết thúc một cách trọn vẹn, chỉn chu, tất nhiên cũng phải có những trường hợp ngoại lệ. Nhưng một người đàn ông từng mạnh mẽ, chưa bao giờ cảm thấy mình già lại phải vứt bỏ hết tất cả công việc, tất cả những hoài bão ước mơ để về nhà sống như một kẻ tàn phế vô dụng thì thật khó chấp nhận. Đó là một dở dang tức tưởi, một nhát chém đứt lìa, một vụ cướp giật, nó làm anh thúc thủ trong hoang mang tuyệt vọng, cho dù anh biết khá rõ căn bệnh trong cơ thể mình, khi nào nó nhởn nhơ để yên cho anh, khi nào nó sắp quần thảo anh như cơn giông quật tơi tả mấy cây chuối sau nhà… Từ hồi nghỉ việc đến giờ anh trở nên lầm lì, cau có, bẳn gắt suốt ngày, con người vui vẻ, lạc quan mà ai cũng quý mến trong anh đã biến đi đâu mất, ngay cả anh cũng không biết làm sao để tìm lại. Người phải chịu đựng anh nhiều nhất không ai khác chính là vợ anh.

Chị là thủ thư của thư viện thị xã, ngày tám tiếng với hàng hàng lớp lớp quyển sách im lìm đã làm chị vốn ít nói càng trở nên nói ít, càng lặng lẽ hơn kể từ ngày anh đổ bệnh và như trở thành một người khác bên cạnh chị. Chị sợ ánh mắt buồn bã héo hon của anh khi nhìn chị, sợ những lời cục cằn cay đắng của anh mỗi khi chị về trễ vì công việc. Và càng sợ hơn khi anh hổn hển, hụt hơi vì khó thở hoặc những lúc mặt anh đột nhiên trắng bệch, quơ tay chụp lấy thành ghế rồi ngã lăn ra đất khi chị không kịp chạy đến đỡ lấy anh (rồi sau đó là vết thương trên trán, sau gáy hoặc trật khớp xương cổ tay hay đầu gối…). Vì anh phải ở nhà một mình nên chiều nào từ thư viện trở về chị cũng vội vội vàng vàng với cảm giác bất an, chỉ lo không thấy anh ngồi bên chiếc bàn đá đặt dưới gốc cây mận hồng đào sai trĩu quả ở góc sân như mọi khi. Đó là chỗ ngồi quen thuộc của anh từ trước giờ trong những bữa cơm chỉ có hai vợ chồng, uống cà phê sáng trước lúc đi làm, chiều tan sở về ngồi đàn dăm ba bản nhạc, tụ tập bạn bè, hàng xóm hoặc ngồi im lặng một mình với thói quen ủ tách trà nóng trong lòng hai bàn tay…

Hôm nay là thứ hai, một tuần lễ dài lê thê chỉ mới bắt đầu. Sáng nay vợ anh đi làm đã để quên cái gà-mên cơm ở nhà, chắc sẽ ăn đỡ một cái bánh mì hay gói xôi, trái bắp gì đó bán ngoài cổng thư viện! Nếu như trước đây thì anh đã lên xe phóng vèo một cái là gà-mên cơm đã tới tay chị rồi. Dạo này chị hay quên nhiều thứ, một mình chật vật từ chiều tối hôm trước, ngủ lơ mơ một chút, mờ sáng hôm sau đã bật dậy để lo cơm nước, thuốc men, giặt giũ… rồi tất tả đi làm đã khiến chị tiều tụy hẳn. Nhìn dáng vẻ gầy gò cam chịu và mớ tóc bạc bất ngờ lộ ra bên thái dương của chị anh vô cùng xót xa rồi đâm ra tức giận bản thân, căm thù bệnh tật, oán ghét cả đất trời (cả chứng bệnh vô sinh của anh nữa!). Anh cảm thấy bất lực đến không thở nổi, khi cơn bệnh bùng lên quá sức chịu đựng, anh lén ra sau nhà tựa đầu vào gốc chuối với cơn đau như bị dao đâm vào tim, anh nôn ói trong cơn ho, nước mắt giàn giụa, chỉ muốn nằm xuống bên đất cát, buông lỏng châu thân và lịm vào giấc ngủ cuối cùng.

Anh ngồi thừ nhìn cái gà-mên cơm anh đã xách chạy theo chị mà không kịp, không biết phải làm gì với nó. Hơi nóng từ hai cái ngăn nhôm nhỏ đã nguội dần như tình yêu giữa hai vợ chồng anh gần hai năm qua, anh đã rất đau khổ vì điều đó và anh biết chị cũng vậy. Không vì một cái gì khác ngoài căn bệnh của anh, nó mang đến nỗi bi quan chán nản nơi anh cũng như cảm giác có lỗi với chị. Sự thay đổi là từ anh, còn từ phía chị trước sau chỉ là sự cảm thông, chịu đựng vô bờ trong thinh lặng. Khi tình yêu còn nóng hổi mặt trời và đắm chìm trong hạnh phúc, không mấy ai nghĩ mình đang đi càng lúc càng xa về phía ngày tàn. Khi tình yêu đã chìm vào đêm vắng, có khi là bầu trời lấp lánh trăng sao, có khi hắt hiu cô quạnh đến ngỡ ngàng trong bóng tối. Tình yêu của vợ chồng anh đang trôi dạt giữa hoàng hôn, tà dương sắp tắt, nguyệt bạch chưa lên, anh chẳng đành buông tay nhưng cũng không biết phải làm sao để níu giữ! Rốt cùng rồi chắc cũng sẽ còn đó một thứ tình lắng sâu đủ để không cần phải nói lời yêu đương khi vẫn ở cạnh nhau mỗi ngày.

Trong những ngày tháng khó khăn này chị cũng đã nhiều lần nói với anh nếu không thể quên đi bệnh tật thì hãy đối diện và chấp nhận sống chung với nó. Hãy cứ vui vẻ yêu đời, yêu cuộc sống và làm bất cứ điều gì anh thích, hãy đi tới những nơi anh muốn, gặp gỡ bạn bè, kết giao với hiện tại, hẹn hò với tương lai… Nói thì nghe thật dễ nhưng có làm được hay không lại là chuyện khác! Vả lại giờ đây anh đã quá mỏi mệt để phân tích, phán đoán hay bắt đầu một cái gì mới, anh hầu như đã buông xuôi tất cả để thách đấu với tử thần trong tư thế của một kẻ sẵn sàng bại trận!

Điện thoại vang lên một điệu nhạc không lời, anh áp vào tai và nụ cười bỗng chốc trở về cái thời sãi cánh như chim ưng trên bầu trời và quẫy tung như cá voi xanh ngoài biển cả.

– Toàn đây.

… Vẫn ổn trong cái bất ổn. Hà hà, ông khoẻ không?

… Được, cứ vậy đi, hẹn ông thứ bảy này nha. Bai.

Niềm vui hiếm hoi còn đọng lại hàng giờ trên gương mặt anh. Đó là Rạng, người bạn nối khố của anh, hai người thân thiết như bóng với hình, đi đâu, làm gì cũng có nhau. Sau ngày anh thôi việc, Rạng đã xin nghỉ phép năm để cùng vợ đến với vợ chồng anh, bốn người cùng đào một cái ao nhỏ thả cá tai tượng và trồng mấy cây dừa sáp. Những ngày ngắn ngủi đó vui vẻ, ấm áp đến nỗi anh tưởng như tất cả vẫn không có gì thay đổi, chỉ là bọn anh đang nghỉ phép và vui chơi với nhau vậy thôi, không ốm đau bệnh tật, không cách xa thiếu vắng… Mấy con cá anh nuôi kiểu tài tử cho đỡ buồn, đỡ nhớ bạn, đến nay chắc cũng được cỡ gần nửa ký một con, vừa nhậu!

Anh âm thầm đếm từng ngày, thấp tha thấp thỏm chờ đến thứ bảy. Anh tự buông mình vào cảm giác chờ đợi không chỉ vì quá mong gặp bạn, mà cũng bởi không biết phải làm gì cho qua hết ngày giờ và làm nguội bớt sự nôn nóng của anh về một cuộc gặp ít ra cũng làm thay đổi chút gì đó cuộc sống tẻ nhạt của anh. Anh cứ đi ra đi vào, từ cổng nhà nhìn ra bờ sông cách đó không xa với những đám lục bình trôi lơ đãng. Dòng sông dịu dàng bao quanh thị xã quê anh như vòng tay của mẹ ôm con, phù sa, trái ngọt cây lành, cánh đồng lúa chín, tuổi thơ ngọt ngào, tình đầu hò hẹn sông trăng trên con thuyền nhỏ… Tất cả vẫn còn trong anh, lấp đầy, nén chặt, đóng khung anh trong hình hài một pho tượng trong khu vườn cổ tích. Trên khúc sông chảy vòng qua thị xã, nhà anh ở giữa nhà Rạng và trường học, ngôi trường cứ đuổi theo bọn anh để lớn dần lên từng cấp học. Vì thế suốt từng ấy tháng năm hai thằng gặp nhau mỗi ngày trên con đò dọc hay chở nhau trên chiếc xe đòn dong cặp theo bờ sông từ thời tiểu học cho tới ngày tốt nghiệp cấp ba. Mỗi đứa mang một ước mơ bay vào khung trời đại học thênh thang, rồi trở về, rồi tình cờ gặp lại khi cùng làm việc trong một cơ quan…

Lụi hụi rồi cũng sắp hết một tuần, bữa nay đã là thứ sáu rồi. Hôm nay vợ anh đi làm sớm hơn mọi ngày, chị dặn anh ăn cơm, uống thuốc đúng giờ, có thể chị sẽ về trễ vì phải đi thành phố nhận sách mới. Anh muốn nói với chị một câu gì đó, đại loại như đi đường cẩn thận hay hỏi chị đã uống thuốc chống say xe chưa, có mua xí muội đem theo không, đã bỏ chai dầu gió xanh vào túi xách chưa… nhưng rồi không hiểu sao anh chỉ lẳng lặng khép cánh cổng sau lưng chị như mọi khi, đứng nhìn theo cho đến khi chị khuất sau khúc quanh rợp bóng lá sa-kê của vườn nhà hàng xóm cách đó mấy căn.

Khoảng giữa trưa thì Rạng xuất hiện tươi cười trước mặt anh, bên cạnh còn có hai người nữa mà anh chưa gặp lần nào. Anh cười rổn rảng như ngày xưa trong những cuộc bù khú cuối tuần:

– Sao đến sớm một ngày cha?! Không báo trước một tiếng để tôi chuẩn bị, còn hai ông này là …

Rạng giới thiệu qua loa còn anh cũng không chú ý lắm, nhìn Rạng có vẻ gầy hơn lúc trước…

– Thôi, hai ông ngồi lai rai mấy trái mận hồng đào nhà tôi đi, đang mùa, ngọt không đâu bằng! Tôi và ông Rạng đi lấy vợt bắt cá, sẽ có mồi bén ngay thôi!

Thật ra anh muốn chỉ có mình Rạng, hai thằng sẽ ngồi câu cá và tâm sự thật nhiều, sau đó uống một trận cho đã đời. Uống kiểu khô máu, lóc thịt xẻ xương giữa những thằng chí cốt lâu năm rồi gối đầu lên nhau mà ngủ, có vậy mới gọi là tửu phùng tri kỷ!

Rồi cũng hoàn tất các công đoạn chế biến, một con tai tượng chiên xù lót cải trời chấm nước mắm me, một con hấp mướp hương, trụng một gói bún khô nữa là xong. Toàn những thứ cây nhà lá vườn lại vắng bàn tay phụ nữ nhưng nhìn cũng tươm tất nếu không nói là hoành tráng! Thêm một rổ mận đỏ hồng, tươi rói bên mấy nhánh lá xanh mướt làm khung cảnh có vẻ giống một bữa tiệc hơn. Rồi anh chắt hết bình rượu ngâm táo mèo rừng (đợt đi công tác Yên Bái mua về) cho vô mấy vỏ  chai nước suối, sắp lên bàn bên cạnh bốn cái ly mắt trâu lâu rồi chưa dùng tới.

Mọi người ngồi quanh chiếc bàn đá dưới tán lá mát rượi của cây mận hồng đào, bất chấp trời nắng chang chang phủ khắp chung quanh.Trà tam rượu tứ, rượu ngon bạn hiền… bao nhiêu buồn bực trong lòng anh như bốc hơi theo men rượu. Đúng bữa nay vợ anh lại đi thành phố chắc đến tối mới về tới, có khi còn trễ hơn. Điều anh ghét nhất sau những cuộc nhậu là phải lộ thân một kẻ say với cái mặt đỏ lừ, hai mắt lờ đờ và sặc mùi rượu dưới cái nhìn của phụ nữ, cho dù đó là vợ anh, cho dù anh say rất dễ thương, chỉ đàn hát, cười hoài và sau đó là đi ngủ.

Rạng và hai người kia uống khá nhiều, anh cũng đã ngà say, bây giờ trên tay anh là cây đàn guitar từng sát cánh bên anh trong những cuộc vui bè bạn. Không nói gì với nhau nhưng khi tiếng đàn vang lên, anh và Rạng cùng cất tiếng hát bài Bánh xe lãng tử như đã từng hát trong những cuộc vui lúc trước. Anh thấy hai mắt cay xè, có một cái gì nặng nề chắn ngang lồng ngực. Những dây đàn như chùng xuống, âm thanh không còn căng mẩy, dòn tươi, rộn rã như trước vì mấy ngón tay anh đã yếu đi nhiều. Anh chợt bắt gặp cái nhìn kỳ lạ của Rạng, cái nhìn anh chưa từng thấy bao giờ từ người bạn tâm giao của mình và nó thoáng qua thật nhanh, chỉ lâu hơn một khoảnh khắc.

Cả bọn cứ ngồi với nhau như thế, nhâm nhi, cười nói đủ chuyện trên trời dưới đất và hát, cho tới khi anh không đàn nổi nữa, ôm cây đàn vào lòng và ngủ thiếp đi dưới những nhánh mận la đà…

Chị về đến nhà khi trời vừa chạng vạng, đưa mắt ngay đến chiếc bàn đá dưới gốc mận, thấy anh ngồi ngủ gục với cây đàn. Trên bàn hai dĩa cá gần như còn nguyên, mấy cái vỏ chai nhựa lăn lóc, rượu đổ ướt đầm chung quanh, men táo bay ngào ngạt. Nhìn mấy cái ly chị biết anh vừa có khách, chắc lại mấy người đàn ông hàng xóm tốt bụng hay chạy qua chạy lại trông chừng anh khi chị đi vắng. Chị khẽ lay anh dậy, gỡ tay anh khỏi cây đàn và âu yếm để anh tựa vào người chị. Anh mở mắt nhìn quanh hỏi trống không:

– Rạng về rồi hả?

Bất giác chị rùng mình:

– Anh nói gì? Ai đã uống với anh?

– Thì thằng Rạng chứ còn ai, cùng với hai người nữa, hẹn thứ bảy gặp mà bữa nay đã đến rồi, về không chào một tiếng!

Chị nghe khô khốc ở cổ họng, đắng ngắt nơi đầu lưỡi. Chị run rẩy ngồi xuống bên cạnh, nắm chặt hai bàn tay anh và nhẹ nhàng nói:

– Anh phải thật bình tĩnh nghe em nói nha, nha anh. Khuya hôm qua em gái anh Rạng đã nhắn tin cho em… thật ra em không đi thành phố mà đến nhà anh Rạng, em đã không dám nói với anh. Anh Rạng cùng với cấp phó của anh ấy và tài xế… cả ba người đã mất trong tai nạn giao thông hồi tối qua.

Anh điếng người, mặt tái nhợt, mồ hôi vã ra như tắm. Anh ngơ ngác, nghi hoặc nhìn chị rồi nhìn chỗ Rạng đã ngồi suốt từ trưa đến chiều, bàng hoàng nhớ đến cái nhìn tuyệt vọng, rỗng không, sâu hút của Rạng, cái nhìn của hư vô chất ngất. Trong trạng thái thất thần, cả thân người ốm yếu của anh bỗng run lẩy bẩy và anh bật khóc như một đứa trẻ. Chị ôm lấy anh, dịu dàng xoa nhè nhẹ vào ngực anh, dìu anh đi vào nhà, lấy nước ấm lau mặt cho anh, dỗ anh uống thuốc rồi đưa anh đến bên giường ngủ. Nỗi bàng hoàng, thảng thốt nhân đôi trong buổi đầu hôm giữa ngôi nhà vắng lặng. Chị kiên nhẫn ngồi nhìn anh chìm dần vào giấc ngủ rồi một mình trở ra sân. Gió từ phía bờ sông lồng lộng thổi vào, những chùm mận sai oằn đong đưa, trái rụng lộp bộp xuống nền đất. Chị bật bóng đèn vàng vọt treo dưới một cành mận thấp, lặng lẽ dọn dẹp, lau chùi, mang cây đàn trở vào nhà treo lên tường. Bên tai chị còn văng vẳng tiếng gào khóc thê lương của vợ Rạng, bà mẹ già đã chín mươi tuổi chết giấc mấy lần bên đống quần áo của Rạng, ánh mắt trong trẻo thơ ngây của ba đứa con Rạng (cha già con cọc!)… Cảm giác như mùi nhang khói đã bám theo chị về nhà đến giờ vẫn chưa tan, chị bắc một nồi nước chờ nó sôi lên và cho vào đó vài thứ có sẵn trong tủ lạnh, gừng, sả, vỏ quýt khô. Sau khi tắm gội và sấy khô tóc, chị tắt đèn và nhẹ nhàng vào nằm bên cạnh anh. Chị yên lòng khi nghe hơi thở anh đều đều bên tai và nhắm mắt cố không nghĩ tới điều gì khác ngoài giấc ngủ. Nhưng rồi chị vẫn lan man nghĩ đến sự ra đi đột ngột của Rạng, cách mà vợ Rạng sẽ đối phó với những tháng ngày sắp tới, thao thức mãi với câu chuyện tâm linh kỳ lạ đã xảy ra trong nhà mình… Mai không phải trực cuối tuần, chắc chị sẽ nói với anh làm một mâm cơm để cúng Rạng. Rồi chị còn phải lựa lời để anh đồng ý cho chị thay mặt đi đưa đám tang người bạn chí thiết của anh để tránh cho anh những cơn xúc động, dẫu biết rằng cho dù anh ở đâu thì khoảng trống mà Rạng để lại cũng đã làm anh quá hụt hẫng chơi vơi.

Chị tỉnh giấc bởi tiếng chuông đồng hồ báo thức như mọi ngày, tất cả mỏi mệt, đa đoan của một ngày qua như vẫn còn nguyên. Không thấy anh bên cạnh chị choàng dậy đi nhanh đến nhà tắm, cửa nhà tắm mở toang. Chị lật đật chạy ra phòng khách mở chốt đẩy tung hai cánh cửa lớn nhìn ra gốc cây mận. Chồng chị đang ngồi ở đó, đầu gối lên hai cánh tay khoanh lại đặt trên bàn. Chị lao tới bên cạnh anh, trên mặt bàn đá lạnh như băng, trước mặt anh là bình trà với hai tách trà đã nguội. Khi chị chạm vào bàn tay lạnh lẽo và lưng áo đẫm sương của anh, chị biết rằng anh sẽ không bao giờ còn tỉnh dậy nữa.

– Anh ơi!

Chị gọi anh bằng tiếng thét khàn đục, vỡ toác đớn đau, như chưa bao giờ biết rằng anh có thể sẽ ra đi bất cứ lúc nào, như tuôn đổ hết một lần những lo âu thống khổ từng dồn nén, những ân hận xót xa, những tiếc nuối vô hạn về chuỗi ngày hạnh phúc đã vụt  qua như bóng câu… Tiếng kêu gào như của một con thú cô độc vang lên trong sáng sớm nhưng đã khoan sâu vào tận buổi chiều tà của quãng đời còn lại sau này của chị, chắc sẽ còn đọng lại mãi với nỗi ám ảnh khôn nguôi.

K.N