Tiệm cận dần đến một áng thơ hay

908

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bài thơ (thi phẩm) được gọi chung là thi ca 詩歌(poetry/poésie) là chủng loại nghệ thuật mang tính cảm xúc và trí tuệ đỉnh cao, xếp hàng đầu trong các bộ môn nghệ thuật. Trong lĩnh vực văn chương, thi ca là mô hình ngôn ngữ được nhiều người thích nhưng hiểu và quan niệm về thơ thì mỗi người không giống nhau. Có người bảo thơ là tiếng suối róc rách của đại ngàn hoặc là giọng hót lảnh lót của chim sơn ca nơi đồng vắng. Cũng có ý kiến cho thơ là giai điệu thiêng liêng của tiếng hát bên trời hay là tiếng than khóc bi thương của những mối tình tan vỡ (Nguyễn Hiến Lê).

Từ điển bách khoa phương Tây định nghĩa thi ca là “Nghệ thuật phối hợp âm thanh, tiết điệu và tiếng nói của một ngôn ngữ nhằm đánh thức những hình ảnh, gợi lên những cảm giác và sự xúc động của con người” (1). Quan niệm này gần như cộng hưởng với tư tưởng thi vị của nhà thơ tượng trưng Pháp (2) “Hương thơm, màu sắc và âm thanh cùng lên tiếng”. Một cách phổ thông, để được coi là một bài thơ, trước tiên cần hội đủ các tiêu chí: Thơ = tư tưởng hay + âm nhạc.

Do vậy, một bài thơ hay dù chưa thực sự là tuyệt bút được quan niệm phải đáp ứng được những yếu tố cơ bản về chủ đề, nội dung  tư tưởng và nghệ thuật.

Với người cầm bút, ngoài đam mê bẩm sinh, kiến thức văn hóa tích lũy từ kiến thức kinh điển học hỏi ở trường lớp và nhiên liệu sống thực từ cuộc đời kèm theo ít nhiều tài năng trời cho. Người viết thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết  giàu tính hư cấu, rất cần óc tưởng tượng nhạy bén và vốn sống phong phú vì sáng tác là “Đi tìm cái đẹp trong tự nhiên”. Nhà phê bình đòi hỏi phải đọc nhiều tác phẩm bản địa và thế giới, nhất là những danh tác sáng giá nổi tiếng thế giới và thêm thông thạo ngoại ngữ để đáp ứng cho tiêu chí “Tìm cái đẹp trong nghệ thuật” (Hoài Thanh).

Nhà phê bình Hoài Thanh.

Thi ca trong lĩnh vực văn nghệ là một mô hình ngôn ngữ đặc biệt, không giống với các bộ môn văn học nghệ thuật khác. Những vần thơ hay không khác những sợi tơ vàng, những giọt sương trong hay những hạt kim cương trí tuệ được tinh kết trong một trạng thái xuất thần thật đồng bóng như được thần linh mặc khải cho người làm thơ. Đó là cái mạch cảm xúc dạt dào (emotion) – nguồn cảm hứng nồng nàn đê mê chỉ xuất hiện nhất thời trong khoảnh khắc hiếm hoi nhất định mà không thường xuyên. Do vậy, thơ hay không phải  lúc nào cũng làm được dù là một thiên tài về thi ca.

Các nhà văn học, phê bình gia và nhà từ điển học phân biệt hai loại thể văn chương: xăn xuôi (prose) và văn vần hay vận văn (rhythmic prose). Với người Việt Nam, người làm thơ thiết nghĩ trước tiên cũng nên đọc qua một số tác phẩm hàn lâm nổi tiếng để am tường các thể loại: lục bát (trong ca dao, truyện Kiều, truyện Hoa Tiên, truyện Bích Câu Kỳ Ngộ, một số bài thơ lục bát của Tố Hữu, Nguyễn Bính, Huy Cận, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Duy…), song thất lục bát (Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc…), thơ mới 5, 6, 7, 8 chữ (Hàn Mặc Tử Lưu Trọng Lư, Hồ Dzếnh, Xuân Diệu, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Hữu Thỉnh, Thẩm Thệ Hà, Viễn Phương, Song Hảo …), tứ tuyệt (Hồ Chí Minh, Yến Lan, Lý Bạch, Lạc Tân Vương, Trương Kế, Thôi Hộ, Lương Ý Nương, …), thất ngôn bát cú Đường luật (Bà  Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh, Tú Xương, Hàn Mặc Tử… ), thơ mới (Thế Lữ, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Hoài Vũ, T. T. Kh…), thơ mới phá cách hay tự do (Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Cung Trầm Tưởng…)

Điểm dị biệt nổi bật làm cho người yêu thơ nhận ra ngay là: ở thơ ngoài cái ý hay, lạ còn không thể thiếu cái tiết điệu nhịp nhàng (rhythmic) – tức âm điệu – thuộc phạm trù âm nhạc mà ta đã nói đến ở phần đầu. Do vậy, chân dung đích thực của một tác phẩm nghệ thuật được coi là thơ đòi hỏi phải có âm điệu (âm nhạc và tiết điệu). Không  tính đến những bài thơ tự do sáng tác không theo luật lệ thi pháp và những bài thơ văn xuôi không vần, câu dài ngắn tùy ý tác giả… Vừa phổ thông  vừa kinh điển, chân dung một thi phẩm đích thực là một sự đan kết hài hòa giữa nghệ thuật phối hợp âm thanh, nhịp điệu của từ ngữ – thuộc quỹ đạo thi pháp – trong môi trường nội dung với biên độ tư tưởng sâu xa thâm thúy chưa có ai nghĩ và nói đến.

Nói đến một áng thơ hay, ít ai đặt vấn đề đó là thơ mới hoặc thơ cũ, ngắn hay dài. Chỉ với một đôi câu thực sự dù chưa hẳn là tuyệt bút cũng có thể để đời, tác giả cũng lưu danh thiên cổ. Thơ thế giới gồm nhiều thể loại. Bài thơ ngắn nhất 3 câu như thơ Haiku của Nhật, 4 câu với thơ tứ tuyệt (quatrain) của Á Đông như trong kinh Thi, kinh Thư của Trung Quốc. Rồi đến thơ cổ phong với biến thể của nó là thơ mới ở Việt Nam có 3 hay 2 vần ở mỗi khổ, gần với thể thơ alexandrin được coi là gần gũi với thơ mới 5, 7 hoặc 8 chữ trong văn chương Việt Nam từ năm 1932 rất được các nhà thơ nổi tiếng ở nước ta như Xuân Diệu, Sóng Hồng, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính… sử dụng.

Ở Âu Mỹ, các nhà thơ tên tuổi như Homer (Iliad and Odyssey), Victor Hugo (L’Enfant – Trẻ thơ), Lamartine (Le lac – Cái hồ), Baudelaire (Ls fleurs du mal- Ác hoa), Rimbaud (Le bateauivre – Con tàu say), Verlaine (Le ciel au-  dessus le toit – Trời cao trên mái nhà),… Shakespeare (Spring – Mùa xuân), Whitman (Leaves of grass – Lá cỏ), Wordsworth (Lines written in early Spring – Mấy vần thơ xuân), Byron (When we two parted – Khi ta chia tay), Milton (Song on May morning- Khúc hát ngày xuân), Pushkin (Mozart), Tagore (Gitanjali – Lời dâng)… áp dụng thể loại này.

Hầu hết những bài thơ, câu thơ hay, ngoài ngôn ngữ chọn lọc có hình tượng, màu sắc thường sử dụng tu từ (Rhetoric- mỹ từ pháp) như biện pháp nhân hóa, so sánh, ẩn dụ, điệp từ, điển cố, biền ngẫu (phép đối), cường điệu (thậm xưng), cảm thán… tùy lúc để có được ý nghĩa bóng gió sâu xa có tác dụng làm rung cảm người đọc. Trong thi pháp (prosody), âm thanh, tiết điệu và vần tạo nên nhạc thơ, một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua đối với người cầm bút gieo vần.

Bài thơ thuộc vận văn (văn có vần) được coi luôn phải có vần mới gọi là thơ. Thơ Việt Nam, thơ Trung Quốc, thơ Tây phương đều nằm trong quỹ đạo thi pháp này. Trong thi ca Việt Nam, về thanh điệu, có hai loại vần (rhyme): vần bình (hay bằng) gồm những tiếng không có dấu và dấu huyền (ví dụ: lò mò lo cho trò/ ôi thôi rồi nồi xôi…) và vần trắc gồm tiếng có dấu sắc, nặng, hỏi, ngã (ví dụ: hiếu, thiểu, hiệu, tếu, níu). Về kỹ thuật, tùy theo vị trí, người ta phân biệt các loại vần trong một khổ thơ (strophe): vần liền, vần ôm, vần gián cách. Nhà thơ tùy cảm hứng, theo nội dung chủ đề bài thơ mà sử dụng vần bằng hay vần trắc. Các bạn sính làm thơ văn xuôi hoặc thơ tự do thì không bị ràng buộc nhiều đến những yếu tố quy định về luật thơ.

Một số câu thơ của thi sĩ Trung Quốc hay nhờ hình ảnh đẹp, độc đáo do tác giả khéo tìm tòi khám phá như: Lạc hà dữ cô vụ tề phi/ Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc (Ráng chiều và bóng cò lẻ cùng bay/ Nước thu cùng trời rộng cộng thành một màu) – Vương Bột (649-676) hoặc hai câu thơ của Thôi Hiệu (704-754) trong bài Đằng Vương các: Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu (Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai – Tản Đà dịch).

Nhà thơ trí tuệ đỉnh cao Chế Lan Viên khen ngợi những câu thơ Đường đầy tính ẩn dụ rất tài tình khéo gợi sự liên tưởng ở người đọc của tác giả Mùa cổ điển: Lụy nhớ mưa nguồn tuôn nượp nượp/ Tóc thề mây núi bạc phơ phơ (Quách Tấn) và hai câu thơ luật trong bài Khóc Bằng Phi của vua Tự Đức: Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y để lại dành hơi. Do vậy, con đường đến đỉnh cao thiên đường thi ca quả thật là nhiêu khê, khiến cho nhà thơ Giả Đảo (779-843) đời Đường đã phải xúc động than: Nhị cú tam niên đắc/Nhất ngâm song lệ lưu (Làm xong hai câu thơ trong ba năm/ Ngâm xong một tiếng, hai hàng mắt chảy ròng).

Nhà thơ Chế Lan Viên.

Theo quan điểm đánh giá chung một bài thơ, người ta chú ý đến nội dung, chủ đề, tư tưởng và thi pháp trong đó gồm có âm điệu, ngôn ngữ, và phong cách nghệ thuật của tác giả. Tuy vậy, việc đánh giá một bài thơ hoặc tác phẩm văn học còn tùy ở phương pháp sáng tác (lãng mạn, tả chân, tự nhiên, hiện thực xã hội chủ nghĩa,…), trường phái phê bình (phê bình xã hội học, phê bình phân tâm học,…) và trình độ, vị trí, kiến thức của người nhận định, phê phán. Cho nên, rất nhiều trường hợp cùng một bài thơ mà người này ca ngợi nhưng người kia lại không tán thành là một điều rất thường xảy ra trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Dù sao, một bài thơ, một thi phẩm hay đích thực có giá trị không gian và thời gian sẽ mãi tồn tại với hậu thế với những ưu điểm vượt trội mà bất cứ ai cũng phải công nhận. Có thể đó là những tác phẩm văn chương toàn bích ngoài giá trị về bút pháp, phong cách nghệ thuật, còn chứa đựng chủ đề tư tưởng bàng bạc trong nội dung đạo lý, tính nhân văn lẫn bài học dạy làm người tốt ưu việt điển hình trong xã hội như truyện Kiều của Nguyễn Du, Iliad và Odyssey của Homer, Faust (I và II) của Goethe, Thanh bình điệu của Lý Bạch, Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu. Trong hoàn cảnh chiến tranh của Việt Nam, trường ca Việt Bắc của Tố Hữu, bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân… nổi bật giá trị ở sự ca ngợi đất nước, con người trong kháng chiến, các bài Tặng Bùi Công, Nguyên Tiêu của Hồ Chí Minh (1890-1969) là những bài thơ sáng giá khởi sắc. Ngoài những ưu điểm vượt trội về phong cách nghệ thuật của những thi sĩ bậc thầy còn tỏa sáng chói lọi chân dung lạc quan của người chiến sĩ yêu nước và lãnh tụ kháng chiến trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước, tất cả xứng đáng là những áng thơ khởi sắc trong văn học Việt Nam được giảng dạy trong chương trình giáo khoa ngữ văn của nước nhà.

N.T

(1) Le petit nouveau Larousse (1996): “Art de combiner les sonorités, les rythmes, les notes d’une langue pour évoquer des images, suggérer des sensations et des émotions”

(2) Charles Baudlaire (1821-1867): “les parfums, les couleurs et les sons se répondent”