Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ: Bóng đao ánh kiếm chạnh niềm thiên thu

859

Phùng Văn Khai

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ là một người khá nổi tiếng trong giới nghiên cứu lịch sử. Ông còn nổi tiếng khi chủ trì các diễn đàn, câu lạc bộ về thơ Đường, một điều có phần lãng phí thời gian và sức lực, nhưng với ông nào có hề gì.

Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ.

Với riêng họ Phùng, ông đặc biệt nổi tiếng bởi trong các cuộc Hội thảo Khoa học cấp toàn quốc do họ Phùng khởi xướng và đồng chủ trì với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, các cơ quan có liên quan theo đặc thù mỗi Hội thảo, thì Đinh Công Vỹ, với cái duyên gắn kết họ Phùng luôn là người đi tiên phong, bộ đội chủ lực, con át chủ bài, cây đại đao hiệu quả và thuyết phục nhất trong những chương trình tầm vóc ấy.

Tôi là hậu duệ sinh sau ông ba mươi năm, không phải trải qua những đắng cay cơ cực của các cuộc chiến tranh, không phải chịu sự khốn khó về vật chất, cũng khác xa về lối sống, môi trường công tác… vậy mà không hiểu tại sao lại vô cùng gắn bó với vị Tiến sĩ họ Đinh. Có thể chỉ nhìn vào mắt nhau là hiểu sẽ nói gì, sẽ làm gì. Chúng tôi luôn tin tưởng nhau một cách tuyệt đối. Ngay cả những sự mờ khuất của lịch sử chẳng dễ gì vén được ra thì cũng mau chóng nhất trí ở các phán đoán khoa học, lấy sự nhân văn, đạo đức, tiến bộ làm đầu. Nghĩa là ở những khoảng mờ ấy, hậu nhân hãy học cách ứng xử của tiền nhân, hãy biết quên đi những nhỏ nhen độc ác mà cùng chung tay góp sức cho nghĩa lớn, cho những dài rộng của tương lai.

Khi tiến hành các Hội thảo Khoa học với Tiến sĩ Đinh Công Vỹ, họ Phùng luôn trân trọng mời và tạo điều kiện để ông thể hiện mọi sở trường sở đoản của mình. Đinh Công Vỹ có thể làm việc thâu đêm suốt sáng, có thể đi điền dã hàng tuần, thậm chí hàng tháng vừa học hỏi cầu thị vừa hăm hở say mê. Ông từng tuyên bố tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám rằng, ông say mê viết cho họ Phùng nhất trong các dòng họ, rất khâm phục sự đồng hành, chia sẻ của Trung tướng Phùng Khắc Đăng – vị Chủ tịch Hội đồng và Tiến sĩ Phùng Thảo – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng họ Phùng Việt Nam. Đừng tưởng họ Phùng không dày công đi điền dã. Cũng đừng nghĩ rằng họ Phùng đã mời các nhà khoa học thì không tự lấy thân mình làm gương. Hai mươi sáu nhà khoa học tên tuổi, đặc biệt là Đinh Công Vỹ đã phải trầm trồ thán phục trước tham luận khoa học về Bố Cái Đại vương Phùng Hưng của Tiến sĩ Phùng Thảo dày 80 trang A4 sau chuyến đi ròng rã một năm trời tới 50 đình, đền, chùa, miếu ở các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nghệ An… nơi thờ Bố Cái Đại vương. Tuy nhiên, với cách làm khoa học và trọng thị nhân sĩ trí thức, Hội đồng họ Phùng Việt Nam luôn coi việc mời các nhân sĩ trí thức, nhà khoa học, đặc biệt giới nghiên cứu lịch sử cùng đồng hành, chia sẻ với họ Phùng là điều tiên quyết, thậm chí là sống còn. Hơn mười năm hoạt động của Ban Liên lạc, nay là Hội đồng đã minh chứng điều đó.

Tiến sĩ Đinh Công Vỹ từng tham gia làm việc với nhiều dòng họ, có không ít thành công và nhận được sự quý mến của mọi người, nhưng như ông từng tâm sự, chỉ khi đến với họ Phùng ông mới phát huy được hết những phẩm chất và năng lực nổi trội nhất, mới có những trang viết khoát hoạt nhất, khắc họa ở mức sâu nhất những nhân vật lịch sử mà ông hằng yêu thích. Một Bố Cái Đại vương Phùng Hưng vốn được Đinh Công Vỹ nghiền ngẫm từ hàng chục năm, ông sinh sống cách Đường Lâm một khoảng ngắn, thường xuyên trò chuyện với các cụ thủ từ nơi đền miếu ở đây nên rất thuận lợi trong công tác nghiên cứu, tìm tòi cái mới từ thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của đức vua. Lần nào trình bày tham luận trong các Hội thảo họ Phùng, Đinh Công Vỹ cũng đều cháy hết mình, khẩn thiết và nghiêm cẩn một cách thái quá khiến người tham dự không khỏi cho ông là lên gân.

Đặc biệt những nhân vật lịch sử họ Phùng đánh quân phương Bắc như Phùng Hưng, Đinh Công Vỹ dường như rất khoái. Những căm giận của ông về sự hiểm ác, trí trá, đè đầu cưỡi cổ một cách có hệ thống và truyền kiếp của giới cầm quyền phương Bắc khiến vị Tiến sĩ họ Đinh luôn nổi đóa lên. Ông mắng mỏ gian hùng phương Bắc như chúng đang ở ngay trước mặt mình. Rồi ông say sưa tìm đủ mọi bằng chứng kết tội trí trá lưu manh của chúng không phải trong lịch sử mà ngay cả hôm nay khiến không ít người dè dặt và chủ tọa phải nhắc nhở. Ông như quên mất bản thân mình, mặc kệ những tai họa không đâu có thể giáng xuống bất kỳ lúc nào từ những sơ hở của ông mà tồng tộc nói hết tâm can trước mối họa phương Bắc. Đây cũng là điểm đáng yêu của ông nhưng cũng khiến những người làm công tác tổ chức phải tính toán. Chúng ta không nhất thiết phải gây hấn và gây sự những thứ nằm ở khu vực khác. Nếu có một Hội thảo về tính xấu của người phương Bắc, hẳn Tiến sĩ Đinh Công Vỹ sẽ chẳng tiếc sinh mạng mình mà chiến đấu tới hơi thở cuối cùng.

Anh em họ Phùng luôn ghi nhận tấm lòng sắc son và sự sáng tạo không ngừng của Tiến sĩ Đinh Công Vỹ. Khi tổ chức Hội thảo Thái phó Phùng Tá Chu – Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp đã gặp phải những khó khăn, thậm chí là rất khó từ chính sử. Ngay lập tức, cây đại đao Đinh Công Vỹ xuất chiến với những luận cứ khoa học lịch sử xuất sắc. Bằng kiến thức và sự nhạy bén khác thường, cộng với những chia sẻ và phán đoán chuẩn xác của những Nhà nghiên cứu, Nhà văn tâm huyết như Hoàng Quốc Hải, Đặng Văn Sinh, Nguyễn Văn Sơn, Phạm Minh Quân, Nguyễn Hữu Sơn, Phạm Minh Đức, Phạm Xuân Nguyên, Trần Ngọc Vương, Vũ Bình Lục, Phạm Lưu Vũ… Bộ đội chủ lực Đinh Công Vỹ với văn phong riêng biệt đã không chỉ xuất sắc thể hiện bài Chúc văn lay động lòng người mà Tham luận khoa học của ông đã tiên phong mở đường phản biện lại sự thiếu công bằng, cứng nhắc, giáo điều, lạnh lùng đến thất nhân tâm từ chính sử.

Cùng với những Nhà nghiên cứu tâm huyết khác, cuộc Hội thảo Thái phó Phùng Tá Chu – Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp đã gây tiếng vang lớn, tạo sự chuyển động về nhận thức về bộ đôi nhân vật lịch sử lừng danh Phùng Tá Chu – Trần Thủ Độ mà đã bảy tám trăm năm còn chưa tường minh hết. Trước, trong và sau Hội thảo, tôi luôn thấy bộ ba Đinh Công Vỹ – Hoàng Quốc Hải – Đặng Văn Sinh gắn kết, trăn trở, xét lên xét xuống từng câu từng chữ ở trong quốc sử, văn bia, sắc phong, gia phả rồi đối xét cùng sách vở đông tây kim cổ để soi rọi những tồn nghi mà do lười nhác của các thế hệ làm công tác nghiên cứu lịch sử đã lãng quên đi. Đây cũng là bài học lớn đối với người làm công tác nghiên cứu lịch sử. Có người chỉ dựa vào vài dòng chính sử đã có thể kết luận bừa bãi công tội của các bậc tiền nhân lừng danh, thật đáng xấu hổ lắm thay.

Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ có một đặc tính nổi trội hơn người đó là sự say mê nghiên cứu lịch sử đến tận cùng. Đã nhiều lần tôi e ngại, thậm chí còn hãi sợ khi ông với nhiệt huyết và lòng tôn trọng lịch sử, đã quả quyết và nằng nặc dốc sức chứng minh những khuất khúc tày trời của lịch sử. Những loạt bài viết về Nguyên Phi Ỷ Lan, Thái hậu Dương Vân Nga, Thái sư Lê Văn Thịnh, Học sĩ Nguyễn Thị Lộ… gây chấn động dư luận, tạo sự nhận thức lại, gây tranh cãi lớn, thậm chí là đảo lộn sự bình yên vốn có của những nhân vật lịch sử. Tôi luôn có cảm giác, dẫu có gươm kề cổ súng kề tai Tiến sĩ Đinh Công Vỹ vẫn sẽ không viết khác. Đó chính là dũng khí của họ Đinh.

Đó chính là khí độ của một sử quan không dễ gì có được trong cuộc sống. Càng nghĩ về cuộc dấn thân tìm tới tận cùng sự thật; truy bức sự giả dối, ngụy tạo; khai mở những vấn đề chính yếu của lịch sử; vén những bức mây mù thậm chí là hỏa mù do con người đương đại cố tình gây ra, Đinh Công Vỹ mặc kệ bóng đao ánh kiếm tầng tầng khi công khai tứ bề chụp xuống khi âm thầm thập diện mai phục, họ Đinh cứ điềm nhiên khai hỏa từng bài, từng nhân vật, từng vấn đề còn khuất lấp, còn ngụy tạo của lịch sử bất chấp những đe dọa ở xung quanh. Riêng về điểm này, cá nhân tôi luôn thán phục ông.

Khi đọc loạt bài ông viết về Nguyên Phi Ỷ Lan và Thái hậu Dương Vân Nga, tôi cho rằng Đinh Công Vỹ cầm chắc cái chết, nếu không chết cũng chín chết một sống, sống không bằng chết. Đừng tưởng chốn vua chúa cung đình, dẫu là thời đại minh quân thánh chúa là không có oan khiên. Đừng tưởng những vị vua, hoàng hậu khai quốc lập nước, quyền lực ôm trùm triều chính là luôn minh bạch. Điều nay Đinh Công Vỹ biết lắm! Còn biết với tay ông! Họ Đinh cứ lừng lững như võ sĩ trên sới vật quật ngã từng mảng bóng đen xuống dưới chân mình. Những bóng đen âm u chờn vờn cũng không phải loại vừa, chúng hè nhau chế áp nhà nghiên cứu lịch sử. Vỏ quýt dày gặp móng tay nhọn. Kẻ tám lạng người nửa cân đấu với nhau đằng đẵng bao nhiêu năm. Có những lúc tưởng chừng bóng đao ánh kiếm đã khuất phục tiến sĩ họ Đinh. Hoặc giả tiến sĩ họ Đinh vốn cũng người trần mắt thịt, cũng tự lượng sức mình mà thôi đi cho, nào ngờ càng ngày Đinh Công Vỹ càng chứng tỏ mình là một cao bồi già không dễ gì khuất phục.

Cái sự kiên gan kiên cường ấy có được trước tiên bởi sự trung chính với Tổ quốc, với dân tộc, với nhân dân. Đinh Công Vỹ đứng trên nền tảng này mà nghiên cứu và đưa ra những bài học và kinh nghiệm lịch sử. Bởi vì vậy ông không dễ gì bị quật ngã, kể cả là ám toán.

Có sự kiên gan, kiên cường bởi ông luôn tin vào sức mạnh của chính nghĩa, của sự thật. Cho dù sự thật có đớn đau, éo le, thậm chí là nhục nhã bao nhiêu vẫn là sự thật của lịch sử. Chúng ta không thể đẩy Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống ra khỏi danh sách người Việt. Chúng ta càng không thể nhìn sự chói lóa của long bào, long ngai, những quyền uy sấm sét thay đổi ngôi nước bất minh diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật mà không dám vạch trần sự thật. Đinh Công Vỹ càng không. Những trang ông viết về Thái hậu Dương Vân Nga quả đã kinh động quỷ thần, khiến người đời vừa hãi sợ vừa khâm phục.

Đinh Công Vỹ còn có một niềm tin lớn vào chính mình. Bản thân ông không chỉ có kiến thức vững vàng về sử học mà còn có niềm tin từ chính các bậc thầy không ít người đã khuất truyền lại cho ông. Người đời trùm phủ bóng đao ánh kiếm vây bọc ông thì ông cũng khiên giáp kiếm cung đầy đủ lắm. Đinh Công Vỹ như một chiến binh độc cô cầu bại không sợ hãi điều gì. Mà việc quái gì ông phải sợ? Làm sao chúng ta phải sợ bóng tối trong khi chúng ta là ánh sáng? Tại sao chúng ta phải sợ cường quyền trong khi chúng ta nắm quyền năng là lẽ phải? Có lẽ nào người ngay sợ kẻ gian? Đấy! Đinh Công Vỹ luôn suy nghĩ như vậy, nên sẽ dẫn đến những hành động táo bạo, có lúc chỉ một thân một mình vì những kẻ khôn ngoan khác đã rút sạch đi thì họ Đinh vẫn bất chấp xông lên.

Đó chính là tiết tháo của kẻ sĩ.

Ở các công trình nghiên cứu lịch sử của Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ luôn hàm chứa không chỉ những câu chuyện lịch sử hấp dẫn, những tường minh và phản biện, những truy vấn và làm rõ đến tận cùng mà ông đã còn đặt ra những vấn đề lớn, những câu hỏi lớn trong dòng chảy lịch sử vốn không ít lúc người có trách nhiệm đã cố tình uốn nắn cho thuận mắt, thuận tai giới cầm quyền bất chấp sự thật lịch sử.

Thì ở những công trình ấy, Đinh Công Vỹ sẽ lại nổi đóa lên, lại bất chấp bóng đao ánh kiếm, lại một thân một mình xông vào trường văn trận sử mà khiêu chiến và tác chiến đến cùng. Đó vừa là năng lực cần được giải phóng vừa là khát vọng đam mê vươn tới của ông.

Tôi thấy Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ lúc nào cũng sôi sùng sục. Ở ông không có khái niệm nghỉ ngơi. Kể cả đã cùng nhau tranh luận chán chê, đã đi ròng rã nhiều ngày, nhưng bữa sáng, bữa trưa, bữa tối khi đang ăn, Đinh Công Vỹ cũng hăng say quên cả giờ giấc thao thiết nói về lịch sử. Mỗi khi điện thoại, thường chỉ một mình ông nói, chỉ toàn chuyện lịch sử, những sai sẩm của lịch sử, những trí trá ở đâu đó xa lắc lơ cũng khiến ông nổi nóng, ngay cả sự lười biếng của người đời ông cũng cho rằng sẽ làm phương hại tới lịch sử… Cứ như thế, Tiến sĩ họ Đinh đi từ chủ đề này sang chủ đề khác, triều đại này sang triều đại khác, nhân vật lịch sử này sang nhân vật lịch sử khác một cách quá say mê. Tôi có cảm giác rằng, nếu có cách nào đó để ông nhảy vào trong thùng mực rồi lăn ra trên mặt giấy với đủ các câu chuyện lịch sử của mình được hiện hình thì mới thỏa chí bình sinh để ông giải quyết những ấp ủ của ông.

Đinh Công Vỹ cũng là người rất biết tiếp thu. Phản biện nhau, thậm chí là cãi cọ cũng phải từ khoa học lịch sử, cũng phải bằng tác phẩm. Có những người nói rất hay, hùng biện sắc sảo nhưng rốt cục chỉ là những thứ anh nói ra đằng miệng, khẩu thiệt vô bằng, tác phẩm là con số không tròn trĩnh thì người đời cũng chẳng biết cách nào để định lượng anh, vinh danh anh. Lại có những người nói năng khó nhọc, ít thuận tai thiên hạ nhưng những công trình của họ đều là những hòn đá tảng trong mỗi chuyên ngành, nhất là chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn, đặc biệt là lịch sử, thì họ vẫn xứng đáng là những bậc thầy. Những người này không ít người đã được đặt tên phố tên đường. Nhân dân ta vốn tinh tường lắm.

Những tác phẩm, công trình của Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ rất phong phú, bao hàm nhiều lĩnh vực. Ông không chỉ hay nói ngoài đời, thao thao trong điện thoại mà còn viết rất rành mạch, khúc triết, kỹ lưỡng, muôn hồng ngàn tía trong hàng chục cuốn sách đủ mọi thể loại của ông. Ở đâu ra sức lực và nguồn năng lượng chừng như vô tận đó? Lão tiến sĩ cũng đã ngót nghét tám mươi vẫn luôn có mặt ở tuyến đầu. Chỉ riêng với họ Phùng, các cuộc hội thảo khoa học: Họ Phùng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước; Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan – Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp; Thái phó Phùng Tá Chu – Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp; Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng – Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp Tiến sĩ Đinh Công Vỹ không chỉ đảm đương viết những tham luận nòng cốt mà ông còn tham gia biên soạn toàn bộ các tham luận trong Kỷ yếu và luôn xung phong viết Chúc văn cho các nhân vật lịch sử trong Hội thảo. Viết Chúc văn là việc cực khó không chỉ bởi với thể loại song thất lục bát vốn đòi hỏi niêm luật nghiêm nhặt mà còn phải là người am tường những điển cố sâu xa, một kiến văn rộng lớn và đặc biệt phải có tấm lòng kính ngưỡng tiền nhân mới có thể dễ dàng thể hiện một cách vừa chặt chẽ vừa khoáng hoạt thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của các vị anh hùng.

Những tác phẩm Chúc văn đã được viết ra đã là một thành tựu riêng của Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ.

Dù đã nhiều năm, trong không khí linh thiêng nơi Đường Lâm cổ tự, mỗi buổi sáng ngày mùng 8 tháng Giêng, mỗi khi thấy Tiến sĩ Đinh Công Vỹ mũ đỏ, quần áo đỏ, đôi hia đỏ trang nghiêm đọc chúc văn ca ngợi công đức của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng trong khói hương trầm mặc ai ai cũng như thấy tiếng vọng của hào khí non sông ăm ắp ùa về. Từng câu, từng lời vang lên trong tiếng chiêng tiếng trống như càng thúc giục mỗi người phải biết trân trọng những giá trị văn hiến của cha ông. Tôi thấy Tiến sĩ Đinh Công Vỹ như hóa thân vào một vị đại quan bộ Lễ đang đĩnh đạc tuyên đọc hịch văn trước triều đình. Ở đó toát lên vẻ đẹp nghìn năm, khí chất mã thượng, thanh cao, nhân văn của muôn dân Lạc Việt.

Ở nước ta hiện nay có nhiều người làm công tác nghiên cứu lịch sử nhưng người thực sự làm việc có tâm, có tầm và công minh như Tiến sĩ Đinh Công Vỹ quả là rất hiếm. Không như những người khác lựa gió xuôi chiều làm vừa lòng Ban tổ chức, vừa lòng hệ thống công quyền của các giai đoạn cầm quyền trong lịch sử, Đinh Công Vỹ luôn toát lên tinh thần khoa học, tinh thần kiếm khách thượng tôn sự thật, mong muốn phải biết tường tận cả mặt phải và mặt trái của lịch sử, mặc kệ những gì tưởng như đã ổn định, đã đóng đinh trong chính sử. Đây chính là con đường gai góc nhất mà vị Tiến sĩ họ Đinh cam tâm tình nguyện lựa chọn cho chính mình. Lựa chọn con đường này là chấp nhận sự cam go, lúc nào cũng phải đương đầu với những bộ óc bách khoa đã sản sinh ra những công trình bách khoa về lịch sử như Ngô Sĩ Liên, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Ngô Thì Nhậm… thật chẳng dễ dàng gì. Nếu ở một người khác, chắc đã tự thoái lui từ lâu. Nhưng đây là Đinh Công Vỹ nên mọi thứ đã rất khác. Những cuốn sách, công trình mà ông trình bày ra, có người hoặc ngay cả bản thân ông cũng nói rằng đó là Bên lề chính sử tôi thấy rằng quả là chưa thỏa đáng, chưa đích đáng với cống hiến và sức lực của ông, chưa công bằng với ông và những tác phẩm mà ông đã công bố. Ở đây tôi muốn nói thêm, chính những gì tưởng như dông dài, đậm tính huyền sử, đưa văn học vào lịch sử như Chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam; Chuyện tình kẻ sĩ Việt Nam; và sắp tới là Chuyện tình dân dã Việt Nam đã khiến không ít người nghiên cứu đồng thời hồ nghi vào tính khoa học và sức vóc của các công trình của Tiến sĩ Đinh Công Vỹ.

Ở ta định luận về làm sử nó là thế chăng? Hay nói như cách nói của cố Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến là cái nước mình nó thế. Tôi lại cho rằng khác, rất khác. Chính những ngóc ngách của lịch sử, từ những chuyện tình được lưu giữ trong dân gian kia phải luôn là một phần quan trọng nhất của lịch sử. Nếu lịch sử chỉ dựa vào những văn bản vốn chẳng nhiều nhặn gì, lại luôn khô cứng, giáo điều thì dân tộc Việt đã chẳng phát triển hùng mạnh được như hôm nay. Bản sắc văn hiến Việt Nam, tầm vóc văn hóa Việt Nam, bản lĩnh con người Việt Nam có được phải được hun đúc từ ngọn nguồn phong phú và linh hoạt của mọi tầng lớp, một điều quá hiếm trong chính sử.

Bởi những lý do ấy, tôi luôn khâm phục Tiến sĩ Đinh Công Vỹ, khi ông đã một mạch mấy mươi năm đi vào tận cùng mọi ngóc ngách của cuộc sống, mọi điểm mờ trong chính sử, những ánh vàng trong dã sử, đường mòn lối mở của huyền tích dân gian để khai mở và trình ra những quan điểm, chính kiến, bài học quý giá của lịch sử. Đây cũng chính là bản lĩnh cao cường, tầm vóc đai đẳng nhất của Đinh Công Vỹ. Ông đã chịu nhiều búa rìu, thậm chí là phủ định, thành kiến, khinh khi những tác phẩm thấm đẫm mồ hôi và trí tuệ đằng đẵng mấy chục năm. Đây cũng chính là sự thiếu công bằng, thiếu sòng phẳng, sự áp đặt vô căn cứ khiến những người thiếu bản lĩnh sẽ dễ dàng chùn bước.

Nhưng đối với Đinh Công Vỹ thì tuyệt nhiên không.

Đó mới là Đinh Công Vỹ.

Ông đã từ lâu bỏ mặc những bóng đao ánh kiếm của người đời. Ngay cả những bậc khoác áo đa đề, những kẻ mũ cao áo rộng trà trộn trên cao hòng thao túng các giá trị lịch sử Đinh Công Vỹ dường như cũng không mấy bận tâm. Ông không hề sợ hãi còn sẵn sàng khiêu chiến và khai chiến nếu thấy cần thiết phải bảo vệ sự thật lịch sử. Thậm chí ông còn có cách chế áp riêng. Ông phán đoán và sáng tạo rất tài tình những uẩn khúc của lịch sử. Điều này thì những kẻ lười nhác, tâm địa bất minh không thể bì được, càng không thể phán đoán và sáng tạo trên cái tâm trong sáng như ông nên dường như chúng cũng mặc kệ họ Đinh. Điều này cũng chẳng biết nên buồn hay nên vui nữa.

Gần một đời làm công tác nghiên cứu lịch sử, duyên nợ ba sinh, độc mã đơn thương dặm trường tự quyết, luôn không hổ thẹn với chính lòng mình, với lịch sử và nhân dân, dường như Đinh Công Vỹ đã đi trọn con đường không một chút ấm êm phẳng lặng mà đầy rẫy thác ghềnh bóng đao ánh kiếm mà vẫn an toàn cho tới hôm nay đã là một đặc ân của tạo hóa dành cho Đinh Tiến sĩ. Một điều lạ là Đinh Công Vỹ cũng chẳng đòi hỏi gì cho riêng mình. Tiền tài, danh phận, ngay cả những thứ vui chơi thường nhật Đinh Công Vỹ cũng chẳng đam mê thái quá điều gì. Nước chảy chân cầu. Hoa tàn lá rụng. Đời người xưa tới nay bao gồm cả thánh chúa minh quân tới gian thần ác tặc rồi cũng về chốn cát bụi vô cùng. Sống làm sao thấy ổn thỏa với chính mình là được. Đến lúc này đây, tôi mới giật mình thấy Tiến sĩ họ Đinh hóa ra đã từ lâu ngộ được đạo trời. Đã biết buông bỏ những gì cần buông bỏ. Sôi sùng sục đấy nhưng cũng rất tùy duyên. Đi đến tận cùng, đến máu chảy đầu rơi nhưng cũng biết uyển chuyển linh hoạt tìm sự bình yên trong bóng đao ánh kiếm.

Tiến sĩ Đinh Công Vỹ, ở những lúc gần gũi ông nhất, tôi luôn cảm thấy sự hấp dẫn đặc biệt từ chính sự say mê lịch sử của ông. Ông say mê đến độ có lúc tưởng như quên đi chính mình, quên đi gia cảnh của mình. Cuộc đời vốn đường xa dặm thẳm. Có biết bao nhiêu thứ không theo được ý ta. Bao việc bao người lỡ dở. Bao năm bao tháng đã trôi đi như nước kia xuôi về biển một đi không trở lại. Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân. Những lúc như lúc đó, tôi đã thấy được không ít bất công đã giáng vào ông, đã gây cho ông không ít đớn đau, phiền não. Ở con người hay cười hay nói ấy có những lúc cũng lặng đi, trầm xuống bởi chất chứa quá nhiều tâm sự. Tảng trán vát lên kia, đôi mắt luôn ngạo nghễ kia, cái miệng luôn tươi tắn kia dường như không ít lúc đã phải hằn lên, thắt lại, mím chặt để khỏi thảng thốt kêu lên ôi chao sự giá họa không riêng gì có từ lịch sử đâu mà ngay ở hôm nay, ngay lúc này đây, ngay ông đây cũng đang phải giáp mặt, phải vật lộn với chúng.

Bóng đao ánh kiếm chạnh niềm thiên thu. Sao? Ý này liệu có đúng với bản chất của ông không? Một con người đã trót đam mê văn chương và lịch sử thì việc phải sống chung với bóng đao ánh kiếm cũng là lẽ thường hằng. Còn cái gọi là chạnh niềm thiên thu ấy hãy để cho hậu sinh định luận.

P.V.K