Tiến sỹ nước dừa – Bút ký của Trần Thanh Chương

210

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đó là tên gọi vừa thân mật, vừa tự hào của những người lính quân y Quân khu 9 đối với Đại tá, bác sỹ, thầy thuốc ưu tú Võ Tá Thông, bởi ông là vị Tiến sỹ y khoa đầu tiên của Quân khu này. Với tôi, ông không phải là người xa lạ. Tôi từng là thuộc cấp của ông gần chục năm khi ông còn làm giám đốc Bệnh viện quân y 121, đồng thời cũng là người thân thiết, sống gần gũi với ông non bốn chục năm qua. Chính vì vậy, tôi được biết khá nhiều về cuộc đời ông. Tuy nhiên, để viết cho chính xác về ai đó, tôi phải có một cuộc “phỏng vấn”. Tôi đã chọn dịp thuận tiện nhất, ấy là khi gia đình tổ chức liên hoan mừng ông nhận “Huy hiệu bảy mươi năm tuổi Đảng”.

Ông Năm Thông – Võ Tá Thông

Hôm đó, ông vui lắm. Dù đã bước qua tuổi 90, trí nhớ của ông vẫn còn rất tốt. Chuyện ông kể bắt đầu từ Cách mạng tháng 8/1945. Năm ấy, chàng trai Võ Tá Thông tròn 17 tuổi, vừa nhận bằng Thành chung tại trường Trung học Colege Vinh. Đáng lẽ đến cuối năm, ông ra Hà Nội học tiếp chương trình Tú tài. Nhưng thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, chiến tranh xảy ra, việc học hành của ông dang dở. Đầu năm 1946, cũng như bao chàng trai “xếp bút nghiên đi theo kháng chiến”, ông tạm biệt quê hương Đức Thọ, Hà Tĩnh lên đường nhập ngũ. Sau khi theo đoàn quân Nam tiến vào đến mặt trận Nam Trung Bộ, ông được cử đi học lớp y tá tổ chức tại Huế do bác sỹ Nguyễn Thiện Thành phụ trách. Tốt nghiệp, ông trở về mặt trận Quảng Ngãi phục vụ chiến đấu cho đến năm 1952 thì được cử ra chiến khu Việt Bắc học lớp quân y sỹ. Ra trường, ông vinh dự được theo Đội phẫu thuật số 1 do Giáo sư Tôn Thất Tùng làm đội trưởng lên phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Kể đến đây, mắt ông ánh lên niềm tự hào. Ông bảo: đó là quãng thời gian đẹp đẽ và đáng nhớ tr ong suốt cuộc đời quân ngũ của mình. Không những ông đã góp công, góp sức vào chiến dịch lịch sử, mà quan trọng hơn, là học được rất nhiều về chuyên môn kỹ thuật ở những bác sỹ nổi tiếng từ thời Pháp thuộc.

Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, nhờ vốn tiếng Pháp thông thạo, ông được cử làm tổ trưởng Tổ quân y phục vụ Phái đoàn quốc tế giám sát hiệp định Giơ-ne-vơ gồm ba nước: Ba Lan, Ấn Độ và Canada. Năm 1956, ông là một trong số 6 sỹ quan quân y đầu tiên thi đỗ vào Trường đại học y khoa Hà Nội. Nhưng ông chỉ học ở đây 2 năm, những năm còn lại, ông cùng các đồng đội chuyển về học tiếp tại Trường sỹ quan quân y vừa mới thành lập ở Hà Đông. Tuy nhiên, bằng tốt nghiệp bác sỹ của ông vẫn do giáo sư Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng Trường đại học y khoa Hà Nội ký. Tốt nghiệp loại giỏi, ông được về nhận công tác tại Khoa chấn thương Bệnh viện quân y 108. Theo ông, ba năm làm việc ở bệnh viện tuyến cao nhất của Quân đội này đã giúp ông tích lũy thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực hành ngoại khoa bổ ích, tạo cơ sở cho ông hoàn thành tốt nhiệm vụ của người bác sỹ quân y tại mặt trận phía Nam về sau.

Ngày 5/8/1964, Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Một tuần sau, với quân hàm Đại uý, ông tạm biệt vợ con vào mặt trận phía Nam bằng con đường đặc biệt. Lúc này, phong trào cách mạng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang phát triển, lực lượng vũ trang lớn mạnh, nhiều cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra. Ngược lại, ngành quân y ở đây lại rất yếu, thiếu y bác sỹ, thiếu trang thiết bị và thuốc men để cứu chữa thương bệnh binh. Bộ Quốc phòng quyết định tăng cường đội ngũ quân y cho mặt trận này theo hai con đường: vượt Trường Sơn bằng đi bộ và vượt biển Đông bằng “tàu không số”. Mặc dù gia đình ở ngay Hà Nội, nhưng ông chỉ được về gặp vợ con đúng một tiếng đồng hồ trước lúc “Nam tiến” lần hai.

“Tàu không số” là lực lượng đặc biệt của Hải Quân ta chuyên bí mật vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam theo con đường đã đi vào huyền thoại, mà sau này ta gọi là “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Ngày 15/8/1964, tàu xuất phát từ Đồ Sơn, Hải Phòng (trên đó có ông và Thượng uý, bác sỹ Trịnh Phúc Tiến) rẽ sóng nhằm hướng đảo Bạch Long Vĩ tiến ra hải phận quốc tế. Tàu sắt có trọng tải chừng 100 tấn với khoảng 15 thủy thủ, dưới tàu chất đầy vũ khí, trên mặt boong để lưới đóng giả tàu đánh cá. Ngày đầu tiên, hai bác sỹ vui vẻ ngắm trời, ngắm biển. Ngày hôm sau, hai ông bắt đầu say sóng, đầu óc quay cuồng, nôn thốc nôn tháo, nằm liệt sàn không ăn uống gì được. Ông cười:

– Lúc đó mê mệt, chẳng còn biết trời biển là gì, thành ra các thủy thủ lại phải “cấp cứu” hai ông bác sỹ.

Sau một tuần chạy dọc hải phận quốc tế, tàu vào đến biển Cà Mau. Quá nửa đêm, cách cửa Vàm Lũng (Năm Căn) gần một hải lý, thủy thủ dùng đèn pin bấm tín hiệu bắt liên lạc với lực lượng của ta trên bờ để đón tàu. Như vậy, ông là một trong hai bác sỹ quân y đầu tiên vào mặt trận Quân khu 9 bằng “tàu không số”, mở ra hướng mới trong việc chi viện nhân lực đặc biệt cho chiến trường miền Nam, tuy có nguy hiểm là dễ bị tàu địch phát hiện, nhưng rất nhanh chóng (so với 6 tháng nếu đi bằng đường bộ).

Ông bắt tay vào làm nhiệm vụ của mình trong điều kiện hết sức khó khăn. Quân khu 9 lúc này đã có bệnh viện (mang mật danh là Z12) vừa được thành lập ngày 15/3/1964 do bác sỹ Nguyễn Công Thiện làm Viện trưởng (năm 1967 đổi thành Bệnh viện 121). Để thuận tiện cho việc cấp cứu, điều trị thương bệnh binh, bệnh viện chia làm ba khối, đóng quân ở ba vùng khác nhau. Khối cấp cứu và ngoại tổng quát (Z12 A) do bác sỹ Nguyễn Công Thiện phụ trách. Khối nội (Z12 C) do bác sỹ Nguyễn Thế Cường chỉ huy. Bác sỹ Võ Tá Thông được phân công làm Viện phó phụ trách Khối ngoại chấn thương (Z12B) đóng quân ở xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Bệnh viện có ba nhiệm vụ chính: đào tạo nhân viên quân y, điều trị thương bệnh binh và chiến đấu bảo vệ đơn vị.

Do thiếu nhân lực quân y trầm trọng, Quân khu đã mở nhiều lớp đào tạo y tá, y sỹ để bổ sung cho bệnh viện và các đơn vị tuyến trước. Đến cuối năm 1965, đã có 70 y tá và 16 y sỹ tốt nghiệp. Bác sỹ Võ Tá Thông cùng các bác sỹ Nguyễn Công Thiện, Nguyễn Thế Cường, Nguyễn Dung Thận, Nguyễn Vĩnh là những giảng viên chính.

Cấp cứu, điều trị thương bệnh binh là nhiệm vụ chủ yếu và nặng nề nhất. Thương binh về quá nhiều trong điều kiện thiếu thốn thuốc men và trang bị kỹ thuật. Bệnh viện triển khai trong rừng tràm Cà Mau. Nhà ở, phòng điều trị, lán trại thương binh dưới dạng nhà sàn làm trên mặt nước, di chuyển đi lại bằng xuồng. Tuy vậy, bệnh viện đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chỉ trong hai năm (1965 và 1966), đã có gần 5.000 thương bệnh binh và nhân dân vùng giải phóng được cứu chữa nơi đây. Đặc biệt, bệnh viện đã có sáng kiến sử dụng nước dừa 6 tháng tuổi thay thế dịch truyền là thứ vô cùng khan hiếm vào lúc này.

Tôi nêu giả thiết: liệu có phải bệnh viện ông là đơn vị đầu tiên trên thế giới sáng tạo ra cách sử dụng nước dừa thay thế dịch truyền hay không?

Suy nghĩ giây lát, ông cho biết:

– Thực ra, quân y Nhật Bản trong Đại chiến thế giới lần thứ ll là những người đầu tiên thực hiện kỹ thuật này, nhưng chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm. Còn chúng ta là nước đầu tiên và có lẽ là duy nhất trên thế giới lấy nước dừa thay thế dịch truyền sử dụng cho nhiều thương binh và có hiệu quả tốt trên lâm sàng như vậy. Chưa thống kê hết được, nhưng chỉ riêng Bệnh viện 121 trong kháng chiến chống Mỹ đã có hàng ngàn thương bệnh binh được cứu chữa nhờ thứ dịch truyền độc đáo này.

Ông nói thêm: Dịch truyền là “thần dược” vô cùng quan trọng đối với ngoại khoa, đặc biệt có tác dụng nâng và duy trì mạch, huyết áp. Nếu không có nó, nhiều trường hợp chắc chắn sẽ tử vong. Nói đến việc sử dụng nước dừa để thay dịch truyền, người ta sợ mất an toàn, dễ gây tai biến, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Thực ra không phải vậy. Bằng chứng là, tất cả những thương binh được ông sử dụng nước dừa, không có trường hợp nào bị shock dịch truyền dẫn đến tử vong.

Thời gian này, ông còn mạnh dạn thực hiện thành công nhiều sáng kiến kỹ thuật ngoại khoa phù hợp với thời chiến, trong đó có kỹ thuật dùng da khỉ để ghép da che phủ cho những trường hợp mất da mảng lớn.

Bệnh viện còn một nhiệm vụ vô cùng khó khăn nữa là chiến đấu bảo vệ căn cứ, bảo vệ thương bệnh binh. Hồi đó, địch liên tục ném bom và pháo kích vào bệnh viện. Nhiều lần, chúng tiến chiếm bệnh viện bằng lực lượng bộ binh. Trong hơn mười năm đóng quân trong rừng Cà Mau, những chiến sỹ quân y của bệnh viện vừa làm công tác chuyên môn, vừa cầm súng chiến đấu chẳng khác gì những người lính bộ binh thực thụ. Họ đã đánh hơn 170 trận lớn nhỏ, diệt 320 tên địch, bắn rơi 7 máy bay, bắn chìm 12 tàu chiến. Tuy nhiên, bệnh viện cũng đã có 54 cán bộ, chiến sỹ hy sinh. Với bác sỹ Võ Tá Thông, ông từng bị thương trong lần địch tiến chiếm Phân viện 121A ngày 5/4/1970 lúc đang đóng quân ở Kinh 20, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Sáng hôm đó, sau khi ném bom và pháo kích dồn dập, địch triển khai một lực lượng lớn lính bộ binh đổ bộ xuống bằng trực thăng đánh chiếm bệnh viện, trong khi trực thăng quần đảo trên trời bắn như vãi đạn khắp nơi. Ta vừa chiến đấu chặn địch, vừa kịp thời vận chuyển thương bệnh binh ra phía sau an toàn. Ta hy sinh 1 y sỹ, 3 y tá và bị thương 6 người khác. Bác sỹ Võ Tá Thông rút ra sau cùng, nhưng đúng lúc đó ông bị thương nặng vào chân, máu ra rất nhiều. Không thể đi tiếp, ông phải tìm nơi ẩn náu. Khi toàn bộ đơn vị ra đến vị trí an toàn, không thấy ông, y tá Phan Quốc Việt và hai chiến sỹ nữa trở lại tìm thì gặp ông đang ẩn náu trong vũng cây năng. Lợi dụng rừng tràm rậm rạp, y tá Việt cõng ông thoát khỏi vòng vây khi địch tiến vào chỉ cách chừng bốn, năm chục mét.

Bọn địch chiếm được bệnh viện, thu được chiếc ba-lô của ông trong đó có nhiều tài liệu và tư trang cá nhân mà ông không kịp mang theo. Từ trên máy bay L19, chúng phát loa thông báo là “đã bắt sống được bác sỹ Võ Tá Thông” và kêu gọi số Việt Cộng còn lại “đầu hàng, trở về với chánh nghĩa quốc gia”. Những đồng đội của ông ở hậu cứ tưởng thật, vô cùng lo lắng…

Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Vài hôm sau, cán bộ chiến sỹ Bệnh viện 121 vào tiếp quản Bệnh viện Phan Thanh Giản của quân đội Sài Gòn tại thành phố Cần Thơ. Ông lại tiếp tục được cử làm Phó giám đốc phụ trách khối ngoại.

Với thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bệnh viện quân y 121 được Nhà nước phong tăng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân nhân dân” ngày 15/1/1976.

Đầu năm1978, ông lên làm Giám đốc bệnh viện và giữ chức vụ này hơn 10 năm sau đó.

Có thể nói, quãng thời gian ông làm giám đốc, nhiệm vụ của bệnh viện vô cùng nặng nề. Lúc ấy, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam bước vào giai đoạn khốc liệt, thương bệnh binh vào viện ngày một đông, có thời điểm cao gấp ba, bốn lần so với biên chế 400 giường. Khi bộ đội ta giải phóng Campuchia, chiến sự diễn ra chủ yếu ở vùng rừng núi giáp biên giới Thái Lan. Vì vậy, cơ cấu thương tật lại thêm phức tạp, bệnh nặng nhiều, trong đó chủ yếu là cụt chi dưới và sốt rét ác tính.

Là người đứng đầu bệnh viện, lúc này ông không trực tiếp làm công tác phẫu thuật nữa mà tập trung vào việc quản lý, tổ chức và điều hành. Bệnh viện lớn tuyến cuối quân khu thường xuyên điều trị hàng ngàn thương bệnh binh, dưới sự lãnh đạo của ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đây là thành tích chủ yếu và quan trọng làm cơ sở để sau này (ngày 31/7/1998) Bệnh viện quân y 121 Quân khu 9 được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân” lần thứ hai.

Tôi hỏi về những kỷ niệm đáng nhớ khi ông làm giám đốc. Ông bảo:

– Nhiều lắm! Nhưng đáng nhớ nhất là khi tiến hành ba ca phẫu thuật mà chẳng khác gì tổ chức ba trận đánh.

Đó là hai lần mổ thành công lấy đầu đạn M79 chưa nổ trong cơ thể hai thương binh của bác sỹ Nguyễn Văn Hoàng Đạo và bác sỹ Nguyễn Văn Thuý. Đặc biệt là ca mổ lấy quả đạn cối 60 ly nằm trong lồng ngực một thương binh ngày 12/6/1978. Đây là trường hợp hy hữu hiếm khi xảy ra trong chiến tranh, khi một quả đạn cối 60 ly của địch chui qua hố thượng đòn trái, cắm sâu vào lồng ngực thương binh mà không nổ, không tổn thương mạch máu lớn. Bác sỹ Trịnh Phát Minh được phân công làm kíp trưởng kíp mổ. Ca mổ này không những phức tạp mà còn rất nguy hiểm. Theo dự kiến của quân giới, quả đạn có thể sẽ phát nổ trong quá trình phẫu thuật. Lúc đó, chắc chắn thương binh và toàn bộ kíp mổ sẽ hy sinh. Vì vậy, thủ trưởng bệnh viện phải làm công tác tổ chức hết sức chu đáo, chọn kíp mổ giỏi, có tinh thần dũng cảm và dự kiến tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Cuối cùng, ca mổ thành công tốt đẹp, thương binh ra viện sau 6 tháng điều trị.

Ông cho rằng: trong lịch sử y học ngoại khoa chiến tranh thế giới, không có ca mổ nào tương tự như vậy.

Ngoài ra, bệnh viện còn điều trị thành công nhiều trường hợp đặc biệt nữa mà ông không thể kể hết được…

Năm 1990, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá.

Cơ duyên dẫn ông trở thành “Tiến sỹ nước dừa” kể ra cũng rất tình cờ. Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, mỗi lần ra Hà Nội, ông gặp lại các bạn bè cùng lớp, họ không vào Nam nên phần lớn được đi du học nước ngoài và trở thành Giáo sư, Tiến sỹ, Phó tiến sỹ y khoa. Còn ông, bằng cấp vẫn “dậm chân tại chỗ”. Điều đó thôi thúc ông bước vào làm luận án Phó tiến sỹ từ năm 1981. Lúc đầu, ông chọn đề tài về phẫu thuật chi trên bởi ông có nhiều kiến thức và kinh nghiệm về nội dung này nhờ ba năm công tác tại Khoa chấn thương Bệnh viện quân y 108 và đặc biệt là nhiều năm phẫu thuật tại chiến trường miền Nam. Nhưng khi nộp đề tài ra Hà Nội, chủ tịch Hội đồng bảo vệ luận án là Giáo sư Tôn Thất Tùng góp ý:

– Phẫu thuật chi trên đã có quá nhiều người làm luận án rồi. Trong chiến tranh, bệnh viện của cậu đã sử dụng nhiều nước dừa để thay thế dịch truyền cứu sống hàng ngàn thương binh. Đây là thành tích “độc nhất, vô nhị” trên thế giới. Tại sao cậu không chọn đề tài này?

Nghe lời giáo sư Tôn Thất Tùng, luận án của ông đổi sang là: NGHIÊN CỨU SỬ DỤNG NƯỚC QUẢ DỪA 6 THÁNG TUỔI LÀM DUNG DỊCH TIÊM TRUYỀN TĨNH MẠCH TRONG CẤP CỨU, ĐIỀU TRỊ NGOẠI KHOA.

Đề tài này rất mới nên rất khó. Khó nhất là ít tài liệu để nghiên cứu, tham khảo và đối chiếu. Những công trình nghiên cứu về nước dừa chủ yếu thuộc lĩnh vực dược học mà không có nhiều công trình liên quan đến y học lâm sàng. Trong Đại chiến thế giới lần thứ ll, quân y Nhật Bản đã dùng nước dừa tiêm vào tĩnh mạch để điều trị một số thương binh, nhưng tài liệu không nêu rõ liều lượng dùng, số thương binh được dùng và hiệu quả điều trị. Ở Việt Nam, hai bác sỹ người Pháp: Calung Bonnaire (1929) và Marque (1932-1933) đã tiêm nước dừa vào dưới da cho các bệnh nhân bị suy dinh dưỡng tại một vài bệnh viện ở Sài Gòn thấy có hiệu quả. Còn các trường hợp sử dụng nước dừa để cấp cứu, điều trị thương binh của các bác sỹ: Lê Trung, Trương Công Trung, Đặng Hiếu Trưng, Huỳnh Thúc Tùng, Nguyễn Dung Thận trong kháng chiến chống Pháp cũng chủ yếu là tiêm truyền dưới da. Nước dừa đã được sử dụng rất nhiều để thay thế dịch truyền tại Bệnh viện 121 Quân khu 9 trong kháng chiến chống Mỹ, nhưng lại chưa được nghiên cứu, đánh giá và tiến hành các thực nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng một cách khoa học để khẳng định những ưu khuyết điểm của nó.

Vì vậy, bốn năm làm luận án, ông cùng các cộng sự phải nhiều lần đến Học viện quân y, Trường đại học dược Hà Nội, Viện y dược học dân tộc thành phố Hồ Chí Minh để nghiên cứu và tiến hành nhiều thực nghiệm trên động vật rồi sau đó là trên người ở Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện 103. Các số liệu thu được đã chứng minh rằng: nước dừa 6 tháng tuổi là dung dịch vô trùng, không có chí nhiệt tố, gần như đẳng trương với máu. Thành phần trong đó gồm: fructoza, glucoza, protit, lipit, điện giải, sinh tố v.v. có tác dụng nâng và duy trì mạch, huyết áp; đồng thời để nuôi dưỡng. Vì thế, nó có thể thay thế dịch truyền trong phẫu thuật, cấp cứu, điều trị nội ngoại khoa với độ an toàn và hiệu quả khá cao. Luận án Phó tiến sỹ của ông đã thông qua Hội đồng bảo vệ luận án năm 1985. Giáo sư Hoàng Đình Cầu, chủ tịch Hội đồng (thay giáo sư Tôn Thất Tùng qua đời 7/5/1982) đánh giá: Đây là luận án độc đáo, xuất sắc mang ý nghĩa và giá trị thực tiễn cao, rất phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh ở Việt Nam.

Như vậy, đến tuổi 57, ông mới trở thành Phó tiến sỹ (sau này thay đổi gọi là Tiến sỹ). Năm 1987, ông nhận danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”. Những chức danh mà ông được nhận tuy có muộn và không cao so với bạn bè, thậm chí so với cả học trò của ông, nhưng ông không buồn. Ngược lại, ông rất vui và tự hào về sự tiến bộ vượt bậc của những học trò mà ông từng giảng dạy họ trong rừng Cà Mau. Đó là Thiếu tướng Trần Thanh Quang, thầy thuốc nhân dân, anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Giám đốc Bệnh viện quân y 121. Đó là Đại tá, bác sỹ Nguyễn Văn Út, thầy thuốc nhân dân, anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Chủ nhiệm quân y Quân khu 9. Đặc biệt, có một người đã từ bỏ nghề y để sau này trở thành chính khách nổi tiếng. Người ấy là nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Năm 1970, Quân khu mở lớp đào tạo quân y sỹ. Lớp do ông và các bác sỹ của bệnh viện giảng dạy mới học được ba tháng thì phải giải tán bởi chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt khi địch mở chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh”. Các học viên phải trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Học viên Nguyễn Tấn Dũng là một trong số đó. Đến nay, dù đã qua gần nửa thế kỷ, nhưng ông vẫn nhớ về người học trò đặc biệt này. Ông nhận xét:

– Dũng không những gan dạ trong chiến đấu bảo vệ đơn vị mà còn thông minh, học gỏi. Những bài giảng trên lớp, Dũng tiếp thu rất nhanh và nhớ lâu, sau đó về có thể giảng lại cho các bạn cùng lớp.

Tôi hỏi: từ ngày người học trò này lên làm Thủ tướng, có khi nào gặp lại ông không? Ông bảo: có và vẫn gọi ông bằng thầy.

Trong quá trình làm bác sỹ ngoại khoa, từ lúc còn ở trong rừng Cà Mau đến khi giữ chức giám đốc Bệnh viện Quân y 121, ông đã “truyền nghề” cho nhiều học trò để sau này họ trở thành những phẫu thuật viên giỏi như các bác sỹ Trần Thanh Quang, Lý Việt Hùng, Nguyễn Văn Hoàng Đạo v.v.

Đại tá, bác sỹ Lý Việt Hùng, nguyên phó giám đốc Bệnh viện quân y 121 đã nói về người thầy của mình:

– Bác sỹ Võ Tá Thông có kiến thức chuyên môn sâu rộng và kỹ năng ngoại khoa giỏi. Ông là người thầy rất nhiệt tình trong giảng dạy cả về lý thuyết lẫn thực hành. Chúng tôi học được rất nhiều từ ông.

Theo bác sỹ Lý Việt Hùng, người đầu tiên sử dụng nước dừa thay thế dịch truyền là bác sỹ Nguyễn Công Thiện, nhưng người thực hiện kỹ thuật này nhiều nhất là bác sỹ Võ Tá Thông. Chính anh đã cùng với ông thực hiện hàng trăm trường hợp truyền nước dừa trong phẫu thuật, điều trị cho thương bệnh binh hồi đó. Anh cho biết: để có được dịch truyền bằng nước dừa phải trải qua nhiều khâu cầu kỳ phức tạp từ lựa chọn trái, vận chuyển, cắt gọt đến ghim kim truyền vào để lấy nước ra. Nước dừa được rút ra lọc kỹ, đóng vào chai, khi thấy đạt các chỉ tiêu rồi mới truyền. Tôi hỏi về khối lượng truyền và mức độ an toàn, anh xác nhận:

– Mỗi người được truyền trung bình 0,5-1 lít/ngày (tương đương 1-2 quả), một đợt có thể truyền 3-5 lít. Thỉnh thoảng gặp một vài trường hợp gây phản ứng như: rét run, ngứa, nổi mẫn, sốt nhẹ thì dùng thuốc chống dị ứng sẽ hết. Với điều kiện thuốc men vô cùng thiếu thốn, ta áp dụng truyền dịch bằng nước dừa mang lại hiệu quả trong điều trị cho thương bệnh binh thời chiến được như vậy là quá tốt.

Tôi có anh bạn người cùng làng, nhập ngũ sau tôi 6 tháng, là cựu chiến binh Trung đoàn 1, sư đoàn 330. Anh bị thương nặng năm 1972, được đưa vào Bệnh viện 121 cấp cứu. Nhớ lại lần được truyền nước dừa, anh kể:

– Khi y tá cho biết từng giọt dịch truyền đang chảy vào tĩnh mạch của mình là nước dừa thì tôi vừa sợ, vừa lo, lại vừa thấy nó… kỳ kỳ. Vậy mà truyền mấy ngày liền, chả sao!

Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, các Bệnh viện quân y 120, 121, 122 cũng đã dùng thêm nước dừa để thay thế dịch truyền. Riêng Bệnh viện 121 trong 4 năm (1979-1983) đã truyền nước dừa cho 451 thương binh, mang lại hiệu quả điều trị khá cao.

Gần đây, tôi gặp Đại tá Phan Quốc Việt, nguyên Chủ nhiệm chính trị Cục hậu cần Quân khu 9. Anh chính là cậu y tá năm xưa từng cõng thủ trưởng của mình thoát khỏi vòng vây quân địch. Anh tâm sự:

– Hồi ấy, tôi là y tá phòng mổ nên được giao nhiệm vụ chuyên đi lấy dừa để làm dịch truyền. Nhiệm vụ này cũng vất vả và nguy hiểm lắm. Có những đồng đội của tôi đã hy sinh khi đi lấy dừa đấy.

Nhắc đến sự kiện cứu sống thủ trưởng, anh đánh giá:

– Bác sỹ, Phân viện trưởng hồi đó quan trọng lắm. Cứu được ông ấy khỏi bị địch bắt là thành công lớn của chúng tôi.

Từ ngày nghỉ hưu, Phan Quốc Việt là một trong nhiều thuộc cấp thường xuyên đến thăm ông, coi ông như cha, chú. Những lúc đó, bao kỷ niệm buồn vui của một thời chiến tranh lại hiện về với họ.

Riêng ông, niềm vui không phải ở chức tước, danh hiệu mà là những gì ông đã cống hiến cho Tổ quốc, được nhân dân biết đến, Nhà nước ghi nhận qua 45 năm trong quân ngũ, cũng là 45 năm làm người chiến sỹ quân y của ông. Thế hệ ông gắn liền với ba cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc. Cuộc đời ông song hành với lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam từ lúc còn là những đơn vị Việt Minh non trẻ trong kháng chiến chống Pháp đến khi thành đội quân hùng mạnh trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

Giờ đây, những người như ông phần lớn họ đã đi vào cõi vĩnh hằng. Còn ông, dù ở tuổi ngoài 90 nhưng vẫn minh mẫn, vẫn sống vui sống khoẻ bên các con cháu thành đạt, là nhân chứng hiếm hoi của một giai đoạn lịch sử, là niềm tự hào của gia đình, dòng họ, đồng hương và đồng nghiệp. Phải chăng, đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời ông?

                                           T.T.C