Nguyễn Đại Duẫn
(Vanchuongphuongnam.vn) – Cứ mỗi độ xuân sang, đất trời muôn hoa nở rộ, cây cối đâm chồi nảy lộc. Ban mai của một ngày thường bắt đầu bằng những tiếng hót của bầy chim trong khu vườn nhà. Tôi thường dậy sớm, căng lồng ngực hít thở bầu không khí mát mẻ, trong veo và thích thú lắng nghe những tiếng chim đủ giọng ríu ran, lảnh lót.
Sáng nay, một ngày xuân ấm, tôi nhắc chiếc chõng tre đặt dưới giàn bầu sau vườn nhà ngồi thưởng trà. Tâm hồn thấy sảng khoái với không gian nhộn nhịp, tinh nghịch của mấy chú chào mào, đầu nghiêng nghiêng trên cành tre cất tiếng chách chách, huýt hiu wiu. Được yên tĩnh ngắm nhìn cây cối vườn nhà đang rạo rực cựa mình trong sương sớm. Tay nâng ly trà nhấm nháp không gian rộn rã tiếng chim, ký ức tuổi thơ bỗng ùa về.
Ngày còn “trẻ trâu”, tôi thích nuôi chim lắm. Tôi nuôi chim chiền chiện, chào mào. Lớn thêm tôi chuyển sang chơi chim sáo. Nuôi sáo khi còn nhỏ dễ tập nói hơn, chúng biết bắt chước tiếng người hoặc các âm thanh khác. Chọn lúc chúng đang đói, nơi yên tĩnh vừa cho ăn vừa tập chúng nói. Chim con được chăm sóc chu đáo nên chóng lớn lắm. Khi chúng lớn, đã mọc đủ lông cánh tôi cho chúng tập bay.
Mấy năm về hưu rảnh rỗi, tôi lại nghĩ đến thú chơi chim. Tôi sắm lồng và mua mấy con chim chào mào về nuôi. Tôi chọn những con mới lớn, to khỏe có sức mới hót hay. Để luyện giọng chim, cứ mỗi lần cho ăn tôi huýt sáo miệng, chào mào bắt chước cất giọng: “huýt huýt hiu hiu, quýt quýt wi wiu” rất hay. Mà lạ lắm chim mái, chim trống nhốt riêng từng lồng thì chúng mới siêng hót, như thể cất tiếng gọi bạn tình. Rồi tôi nuôi thêm chích bông, cu gáy, chim khướu. Trong số các loại chim, chim khướu hót hay nhất nhưng khó nuôi hơn vì nó kén thức ăn. Muốn cho chim hót hay phải cho ăn cào cào, châu chấu, nhện… Nuôi chim, say với chim có những lúc quên ăn, quên ngủ. Bù lại mỗi khi mệt mỏi, đưa chim ra gốc cây cho chúng tắm nắng nghe những tiếng ríu ran như một bản hợp xướng làm cho tâm hồn được thư giản, an yên.
Một đàn chim sẻ sà xuống đưa tôi về với thực tại. Tôi rón rén vào nhà lấy ít thóc vung cho chúng ăn. Như đã thành thói quen khi tôi cho gà ăn là đàn sẻ sà xuống ăn cùng. Ăn xong chúng vù lên đọt tre nhảy nhót líu lo.
Nay tôi không còn nuôi chim vì thấy giam cầm chúng trong lòng, tội nghiệp. Tuy không nuôi chim, nhưng tôi vẫn rất yêu quý chúng. Thỉnh thoảng tôi ra vườn đàn chim sà xuống gần hơn cất tiếng hót trong trẻo của sự tự do.
Khu vườn nhà tôi tuy nhỏ nhưng cũng đủ thứ cây ăn quả. Vườn cây luôn xanh tốt quanh năm nên mùa nào cũng có chim bay về trú ngụ. Chúng nhảy nhót líu lo cất lên bản nhạc của loài chim làm rộn ràng cả khu vườn. Những tiếng hót như phương tiện truyền thông của chúng. Đó là những âm thanh thể hiện sự sảng khoái, vui thú hoặc báo hiệu nguy hiểm hay tín hiệu giao hoan. Tất cả những âm thanh đó là bản năng sống của chúng, con người cần biết để tận thưởng cái sinh động của cuộc sống thế giới loài chim.
Tôi đưa ly trà lên môi, cũng vừa lúc chú chích chòe than bay đến đậu trên cành mai vàng, cất tiếng chích chích, chòe chòe huýt, huýt huýt… như tiếng chuông ngân nga làm cho không khí hương xuân đầm ấm, nồng nàn hơn, như níu kéo con người về với niềm vui của đất trời, để tận hưởng hạnh phúc của sự thanh bình.
N.Đ.D