(Vanchuongphuongnam.vn) – Tiết đông đến muộn sau mùa đại dịch tai ác hại người, bầu trời lam nhẹ lên cao sắt se từng cơn gió trở lạnh từ sông Hậu mênh mông thổi vào thủ đô đồng bằng. Không gian những ngày cuối chạp trở nên tươi sáng hơn, mọi người bận rộn lo sửa sang, quét vôi lại nhà cửa chuẩn bị đón một mùa xuân mới. Trước cửa nhà, hai bên đường màu Tết bắt đầu hiển thị nét vui rộn ràng. Những keo mũ óng ánh đầy ắp dưa kiệu non tươi hong nắng bên lề đường. Những sàng chuối chín thơm phức phơi khô trên sân nhà bên cạnh những xâu lạp xưởng, thịt muối đỏ ối treo lủng lẳng phơi nắng trên dây cao.
Mỗi sáng, sau giờ thể dục Thư có thói quen đứng một mình trước hàng ba nhà, đưa mắt nhìn vơ vẩn ra phố đầu óc nghĩ ra đôi điều lạc quan trước khi đến cơ quan làm việc:
– Với ta, không bao giờ có ý nghĩ Lão lai tài tận. Dù đã qua tuổi trung niên, ta vẫn cảm thấy trong lòng hừng hực lửa thanh xuân. Với nghệ sĩ, còn sáng tác ra những tác phẩm giá trị nhân văn có ích cho đời là còn xanh mãi với màu xuân. Người gặp nhau hay hỏi tuổi là người sợ mình già. Quan tâm tới tuổi tác càng làm cho mình thêm héo hon đi vì tuổi tác.
Mặt tiền nhà Thư vẫn sum suê bốn mùa với giàn ti-gôn huyền sử xanh um bò loanh quanh trên hàng giậu với những cánh hoa mong manh dáng hình tim vỡ. Đêm đêm, sắc máu hồng phai của cánh hoa tình sử sớm chìm dần trong bóng đêm trước hương vị ngạt ngào của những bồn hoa nguyệt quế, dạ lý hương ở hai bên vuông sân nhỏ. Bên dưới là những giò hoa mua xinh xắn màu hoang dại núi rừng do một người bạn thân của Thư từ rừng U Minh mang lên tặng. Thư cảm thấy yên tâm làm việc hằng ngày nơi ngôi nhà nhỏ đơn sơ mà bè bạn đến chơi thường gọi vui là túp lều thơ của Thư ngày ngày vẫn thường im ỉm đóng cửa suốt từ sáng sớm cho tới chiều muộn.
Đêm cuối chạp dần sang khuya sâu, nơi ngôi nhà hiu quạnh, Văn sống cô độc một mình đã mấy mươi năm từ ngày cô giáo vợ anh qua đời do bệnh nan y. Thỉnh thoảng, tiếng buông rời rã của chú tắc kè to kềnh lốm đốm bông, bẽn lẽn chậm chạp nép mình sau lưng kệ sách gỗ cũ hẹp, xen lẫn với tiếng chó sũa đêm não nùng vọng lại từ trên xóm xa. Sự mệt mỏi với công tác dập dồn ở cơ quan và việc nhà khiến Thư có thói quen chủ động đi ngủ sớm đề dành sức lực cho công việc ngày hôm sau.
– Gần hết tuổi hoa niên, ta đã làm được gì trong cuộc đời thanh đạm của người cầm phấn luôn mãi mê theo đuổi mộng văn chương?
– Với mẹ cha công ơn sinh thành dưỡng dục sâu nặng, với thầy cô ân nghĩa cao dày và quê hương thân yêu máu thịt, ta cảm thấy chưa hề mảy may đền đáp được chút nào! Thư mãi âm thầm nghiêm khắt tự vấn ở mình.
Bao câu hỏi dồn dập đến hằng đêm với Thư khiến anh không tránh khỏi trong lòng chút băn khoăn trước khi đến giường nằm mà chưa ngủ. Nhưng khoảnh khắc không lâu sau đó, Thư sớm cảm nhận lại được sự lạc quan cố hữu và niềm tin bất biến trong đời mình mỗi khi anh càm thấy buồn vì chẳng may gặp phải một công việc chưa vừa ý.
– Ừ…, tuy ta cô độc nhưng mà không cô đơn. Quanh ta dù có kẻ đố lỵ nhưng cũng không thiếu người đã tỏ ra hiểu, thương ta và cũng từng chân thành chia sẻ cùng ta từ vật chất tới tinh thần.
***
Vài tiếng vạc bay đi ăn đêm eo óc buông rời rạc trong không gian mịt mùng bên ngoài khiến Thư bỗng choàng thức giấc. Nhưng anh không ngồi dậy rời khỏi giường như thông lệ thường ngày. Trong cảnh khuya im vắng, còn bần thần cơn ngáy ngủ vẫn Thư vẫn cảm nhận rõ từ trong màn đêm tĩnh lặng tiếng chỗi sột soạt của người công nhân quét đường ngoài phố.
Điệp khúc tiếng chổi khuya đã trở thành âm thanh quen thuộc khiến Thư có thể đoán biết được giới tính, hoàn cảnh cùng tâm trạng đặc thù của người công nhân hằng đêm thao thức làm một nghề khiêm tốn ngoài sương lạnh trong lúc bao người khác đang say sưa trong giấc ngủ sâu. Âm thanh khoan thai dịu dàng, đôi khi dừng lại rồi chậm rãi tiếp tục là tiếng chổi của phụ nữ gây cho Thư cảm giác nhẹ nhàng, pha lẫn thương xót cho hoàn cảnh khó khăn của người lao động ngèo phải đi làm một nghề khiêm tốn trong xã hội. Tiếng chổi nhặt chạm mạnh xuống mặt đường có vẻ hối hả liên tục, thể hiện tâm trạng của người đàn ông không thanh thản trong cuộc sống đời thường. Sau những đêm mưa gió, mặt đường, lá cây khô đẫm nước, có khi Thư nghe rõ mồn một tiếng chổi ngầu đục không thanh thản. Khác với những khi tiết trời khô ráo khi tiếng chỗi chạm mặt đường gây nên âm hưởng khô khan. Đôi khi, bất chợt thức giấc nữa khuya, khi vén nhẹ tấm rèm cửa sổ mong manh nhìn ra ngoài đường, Thư lại cảm thấy ấm áp trong lòng vô cùng lòng kính trọng con người lao động làm công việc khiêm tốn như người phu quét đường.
Xa xa trong ánh sáng lờ mờ vàng vọt của bóng đèn điện, hình ảnh của người công nhân làm sạch môi trường đường phố đỗ dài trên mặt lộ khiến Thư chợt liên tưởng tới hình ảnh người dũng sĩ giác đấu La Mã (gladiators) ngày xưa trên đấu trường mênh mông hun hút thời Trung cổ phương Tây. Không gian khuya sâu tĩnh lặng với tiếng chỗi khuya xào xạc đêm đêm khi mọi người đang yên giấc mang đến cho Thư bao điều suy nghĩ: Tiếng chổi khuya trong những đêm thanh vắng không khác nào những nốt trầm của giai điệu núi sông. Trong xã hội, trên bình diện tình yêu và nhân cách, mọi người được coi là bình đẳng. Nhà quý tộc cũng như người hành khất đều được đối xử như nhau. Phương ngôn châu Âu có câu: Không có nghề nào hèn mà chỉ có người hèn (Il n’y a pas de sots métiers, il n’y a que de sottes gens). Người phu quét đường mẫn cán cũng đáng được tôn trọng như nhà giáo, người cán bộ, doanh nhân… hay tất cả những người công dân lao động bình thường khác.
Người công nhân quét đường ngày đêm âm thầm làm việc là biểu tượng của những chiến sĩ vô danh ngày đêm chiến đấu nơi biên thùy xa xôi chốn rừng xanh hiểm trở hay miền biển đảo quê hương xa xôi bốn mùa trùng dương sóng vỗ. Mỗi nhát chổi chạm xuống mặt đường là một đường gươm, âm thanh dù khoan hay nhặt tượng trưng cho một phát súng hay lời tuyện thệ đinh ninh của bao người lính không tên. Tất cả như cảnh báo sẽ quét sạch bất cứ kẻ thù đến từ đâu có tham vọng xâm lược đất nước ca dao của thế hệ hậu duệ vua Hùng dựng nước và chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Buổi sáng xuân, bầu trời lồng lộng màu lam nhẹ, lung linh ánh dương hồng trên khu lao động ngoại ô thành phố rộn ràng tiếng xe cộ, dập dìu tài tử giai nhân. Xóm Vú Sữa với cái tên ngọt ngào chất dinh dưỡng bây giờ đã thay da đổi thịt với những con đường quen, nơi Thư đã sống từ thuở bé thơ với bao kỷ niệm êm đềm trong đó không bao giờ thiếu vắng những âm thanh xạc xào quen thuộc của tiếng chỗi khuya: Cần Thơ đường hồng hay đường xanh/ Mấy mươi năm in dấu chân anh/ Bốn mùa cuối phố hay đầu ngõ/ Mưa nắng đi về cũng gọi tên. Thư cảm thấy vui lầm thầm nghĩ trong óc: Hình như mọi người không phân biệt già trẻ, nam nữ hoặc giai tầng xã hội trong đó có người phu quét đường đều đã ý thức được bổn phận làm đẹp quê hương. Họ chăm bón từng ngọn rau tấc đất quê nhà với lời thề quyết không để một ai xâm phạm đến non sông hoa gấm này.
29/01/2021
N.T