Tiếng ‘Chuông rè’ – đánh thức lương tri

1351

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nguyễn An Ninh không chỉ là một chí sĩ hoạt động sôi nổi trong đấu tranh chống thực dân Pháp ở Nam bộ từ trước cách mạng tháng Tám. Ông còn là một nhà văn yêu nước, nhà báo giàu tâm huyết đã làm điên đầu chính quyền thuộc địa. Nguyễn An Ninh viết sách, ra báo và đi diễn thuyết trong và ngoài nước, lên án chế độ thực dân Pháp. Tác phẩm: “Nước Pháp ở Đông Dương” (La France en Indochine, 1925); “Hai Bà Trưng” (1928); “Tôn giáo” (1932); Phê bình Phật giáo (1937); “Dân ước” (dịch các đoạn chính trong Contrat social của J. J. Rousseau, 1923) và bài thơ cuối cùng “Sống và Chết”. Nguyễn An Ninh mất trong nhà tù Côn Đảo năm 1943 (43 tuổi) và được Nhà nước Việt Nam truy nhận là liệt sĩ (1/8/1980). Tên của ông được đặt cho tên đường ở: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vũng Tàu, Hạ Long và tên cho nhiều Trường học trong nước.

Nguyễn An Ninh

Dưới chính sách chia để trị của thực dân Pháp ở Việt Nam, từ những thập niên đầu của thế kỷ 20, Nam kỳ là thuộc địa của Pháp, nhân dân phải chịu áp lực nặng nề ngột ngạt hơn so với chế độ bảo hộ ở Trung Kỳ và  Bắc Kỳ. Với truyền thống bất khuất, người dân Việt Nam bị thống trị vùng lên đấu tranh dưới mọi hình thức, không chỉ ở mặt trận vũ trang mà còn trên lĩnh vực văn hóa – báo chí. Hòa mình vào các phong trào đó, nơi đất Nam bộ, Nguyễn An Ninh là một điển hình về lòng yêu nước, đã cống hiến cả cuộc đời bằng tài sức và cả sinh mệnh của mình vào đại nghĩa của dân tộc.

Nguyễn An Ninh (1900-1943) là tên thật, người Sài Gòn nhưng quê mẹ ở Long An. Cha là Nguyễn An Khương, nhà trí thức, Chủ sự báo Lục tỉnh Tân Văn của Trần Chánh Chiếu. Mẹ là Trương Thị Ngự, đảm đang, trung hậu, điều hành khách sạn Chiêu Nam Lầu tại Sài Gòn, giúp đỡ phương tiện cho thanh niên xuất dương trong phong trào Đông Du. Tổ tiên gốc họ Đoàn, vì chống chúa Trịnh nên phải vào định cư ở Đàng trong. Từ nhỏ sống với ông bà ngoại, học chữ Nho, đọc hết Tứ Thư, Ngũ Kinh, 10 tuổi, lên Sài Gòn học Tiểu học Trường Dòng Taberd và Trung học tại Trường Chasseloup Laubat. Học xuất sắc trong lớp, tốt nghiệp Ưu hạng Trung học, Nguyễn An Ninh được tuyển thẳng vào Trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội (1916). Sau nửa năm học, ông quyết định chuyển sang học Luật tại trường Cao đẳng Pháp chính thuộc Đại học Đông Dương vì nghĩ rằng học ngành này mới thấu hiểu bản chất của chính quyền thực dân để sau này đấu trang công khai bằng pháp luật. Nhưng lại không hài lòng với chế độ giáo dục, ông bỏ học, trốn sang Pháp mà không có hộ chiếu với hoài bão được đóng góp sức mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Năm 1918,  tại Pháp, năm đầu chuẩn bị vào Đại học, Nguyễn An Ninh nhanh chóng lấy bằng Tú Tài trong vòng 3 tháng rồi thi vào khoa Luật trường Đại học Sorbonne (vì thông minh, cứ 3 tháng, ông đăng ký thi chương trình của một năm) và ông chỉ học trong một năm đã hoàn tất chương trình 4 năm, lấy bằng Cử nhân Luật, gây ngạc nhiên và thán phục trong giới trí thức ở Pháp về trí thông minh lỗi lạc hiếm thấy. Khi sống tại Paris, ông lui tới Montparnasse (Thi Sơn), vương quốc của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng và cũng là quê hương của các trào lưu nghệ thuật tiền phong, hoặc đến khu Saint Germain des Prés, nơi hội tụ của nhiều triết gia và các nhà văn lừng lẫy. Nguyễn An Ninh cũng thường đến thư viện đọc tác phẩm của những  nhà văn, triết gia nổi tiếng Pháp: Voltaire, J. J. Rousseau, Montesquieu, Diderot… và nghiên cứu về Gandhi, Phật giáo, và đặc biệt về triết học Mác – Lênin. Ông cũng thường xuyên đi tham quan học tập và tiếp cận các danh nhân ở Đức, Ý, Thụy Sĩ, Áo, Hà Lan, Bỉ. Nhờ đó, Nguyễn An Ninh có kiến thức uyên thâm về Hán học, Tây học, Luật học, Triết học, Văn hóa và Khoa học. Không muốn dừng lại ở văn bằng Cử nhân mà còn muốn đi xa hơn để lấy bằng Tiến sĩ, nhưng ông đành nhường bước cho một lý tưởng cao đẹp hơn là  đấu tranh cho đất nước.

Khi ở trên đất Pháp, lúc mới 20 tuổi, Nguyễn An Ninh bắt đầu hoạt động chính trị. Ông làm phiên dịch và thường đưa Phan Chu Trinh đến gặp Bộ trưởng Albert Sarraut tại Bộ Thuộc địa, đòi ân xá cho chính trị phạm Việt Nam, đòi cho mở thêm trường học, cho thương gia Việt Nam liên hệ trực tiếp với nước ngoài. Nguyễn An Ninh cũng thường hỗ trợ Nguyễn Ái Quốc luyện tiếng Pháp, cùng đến thư viện và câu lạc bộ.

Nguyễn An Ninh và các đồng chí xuất bản ngay tại Paris tạp chí Cách mạng, cổ xúy phong trào văn nghệ tiền phong. Nhóm này về sau đều nổi tiếng trong làng văn chương nghệ thuật của kinh đô ánh sáng. Theo sách Nguyễn An Ninh – Tác phẩm (Nxb. Văn học), trong năm 1921, Nguyễn An Ninh gia nhập Hội Liên hiệp Thuộc địa và tích cực tham gia biên tập cho báo Le Paria (Người cùng khổ) của Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn An Ninh có mặt trong nhóm “Ngũ Long”, gồm các nhà yêu nước: Nguyễn Ái Quốc, Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền, được đồng bào Việt kiều ở Pháp rất mến phục, nhưng lại là những cái gai nhọn khó chịu trong con mắt chính quyền Pháp.

Trong hồi ký 41 năm làm báo  của Hồ Hữu Tường (1910-1980) có những dòng thán phục cho nhà báo- nhà chí sĩ dấn thân, nhiệt tình và tràn đầy lòng yêu nước này: “So sánh với tất cả trong nhóm, Ninh là hạng đàn anh ngôi sao sáng chói hơn trên bình diện dư luận quốc tế. Từ năm 1921,  Ninh đã cùng với những nhà trí thức tiền phong  của nước Pháp, đầu cắt tóc dài như lấy búa mà chặt ngon lành chấn một phát ngay nơi ót, cổ đeo nơ buộc chùm (gọi là Lavaillière), tung đầy ngực, ôm sách Dưỡng chất trần gian  (Les nourritures terrestres) của André Gide, tác phẩm đương làm say mê thanh niên và cuốc bộ trên hè đường xóm La Tinh, đi mỏi chân, thì chui vào một quán bình dân mà lập những kế hoạch chọc trời khuấy nước”.

Trong những năm giữa thập niên 1920, Nguyễn An Ninh liên tục đi về từ Pháp đến Việt Nam, và với tài hùng biện đặc biệt và khả năng nói lưu loát tiếng Pháp của mình, ông đã nhiều lần tổ chức diễn thuyết, khêu gợi tinh thần yêu nước trong thanh niên, quần chúng và nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của nhân dân.

Lần thứ nhất, năm 1922, từ Pháp trở lại quê hương, sau khi ra mắt công chúng tại Hội Khuyến học Nam Kỳ, số 34, đường Aviateur Garros, Sài Gòn (đường Thủ khoa Huân bây giờ), Nguyễn An Ninh diễn thuyết (bằng tiếng Pháp) đề tài: “Une Culture pour les Annamites” (Một nền văn hóa cho người Việt Nam). Ông hùng hồn kêu gọi người Việt Nam: “Noi theo cái học thức Pháp, đặng mở mang trí dân, rộng tư tưởng của dân, làm cho dòng giống tráng kiện, mau thoát cái ách nô lệ”. Đầu năm 1923, ông trở sang Pháp để cùng Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền cùng thống nhất hàng động, mấy tháng sau sang Nga học cách tổ chứ và lãnh đạo cách mạng. Giữa mùa thu năm 1923, Nguyễn An Ninh trở về Việt Nam xây dựng phong trào cách mạng trong nước chờ Nguyễn Ái Quốc trở về.

Ở nước nhà, tháng 8/ 1923, Nguyễn An Ninh diễn thuyết lần 2, đề tài: “Lý tưởng của thanh niên Việt Nam” ( L’Idéal de la Jeunesse Annamites) thúc giục đồng bào nhất là thanh niên thức tỉnh khỏi sự u mê, lầm lạ về văn hóa lúc ấy đang bị chôn vùi trong tư tưởng phong kiến lạc hậu và mạnh dạn đả kích cái gọi là vai trò khai hóa của người Pháp tại Việt Nam. Bài diễn thuyết  này sau đó được đăng trên tờ La Cloche Fêlée (Tiếng Chuông rè) số 5 và số 6 ngày 7 và 14/1/1924 do nhóm ông phát hành. Tiếng vang từ hai bài diễn thuyết khiến Thống đốc Nam Kỳ lúc đó là Maurice Cognacq cho lệnh gọi ông lên, dùng thủ đoạn mua chuộc để mong bịt miệng nhà yêu nước. Cognacq hứa sẽ bổ nhiệm ông vào một chức vụ cao nhưng thất bại. Viên thống đốc đành ra lệnh cấm Nguyễn An Ninh diễn thuyết hay tụ họp bất cứ nơi đâu.

Không thể diễn thuyết, Nguyễn An Ninh ra báo La Cloche fêlée (bằng tiếng Pháp) nhờ vào số tiền bán ruộng của người cha Nguyễn An Khương, để tiếp tục đấu tranh.   Chủ báo Nguyễn An Ninh vừa là ký giả, vừa phụ xếp chữ với thợ và sửa bản vỗ. In xong, chủ bút tự mình ôm đi bán vì không có đại lý nào dám phát hành, bởi sự răn đe theo dõi của mật thám. Ra được 19 số, La Cloche fêlée bị đình bản (14/7/1924) sau khi đã gióng    lên tiếng chuông thức tỉnh đồng bào và lột trần bản chất của chế độ thuộc địa. Ông được người dân Sài Gòn-Chợ Lớn lúc bấy giờ, khắp Nam Kỳ và trên cả nước tin tưởng, ngưỡng mộ coi ông là thần tượng, trong số đó có cô gái Trương Thị Sáu (vợ đầu là Emmilie Penne, nữ sinh trường dòng tại Sóc Trăng) là người vợ sau đã cùng ông sau này đi trọn cuộc đời dấn thân cho đất nước. Đầu năm 1925, Nguyễn An Ninh sang Pháp đón Phan Chu Trinh về nước. Hai người chủ trương tái bản báo La Cloche fêlée với Chủ nhiệm là Phan Văn Trường có quốc tịch Pháp. Đi bán báo, Nguyễn An Ninh cũng cưỡi chiế xe đạp với một cặp đầy dầu cù là, với lý do “để kiếm tiền nuôi vợ con, nên không rảnh mà viết” để tránh bớt những cặp mắt cú vọ của mật thám. Với tiếng tăm và tài nói chuyện đã có, Nguyễn An Ninh đi đến đâu, bà con bu theo để mua dầu cù là và nhân đó, ông không bỏ qua cơ hội diễn thuyết về cách mạng.

Báo Chuông rè (La Cloche fêlée) của Nguyễn An Ninh.

Nguyễn An Ninh đã 5 lần ngồi tù, bị bạc đãi, hành hạ (1926, 1928, 1936, 1/1939 và 10/1939: tại Côn Đảo), vì nhiều lần diễn thuyết và hoạt động báo chí nhằm mục đích cổ xúy tinh thần yêu nước, đấu tranh chống thực dân cho thanh niên, đồng bào và tuyên truyền cho cách mạng. Ông cũng đã nhiều lần đi về từ Pháp để liên hệ, hoạt động với các nhà chí sĩ yêu nước lo cho đại nghĩa dân tộc. Cho đến ngày cuối cùng Nguyễn An Ninh từ giã cõi đời nơi ngục tù Ma Thiên Lãnh Côn Đảo, thật đáng thương, nhà chí sĩ nhà văn yêu nước khả kính cũng không được chôn bằng  chiếc quan tài. Người ta thật đau lòng tìm thấy trong một mảnh giấy nhòe nát, chứa đựng những dòng chữ nguệch ngoạc trong túi áo xác ông, được bó trong chiếc bao bố và manh chiếu cũ trên chiếc xe bò lộc cộc đi đến khu mộ Hàng Keo.

Đó là những dòng tâm huyết sau cùng gởi lại trong hai bài thơ Đường luật “Sống – Chết” như một thông điệp, kỳ vọng đánh thức thế hệ thanh niên thời đại và cả lương tri loài người: “Sống mà vô dụng, sống làm chi/ Sống chẳng lương tâm, sống ích gì/ Sống trái đạo người, người thêm tuổi/ Sống quên ơn nước nước càng khi/ Sống tai như điếc, lòng đâm thẹn/ Sống mắt dường đui, dạ thấy kỳ/ Sống sao nên phải, cho nên sống/ Sống để muôn đời sử tạc ghi” // “Chết sao danh tiếng vẫn còn hoài/ Chết đáng là người đủ mắt tai/ Chết được dựng hình tên chẳng mục/ Chết đưa vào sử chứ không phai/ Chết đó, rõ ràng danh sống mãi/ Chết đây, chỉ chết cái hình hài/ Chết vì Tổ quốc, đời khen ngợi/ Chết cho hậu thế đẹp tương lai”. Chưa vội nói đến bút pháp của tác giả bài thơ, Nguyễn An Ninh muốn thông điệp đến chúng ta một triết lý nhân sinh về lẽ sống chết ở đời. Là người có lương tâm, phải sống với lý tưởng đẹp: sống có ích, sống cho phải đạo làm người, không quên bổn phận với đất nước, để có thể về sau được sử sách lưu danh. Khi chết cũng phải làm sao để mãi tiếng thơm lại cho đời, tên tuổi còn lưu trong sách vở và cái chết đẹp nhất vẫn là chết vì Tổ quốc như người xưa đã nói: “Người sinh cõi thế, ai không chết/ Một tấm lòng son tạc sử xanh” (Nhân sinh tự cổ, thùy vô tử/ Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh). Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, bà Trương Thị Sáu, vợ của Nguyễn An Ninh được bầu làm Đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa 2 và khóa 3, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ác khóa 1, 2 và 3.

Nhận định về Nguyễn An Ninh, Tiến sĩ Sử học Pháp Daniel Héméry có ý kiến: “Nguyễn An Ninh là người có ảnh hưởng lớn đến trí thức miền Nam Việt Nam trong những năm 1920, 1940, người đã thức tỉnh cả một thế hệ”. Nhà cách mạng – GS. Trần Văn Giàu đã có nhận xét rất chân tình: “Nguyễn An Ninh là một chính khách, học giả, một nhà chính trị hoạt động. Trước hết, anh là một con người của quần chúng, của nhân dân… Trong mắt, trong lòng người Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh, chí sĩ Nguyễn An Ninh là một người cách mạng, xứng đáng được lưu danh bằng bia đá, tượng đồng”.

Nguyễn Tấn Thành