Tiếng của sum vầy… – Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

121

Lũ chim gáy trong lồng rạo rực không ngủ được vì nghe tiếng gáy của đồng loại ngoài bìa rừng vọng đến. Chúng như nhắc ông Sáu nhớ ra sắp đến mùa sinh sản của chim cu gáy. Giờ là lúc chúng tìm nhau để kết đôi chồng vợ. Qua ánh đèn pin, những đôi mắt chim cu tròn xoe nhìn ông như tha thiết cầu xin. Cũng phải thôi, con người có đôi thì lũ chim cũng vậy. Lật đật mở cửa từng chiếc lồng, trên tay ông còn sót lại vài chiếc lông nhẹ bẫng.

Ông Sáu vừa phẩy những giọt nước mưa đọng trên đầu tóc, áo quần vừa lèm bèm. Mưa gió gì mà nhoằng một cái đã ào ào đổ xuống, rượt con người ta chạy như chó đuổi. Xém thì té chỏng chơ. Già rồi, xương khớp rệu rã chỉ cần tìm cái cớ là rời rạc ra ngay. Tụi bay nhìn cái gì? Nếu không lo tụi bay ướt, tao đã chẳng phải vội vàng như thế. Tụi bay biết không tao đang dở ván cờ, trà cũng vừa mới nhấp môi một ngụm. Giờ chờ mưa tạnh thì trà nguội mà cờ cũng hết hứng rồi. Thôi vậy, tao ở nhà đan lát làm bạn với chúng mày.

Khán giả của ông nãy giờ là mấy con chim mải ngó nghiêng trong lồng, thỉnh thoảng lại gù lên vài tiếng. Cúc cù cu cu. Cúc cù cu cu. Ông già không cần ngẩng lên nhìn cũng biết con trên lồng treo thấp hay treo cao, con cổ cườm hay không cườm, ấy là dựa vào tiếng gáy giọng thổ, giọng đồng, giọng kim hay giọng son. Vợ đi xuất khẩu lao động cũng đã hơn hai chục năm trời. Hai đứa con đủ lông đủ cánh cũng bay đi, mải miết ở thành phố xa xôi, hoa lệ. Nhiều lúc ngồi trước hiên nhà ngó đám mây bã bừa trôi trên vùng trời cao vợi ông đã nghĩ chỉ có tụi nhỏ này là không rời bỏ nơi đây. Tụi nhỏ không biết nói tiếng người. Chứ nếu không chúng sẽ hỏi: “sao biết tụi tôi không muốn bỏ đi? Bị ông nhốt trong lồng thì tụi tôi bỏ đi làm sao được?”. Ờ ha…

Thằng cả tiện chuyến công tác vùng cao nên tạt về thăm nhà. Đúng lúc thấy cảnh ông già đang bưng bát cơm nguội, cá khô thêm chén muối dầm ớt, ngồi ở bậc hè. Khoảnh khắc thấy bố mình vươn dài cổ cố nuốt miếng cá khô nghẹn trong họng khiến thằng cả chạnh lòng. Nó tiếc đã không chụp lại được khoảnh khắc đó gửi cho mẹ thấy. Mẹ định đi bao lâu? Bao giờ thì mẹ về? Mẹ không thấy xót xa cho bố hay sao? Trước những câu hỏi ấy người mẹ thường im lặng. Im lặng như suốt bao năm qua mẹ biền biệt xứ người. Kể lúc thằng cả mới năm tuổi, đen nhẳng, đứng cao bằng cây xoài bố mới trồng trước nhà.

Hôm mẹ đi, thằng cả sấp ngửa chạy từ cánh đồng về sau khi nghe tụi nhỏ trong xóm nói: “Mẹ mày đi làm ăn xa lắm. Xe sắp chạy rồi. Mày nhanh chân còn kịp”. Mẹ dúi bé út cho bố, vội xoa đầu thằng cả rồi leo lên chiếc xe máy của người quen, mất hút sau lũy tre làng. Thằng cả chạy đuổi theo đến khúc cua thì dừng lại. Chiều nào bé út cũng xách nước tưới cây. Thằng cả đắp vào gốc xoài không biết bao nhiêu phân xanh để cây nhanh lớn. Hôm đi mẹ có hứa “chừng nào cây xoài cao bằng mái nhà mẹ sẽ về”.

Mẹ về thật nhưng hai anh em còn chưa quen hơi ấm thì mẹ lại đi. Lúc đi hình như mẹ định hứa gì đó rồi thôi. Năm ấy hai anh em Khang đều đã lớn, cây xoài cao vượt mái nhà sum xuê tỏa bóng bốn mùa. Dường như mẹ nhận ra không nên để lại lời hứa nào sẽ tốt hơn. Tụi trẻ ở lại không còn gì chờ đợi và bấu víu.

Biết ông Sáu hay đi nhậu bỏ bê nhà cửa nên vợ gọi người lắp hẳn hai cái camera. Một cái lắp trong nhà xem ăn ở ra sao. Một cái lắp ngoài sân chĩa ra cổng, giờ nào đi, giờ nào về là bà nắm hết. Khối hôm ngà ngà say, chân nam đá chân chiêu tiếng bà quát vọng ra từ camera khiến ông giật thót. Đứng chống hông giữa sân, ông nói vóng lên: “Bà giỏi thì về đây mà quản này”. Nói xong ông nằm sõng soài giữa sân làm một giấc, mặc kệ sương gió rét căm. Con út soi cam xót xa gọi điện thoại cho bố nhưng chuông kêu lên vô vọng. Út đành gọi cho hàng xóm chạy sang lôi bố vào nhà. Thỉnh thoảng tụi nhỏ ghé thăm nhà rồi lại vội vàng đi. Chỉ còn ông Sáu, làm bạn với lũ chim cu gáy treo bên gốc xoài già. “Chỉ tụi mày là không bỏ tao đi”, lần nào nói câu ấy ông cũng thấy nhồn nhột trong lòng.

Những lần tỉnh lại sau cơn say, ông Sáu hay ngồi ở chái nhà nhìn ra khoảng sân vắng lặng. Ông thấy nhớ các con hơn bao giờ hết. Nhớ khi chúng còn là những đứa trẻ quanh quẩn bên ông, sớm, trưa chiều tối với bữa cơm đạm bạc. Vắng mẹ, chúng lủi thủi trong thế giới nhỏ bé của mình. Mỗi chiều nghe tiếng còi tàu hỏa vọng lại từ sân ga, ông như nghe thấy tiếng rạo rực trong lồng ngực con mình. Nó thèm đi. Ông biết mình để tuột tay con ngay khi nó vẫn ngồi kè kè bên cạnh, mùi nắng khét lẹt bốc lên từ mái tóc vàng khè.

Càng lớn thằng nhỏ càng thích quăng quật mình khắp chốn đồng rừng. Có trưa nó trèo tít hút trên ngọn bạch đàn ngó xem vải nhà ai chín đỏ, lúa ai phơi đầy sân, bếp nhà ai nấu cơm sớm thế. Chẳng ai biết nó nhiều lần ngẩn ngơ khi thấy bên giếng nhà hàng xóm người mẹ cầm chổi rượt thằng con ở dơ không chịu tắm gội gì. Rõ ràng người ăn vài cái cán chổi vào mông là đứa bạn hàng xóm mà sao nó lại là người thấy đau rát trong tim. Nó ước gì cũng có mẹ ở bên để càm ràm chuyện tóc sao để dài che hết mắt, thấy đường đâu để nhìn. Đi ra nắng sao không đội cái mũ vào, ốm ra đấy lại khổ tiền cháo thuốc.

Không kịp đợi đủ mười tám tuổi thằng cả đã rời nhà. Nó xuống huyện học trường nghề, tháng về nhà đôi lần nhìn những người ở lại. Mỗi lần nghe ai đó nói phong thanh “thằng nhỏ đó mắt lúc nào cũng nhìn phía chân trời, sớm muộn gì cũng đi biệt xứ hệt như mẹ nó”. Ông Sáu ngửa cổ uống một ngụm sương, nói với con chim cu gáy ngó nghiêng ở trong lồng “đi được thì cứ đi đâu ai cấm”. Con út chỉ duy nhất một lần hỏi về mẹ nó:

– Có phải tại xứ này buồn quá nên mẹ không về?

– Đâu có, tại nghèo quá không có tiền nuôi tụi bay ăn học nên đi. Bà ấy không về chắc cũng vì sợ cảnh nghèo lặp lại.

Ở làng thiếu gì người đi xuất khẩu lao động. Mà ai cũng thế, đã đi là không muốn về dù lúc mới đi họ đều nhớ nhà đến héo hon. Lâu dần nỗi nhớ thành quen, thời 4.0 call video là nhìn thấy cả chân tơ kẽ tóc của nhau, cũng đỡ. “Về để nhìn nhau chết đói à?” là câu nói cửa miệng của những người đàn bà đi làm ăn xa. Một ngày công bên đó bằng ba, bốn ngày lương công nhân ở quê nhà. Ai mà không ham? Chưa kể nhiều tuổi về quê biết kiếm đâu ra việc để làm. Không lẽ lại đi vạc bờ, cấy hái lại trên mảnh đất để hoang hóa đã lâu? Đời nào họ chịu. Thôi thì cứ bám trụ xứ người, chẳng bằng cấp làm giúp việc cho nhà người ta cũng vẫn sướng chán. Họ đâu biết hơn chục năm sau những đứa trẻ cũng lần lượt rời làng. Chúng bỏ đi đâu phải vì nghèo.

“Mẹ đi được thì tụi con đi được”. Thằng cả từng tỉnh bơ nói vậy lúc nghe mẹ nó càm ràm chuyện bỏ bê nhà cửa. Hôm ấy hàng xóm gọi cháy máy mấy mẹ con nó khi phát hiện ông Sáu bị cảm nằm ở chái nhà. Thằng cả chạy về tính vô bếp nấu cho bố bát cháo mà vét trong chum gạo không được nửa lon. Hớt hải chạy qua nhà hàng xóm vay gạo xong về nhà mới thấy củi đều đã ướt. Chỗ dột trên mái bếp chảy tràn ngấm ướt cả tro.

Hàng xóm thở dài bảo: “Dạ dày bố mày toàn tráng bằng men rượu”. Mấy câu đó thằng cả cố tình lôi khách ra đứng trước hiên nói thật to cho camera ghi lại. Để xem ai đó ở nhà có biết xót mà về. Lúc đứng ở chái nhà lưng thằng cả rung lên từng chặp. Khoảnh khắc đó nằm đúng góc chết nên camera không ghi lại được. Ở mãi tận Đài Loan người mẹ tức điên lên khi thằng nhỏ ngoan ngoãn ngày nào giờ trả treo với mình như thế. Nó đâu biết người mẹ này từng bao lần ăn cơm chan nước mắt xứ người để kiếm tiền lo cho anh em nó. “Mẹ về đi, con nuôi”. Trước khi xách ba lô lên đường thằng cả nhìn thẳng vào camera nói vậy. Cái thằng…

Ông già khỏe lại vào bếp thấy gạo được đổ đầy chum, bếp được chất đầy củi. Cái lỗ hổng trên mái cũng được lợp đâu vào đấy. Ông không cần lật dát giường lên cũng biết ở đó đã có một khoản tiền. “Già rồi, tiêu pha là bao. Người già cần tiếng cười hơn bát cơm đầy. Mày hiểu không mày? À mà mày thì làm sao hiểu được”. Ngoài ngõ cánh thợ buôn đã đi từng nhà đặt cọc tiền giữ lá dong, bưởi bòng chờ tết lấy. Hồi xưa, lúc còn ở nhà vợ ông thường chuẩn bị tết rất sớm. Tầm này là bà ấy đón ngày nắng to mang măng, đỗ ra phơi lại. Có hôm ông đi làm về nồi cá kho trong bếp đã khét lẹt mà vợ thì còn mải đứng ngoài hàng rào bàn chuyện tết này ăn lợn đụng nhà ai.

Những buổi tối tháng chạp vợ ông hay thở dài hơn. Mua thiếu nợ vài nơi tết nhất cũng cần phải trả. Tiền học của con cô giáo giục vài lần. Ngó đống quần áo treo trong buồng thương các con chẳng có bộ nào gọi là tươm tất. Mà tụi nhỏ đứa nào chả thích tết được manh áo mới khoe cùng chúng bạn. Có thể lúc bắt con gà trống cuối cùng trong nhà mang đi bán vợ ông đã nuôi ý nghĩ rời bỏ quê hương. Những đêm khuya trằn trọc lo toan vắng đi tiếng gà trống báo canh có thể lòng người đàn bà càng nhức nhối.

Cũng có thể hôm bế trên tay đứa con ốm sốt chạy sang nhà hàng xóm vay tạm ít tiền đi viện, vợ ông đã kiên quyết tìm cách kiếm tiền. Hàng xóm cứ xì xào chuyện người này người kia đi làm giúp việc bên Đài nghe nói lương cao lắm. Có người đi vài tháng mà gửi tiền về trả hết nợ lần. Có người đang tính cuối năm xây nhà. Có người tháng nào cũng mua vàng cất hũ. Vài câu chuyện bâng quơ bóng gió ấy đã nhổ phăng gốc rễ một người đàn bà quanh quẩn ruộng đồng rời quê biệt xứ. Mày hỏi gì cơ, tao có giận bà ấy không à? Không bay ơi, thương còn không hết sức đâu mà giận. Có giận, tao chỉ giận chính mình”. Tụi chim gật gù ra vẻ hiểu lòng ông chủ lắm.

Tháng chạp về bằng một cơn gió ràn rạt lúc nửa đêm. Ông lo cho mấy con chim nên trở dậy treo chúng vào nơi khuất gió. Ông đâu biết lúc đi ngang qua hiên nhà, camera đã bắt trọn khoảnh khắc gầy gò liêu xiêu trong gió của mình. Ông cũng đâu biết ở nơi xa chẳng cần cơn gió nào vợ mình cũng thao thức không ngủ được. Lạ lắm, mấy chục năm xa quê bà đâu phải phơi sương gió bao giờ nhưng gót chân chưa bao giờ hết nẻ. Đêm bà vẫn nghe thấy tiếng chim cuốc gọi bầy trong tâm tưởng. Có đêm nghe gió thổi ngoài cửa kính xứ người sao giống ngọn gió quê mình đến cồn cào vậy. Quờ chiếc điện thoại trên đầu giường mở ra, không có tin nhắn gửi đến. Bà lại check camera ở nhà xem chồng đã ngủ chưa? Con chó còn nằm ở hiên nhà hay chạy lùng sục đâu đó trong vườn. Có khi nhìn ngọn chuối lao xao phía nào mà biết gió thổi từ hướng Nam hay Bắc. Nhớ sao không về? Ai đó từng hỏi bà như vậy. Về chứ. Ai đi xa rồi cũng sẽ trở về.

Chiều tháng chạp, tỉnh dậy sau cơn say ông Sáu thấy bụng dạ cồn cào. Dọn mâm cơm với nồi canh tập tàng, mấy con cá khô mặn đót ra hiên ngồi ăn. Bỗng tiếng người vọng ra từ chiếc camera khiến ông giật nảy:

– Có một mình sao ông không ngồi trong bếp ăn cho ấm? Giờ già yếu rồi sao cứ ra đầu gió mà ngồi.

– Thì tôi ngồi ra đây vừa ăn vừa có lũ chim trò chuyện, đỡ buồn.

– Người gì mà suốt ngày trò chuyện với chim

– Chứ nhà này đi hết, bà bảo tôi biết nói chuyện với ai?

Ông không nhận được câu trả lời nào, phía bên kia có người im lặng. Ông lùa vội miếng cơm vào miệng, nghe đâu đó vọng lại tiếng nhạc xuân rộn rã. Thường thì ông đi từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều. Hàng ngày ông tạt qua nhà hai lần cho tụi nhỏ ăn. Bữa nào ông say sưa về muộn là chú chó đói meo, gác mõm lên bậc hè nằm buồn thiu chờ đợi. Bà có càm ràm thì ông bảo “nhà có việc gì mà chả đi. Ruộng cho người ta làm, vườn vặng cũng chẳng cần chăm bẵm gì nhiều. Cứ ru rú ở nhà buồn mà chết”. Ấy vậy mà dạo này ông không đến nhà ai. Tết mà, người ta còn bận bịu lo toan vun vén mình không nên quấy quả. À mà thật ra thì ông không chịu được khi thấy cảnh nhà ai cũng hứa hẹn sum vầy.

– Tụi nhỏ có nói hai mấy thì về ăn tết không ông?

– Tụi nó giống tính bà. Bao năm nay, đi là đi mà không hẹn ngày về.

– Ai nói tôi không hẹn ngày về? Hai ba tết năm nay tôi có mặt ở nhà. Ông nhớ dọn dẹp cửa nhà, bổ sẵn củi nấu bánh, còn thiếu gì chờ tôi về mua sắm.

Ông đặt ly rượu xuống mâm, ngơ ngác hỏi lũ chim “chúng mày vừa nghe thấy gì không? Có phải bà ấy hẹn hai ba tết sẽ về?”. Lũ chim ra vẻ gật gù. Ông bấm ngón tay tính toán, chỉ còn chưa đầy một tuần nữa chứ mấy. Trước giờ có nhiều khi cầm cái chổi lên định quét nhà rồi ông lại cất đi. “Ối dào! Ở một mình có bày biện gì đâu mà có rác”, ông thường nói vậy với bạn nhậu của mình. Ấy thế mà giờ ông thấy nhà bụi quá, vườn nhiều cỏ quá, thềm giếng sao lắm rêu trơn. Lụi cụi quét dọn, lau chùi suốt mấy ngày vẫn thấy chưa đâu vào đâu. Hàng xóm thắc mắc hỏi nhau:

– Sao mấy hôm nay ông Sáu chăm chỉ vậy?

– Ờ. Nãy đi qua cổng thấy ông ấy bổ củi phơi một nửa sân. Rủ sang làm chén nước chè ông ấy xua tay bảo tết đến chân rồi, nhà còn nhiều việc lắm.

– À… chắc là tụi nhỏ sắp về.

Mấy đêm nay ông ngủ rất ngon, chắc là do làm mệt. Nhưng có đêm tỉnh giấc vì tiếng gió khuya khoắng ngoài sân lại khiến ông nôn nao đến lạ. Hệt như cái đêm cuối đông đầu xuân năm ấy. Khi mà ông chuẩn bị đón bà về làm dâu trong căn nhà tuềnh toàng. Niềm hạnh phúc xen lẫn nỗi lo toan đã khiến ông không tài nào ngủ tiếp. Đã bao nhiêu cái tết trôi qua gia đình ông không có cảnh đủ đầy sum họp. Cái bánh chưng con gái xách về từ chợ để lăn lóc mốc meo. Bếp tết nguội lạnh vì ông và thằng cả đi nhậu suốt. Con út hay theo bạn ăn tết xê dịch tận đẩu đâu. Vắng người đến nụ đào, bông cúc ngoài vườn còn nở ơ hờ huống chi là con người. Ông trở mình nghe gió kéo dài thành vệt lá dưới sân. Hình như lũ chim trong lồng cũng không sao ngủ được.

Ngày hai ba tháng chạp, lúc ông đang lúi húi định mang cá chép ra sông thả thì chiếc xe taxi rẽ vào tận sân nhà. Thấy ông đứng ngẩn người bà cười bảo: “Ông không xách đồ vào giúp tôi còn đứng đấy làm gì”. Chẳng kịp nghỉ ngơi, bà nhìn quanh nhà chỗ này cần quét dọn, chỗ kia cần sắp xếp. Ông thích nhìn bà đứng chống nạnh xem cái bình gốm mới mang về đặt chỗ nào cho đẹp. Chậu cây cảnh đặt ví trí đó đã hợp phong thủy hay chưa. Chưa gì ông đã thấy nhà cửa ấm ran, con chó con mèo cũng xoắn xuýt vui, chạy ra chạy vào vướng chân phát bực. Những người đàn bà lạ thật. Họ đi đến đâu là nhà cửa sạch sẽ, chăn màn thơm tho, bếp ấm lửa, cơm canh nóng hổi. Lúc đi qua thềm nhà, bất giác ngẩng lên nhìn mắt camera nhấp nháy ông khẽ nở nụ cười chỉ tay vào người vợ đang ngồi bóc vỏ hành ở giữa sân. Ý như muốn nói “mẹ tụi bay đã về rồi. Về hẳn.”

Nhà đông khách hẳn, dĩ nhiên không phải là bạn nhậu của ông. Toàn là chị em phụ nữ chạy qua rủ nhau đi chợ hoa, đi ăn, xem tát cá đồng chọn con to tết làm nồi lẩu. Có khi gọi nhau sang chỉ để nhấm thử giò tai, mẻ mứt táo vừa mới ngào xong. Tiện câu chuyện thì hỏi nhau cuộc sống ở bên Đài Loan thế nào? Tết bên đó ra sao? Ở bên đó bao nhiêu năm giờ về quê có khi buồn nhỉ? Có còn thấy hợp với khẩu vị quê nhà? Hay là ăn cơm canh bên đó quen rồi? Ờ quen thì quen đấy nhưng hương vị quê nhà nó nằm trong sâu thẳm kí ức của mình. Đến tận khi nằm xuống người ta còn mang theo, quên làm sao cho được. Ngủ trăm giấc xứ người không bằng phút chợp mắt bình yên ở quê hương. Ăn trăm món cao sang cũng không bằng bát dưa cà mắm muối. Chân mình đi nhưng hồn mình ở lại. Không tin thì các chị cứ thử đi xem. Nhớ lắm!

Hàng xóm rời đi, ông Sáu thấy vợ mình rơi vào khoảng lặng. Ông biết là bà đang mong nhớ tụi nhỏ, khi năm hết tết đến cận kề. Thỉnh thoảng đang làm gì đó bà lại ngẩn người dặn ông mai đi chợ nhớ nhắc bà mua thứ này, thứ kia. “Món đó thằng cả thích mê”. “Cái út nó có thể ăn cá kho tiêu vài bữa không biết chán. Ông nhớ không, hồi bé nó hóc xương cá tưởng không qua khỏi”. Bà đâu biết lúc mình lấy tay áo lau vội nước mắt sau lưng ông thì vẫn không giấu nổi tụi nhỏ khoảnh khắc ấy. Bà cũng đâu biết rằng ở một thành phố xa, tim tụi nhỏ nhói lên vì một niềm rưng rưng hạnh phúc. Ngoài kia, người ta hối hả, chen chúc ngược xuôi cũng đều để về nhà. Tụi nhỏ thèm cuộc sum vầy này đã rất lâu. Bởi ngay từ lúc rời đi thật ra đã nghĩ đến trở về.

Lũ chim gáy trong lồng rạo rực không ngủ được vì nghe tiếng gáy của đồng loại ngoài bìa rừng vọng đến. Chúng như nhắc ông Sáu nhớ ra sắp đến mùa sinh sản của chim cu gáy. Giờ là lúc chúng tìm nhau để kết đôi chồng vợ. Qua ánh đèn pin, những đôi mắt chim cu tròn xoe nhìn ông như tha thiết cầu xin. Cũng phải thôi, con người có đôi thì lũ chim cũng vậy. Lật đật mở cửa từng chiếc lồng, trên tay ông còn sót lại vài chiếc lông nhẹ bẫng. Đêm mùa xuân tĩnh lặng, ông chỉ còn nghe thấy tiếng vỗ cánh tự do mang âm hưởng sum vầy…

Theo VTHT/ VNCA