“Tiếng gọi phồn sinh” – Tùy bút của Nguyễn Linh Khiếu

1036

(Vanchuongphuongnam.vn) – Buổi sáng mặt trời chiếu những tia nắng đầu tiên vào căn phòng của mình. Hẳn là đã hết những ngày mưa lạnh sụt sùi rồi đây. Mình đi lên sân thượng và thật bất ngời. Sau tết khá lâu rồi thế mà hôm nay những cây đào, cây mai hoa mới bung nở. Thường thì ai cũng bảo rằng đó là hoa nở muộn. Nhưng năm nào cũng nở muộn thì nghĩa lý là sao.

Mình vốn thích trồng cây. Cây nào mình trồng cũng xum xuê tươi tốt. Cây hoa thì hoa nở tưng bừng. Cây quả thì quả sai trĩu trịt. Mình mệnh mộc. Cây là bản mệnh của mình. Nghĩa là mình chính là một loài cây. Chắc là cây Linh. Ngay từ nhỏ không biết do ai xui khiến mà mình đã trồng đủ loại cây. Đi đâu thấy hoa thơm quả lạ mình đều năn nỉ xin giống về trồng. Vì thế, khu vườn nhà mình có rất nhiều loài cây và hoa lạ, nhiều cây làng mình vốn không có. Ở quê vườn rộng, đất đai màu mỡ nên muốn trồng cây thật dễ.

Khi lên Hà Nội, sống ở đâu có ban công, sân thượng bao giờ mình cũng trồng những chậu cây yêu thích. Khi mình ở một căn hộ khu Thanh Xuân Bắc thì ban công rất nhỏ hẹp. Dù rất yêu cây nhưng mình cũng chỉ có thể trồng được vài chậu cây nhỏ. Do không gian eo hẹp, mùa hè nắng nóng, mùa đông lạnh giá nên nhiều cây không sống được lâu. Mình rất tiếc một giò phong lan kiếm nằm cheo neo trên ban công nhưng năm nào cũng nở những dây hoa dài đẹp mê mẩn và thơm ngát. Mình rất tiếc một cây bích đào vô cùng kiên cường nhiều năm đứng co ro trên ban công nhưng năm nao xuân về cũng bung nở những bông hoa đỏ thắm. Những bông hoa vô cùng kiêu hãnh và mang những thông điệp thật tuyệt vời về một năm mới.

Khi chuyển về làng Nhân Chính mình có một cái sân thượng rộng rãi và có nhiều ban công. Những cây mình trồng nhiều năm trước nơi ở cũ được chuyển về cùng. Khi mình về nhà mới, ông ngoại còn cho mình cả một chuyến xe tải chở cây cảnh. Toàn những cây bonsai cổ thụ thế rất đẹp và đắt tiền. Thế là trên sân thượng của mình thành một vườn cây. Nhiều cây rất có giá trị, mình vô cùng rất thích thú.

Khi bắt đầu có một không gian dành cho cây mình vừa chăm bón vừa có thời gian quan sát tâm tính của cây cối. Cây xanh có một bản thể kiên định, một tính cách mạnh mẽ, một phẩm chất điêu luyện và một năng lượng dồi dào.

Mình vốn là người trồng cây theo trường phái tôn trọng cây. Luôn để cây sinh sống thuận theo lý lẽ của cây. Không uốn cây theo thế, không tuốt lá để cây ra hoa theo ý mình, không yêu thích cành này, ghét bỏ cành kia. Tuy nhiên, với những cây thế bonsai rất đẹp lúc đầu, mình cũng cố gắng uốn cành, tỉa nhánh, cắt ngọn để duy trì cái thế đã định hình từ bao năm. Rồi cũng tuốt lá, thúc phân, điều chỉnh nguồn nước để cây ra hoa đúng thời điểm mà mình định trước.

Trồng cây từ bé đến giờ mới vỡ lẽ hóa ra cây là sinh thể không bao giờ dễ hiểu. Ta muốn uốn cây như thế nào. Ta muốn cắt cành cây bao nhiêu. Ta muốn cành này của cây phát triển và hạn chế sự phát triển của cành kia. Ta muốn cây nảy lộc vào tháng nào, mùa nào. Ta muốn cây rụng lá khi nào. Ta muốn cây nở hoa vào tháng nào… cây đều răm rắp thuận theo ta mà không hề nói năng than vãn một câu nào. Ta muốn thế nào cây cũng hoàn toàn tuân phục ý chí của ta. Sự yên lặng và nhẫn nại của cây bao giờ cũng cho ta cảm giác yên tâm rằng ta muốn làm gì với cây thì làm. Đúng ra thì cây cũng mặc ta muốn làm gì với cây thì làm. Cây không hề kêu ca, tức giận hay phản ứng gì. Dù ta vặn vẹo, uốn nắn, cắt tỉa cành lá thế nào cây vẫn luôn tươi tốt, mới mẻ và rạng rỡ. Lá vẫn xanh mướt, lộc vẫn non tơ, hoa vẫn rực rỡ và quả vẫn chín ngọt thơm lừng.

Đúng là cây hoàn toàn thuận theo ý muốn của ta thật, nhưng đâu phải chỉ đơn thuần là như thế. Cây tuân phục ta vô điều kiện nhưng cây không bao giờ từ bỏ bản ngã của mình. Nếu ta lơ là một chút là cây lại âm thầm lặng lẽ trở về với bản ngã của cây. Chỉ cần ta thử buông lơi không uốn cành, cắt ngọn, tỉa nhánh một thời gian ngắn là cây sẽ phát triển um tùm phá tan tành cái thế, cái dáng của “cây thế” mà ta đã mất hàng chục năm công phu tạo tác. Chỉ cần ta thử buông một lần không tuốt lá, không điều chỉnh hệ tưới tiêu thì cây tức khắc nở hoa theo đúng chu kỳ sinh học của cây mà không cần biết đến ngày tết hay ngày lễ của người trồng. Bình thường ta thấy cây mềm dẻo, gần gũi thân thiết biết bao nhưng vào lúc đó ta thấy cây thật xa lạ, mạnh mẽ, kiên cường, ương ngạnh biết nhường nào.

Khi nhìn những cây bung xòe cành lá “vô tổ chức” theo ý muốn của cây ta thấy thần thái của cây thật hân hoan, hồn vía của cây thật sáng ngời. Ngọn cây vươn thẳng, lá xòe căng về phía mặt trời, một màu xanh mơn mởn, một ánh sáng lấp lánh rạo rực khắp lá cành. Nếu để cây nở hoa đúng chu kỳ sinh học của cây ta sẽ thấy hoa sẽ to đẹp, cánh sẽ tươi khỏe, mùi hương tự nhiên thật ngào ngạt, quả sẽ thật sai và nồng nàn hương vị. Nhất là sau tết khi những hạt mưa xuân nồng ấm thấm nhuần khắp cây cành ta thấy cây hồn nhiên đâm chồi nảy lộc ta mới hiểu ra sự phát triển tự nhiên của tự nhiên mới tràn trề năng lượng, mới dồi dào sức sống biết bao.

Là người trồng cây ai cũng muốn cây mọc theo ý mình, cây đâm chồi nảy lộc, nở hoa kết trái đều theo ý mình và muốn trái cây chín vào đúng ngày mình cần. Ý muốn của con người với trí tuệ siêu phàm của mình đã làm thay đổi tự nhiên, đã làm thay đổi cây trồng, đã phá hủy những giá trị chọn lọc tự nhiên hàng triệu năm sinh tồn của cây cối. Trí tuệ của loài người đã thực sự biến đổi cây trồng, vật nuôi để đáp ứng những nhu cầu vô biên của mình. Khoa học công nghệ của loài người đã liên tục bùng nổ những cuộc cách mạng trong lĩnh vực sinh học, trong đó nhất là cây trồng. Đó là cách mạng biến đổi gen, đột biến gen, lai ghép, sinh sản vô tính, thủy canh… Những cuộc cách mạng “long trời lở đất” ấy đang ngày càng biến giới tự nhiên mang tính người, ngày càng nhân hóa giới tự nhiên. Cái cây sống không còn là cái cây tự nhiên nữa mà cái cây tồn tài với rất giầu hàm lượng người. Có lẽ ta chưa hiểu hết lý lẽ của huyền cơ sâu sa này.

Làm thay đổi giới tự nhiên với tư cách là cái nôi chứa đựng và nuôi dưỡng nhân loại theo ý chí chủ quan của mình liệu có phải là sự phát triển khôn ngoan không. Đó có phải là con đường đúng không. Hay đó lại là con đường ngắn nhất dẫn nhân loại đến bờ vực của sự tự hủy diệt. Có một câu nói của K. Marx mà những người theo theo ông rất ưa dùng là ”các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới”. Cái lý lẽ ”cải tọa thế giới” đã đưa nhân loại đến với những ảo vọng. Nhưng hơn thế, người ta lại cải tạo thế giới một cách theo ý chí chủ quan của mình chứ không phải cải tạo thể giới thuận theo qui luật khách quan của thế giới. Loài người đã trở thành kẻ thống tri thế giới.

Để tạo ra những cuộc cách mạng khoa học công nghệ trong sinh học và dĩ nhiên cả các cuộc cách mạng xã hội nữa các nhà khoa học và lý luận đã vận dụng thành công một số qui luật nào đó của tự nhiên và xã hội để tạo ra một sự phát triển bất thường. Thế nhưng qui luật tự nhiên và xã hội không tồn tại đơn lẻ mà bao giờ cũng tồn tại một cách biện chứng hữu cơ trong hệ thống tổng thể của nó. Nghĩa là những thành tựu đạt được hoặc mang ý nghĩa nhất thời, ở một số khía cạnh, lĩnh vực nào đó nhất định hoặc sẽ đưa đến những hậu quả vô cùng thảm khốc bởi sự vận hành của cả hệ thống các qui luật khách quan của tự nhiên và xã hội. Bởi lẽ một loài (cây chẳng hạn) được chọn lọc tự nhiên lựa chọn nghĩa là nó là số thành của sự vận hành cả hệ thống thống nhất qui luật tự nhiên hàng triệu triệu năm. Một loài, một giống tồn tại đến nay là một sinh thể hoàn thiện đã trải qua hàng triệu triệu năm tạo tác và hun đúc. Sự hiện diện của một sinh thể là một năng lượng huyền bí trong thế giới vô cùng vô tận. Nếu không có năng lượng huyền bí đó thì tất nhiên nó đã bị chọn lọc tự nhiên đào thải.

Đúng là, cứ nhìn sự tuân phục một cách vô điều kiện của những chậu cây ta trồng trên ban công ta có thể hoàn toàn yên tâm rằng ta muốn làm gì cây thì làm, ta muốn làm gì giới tự nhiên, muốn làm gì lịch sử thì làm. Khi đó, cây bao giờ cũng đáp ứng hoàn toàn mọi mong muốn tuyệt đối duy ý chí của ta. Rõ ra là, con người đã là chúa tể của cả thế giới. Thế nhưng, khi ta để cây phát triển một cách bình thường tự nhiên thì rất nhanh chóng cây lại trở về với sự phát triển hoàn toàn tự nhiên theo cái cách đã được định hình hàng triệu triệu năm rồi.

Tại sao ta không để cây phát triển bình thường theo qui luật tự nhiên vốn có của nó mà bắt cây phát bất thường theo ý chí của ta. Tự nhiên có mục đích của tự nhiên sao ta bắt tự nhiên phải theo mục đích con người. Con người chỉ là một bộ phận nhỏ bé trong giới tự nhiên lại mang tham vọng biến toàn bộ thế giới vận hành và tồn tại chỉ để thỏa mãn những ham muôn chủ quan duy ý chí của loài người. Cái tham vọng điên rồ này đã làm nhân loại mù mắt và quẫn trí không nhận ra thân phận quá ư nhỏ bé của mình trong thế giới.

Ta chợt nhận ra, có một tiếng gọi vĩnh cửu nào đó chi phối muôn loài, chi phối giới tự nhiên. Đó là tiếng gọi của sự vĩnh cửu, tiếng gọi phồn sinh. Tiếng gọi ấy thực ra đã âm thầm dẫn dắt muôn loài sinh tồn đã hàng triệu triệu năm.

N.L.K