Tiếng hát từ lòng sông – Truyện ngắn của Nguyễn Bá Hòa

740

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà hàng Ven Sông vắng khách, hơi lạnh từ dòng sông lẫn trong cái gió đầu đông bay lên. Gia đình Min chọn một góc kín gió nhưng vẫn nhìn ra bên ngoài được. Một chiếc ghe nhỏ đi dọc bờ, chiếc ghe cũ mềm xấu xí như chủ của nó, Min nghĩ vậy. Trên ghe chỉ có hai người, một ông già chăm chỉ chèo và một bà già đang căm cụi thả những mét lưới xuống dòng sông. Dòng sông hẹp, chừng vài chục mét, ở bờ bên này có thể nghe được họ nói chuyện với nhau. Mà hình như cả dòng sông chỉ có một chiếc ghe này, Min nhoài người để cái nhìn bao khắp hơn, đúng là chỉ có một chiếc ghe này.

Quán vắng khách nên người phục vụ cũng không nhiều. Gọi đôi ba lần mới có một cô bé mang quyển menu ra đặt lên bàn, rồi đứng đợi. Chị của Min đặt món, cô bé vừa nghe vừa ghi vào một mảnh giấy nhỏ. Min nhìn cô bé, nước da ngăm đen nhưng dễ nhìn, cũng khéo khéo xinh xinh nhưng sao lại đối xử với khách lạnh nhạt đến vậy. Chẳng một nụ cười, mà thôi cũng chẳng cần cười, chẳng ư hử vâng dạ, cảm ơn chi cả.

Ba mẹ Min nhìn sông nhìn nước rồi nói chuyện ngày xưa.

– Bên kia sông là một xóm nghèo, hồi trước khi con sông còn xanh trong sạch sẽ, không bị lấn chiếm bởi quán xá như thế này, cá tôm nhiều, người dân sống bằng nghề đánh bắt cá, nay họ chuyển đi làm thuê làm mướn là chính. Khi còn nhỏ ba thường tắm sông này nhưng ở đoạn gần cầu đường sắt bắt qua.

– Ba đi một mình hay đi với ai?

– Ba đi với bạn học cùng lớp, trốn học đi chơi, chơi đã ra sông tắm. Sau này nội biết la rầy dữ lắm. Cũng may nội phát hiện sớm không thì đi đong lâu rồi!

– Đi đong?

– Là đi về bên kia thế giới, là chết đó!

– Nhưng sao nội biết?

– Linh tính, giác quan thứ sáu của một người mẹ!

Mắt ba buồn buồn nhìn xa phía đầu cầu.

– Bạn của ba chết đuối ở dòng sông này, chỗ vắng người nên không có ai đến cứu kịp.

Min buột miệng.

– Ba cũng hư ghê mẹ hỉ!

Không ngờ mẹ cũng hưởng ứng.

– Ba các con hư lắm may nhờ có mẹ nên bây giờ cũng khá hơn nhiều.

Quên mất chuyện người bạn đã chết, ba cười thật to vui vẻ. Min chạy ra phía lan can nhìn quanh, bên kia sông là hàng cây to nằm sát bờ, cây không có lá, cành xương như những chiếc chổi khổng lồ quơ lên bầu trời đục ngầu, xa hơn một chút lác đác nhà cửa, cảnh vật buồn hiu. Những chú cá ốm tong ốm teo thấy bóng người đã nháo nhào đòi ăn, thì ra nó đã quen được ăn những thức ăn thừa nơi đây rồi.

Có hai người khách nam vào quán, họ chọn bàn ngay sát lan can. Một người gọi chủ quán mang bia ra trước, một người mở chiếc ba lô lôi ra lỉnh kỉnh đủ thứ. Thì ra là cái cần câu thời hiện đại. Ông lắp cần, móc mồi thả xuống sông, buộc cần câu vào lan can rồi ngồi đợi. Min nhầm, ông chẳng đợi cá cắn câu, chỉ lo uống bia và trò chuyện với bạn. Min bỗng lo cho những chú cá đói đang hóng mồi dưới kia.

Cô bé mang thức ăn ra, chị Min gọi nước uống, cô bé gật đầu rồi lặng lẽ đi vào trong.

– Chị chọn chi cái quán ma này, tiếp viên không ra tiếp viên, phục vụ chẳng ra phục vụ.

– Sao em nói vậy?

– Cứ nhìn con bé thấy đã thèm chẳng muốn ăn uống gì!

– Em không biết đó thôi, con bé bị câm mà!

Min sững sờ khi nghe chị nói vậy.

– Sao chị biết? Câm mà đi làm nghề này được sao?

– Thì còn tay còn chân, bưng bê được mà!

Ba nhìn Min có vẻ không bằng lòng.

– Phải thương người ta, tạo điều kiện để người ta sống chứ con!

Min thấy ba không vui nên lí nhí xin lỗi.

– Con không biết nên mới thế!

Bàn ngoài kia gã đàn ông đã giật được một con cá nhỏ xíu. Gã hăm hở cẩn thận gỡ bỏ cá vào một cái giỏ nhỏ, rồi lại móc mồi thả xuống xong quay lại uống tiếp, chuyện tiếp.

– Ông cứ làm cho tôi cái đề án đó, bây giờ cứ nông nghiệp sạch nông nghiệp xanh, hoặc công nghệ cao gì gì đó cũng được, mấy ổng mê cái này lắm. Chủ yếu kiếm vài lô đất bỏ túi, còn thực hiện đề án hay không là chuyện khác.

– Ông giỡn với nhà nước hả, tôi ngại lắm.

– Ông cứ viết, đề án là công của ông, việc còn lại tôi lo. Miếng đất kiếm đươc thế chấp vay ngân hàng, ngon ngon vài tỉ, tôi bồi dưỡng thỏa đáng cho ông, được chưa?

– Còn cái vụ công trình xây dựng nhà kho nhà xưởng tới đâu rồi, sao lâu quá mà không nghiệm thu?

– Thằng giám sát công trình đòi ăn, lần này về tấp cho nó vài miếng là xong ngay.

– Tôi lo quá, không phải nó đòi ăn đâu, cái móng ông làm cát không là cát, sụp lún bao giờ không hay!

– Sụp đổ là do lụt, do bão, do… ồ thôi, chuyện ấy tôi lo được chưa!

Câu chuyện từ hai gã đàn ông bên kia khiến ba Min giật mình. Đọc báo nghe đài đã biết nhiều chuyện dích dắt tiêu cực như thế, nhưng trực tiếp nghe họ nói mới đáng sợ làm sao!

Quán lại có khách, cả một đoàn có hơn chục người. Vào quán, họ kéo bàn sắp ghế lại cho đủ chỗ ngồi, tự nhiên như là nhà của họ. Một người có vẻ cũng trên năm mươi tuổi mang chiếc ghế đặt đầu dãy bàn rồi lễ phép thưa:

– Mời cô giáo ngồi! Hôm nay bọn em mời cô toàn hải sản, chiêu đãi cô giáo một bữa thịnh soạn.

Cô giáo còn rất trẻ, chẳng ngượng ngùng gì, hình như cũng quá quen chuyện này rồi, nhưng không quen cũng phải nghe theo sự sắp đặt của các học trò già lắm mưu nhiều chước này. Họ trò chuyện ồn ào vui vẻ xởi lởi như không có ai trong quán, thì ra cô giáo từ xa đến, còn học trò là những học viên lớp đại học hay cao học tại chức gì đó.

– Xong học phần của cô là bọn em chuẩn bị cho kỳ thi hết môn, sau đó tập trung ôn tập, chuẩn bị tài liệu làm luận văn, cô nhẹ nhẹ tay cho bọn em một chút cô nghe!

– Tôi đã nặng tay với lớp nào đâu! Biết các anh vừa công tác vừa học tập vất vả mà, thông cảm thôi!

– Mời cô uống một ly cho ấm, trời lạnh quá!

Họ không uống bia mà uống rượu, vừa gọn vừa kín vừa chất lượng.

Cả nhà Min không muốn nghe, không muốn thấy, mà chuyện trên trời dưới đất cứ đến, xốn tai, ngứa mắt. Mẹ cau có nhìn ba, ba hậm hực nhìn chị Min, sao lại dẫn đến cái quán này chứ! Chị Min thì tỉnh queo giải thích, quán này vừa có món ngon lại vừa rẻ, bạn con tới đây hoài, chuyện người ta thì kệ người ta, để tâm để bụng làm gì cho mệt.

Một người mặt mày dữ tợn đi vào quán, hắn nhìn quanh rồi tiến đến bàn của hai gã đàn ông đang câu cá. Kéo thêm chiếc ghế ngồi bên rồi lấy lon bia bật nắp tu một hơi. Đập lon bia xuống bàn, hắn hét to:

– Bao giờ bọn bây trả nợ cho tau?!

– Bình tĩnh đi ông anh, chuyện nợ nần tính sau, chừ nhậu với tụi tui một bữa đã.

– Tau tìm tụi bay để nhậu hả? Nói mau, có trả nợ cho anh em công nhân hay không?

– Tiền quản lý của ông anh tụi tui trả trước, được chưa? Còn lương bọn công nhân nợ ba bốn tháng có sao đâu!

– Bọn bây nói thế mà nghe được à, bọn nó kéo đến làm loạn nhà tau, chừ không trả tau quyết không tha.

Chẳng đợi trả lời, hắn rút con dao sáng loáng giấu trong chiếc áo rộng thùng thình ra, đứng phắt dậy đá cái ghế văng qua lan can rơi xuống sông. Hai gã đàn ông cũng đứng lên, mỗi gã cầm một cái ghế gỗ thủ thế.

Bọn học trò già hoảng sợ bỏ cô giáo nhanh chân chạy ra cổng. Chủ quán đã sai người ra đóng cổng tự lúc nào, ngoại bất nhập nội bất xuất, họ sợ nhân cơ hội này khách chạy mất không trả tiền. Tội nghiệp cô giáo, mặt không còn tí máu, chạy vào bếp tìm nơi ẩn nấp.

Hắn vung dao chém tới, một gã nhanh tay đưa chiếc ghế lên đỡ, chiếc ghế tuột khỏi tay rớt xuống bàn, chén ly kêu loảng xoảng. Gã còn lại thả chiếc ghế chụp ngay con bé câm làm con tin tránh đòn. Hắn bất kể con bé, vung dao lên, cô bé rất nhanh thoát khỏi tay gã, nhảy ùm xuống sông, lặn mất. Ai cũng sững sờ, con sông này nổi tiếng rất sâu, liệu cô bé có sống sót. Cuộc hỗn loạn bỗng khựng lại, ai cũng nhìn xuống dòng sông xanh đen, chẳng thấy cô bé đâu. Hai gã đàn ông lợi dụng tình huống vụt chạy ra cổng, hắn giật mình đuổi theo.

Cả nhà Min ngồi chết lặng trong góc kín, chẳng dám ho he động đậy gì. Sợ án mạng xảy ra trong quán, chủ quán cho mở cổng, thế là bọn học trò bỏ cô giáo lại một mình, dông xe chạy mất.

Quán đã báo công an đến kịp thời nhưng bọn gây rối đã lẫn trong đám đông hiếu kỳ ở cổng trốn mất.

Chẳng ai bảo ai cả nhà Min chạy ra lan can nhìn xuống sông. Chỉ có những con cá ốm tong teo đói mồi đang bơi lượn. Con bé câm đâu rồi chứ? Sao trong quán chẳng ai quan tâm đến con bé tội nghiệp. Ba Min gọi chủ quán.

– Sao không ai cứu con bé, nó chết mất thôi?!

– Anh yên tâm, nó không chết được đâu, nó là dân sông nước mà!

Ba Min ngạc nhiên:

– Thật không?

– Nói dối anh làm gì, nó kia kìa!

Theo hướng tay chỉ của chủ quán, mọi người nhìn ra xa thấy chiếc ghe khi nãy, ừ nhìn kỹ trên chiếc ghe có ba người chứ không phải hai người, là cô bé ư?

Ba Min vẫn chưa tin.

– Trên chiếc ghe kia là cô bé?

– Đúng rồi, nó là con hai vợ chồng kia, nhà ở xóm bên kia sông, qua đây xin việc đó! Công việc xong nó nhảy ùm xuống sông, bơi ra ghe, ba mẹ hắn đón về, quen rồi!

Chủ quán nói thật mà như đùa, nghe nhẹ thếch như gió bay! Từ chỗ sợ hãi đến lo lắng rồi ngạc nhiên đến chưng hửng, ba Min chẳng biết nói gì thêm, giục chị Min thanh toán tiền rồi ra về.

Bỗng có tiếng hát vang lên đâu đó, tiếng hát trong veo vui vẻ hình như từ chiếc ghe nhỏ kia vọng lên. Cả nhà nhìn ra.

– Con bé hát đó, nó hát hay lắm!

Chủ quán giải thích ngay càng khiến mọi người sửng sốt. Chị Min bất ngờ nhất:

– Nó câm mà chú?

– Ở quán nó câm, ra khỏi quán nó hết câm, có gì ngạc nhiên đâu!

Thấy ai cũng trố mắt nhìn, chủ quán lại giải thích tiếp.

– Mẹ nó yêu cầu như thế tôi chấp nhận, thuê nó giá cũng bèo mà!

Chẳng ai hiểu vì sao mẹ nó lại muốn thế! Nói như ba của Min, có phải là linh tính, giác quan thứ sáu của người mẹ! Con bé vẫn hát vô tư như chẳng có chuyện gì vừa xảy ra. Chỉ cô giáo trẻ vẫn còn run, đứng lấp ló sau lưng anh bếp trưởng, chắc không nghe tiếng hát của con bé câm từ lòng sông đang ngân vang.

N.B.H