Tiếng mưa trong nhạc – Tản mạn của Trần Danh Thùy

977

(Vanchuongphuongnam.vn) – Khi nghe nhạc, tiếng mưa trong những nhạc phẩm có thể khiến cho người yêu nhạc có khi vui, có khi buồn – nhưng có lẽ buồn thì nhiều hơn; có khi phấn khích, có khi lặng câm – nhưng có lẽ lặng câm thì nhiều hơn; nhưng cũng có khi buồn, vui lẫn lộn – nhưng nỗi buồn vẫn ‘vượt trội’… tùy vào giai điệu và ca từ của bản nhạc ấy.

Nếu chúng ta nghe: “Mưa buồn ơi thôi ngừng tiếng/ Mưa cho phố nhỏ càng buồn thêm/ Mưa rơi gác xưa thêm lạnh vắng/ Phòng côi lắng tiêu điều/ Đường khuya vắng đìu hiu…” (Lạnh Trọn Đêm Mưa – Huỳnh Anh), hoặc: “Mưa buồn mãi rơi trên biển xưa âm thầm/ Ôi biển vắng đêm nao tình trao êm đềm/ Cơn sóng nào gợi lên niềm đau trong em/ Bao nhiêu chiều lang thang một mình…” (Mưa Trên Biển Vắng – Nhạc Pháp-Lời Việt: Nhật Ngân)… chúng ta sẽ cảm thấy không gì hơn là những nỗi buồn man mác, diệu vợi.

Nhưng nếu chúng ta nghe: “Hạt mưa, mưa rơi tí tách/ Mưa tuôn dưới vách/ Mưa xuyên qua mành/ Hạt mưa, mưa qua mái rách/ Mưa như muốn trách/ Sao ta chạy quanh…”. Mặc dù ca từ là của nhạc phẩm có cái tên Phố Buồn, nhưng nhạc sĩ Phạm Duy vẫn khiến cho chúng ta lại cảm thấy vui vui, muốn ít nhất là ngồi rung đùi, hoặc thậm chí, đứng lên lượn vài vòng theo điệu nhạc tango lả lướt theo tiếng mưa rơi trong bản nhạc…

Hoặc nếu chúng ta nghe: “Mưa rơi trên vai chàng/ Mưa rơi ướt vai nàng/ Mưa rơi khắp thôn làng/ Mưa reo những cung đàn/Mưa như tiếng ru con dịu dàng…” (Mưa – Văn Phụng), thì tâm trạng của chúng ta cũng phấn khích không kém.

Còn nếu như chúng ta nghe: “Chiều nay mưa trên phố Huế/ Biết ai đã quên ai rồi/ Hạt mưa rơi vẫn rơi, rơi đều cho lòng u hoài/ Ngày xưa mưa rơi thì sao?/ Bây chừ mưa rơi lại buồn/ Vì tiếng mưa, tiếng mưa trong lòng làm mình cô đơn…” (Mưa Trên Phố Huế – Minh Kỳ &Tôn Nữ Thụy Khương) ta sẽ cũng buồn đấy nhưng lòng ta vẫn đầy ắp những kỷ niệm khó quên…

Tiếng mưa có khi là tiếng lòng riêng tây của ai đó: “Tháng Sáu trời mưa trời mưa không dứt/ Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa/ Anh lạy trời mưa phong kín đường về/ Và đêm ơi xin cứ dài vô tận…” (Mưa Tháng Sáu – Nguyên Sa & Hoàng Thanh Tâm).

Cũng vậy, có lẽ, tiếng mưa và hình ảnh của người yêu là một sự kết hợp tuyệt vời: “Em đến thăm anh một chiều đông/Em đến thăm anh một chiều mưa/ Mưa dầm dề, đường trơn ướt tiêu điều/ Em đến thăm anh, người em gái/ Tà áo hương nồng/ Mắt huyền trìu mến sưởi ấm lòng anh…” (Tô Vũ).

Tiếng mưa có khi lại là vọng âm, là tiếng gọi của người tình: “Chiều nay còn mưa sao em không lại/ Nhỡ mai trong cơn đau vùi/Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau/Bước chân em xin về mau…” (Diễm Xưa – Trịnh Công Sơn)

Có thể nói, trong nhạc, tiếng mưa là vô cùng vô tận những thanh âm hòa cùng sắc màu của tiếng lòng của người sáng tác nhạc cũng như người thưởng thức âm nhạc. Ở đâu đó, thảng hoặc, chúng ta lại có thể bắt gặp một tiếng mưa lạ: “Em còn nhớ hay em đã quên?/ Bên hàng xóm đôi khi ghé thăm/ Có hai mùa vẫn đi về/ Có con đường nằm nghe nắng mưa/ Em còn nhớ hay em đã quên?/ Trong lòng phố mưa đêm trói chân/ Dưới hiên nhà nước dâng tràn/ Phố bỗng là dòng sông uốn quanh…” (Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên – Trịnh Công Sơn) đã tạo nên một bức tranh ‘siêu thực’ của mưa cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen của một hiện thực siêu nhiên.

Và như vậy, tiếng mưa đã trở thành ngôn ngữ của những thanh âm, sắc màu, hình ảnh cũng như tâm tư, tình cảm, đồng vọng… của mọi người yêu nhạc!

T.D.T