Tiếng nấc – Truyện ngắn của Bạch Nhật Phương

716

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chiều nắng nhạt, những đám mây màu chì chầm chậm trôi, trễ nãi, ảm đạm. Gió bấc như đang thổi cái lạnh lẽo vào tận tâm khảm.

Nhà văn Bạch Nhật Phương

Ông Trưởng Phòng Tổ chức giọng run run đọc lời điếu. Người nằm trong quan tài kia là một nhà giáo, dạy toán tại trường Cao đẳng Sư phạm. Ông đã qua đời vì một khối u ở não, mới hưởng dương 57 tuổi, để lại bà vợ và một thằng con trai duy nhất. Nó đã 21 tuổi, không nghề nghiệp. Bà vợ nguyên là giáo viên tiểu học, mới nghỉ hưu.

Chiếc quan tài từ từ hạ huyệt. Những hòn đất đầu tiên rơi xuống nóc áo quan nghe lộp bộp, rồi nhỏ dần, tựa như tiếng bước chân đang đi xa.

Bà giáo khóc không thành tiếng, đôi vai nhỏ nhắn rung lên dưới lớp vải xô trắng.

Những người đưa tiễn ông giáo như nín thở dõi theo từng cử chỉ của thằng con quý tử. Thằng bé vẻ mặt chai lỳ, đôi mắt ráo hoảnh đứng trơ trơ. Khi nấm mộ đã cao lên lùm lùm thì một đồng nghiệp của ông giáo đến bên thằng bé nhẹ nắm bàn tay nó thì thầm: “Cháu nói lời cảm ơn đi”. Nó quay đầu sang phía ông Trưởng Phòng Tổ chức hỏi trống không : “Giấy đâu”. Cầm tờ giấy viết sẵn, thằng bé đọc một lèo, giọng khô khốc. Tưởng như nó đang đọc khoán cho mau xong. Bà mẹ nó bỗng nấc lên, rền rĩ: “Con ơi, sao lại thế !”. Rồi bà lả người, mặt tái mét, nước mắt chan hòa, héo rũ.

Người ta đỡ bà đứng dậy, dìu bà lên xe. Thằng con trai cầm tấm ảnh người quá cố lững thững bước theo, không một giọt nước mắt, không một chút động lòng.

Thằng con trai bất hiếu ấy đã có một thời là ánh hào quang của cha mẹ nó và là niềm mơ ước của nhiều bậc phụ huynh khác. Không ít người đã từng nói: “Giá con mình cũng được như thế”. Hồi lớp 9 nó được giải nhất cuộc thi học sinh giỏi Toán cấp tỉnh. Lên cấp III nó được tuyển vào học tại một trường chuyên nơi tạo nguồn cho các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Năm học lớp 11 nó tham gia trong đoàn thi “Đường lên đỉnh Olympia”. Nó vượt qua các đối thủ trong vòng thi tuần và vòng thi tháng rồi chiếm giải nhì trong vòng thi quý. Hôm nó xuất hiện trên VTV3 mẹ nó rối rít khoe với xóm giềng, còn bố nó thì cười rạng rỡ. Ấy thế mà..!

Từ khi thằng bé lên lớp 12 đến nay ông bà giáo thấy nó cứ ngày một gầy rộc đi vì học hành miệt mài. Thì vất vả cũng là lẽ thường, sắp phải vượt qua hai kỳ thi liên tiếp kia mà. Buổi sáng nó đến trường, buổi chiều nó đến lớp luyện thi, tối về chong đèn học đến quá nửa đêm. Bà giáo thấy thương con, thỉnh thoảng lại nấu vài món đặc biệt bồi dưỡng cho nó. Khi vào phòng đưa thức ăn bà thấy nó ngồi bên máy vi tính rất say sưa, chăm chú. Bà nghĩ thầm: “Chắc vì nó phải thi vào khoa Công nghệ Tin học nên cần luyện tập nhiều trên máy tính”. Bà chưa biết sử dụng máy vi tính nên chẳng hiểu gì về lĩnh vực này. Ông giáo tin tưởng tuyệt đối vào cậu con trai, lại luôn tôn trọng những sinh hoạt cá nhân của nó nên chẳng bao giờ xét hỏi.

Đột nhiên, một hôm ông bà giáo nhận được thư của cô giáo chủ nhiệm mời phụ huynh đến trường để trao đổi. Khi gặp cô giáo rồi ông mới biết gần đây nó hay trốn học, kết quả sút kém. Hoang mang quá, ông giáo liền lần tìm đến lớp luyện thi thì được biết nó đã không dự lớp từ lâu lắm rồi, mà cũng không đóng học phí. Thì ra nó dùng tất cả tiền mẹ cho vào việc chơi game Online và mua các “ hiện vật ảo” để phục vụ cho trò chơi của nó. Để che mắt bố mẹ , ban ngày nó đến chơi tại các trung tâm dịch vụ, ban đêm chơi tại nhà.

Giận quá, ông giáo giơ thẳng tay bạt tai nó hai cái liền mạnh như trời giáng, rồi quát: “Cút ra khỏi nhà ngay”

Tưởng đến đêm nó quay về, hóa ra không. Phần vì mải mê chìm đắm trong thế giới ảo, phần vì đã quá quen được đối xử hết sức nhẹ nhàng, êm ái, nó bất mãn với bố bỏ đi thẳng. Rồi nó kết bạn với bọn trẻ lêu lổng và sống lang bạt. Ông bà giáo đã nhiều lần nhắn tin trên truyền hình và báo chí nhưng nó vẫn biệt tăm. Nó háo hức, mê mẩn với những nỗ lực nhằm thể hiện mình qua việc ghi điểm cao và tăng thứ hạng trong các trận đấu của Game Online. Nó cảm thấy nếp sống ở gia đình và trường lớp thật tù túng, tẻ nhạt. Nó nghĩ rằng bố nó đã “can thiệp thô bạo” vào sở thích riêng tư của nó nên rất hận ông. Ông giáo rầu rĩ, suy sụp rồi sinh bệnh. Biết bố nằm viện mà nó vẫn dửng dưng.

Một lần đi chợ về, bà giáo thấy cửa tủ bị bật tung, mấy lượng vàng bà dành dụm để chữa bệnh cho ông đã mất, thay vào chỗ đó là bức thư của thằng con trai. Nó viết: “Mẹ đừng báo công an làm gì, chính con lấy đấy. Ông già bị ung thư, bệnh ấy chẳng thể nào chữa khỏi đâu, vì thế mẹ đừng phí tiền vô ích. Con còn trẻ, cần có tiền sinh sống. Mẹ cũng đừng nhắn tin tìm con về nữa nhé, con đi làm ăn xa, không về nhà đâu. Chào mẹ!”

Ông giáo mất được một ngày thì nó về, sau đám tang ba ngày thì nó lại bỏ nhà ra đi.

Game Online là cái gì? Thế giới ảo là thế nào mà làm cho con bà mê muội đến bất nhân như thế! Ngay cả cái chết của người cha cũng không làm nó thức tỉnh.

***

Bà giáo đang thấp thỏm chờ tiếng chuông gọi cửa. Hôm nay cô giáo chủ nhiệm của thằng bé đã hẹn đưa bà đến thăm nó ở trại giam Sao Mai. Chồng cô ấy là quản giáo ở đó. Nó đã bị bắt vì tội đánh nhau gây thương tích cho bạn học ngay tại sân trường. Cô giáo chủ nhiệm đến can cũng bị thương nhẹ ở cánh tay. Chỉ đến khi nhìn thấy vết máu đỏ loang lổ trên chiếc áo dài màu thiên thanh của cô chủ nhiệm nó mới như bừng tỉnh vứt vũ khí xuống đất, miệng lắp bắp: “Em xin lỗi cô!”

Cô chủ nhiệm đã nói với chồng rất nhiều về thằng bé, vì thế ở trại giam nó được giao nhiệm vụ hàng ngày điểm tin trên báo, tóm tắt lại rồi đọc cho các trại viên khác nghe. Một lần, khi đọc tờ “An ninh Thế giới” đến trang “Hồ sơ Interpol” có một tiêu đề khiến nó giật mình: “Cảnh báo tình trạng gây án theo kịch bản Game Online”. Nó đọc nghiến ngấu, câu chuyện xảy ra tại nước Đức nhưng nó thấy từa tựa như những gì nó đã làm.

Cách biệt với Game Online đã lâu, nay từ xa nhìn lại nó chợt nhận ra rằng những cuộc chiếm đoạt, dấn thân, chinh phạt trong cái “Thế giới ảo” ấy thật vô bổ.

Hằng ngày sống kham khổ trong cái không gian chật hẹp, nó thèm khát cái không khí gia đình êm ả của những năm tháng khi cha nó còn sống. Nó luôn luôn nhớ lại những buổi sinh hoạt lớp xa xưa, khi ấy cô giáo chủ nhiệm thường dành cho nó những lời khen trìu mến.

Ký ức ngọt ngào và kiêu hãnh cứ chảy ngược, rỉ rả, thì thầm, lôi nó trở về với nếp nghĩ trong lành, quen thuộc. Trong trại giam nó làm những công việc được giao rất cần mẫn, được nhận xét là cải tạo tốt, do vậy nó được rút ngắn thời hạn.

***

Thằng con trai gục đầu vào lòng mẹ khóc tức tưởi. Dường như cả một suối nước mắt dồn ứ từ ngày mất cha đến nay đang tuôn chảy, ướt dầm vạt áo bà mẹ. Bà lại nấc lên, nghẹn ngào, mừng mừng tủi tủi. Một cảm giác ấm áp bừng lên, lan tỏa. Bà chợt thấy nó vẫn bé bỏng, đáng yêu như ngày nào.

Tháng bảy nắng gắt, những sợi tóc bếch bác mồ hôi dính chặt trên vầng trán hai người đàn bà. Đang trong mùa thi tuyển sinh. Trên đường từ trại giam trở về họ gặp nhiều tốp thí sinh từ cổng một trường đại học tràn ra mặt đường. Cô giáo chủ nhiệm nói với bà mẹ: “Mấy tháng nữa nó được ra trại chị em mình sẽ khuyến khích nó ôn tập gấp rút để kịp dự kỳ tuyển sinh sang năm. Với sức học của nó em tin rằng nó sẽ đậu”.

Bà mẹ nhìn cô giáo tin cậy, biết ơn. Lòng bà trào dâng một niềm ước vọng xa xôi, sâu thẳm…