Tiếng sấm – Truyện ngắn của Nguyễn Thanh

856

(Vanchuongphuongnam.vn) – Không như mùa phượng những năm trước, mấy tháng hè năm nay thầy giáo Nguyễn Minh Thư dạy trực tuyến thực tập Biên dịch cho sinh viên Đại học ở những năm cuối khóa sắp ra trường. Ngay trong buổi tập họp sinh hoạt đầu tiên để thông qua phương án và chương trình, Thư đã nói rõ lý do cho các em. Tình hình dịch bệnh ngày thêm phức tạp, chàng nhấn mạnh kế hoạch làm việc từ xa theo khuyến cáo của chính quyền là đế tránh nguy hiểm cho thầy trò cùng nỗi băn khoăn lo lắng của phụ huynh ở nhà nơi tỉnh xa.

Đêm nay, đang mùa dịch dữ nên đã gần hết canh năm mà thành phố vẫn im vắng như tờ. Ngoài không gian lạnh lẽo, đàn vịt trời bay đi ăn đêm về muộn buông mấy tiếng khô khan quyện lẫn với tiếng chú thạch sùng rời rạc sau lưng tủ sách trong nhà báo hiệu tàn canh khiến thầy giáo Thư bàng hoàng tỉnh giấc. Cơn ngây ngủ dật dờ và dư vị mệt nhọc của những ngày thầy trò cật lực làm việc tan nhanh khi chàng vừa thức dậy. Trong khoảnh khắc chờ sáng, Thư bất chợt nghe vọng lại từ không gian xa rì rầm tiếng sấm như báo hiệu trời lại sắp mưa. Tiết trung thu thiếu bánh không người đường phố những đêm này vắng như sa mạc. Từ sáng sớm cho tới chiều muộn mấy ngày qua trời vẫn mưa triền miên vô tận trong mùa dịch dữ! Những giọt mưa thu tí tách sụt sùi rơi ngoài mái hiên nhà khiến Thư thèm có được một đêm trăng đẹp mùa thu cho lứa tuổi thơ hồn hậu, thế hệ của ngày mai.

Ước mơ của Thư không mấy chốc đã trở thành hiện thực. Kỳ diệu vô cùng! Niềm vui nối tiếp nhau dến với Thư sau mấy lần xét nghiệm và được chích một mũi vaccine Pfizer. Trời hôm nay không mưa lớn, tiếng sấm vẫn rì rầm, nhưng tai chàng lắng nghe từ xa vọng lại với âm vang như quen thuộc. Tiếng sấm kéo dài như điệp khúc vô tận của một bản trường ca… nhỏ dần, nhỏ dần… như lời thầm thì âu yếm, khiến Thư bâng khuâng nhớ lại bao kỷ niệm trong sáng của những tháng năm lịch sử hào hùng của dân tộc.

***

Cậu bé mặt mày xinh xắn con ông lão nông Chín Hậu Nguyễn Minh Thư hạnh phúc mở mắt chào đời, may mắn được nhìn ánh sáng rực rỡ mặt trời chói lọi trong không gian huy hoàng của một mùa thu lịch sử.

Chưa mấy năm thì tai Thư đã nghe vang dậy âm vang tiếng sấm đầu tiên hùng nổ dậy vang trời đầy khí thế núi sông. “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng, kiếm nguồn tươi sáng, ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông từ nay. Ra sức anh tài…” (nhạc Lưu Hữu Phước). Tiếng nhạc theo bước đi nhịp nhàng là lời thúc giục mạnh mẽ nhân dân cả nước cùng nhau lên đường, xông ra trận mạc… đuổi đánh kẻ thù chung của dân tộc trong một mùa thu oanh liệt. “Một mùa thu năm xưa cách mạng tiến ra Đất Việt. Bừng ngàn tiếng thanh niên tung gông phá xiềng….” (nhạc Phạm Duy). Ngày ấy, tuổi còn rất bé thơ nhưng Thư vẫn nhớ rõ mồn một những điều mát thấy tai nghe cho đến hôm nay.

Tiếng súng cách mạng tháng Tám đì đùng nổ mở ra một mùa thu lịch sử hào hùng, Thư coi như tiếng sấm đầu tiên trong đời mình. Từng đoàn người không phân biệt già trẻ gái trai một lòng cương quết ra đi đánh đuổi quét sạch kẻ thù dân tộc. “Đoàn giải phóng quân một lòng ra đi / Nào có sá chi đâu ngày trở về / Ra đi ra đi, bảo tồn sông núi/ Ra đi ra đi, thà chết chớ lui”… (nhạc Phan Huỳnh Điểu). Ngày đêm trên những nẻo đường viền cặp hai bên bờ sông quê, rầm rập những bước chân từng đoàn nam nữ thanh niên lũ lượt kéo nhau đi, miệng hồ hởi cùng hát vang những giai điệu quân hành. Trên mình, họ trang bị bằng vũ khí thô sơ như súng săn, dao phay, mác vót thậm chí chỉ có tầm vông vạt nhọn… Nhưng khuôn mặt ai cũng rạng rỡ, trông ra vẻ hào hứng quyết tâm. Trẻ con người già đứng xem vỗ tay hò hét để cổ vũ động viên. Nhà Thư đơn chiếc rất cần người trông coi vườn tược ruộng đồng nhưng cha mẹ Thư vẫn cho anh chị hai tham gia vào đại cuộc: chồng đi du kích vợ làm giao liên. Bên nhà ông bà nội, hai ông chú Thư từ vùng kháng chiến trở về xã tham gia giành chính quyền. Ông Chín Hậu ba Thư được mời hợp tác vì ông khá quốc ngữ và có nét chữ đẹp ra giữ vai trò thư ký Ủy ban Hành chánh tại ngả ba đầu kênh đào Mười Thới ở gần nhà ông Tây Việt Minh Ba Paul.

– Chuyện vui cả trăm năm mới có một lần. Ba sắp nhỏ cứ yên tâm đi lo đóng góp vào việc nước. Công việc nhà, ruộng vườn đã có tôi và các con lo liệu. Ở bên hè, vừa sắt chuối cho heo ăn Bà Chín vừa quay ra phía ông Chín, chậm rãi.

– Hôm nay, tôi họp suốt cả ngày, buổi trưa không về ăn cơm. Ở nhà đừng đợi. Buổi tối, tôi cũng có thể về muộn nghe bà.

Cách mạng tháng Tám là tiếng sấm nổ ra vang trời, chấm dứt sự thống trị tàn ác nhân dân của thực dân Pháp trong gần một thế kỷ. Với sự hy sinh vô bờ cho tổ quốc của chủ tịch Hồ Chí Minh, một nước Việt Nam thực sự độc lập tự do được khai sinh và hiện diện đường hoàng với nhân loại trên bản đồ thế giới.

Do sự phản bội của thực dân Pháp cùng thái độ tiêu cực của đồng minh, tiếng sấm thứ hai phải nổ ra. Đó là những phát đại bác chiến đấu gian nan mà anh dũng trong 9 năm của nhân dân và quét sạch quân thù ngoại chủng ra khỏi nước nhà với chiến thắng Điện Biên chấn động năm châu. Tại chiến khu Việt Bắc trong gần một thập niên, cán bộ chiến sĩ đã phải nếm mật nằm gai chiến đấu để gi2nh lại được một nửa mình đất mẹ quê hương: “Đường giải phóng mới đi một nửa / Một nửa còn trong lửa nước sôi…” (Tố Hữu). Con sông bến Hải nơi vĩ tuyến 17 – hình ảnh mới hôm nay của con sông Gianh xưa thời Trịnh Nguyễn khi ấy lại trở thành biểu tượng của một sự chia cắt đau lòng trong lịch sử dựng nước hơn bốn nghìn năm của dân tộc.

Do âm mưu tâm độc của thế lực ngoại bang câu kết nhau, nước Việt Nam không được thống nhất hai năm sau khi hiệp định Genève được ký kết (1954). Trong khi nhân dân miền Bắc đổ mồ hôi tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trong lao động sản xuất, miền Nam còn phải tiếp tục sống trong một chính quyền ăn theo chịu sự tác động của ngoại bang về mọi phương diện.

Tính nết bẩm sinh ngay từ thuở bé, Thư không thuộc mẫu người ngoại hướng mà sống nghiêng về thế giới nội tâm, tinh thần tình cảm thuộc về bên trong con người. Trớ trêu thay, từ khi mới mở mắt chào đời cho tới bây giờ, Thư có cảm giác như đời mình luôn ở cận kề bên bản lề những biến cố thời cuộc. Lúc nào chàng cũng cam chịu những âm hưởng chói tai từ những mâm pháo hệ lụy thời cuộc ngoài ý muốn của chàng. Thư không thích cuộc sống bon chen, dễ bị va chạm với tha nhân mà chỉ muốn thu mình trong môi trường giáo dục ở xã hội chữ nghĩa văn chương. Không gian thường nhật của Thư, chàng chỉ đơn giản mong là học đường với trường lớp bình lặng và những học trò – những linh hồn trinh trắng ngây thơ vỉ bản thân chàng tự nhận mình như một tên phu chữ.

Vậy mà cuộc đời đã không cho mình được thỏa mãn với những điều như Thư hằng mơ ước. Yêu trường lớp, thương học trò, thế mà Thư vẫn phải rời học đường xa tuổi trẻ vì thời cuộc để chịu sống lầm lũi trong hoàn cảnh bất phục tùng. Gần mười năm chàng mới đủ điều kiện để trở lại mái trường, cầm phấn trắng đứng trước bảng đen, nhìn lại những khuôn mặt đáng yêu của đám học trò. Trong khi đó, quê nhà vẫn chìm trong khói lửa, đồng bào ngày đêm cũng còn phải hứng chịu đạn bom của bọn viễn chinh.

Tiếng sấm thứ ba bất thình lình nổ vang trời dậy đất đánh thức bọn ngoại lai trên đất tổ vua Hùng là những tràng đại bác chính nghĩa của những chiến sĩ giải phóng vào mùa xuân Mậu Thân lịch sử (1968) – Tiếng sấm yêu nước của những dũng sĩ khuôn mặt trẻ măng với chiếc mũ tai bèo mềm mại dễ thương, chân trần mà chí thép, với vũ khí thô sơ mà làm kinh hồn cả lầu Năm Góc! “Những chàng trai chân đất / Sống hiên ngang, bất khuất trên đời / Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi…“(Tố Hữu). Tiếng sấm thứ ba là tiền đề, điệp khúc của tiếng sấm thứ tư Đại thắng Mùa Xuân 1975.

Tiếng sấm thứ tư trong đời Minh Thư là giai điệu bản Hùng ca Đại thắng Mùa Xuân 1975. Đó là chiến thắng mà chàng coi như là thành quả của một sự nghiệp chiến đấu chung cục vĩ đại và anh hùng nhất của nhân dân trong một phần tư thế kỷ tóc tang vì binh lửa: “Rực rỡ sao vàng, mai vĩ đại / Năm cánh xòe lên chính cửa sông” (Ngũ Lang). Sự kết thúc vẻ vang chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là sự chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa phi nhân của đế quốc vô cớ tàn ác gây ra trên đất nước Việt Nam. Kẻ gây ra cuộc chiến tàn khốc này sẽ phải chịu trách nhiệm lịch sử trước nhân dân thế giới với thế hệ muôn đời sau…. Bỏi kẻ thù đã để lại hệ lụy đau thương chết chóc lên đến đỉnh điểm có thể kéo dài trong nhiều thế hệ cho người Việt Nam nhất là ở các vùng nông thôn, làng bản xa xôi mà chúng nghi là nơi ẩn náu của thế lực đối dịch nguy hiểm của chúng.

Tiếng sấm mùa thu năm xưa ròn rã như tràng pháo xuân vẫn còn đọng mãi những âm vang bất tuyệt trong lòng dân tộc. Đêm Trung thu hôm nay trời không đổ mưa trên không gian thành phố yêu thương. Thư ước mơ sao có được một màu trăng đẹp như người xưa: “Xuân hoa thu nguyệt” (Hoa là của mùa xuân và trăng của mùa thu), chàng lẩm nhẩm: “Đêm nay trăng rụng về bên ấy / Gác trọ còn nguyên gió thất thình” (Nguyễn Bính). Nhưng chao ôi! Sao cả ngày lẫn đêm, đường phố vắng tanh như sa mạc, chỉ rải rác đó đây mấy ốc đảo là những khu rào giãn cách trong mùa dịch. Lững thửng vài anh dân phố trốn đời sau chiếc khẩu trang lam nhạt dưới vầng trán trầm tư hằn in dấu thời gian. Thư bất chợt lại cảm thấy thèm cái không khí rộn ràng của một mùa thu yên bình với hương vị bánh trái và sắc màu những chiếc đèn lồng tuổi thơ lung linh ánh sáng. Và những thiên thẩn tuổi nhỏ ở trần gian tung tăng trên đường phố: “Tết Trung thu, em đốt đèn đi chơi / Em đốt đèn đi khắp phố phường”.

N.T