Tiếng Việt… rắc rối? | Hoi Nha Van Thanh Pho Ho Chi Minh

483

11.12.2017-07:30

NVTPHCM- Tiếng Việt nhiều khi rắc rối, mà rắc rối trước tiên đó là chính tả. Một tác phẩm văn thơ thường hay bị soi mói cái rắc rối đó trước tiên, rồi từ suy luận, người ta nhanh chóng chuyển thành suy diễn để nhận xét cả một tác phẩm.

 

Chữ “dòng” hay “giòng” chẳng hạn: dòng sông hay giòng sông? Dòng dõi hay giòng dõi?

 

Vì ngôn ngữ còn có khi biến hoá nên cũng khó để cho vào “khuôn phép”, mà người đời thường có khuynh hưóng dễ dãi, chỉ căn cứ vào người đi trước viết thế nào, rồi cứ thế viết theo. Ngôn ngữ có tính “linh động”, ước lệ, nên cứ dùng nhiều thành ra… đúng. Đúng Sai có những trường hợp thật quả là khó nói.

 

Trong khi đó, người đọc lại hay có khuynh hướng phê phán – thậm chí phê phán một cách vội vã, hoặc tỉ mỉ một cách không cần thiết, nhưng lại không quán triệt mọi khía cạnh. Đã thế, còn có những trường hợp ý kiến của nhiều người chẳng qua chỉ là… lặp lại ý kiến của một người, thay vì có nhận xét riêng. Cái nhìn, do đó chưa đưọc thấu đáo.

 

Nhưng cũng có trường hợp Đúng Sai về chính tả nhận ra rất rõ. Ví dụ, chữ “hiu hiu để chỉ gió thổi nhè nhẹ, thoang thoảng. Mà nếu viết là “hiêu hiêu” thì quả là sai (“hiêu hiêu” để chỉ thái độ tự đắc, ngạo mạn).

 

Ngủ “thiu thiu”… không thể viết là “thiêu thiêu” (thiêu đây là đốt, khác hẳn với “thiu thiu ngủ”, hay “buồn thiu”, “thịt thiu”…

 

Tiếng Bắc có thể coi là “chuẩn” cho cả nước, nhưng cũng không phải là đã thập phần hoàn hảo. Vì khi viết thì thường là đúng, các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã… rất chính xác. Tuy nhiên, khi nói hay đọc, người Bắc thường không phân biệt rõ những chữ như s-x, ch-tr, r-gi-d. Ở một số vùng, lại còn lẫn lộn chũ l-n. Có điều, nếu đọc không phân biệt được, mà viết vẫn đúng thì không thành vấn đề, vì ý nghĩa vẫn bảo đảm.

 

“Rượu” phát âm giọng Bắc nghe như “diệu”, sai chút không sao, người ta vẫn có thể hiểu được. Nhưng nếu viết là “uống… diệu” là không đúng. Hay, nếu là người Bắc như tôi, mà đọc “ruợu” là “dượu” (chữ “r” thành chữ “d”), nói đã sai rồi, mà khi viết tôi cũng viết sai: Tôi thích uống… diệu vang thì coi không được tí nào.

 

Cái sai phổ biến nhất là chữ l-n. “Đi lối này” mà viết thành “đi nối này” trên bảng chỉ dẫn cho khách đi đường. Nói sai thì còn thông cảm đuợc, nhưng viết sai thì khó chấp nhận. Những người trẻ lớn lên sẽ học ngay cách viết ấy, nếu không lưu ý, không khéo sẽ trở thành… truyền thống mất! Quả là không có lối thoát.

 

Tiếng Nam, tuy không có cái sai giống như thế, nhưng lại sai ở chỗ khác. Những chữ đọc sai, nhiều khi đưa đến viết sai thông thường là hỏi, ngã, v d, c-t; qu-gu. Đặc biệt, những chữ khó phân biệt đối với đa số người Nam, là những phụ âm cuối n hay ng. Chẳng hạn, hai chữ choán (không có g ở cuối) và chữ choáng (có g): Chữ “choán ngợp” đọc sai, rồi viết sai thành “choáng ngộp”; “choáng váng” thành “choán ván”; “uốn nắn” viết thành “uống nắng”; “ngắt” viết ra “ngắc”: “Ta ngắt đi một chùm hoa thạch thảo” mà lại viết là “Ta ngắc đi…”, thì kể cũng “tội” cho ngôn ngữ. Cho nên, lưu ý cách viết cho chính xác rất quan trọng. Biết, để sẽ không bị sai, chứ không phải để phê phán. Lại càng không nên để cho cái chủ quan của mình… tác động lên những gì mình nhận xét.

 

Nhưng điều quan trọng tôi muốn nói ở đây là dù tiếng Nam hay tiếng Bắc, dù nói đúng hay nói không chính xác đi nữa, vẫn có thể chấp nhận được. Và hơn nữa, vẫn có thể cảm thông được với “tính cách địa phương” của ngôn ngữ một vùng (phương ngữ), dù là cùng trên mảnh đất quê hương. Miễn là, khi viết, phải cần viết đúng. Nếu không, sẽ vô nghĩa hoặc hoá ra nghĩa khác, làm sai ý của người muốn viết, hay muốn nói. Đọc sai cũng còn có thể chấp nhận được, chứ viết sai: “Tôi ăn cơm… gồi” thì làm sao hiểu?

 

Thực ra, ngôn ngữ nào cũng có những cái rắc rối… lặt vặt như thế. Và những nhận xét trên đây chỉ là tổng quát. Ngoài ra, vẫn có những ngoại lệ. Đã có những trường hợp, người Trung hay người Nam viết chính tả rất chính xác, dấu hỏi dấu ngã đâu vào đấy, “n” hay “ng” đặt đúng chỗ… Cho nên cũng còn tuỳ. Nói chung, theo quan điểm cá nhân, người viết cần viết cho đúng, chính xác về ngữ vựng (vocabulaire) trước tiên. Còn văn phong lại là chuyện khác. Gọn gàng, nhưng không có nghĩa là phải đóng khung, cứng ngắc. Nhất là khi luận bàn văn chương thôi, chưa nói đến phê bình văn học, thì cũng chẳng nên phê phán theo kiểu “tầm chương”, dễ trở thành máy móc, mà không khéo sẽ trở thành… hết cả văn chương.

 

Tôi quan niệm đơn giản, đọc một áng văn, tôi thích có một cái nhìn “thoáng” hơn, để còn chú ý đến cái hồn của bản văn. Tôi thường chú ý nhiều về tư tưởng, tình cảm gói ghém trong đó. Và, lẽ dĩ nhiên là cách viết văn có hay, có khúc chiết, lôi cuốn hay không.

 

Nhưng nếu viết sai chính tả trầm trọng đến nỗi làm sai ý câu văn, hoặc cả đoạn văn. Hoặc bản văn ấy, chữ dùng tối nghĩa, khiến cho người đọc hiểu mập mờ thì có thể coi là không chấp nhận được.

 

Mặc dù không chấp nhận những kiểu viết bừa bãi, sai chính tả trầm trọng, tôi vẫn dành sự thông cảm cho những tiếng điạ phương, những chữ cổ, và không tính (count) những tiếng lóng (slang). Viết sai là do cách đọc sai, do giọng nói điạ phương là điều có thể chấp nhận được. Nêu lên những vấn đề trên về ngôn ngữ Việt Nam không phải để phê phán mà là để lưu ý và ngăn ngừa cho cái sai khỏi phổ biến ngày càng trầm trọng. Bởi lẽ địa phương nào cũng có cái sai, cái đúng, nên phải rất tinh tế. Chỉ cần một chút quan tâm với ngôn ngữ Việt cũng đủ ý thức được trách nhiệm trong lời nói và chữ viết hàng ngày. Và mặc dù ngay chính bản thân có tự tin đi nữa, cũng vẫn phải cẩn thận… cho chính mình. Nhưng quan tâm thế nào cho chính đáng? Một áng thơ nổi tiếng như Truyện Kiều mà cũng đã từng bị người ta đem ra mổ xẻ bằng một cái nhìn méo mó, và đòi phải sửa thế này hay thế kia xem ra đã là quá đáng.

 

Đứng về mặt ngữ học mà nói thì vì ngôn ngữ bao giờ cũng có tính cách phổ biến và ước lệ, nên có những trường hợp một chữ dùng mới đầu có thể không đúng, nhưng vì “đại chúng” dùng nhiều, dùng miết thành quen. Thế là “người đúng” không kịp… lên tiếng thì chữ dùng “sai” hay “thiếu chính xác” kia dã bay quá xa, thế là đành chấp nhận luôn… Từ đó, chữ đó trở thành thứ ngôn ngữ được dùng trong đời sống và khi viết cũng viết (sai) như thế….

 

Giá như Việt Nam có được một quy luật cụ thể về ngôn ngữ thì còn gì bằng.  Vì như vậy chỉ việc căn cứ vào đó để tìm ra đáp số, đỡ mất công phải tìm kiếm. Nhưng điều này nếu có thì lại… “phản ” với quan điểm ngữ học (là ngôn ngữ đôi khi không cố định, hay bất biến mà là ước lệ, và thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh).

 

Xét cho cùng thì ngôn ngữ chỉ có tính tương đối. Những chữ mới “sáng tạo” mà không có nghĩa lắm, thì dù có phổ biến đưọc một thời gian, từ từ cũng sẽ bị… đào thải.

 

Trở lại với chữ “dòng” hay”giòng”, nếu suy ra từ chữ Nôm thì dùng chữ “dụng” thêm bộ “thuỷ” vào thì thành chữ Nôm “dòng” nghe có lý hơn là “giòng”.

 

Mặc dù tôi vẫn quen dùng với chữ “dòng” để chỉ “dòng sông” hay “dòng đời.”. Và chữ “giòng’ để chỉ giòng dõi”. Tuy nhiên, theo thiển ý, dù là “giòng đời” hay “dòng dõi” cũng vẫn được. Điều quan trọng là không sai về ý nghĩa.

 

Văn chương có cái… phiền là không chính xác như Toán, để có thể kết luận là “dòng dõi” hay “giòng dõi”, “dòng sông” hay “giòng sông” là sai hay đúng.

 

Dùng suy luận toán học Đúng-Sai về “dòng” hay “giòng” để kết luận về một tác giả, hay giá trị của toàn tác phẩm thì e rằng hơi vội vã, và không chính xác. Ý nghĩa là quan trọng trong trường hợp này.

 

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG

 

 

>> XEM TIẾP NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC…